Friday, October 28, 2011

Chương 7A / Trại tập trung Nam Hà 1

- bảy -

Trại tập trung Nam Hà.

*****

Xin quí vị quí bạn vui lòng ngược dòng thời gian vào chiều ngày 08/04/1978, tại trại 2 Liên Trại 1 Đoàn 776, ở vùng rừng già bờ nam Sông Hồng, cách thị xã Yên Bái khoảng 6 cây số. Tất cả tù chính trị chúng tôi được lệnh ra khu vực lao động mang tất cả dụng cụ về trả kho, và chuẩn bị chuyển trại. Vậy mà buổi sáng, tên quản giáo còn ra lệnh cho Tổ chúng tôi:
“Các anh sang Tổ bên kia đòi lại 10 hốc bí đỏ, tiêu chuẩn của hai anh bên đó chuyển sang Tổ bên này”.
Trước khi chúng tôi đi, hắn còn nhấn mạnh:
“Trong ngày mai, các anh phải hoàn tất chỉ tiêu đã giao”.  
Chúng nó đánh lừa chúng tôi để bảo mật đó. Với cái lệnh chuẩn bị chuyển trại, tội cho các anh Tổ nhà bếp là vất vả nhất, vừa nấu cơm buổi chiều lại vừa nấu cơm cho cả trại để ăn dọc đường vào ngày mai. Khẩu phần mỗi người là bốn củ khoai mì với gói thịt chà bông mà họ gọi là ruốc, mặn ơi là mặn cho bữa ăn sáng , và một chén cơm nếp với một miếng thịt heo ram mặn bằng ba ngón tay cho bữa ăn trưa trên đường chuyển trại.
Đêm đó hầu như anh em chúng tôi ngủ rất ít, vì cái số phận long đong cứ vật vờ trước mắt, nhưng lần này chẳng anh nào bàn luận như lúc ở trại tập trung Tam Hiệp trước  khi chuyển ra Bắc hồi giữa tháng 6 năm 1976. Dường như chúng tôi có chút kinh nghiệm về bọn chúng nó mỗi khi chuyển trại!
2 giờ sáng. Đám quản giáo với võ trang vào các lán trại gọi chúng tôi dậy:
“Các anh mang tư trang tập trung tại hội trường”.
Một cái lệnh khô khan vang vọng cả trại 2. Bọn chúng tổ chức mỗi xe chở 30 tù chính trị. Có hơn chục anh từ trong trại 3 chuyển ra nhập vào trại 2 chúng tôi. Nghĩa là trại 2 và trại 3 cùng chuyển trại.
Hì hà hì hục dưới cơn mưa lất phất đủ làm cho mọi người ướt loi ngoi lóp ngóp khi đến nơi xe đậu. Chẳng biết ngẫu nhiên với thời tiết, hay thời tiết muốn thử sức chịu đựng của chúng tôi thêm hay không, mà cứ mỗi lần chuyển trại trong vài năm qua đều tay xách nách mang dưới cơn mưa nhè nhẹ! Trời mờ sáng, đoàn xe lăn bánh. Trại 2 đi trước với 5 chiếc Molotova già cỗi. Đến Sông Hồng ngang thị xã Yên Bái, chúng tôi xuống xe, đi bộ lên phà. Sang bên kia bờ. Trong khi đứng chờ xe từ phà lên, rất đông người dân Yên Bái đứng dọc đường nhìn chúng tôi với thái độ hoàn toàn trái ngược với gần hai năm trước. Rõ ràng là người dân nơi đây có thiện cảm với chúng tôi sau thời gian họ có cơ hội tiếp xúc với chúng tôi. Khi đoàn xe lăn bánh, hầu như tất cả già trẻ lớn bé, đều giơ tay cao vẫy vẫy như một cử chỉ thân thiện khi tạm biệt. Vậy là cộng sản đã thất bại, vì họ đã tuyên truyền trong mục đích tạo dựng hình ảnh chúng tôi như những con người tàn bạo đến mức ăn thịt con nít để được thăng cấp, nhưng giờ đây qua thái độ cũng như hành động của những người tù chính trị chúng tôi, đã đánh bại nỗ lực của cộng sản trong lòng người dân vùng rừng núi Tây Bắc Hà Nội.
Tại Yên Bái, có thêm anh Nguyễn Văn Thọ (Đại Tá Nhẩy Dù, bị chúng nó bắt trong trận Hạ Lào đầu năm 1971) lên xe chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi mới biết là đám quản giáo trong trại 2 lẫn trại 3 đã nói dối với chúng tôi, khi bọn chúng ra cái điều khoan hồng nhân đạo là mặc dù anh Thọ gây tội ác tầy trời, nhưng đảng với nhà nước của chúng đã thả về nhà rồi. Đúng ra bọn chúng phải trao trả anh Thọ theo điều khoản trao trả tù binh ghi trong Hiệp Định Paris ngày 27/01/1973, thế nhưng bọn chúng ngoan cố không trao trả, nay còn nói là khoan hồng nhân đạo. Bản chất của cộng sản là gian trá mà! Trước đây anh Thọ là tù binh, sau tháng 4 năm 1975 anh trở thành tù chính trị như chúng tôi mà bọn chúng vẫn gọi là học tập cải tạo! 
Trong năm 1955 và 1956, tôi với anh Thọ cùng là Trung Úy, cùng phục vụ tại Trung Đoàn 35 Sư Đoàn 12 Khinh Chiến. Cuối năm 1955, Trung Đoàn 35 đồn trú ở Cheo Reo (sau này là tỉnh Phú Bổn), đầu năm 1956 chuyển đến doanh trại cạnh đồn điền trà Catecka, cách Plei Ku trên dưới 10 cây số về phía Tây. Năm 1957, anh Thọ chuyển sang Nhẩy Dù, tôi vẫn phục vụ ở Trung Đoàn 35 Bộ Binh.
Trên hành trình, tôi ăn hết mấy củ khoai mì với cái túi thịt chà bông quá mặn. Giữa trưa, đoàn xe dừng lại đoạn đường trống trải cả hai bên. Mọi người xuống xe ăn trưa. “Cai tù” ăn theo cai tù, tù ăn theo tù. Anh Trần Văn Lễ đưa tặng tôi mấy củ khoai mì, vì anh bị bệnh trỉ mới thuyên giảm nên không dám ăn những thức ăn có chất xơ. Cũng nhờ mớ khoai mì “tăng viện” này cộng với chén cơm nếp mới giải quyết ổn thỏa cái bao tử của tôi. Chẳng biết tại sao lúc nào tôi cũng cảm thấy đói c ả.
 Trong lúc ăn trưa, ngồi nhìn đoạn đê ngăn nước Sông Hồng làm tôi chợt nhớ đến cuối những năm 30 khi ấy tôi học lớp élémentaire (lớp nhất trường làng), trong quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” xuất bản trên đất Bắc. Đa số các bài học đều mô tả sự kiện và con người miền Bắc, trong đó có nói về hệ thống đê điều và mục đích của nó đối với sinh hoạt nông thôn vùng đồng bằng Sông Hồng. Bây giờ tôi mới thấy tận mắt. Nếu dùng kích thước của những bờ đê trên đồng ruộng miền Nam để nói, thì hệ thống đê điều miền Bắc quả là qui mô hơn tôi nghĩ. Cũng từ nét nhìn này, tôi mới hình dung được sức tàn phá bên trong đê khi đường đê bị đứt đoạn.
Xế chiều, đoàn xe qua cầu Long Biên ngang Sông Hồng, vào thành phố Hà Nội. Nhưng đoàn xe chỉ chạy trên những con đường ven ngoại ô, nên chẳng thấy phố phường Hà Nội ra làm sao cả, nơi mà những năm 30-50 nổi danh với 36 phố phường và 5 cửa ô. Đoàn xe tiếp tục trên quốc lộ 1 hướng xuống Nam Định. Đến thị xã Phủ Lý, rẽ phải, và dừng lại ngay trước khi đến chiếc cầu phao ngang sông Đáy. Người dân từ những dãy phố lụp xụp túa ra nhìn từ phía sau xe vì hai bên bị phủ kín bằng “tấm bạt”. Nhóm thanh niên nam nữ tuổi choai choai, đứng sau xe chúng tôi, họ chỉ chỏ:
“Bọn Pôn Pốt đó”.
“Chúng nó nói tiếng Việt mà Pôn Pốt gì”.
“Bọn Pôn Pốt cũng nói tiếng mình chứ”.
“Không phải đâu. Người ta nói bọn Pôn Pốt đen và xấu lắm, còn bọn này giống Việt Nam mình”.
“Này. Ngụy đó. Đừng nói lớn, chúng nó nghe đấy”.
Anh em chúng tôi không ai nói gì đến đám choai choai hỗn xược đó, vì hai thằng võ trang ngồi trên tấm bửng xe đang lườm mắt trong khi vẫn ghìm súng vào chúng tôi trong lòng xe.
Đoàn xe tiếp tục hành trình sau khi qua chiếc cầu phao. Điều lạ là cuối đoàn xe có chiếc xe chở toán Công An mặc đồng phục vàng. Tôi kề tai nói nhỏ với anh Đặng Văn Hậu (Đại Tá Không Quân):
“Hậu ơi! Liệu có phải tụi mình vô tay đám Công An này không?”
“Tụi mình mà vô tay bọn Công An thì khốn nạn với chúng nó đấy”.
“Anh thử đoán xem có phải chúng mình vào tay Công An không?”
“Ai mà biết được cái bọn này. Tớ là người Bắc, dòng họ của tớ ngoài Bắc vô Sài Gòn sau khi mình sụp đổ, họ nói về cái bọn Công An mà dân của họ ngoài Bắc còn chịu không nỗi, tụi mình mà vô tay chúng nó thì khốn khổ là cái chắc!”
Theo đường liên tỉnh 21 có đoạn song song với Sông Đáy về hướng tây bắc, cả đoạn đường này xấu quá nên đoàn xe chạy rất chậm. Đến một đoạn quanh khá rộng và trống trải, tôi khều anh Hậu:
“Hậu. Sao đoàn xe bây giờ còn có mấy chiếc hà. Lúc qua Sông Hồng ở Yên Bái, mình trông thấy mười mấy chiếc lận mà”.
“Chắc nó còn đằng sau chớ đâu”.
Đến đoạn đường quanh gần như chữ U, tôi lại khều anh Hậu:
“Hậu. Vùng rừng núi này mà sao có khu nhà ngói bên kia thung lũng giống như trại lính kìa Hậu”.
“Ừ nhỉ!”

Nam Hà: Giai đoạn 1978-1981

Khoảng nửa giờ sau đó, đoàn xe dừng lại trước cổng khu nhà ngói mà lúc nảy tôi với anh Hậu trông thấy. Nhìn lên tấm bảng có dòng chữ “Trại tập trung cải tạo Nam Hà”. Đoàn xe 5 chiếc Molotova vào hẳn bên trong. Dừng lại giữa cái sân khá rộng, nền đá nên có phần sạch sẽ.
“Các anh mang tư trang xuống xe”.
Cái lệnh đầu tiên của đám Công An rất khô. Ngay sau đó, bọn Công An dẫn các bạn trong 4 xe đầu vào buồng giam số 15 và 16. Còn các bạn trên xe cuối cùng là 27 người -tôi trong số này- bọn họ dẫn vào buồng giam số 5. Lúc ấy cửa khóa, chúng tôi ngồi bên ngoài. Một tên Công An nhỏ nhắn đến cho biết:
“Nhà bếp đang chuẩn bị cơm cho các anh. Có một điều tôi cần báo cho các anh biết, bữa ăn hôm nay là bữa ăn đột xuất,  từ mai trở đi các anh sẽ không có những bữa ăn như thế. Ngày mai, các anh làm những thủ tục theo qui định. Tiếp đó sẽ học nội qui của trại, và sẽ đi lao động như các đội khác”.
Nói xong, hắn chắp tay sau đít, ra cửa khuôn viên buồng giam.
Vẫn ngồi ngoài cửa. Mấy anh tù hình sự đem cơm tới. Bữa ăn ngoại lệ này mà tên Công An vừa nói là “đột xuất”, gồm có cơm trắng + canh bắp cải + su hào xào thịt heo. Chia xong, mỗi khẩu phần được gần hai chén cơm, nửa chén canh mà trong đó có 6 miếng bắp cải, khoảng chục lát su hào cùng với 2 miếng thịt lớn bằng hai ngón tay kẹp lại. Nhưng khẩu phần ngoại lệ ít ỏi này lại là sự thèm thuồng của các bạn đằng sau hàng song sắt, vì khi phân chia xong thì hai bạn từ bên trong đưa cái chén nhỏ ra xin mấy lát su hào với một miếng thịt bé xíu còn dính bên hông cái chậu nhỏ! Vài bạn trong số chúng tôi moi ra từ trong những cái túi cái bịt được mấy củ khoai mì bắt đầu “đổ mồ hôi”, mà các bạn đằng sau hàng song sắt tranh nhau nhận lấy và ăn ngấu nghiến ngon lành!  Điều này báo hiệu cho chúng tôi biết ăn uống ở trại tập trung này chắc chắn là tệ hơn trại tập trung Yên Bái nữa, và nó sẽ là hình ảnh của chúng tôi trong những ngày sắp tới!
Một tên Công An cầm xâu chìa khóa thật lớn vừa đến. Sau hai tiếng lách cách, cửa buồng giam mở ra. Hắn đứng ngay cửa:
“Các anh từng hai người một, từ từ đi vào”.
Đếm đủ. Ngay tức thì, tiếng cánh cửa ập vào, âm thanh réc-réc của thanh sắt đẩy ngang, tiếng ống khóa “crắc” khô khan. Thế là 27 anh em chúng tôi đang ở đằng sau hàng song sắt, nếu nhìn từ chỗ chúng tôi ăn cơm lúc nảy! Việc đầu tiên là phân chia chỗ nằm. Các bạn trẻ trong buồng giam chia cho chỗ nào thì nằm chỗ đó, cho nên anh em chúng tôi nằm rải rác, người trên nền xi măng, người trên gác bằng ván. Cũng may là tôi + anh Huỳnh Thanh Sơn + và anh Đặng Văn Hậu, nằm cạnh nhau trên sàn gác. Vẫn là những cái cõi không gian bé tí. “Nhập buồng giam, tù mới tùy thuộc tù cũ” mà! Vài nét sơ khởi: Buồng giam -bọn Công An gọi như vậy- có 5 gian thì 4 gian là chỗ nằm, gian còn lại là chỗ vệ sinh kể cả cầu tiêu có thùng chứa. Vừa trệt vừa trên gác, có 18 cửa sổ kể cả cửa sổ ở đầu hồi, với những song sắt tròn và lớn. Lần đầu tiên tôi nhận ra cảm giác sợ hãi khi thấy mình bị khóa chặt trong bốn bức tường đá tảng chật hẹp này! Nhưng sau một ngày dằn xốc và ướt át, chúng tôi cũng có giấc ngủ qua đêm.
Tiếng kẻng đánh thức khi trời mờ sáng, tôi nói với anh Hậu:
“Hậu ơi! Cứ mấy bạn ấy làm sao thì mình làm vậy cho chắc ăn nghe Hậu”.
‘Tù mới phải theo tù cũ mà. Cứ thế ta làm thôi”.
Nhưng đâu phải cứ tù cũ làm gì thì tù mới làm theo được, chẳng hạn như các bạn tù cũ có để dành nước sáng rửa mặt rửa mũi, trong khi tù mới chúng tôi không một ai có lon nước nào cả. Thế là đành phải chờ ra cửa hẳn hay.
Trông thấy các bạn tù cũ ghi danh lia lịa, tôi hỏi:
“Xin lỗi, các bạn ghi danh sách gì vậy? Chúng tôi có cần ghi vào đó không?”
“Chúng tôi ghi bệnh, mấy chú có cần ghi không?”
“Cám ơn. Ba anh em chúng tôi không sao”.
Tiếng khóa lách cách ngoài trước. Tiếng réc réc của thanh sắt kéo qua. Cửa mở. Một bạn tù cũ nghe các bạn khác gọi là “buồng trưởng” bước ra trước, đứng đối diện với tên Công An mà các bạn tù cũ gọi là “cán bộ trực trại”:
“Bác cáo cán bộ. Buồng 5 tổng số 47, kể cả số mới đến đêm qua. Chờ lệnh cán bộ”.
“Được. Cho ra”.
Thế là từng đôi hai người ra cửa. Đôi đầu tiên ra đến bờ tường thì đứng lại, chờ hắn đếm xong và đủ mới cho tan hàng.
Nhà bếp đẩy xe nước đến, hai phích nước (x 10 lít) còn nóng vừa để xuống là bà con tù trong buồng giam, nhanh tay lẹ chân đem lon guigoze đem ca ra nhận phần nước của mình, do một bạn tù có trách nhiệm “trực buồng giam” phân chia, mỗi người nửa lon guigoze. Nước thì nóng nhưng không ai biết có sôi hay chưa, với lại đục ngầu, dẫu sao thì cũng có nước đánh răng rửa mặt còn hơn không. Sau khi nhận phần nước xong, bạn nào có ghi tên khám bệnh phải nhanh chân lẹ tay chạy ra “câu lạc bộ” để được bác sĩ khám sơ sơ rồi về nghỉ. Nếu bác sĩ thấy cần cho bệnh nhân ăn cháo thì bác sĩ cung cấp danh sách cho nhà bếp. Bác sĩ nói ở đây cũng là tù chính trị chớ chẳng ai khác, nhưng vì đông quá mà chỉ có thời gian 30 phút để khám hằng mấy chục bệnh nhân của cả trại, nếu không khám sơ sơ thì lấy đâu ra thời gian. Còn thuốc thì dễ lắm, bất cứ bệnh gì cũng chỉ có thứ thuốc duy nhất là “xuyên tâm liên”, bác sĩ không cần phải suy nghĩ gì cả. Từ sự kiện cả xã hội chỉ có một thứ thuốc duy nhất cho mọi thứ bệnh, tôi nghĩ là đất Bắc Xã hội chủ nghĩa 20 này không có trường đại học dược khoa, vì đâu cần bào chế thuốc men gì mà cất trường cho tốn kém.
Tiếng kẻng xuất trại vang vang thúc giục mọi tù nhân chính trị lẫn hình sự, ra sân tập họp để bọn Công An trực trại điểm số xuất trại lao động. Khi trực trại cho Đội nào xuất trại thì cán bộ quản giáo và võ trang Đội đó đến nhận ra cổng. Tôi đứng trên gác đầu buồng giam số 5 nhìn ra sân xem quang cảnh xuất trại lao động mà trước sau  gì cũng đến lượt chúng tôi. Sau khi hỏi qua anh bạn trẻ trong toán “trực buồng”, được biết vài nét sinh hoạt nơi đây:
Trại này do Công An quản trị và là trại tù chuyên nghiệp chớ không như trước đây do quân đội quản trị. Tổ chức tù chính trị lẫn hình sự gọi là Đội, mỗi Đội cũng có quản giáo với võ trang, nhưng hai tên này chỉ quản trị Đội khi xuất trại lao động, còn khi vào trong trại thì toán Công An trực trại quản trị. Ngoài ra còn có tên Công An quản trị buồng giam trong hệ thống tổ chức của toán trực trại nữa. Nghĩa là mỗi Đội tù chịu sự quản trị của 3 hệ thống: Cán bộ buồng giam, cán bộ trực trại, và cán bộ lao động. Chưa hết, còn có cán bộ văn hóa và cán bộ giáo dục chung cho cả trại nữa. Tổ trưởng trực trại lúc ấy là tên Trung Úy Thịnh mà các bạn tù cũ gọi là “Thịnh khuỳnh”, vì lúc đi hai cùi chỏ của hắn khuỳnh ra. Các bạn cho biết hắn là hắc ám nhất ở trại này để mà đề phòng khi đối đầu với hắn. Nói chung, tất cả những tên Công An trong 3 nhóm quyền lực trên đây, đứa nào cũng có quyền chửi bới hành hạ tù cả.
Mỗi buồng giam có một khuôn viên riêng, có khóa cửa hẳn hòi. Như vậy, có 3 lần khóa: Khóa cổng trại. Khóa cổng khuôn viên buồng giam. Và khóa cửa buồng giam.
Khi các Đội xuất trại xong, hai bạn trực buồng giam dùng đòn gánh khiêng thùng phân bắc xã hội chủ nghĩa ưu việt xuống triền đồi đổ vào cái hộc lớn chứa loại này. Các Đội trồng rau mà họ gọi là tăng gia từ dưới thung lũng lên đó khiêng xuống khu vực trồng rau, cho nước vào quậy tan ra và tưới lên rau trái. Nước tiểu thì chảy theo cái cống nhỏ dẫn xuống hộc chứa cạnh hộc chứa phân bắc. Khi đi cầu, bỏ cả giấy vào cái thùng chứa phân bắc, và vì không có nước để dội nên mùi nước tiểu lẫn mùi hôi phân bắc xã hội chủ nghĩa tràn vào các gian nằm của tù!  
Cơm ăn hằng ngày là độn 100%, hay nói cho đúng là ăn toàn bo-bo mà bọn chúng gọi là “mì hạt”. Bo-bo là loại thực phẩm thế giới dành nuôi gia súc, nhất là ngựa. Thức ăn hắng ngày thường là vài lát su hào với mấy cọng rau lênh đênh trong chén nước gọi là canh. Đội nhà bếp khiêng lên giao các toán trực buồng giam và toán này phụ trách phân chia.
Gần cổng trại có cái giếng rất lớn nhưng rất cạn, cái giếng cạnh buồng giam số 17 & 18, và cái giếng cạnh lối đi vào trạm xá ở cuối một góc trại. Đó là 3 nguồn nước cho tất cả tù chính trị lẫn tù hình sự lúc ấy vào khoảng 800 người sử dụng. Nhà bếp có giếng riêng.
Ban ngày lẫn ban đêm, khi nói chuyện với nhau phải cẩn thận nhất là ban đêm, vì lính Công An tuần tiểu bên ngoài các buồng giam. Đang nói chuyện với anh bạn trẻ trực buồng giam thì tên quản giáo bước vào:
“Các anh đến chiều qua, khẩn trương ra câu lạc bộ làm thủ tục”.
Gần 200 Đại Tá từ buồng giam số 5, 15, và 16, ra gian nhà xiêu vẹo mà họ gọi là câu lạc bộ, ngồi trên các thanh gỗ gác trên nền mặt xi măng loang lỗ, một lô Công An cả nam lẫn nữ ngồi trên các băng dài. Tên Công An Trại Trưởng nghe như là tên Xuyên, hắn có hàm răng hô hết tầm mức, đứng sau bục gỗ nói oang oang: Nào là Việt Nam ta anh hùng, dân tộc ta anh hùng, chủ nghĩa xã hội là khoa học, là ưu việt, ngọn cờ Mác Lê là bách chiến bách thắng, ..v..v… Thật ra trong vài năm qua, đây là thứ bài bản mà từ tên ngồi trên chót vót xuống đến tên quản giáo quèn, đều học thuộc lòng để phun ra với những ai trước mặt như tù chính trị chúng tôi hôm nay chẳng hạn. Đến đoạn cuối, hắn ra lệnh:
“Để sớm có tiến bộ, các anh phải chấp hành mệnh lệnh của cán bộ đây (vừa nói hắn vừa chỉ vào mấy tên Công An đứng cạnh). Các anh phải gọi các sĩ quan và chiến sĩ là cán bộ. Các đồng chí này trẻ tuổi, nhưng đầy đủ phẩm chất và đạo đức cách mạng, để giúp các anh học tập và lao động tiến bộ. Khi muốn báo cáo với cán bộ, các anh phải đứng xa 6 mét. Đó là lệnh, các anh phải chấp hành cho tốt”.
Hắn nói xong, dù muốn hay không muốn, tù chính trị cũng phải vỗ tay vì hắn vỗ tay trước, rồi đám Công An vỗ tay theo. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, các cấp lãnh đạo lớn nhỏ của họ, mỗi khi phun xong một đoạn trong bài bản thuộc lòng nào đó thì ngưng lại và tự họ vỗ tay trước, cử tọa buộc lòng vỗ tay theo. Lại phun tiếp.
Đến thủ tục bàn giao tù, hồ sơ, và những gì mà chúng tôi buộc phải gởi họ lúc ở trại tập trung Yên Bái. Riêng thuốc tây  họ hoàn lại cho từng người tự cất giữ. Ba con bé Công An tuổi khoảng 19-20, mỗi đứa một chồng hồ sơ, gọi từng người mà tôi là trường hợp điển hình để ghi lại đây:
“Phạm Bá Hoa”.
“Có”. Nói xong, tôi đứng dậy đến trước mặt con bé trông khá sạch sẽ.
“Tên gì?”
“Phạm Bá Hoa”.
“Năm và nơi sinh?”
“1930, tại Sóc Trăng?”
“Sóc Trăng ở đâu?”
“Sóc Trăng ở Sóc Trăng”.
“Không được đùa trước mặt tôi. Sóc Trăng ở đâu?”
“Tôi không đùa. Cán bộ hỏi không rõ nghĩa làm sao tôi trả lời chính xác”.
Con bé nhìn tôi với nét mặt hầm hầm:
“Sóc Trăng ở Nam Bộ hay Trung Bộ?”
“Sóc Trăng ở miền Nam”.
“Cấp chức?”
“Đại Tá. Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu”. 
“Ngày bị bắt?”
“Tôi trình diện”.
“Trình diện hay bị bắt cũng vậy thôi. Ngày nào?”
“Ngày 14 tháng 6 năm 1975”.
“Địa chỉ trước khi bị bắt?”
“X 12, cư xá Bắc Hải, Phường 25, Quận 10, Sài Gòn”.
“Về chỗ”.
Trở lại chỗ ngồi, chờ con bé Công an tóc dài nghe như tên Nguyệt, phụ trách kiểm nhận những gì chúng tôi gởi:
“Phạm Bá Hoa”.
“Có”.
“Đồ vật đăng ký gồm những gì?”
“Một đồng hồ đeo tay hiệu Longines, một chiếc nhẫn vàng 24, nặng một chỉ”.
“Kiểm lại có đúng không?” Cô ta đưa cái túi nhỏ cho tôi. Cái trục đồng hồ tôi đã làm gãy khi ở trại tập trung Tam Hiệp đã bị mốc màu xanh:
“Đúng là của tôi”.
“Còn trong đăng ký (gởi) bao nhiêu tiền?”
“Số tiền tôi gởi còn 35 đồng hoặc sai biệt chút ít”.
“ 34 đồng rưỡi”. Con bé đưa tôi Phiếu Gởi Đồ Vật và Phiếu Lưu Ký (gởi)  tiền.
Khi tất cả chúng tôi gọi là làm thủ tục xong, về buồng giam thì anh bạn trực buồng đã chia cho nửa ca bo-bo, mấy lát su hào, với một muỗng nước muối. Ở đây không cho ăn muối hột mà là ăn muối nước. Bữa ăn bo-bo đầu tiên cảm thấy không đến nỗi ghê sợ vì nó ngòn ngọt, tuy là nhai có phần mỏi quai hàm. Anh bạn trẻ bèn chìa kinh nghiệm ra liền:
“Mấy chú mới ăn bữa đầu như vậy đó, chỉ vài hôm thì mấy chú sẽ biết thế nào là bo-bo nguyên võ”.
“Nó làm sao anh bạn?”
“Khi đi cầu thì chú biết liền”.
Thật ra chẳng phải vài ngày gì cả mà ngay sáng hôm sau, khi ngồi bên trên cái thùng đựng phân người. Trời đất ơi, cái hậu môn đau kinh khủng, vì lớp võ lụa còn nguyên nên nó làm rách hậu môn và rỉ máu, đến mức miếng giấy đỏ lòm khi lau nó. Mấy anh bạn trẻ đã “thưởng thức” thứ mì hạt này khá lâu nên từng trải thế nào là nhẩy nhổm khi sản xuất thứ phân bón xã hội chủ nghĩa ưu việt ra ngoài. Các bạn tù trẻ ăn từng hột bo-bo bằng cách dùng cây tăm xỉa răng ghim từng hột cho vào miệng. Ăn như vậy vừa nhai kỷ vừa kéo dài bữa ăn để được sống trong ảo giác là mình ăn nhiều. Nhưng với các anh “chưa mọc răng đầy đủ” (đã nhổ nhiều răng) là khốn khổ như anh Trương Đình Liệu hay anh Nguyễn Hòa Phùng chẳng hạn, phải nghiền nát mới nuốt được.
Ngay chiều ngày thứ hai tại trại tập trung Nam Hà, chúng tôi phải bày ra tất cả những gì mang theo mà họ gọi là tư trang để tên quản giáo buồng giam tên Phụ kiểm soát. Nói cho đúng là tên Phụ đứng nhìn hai tên tù hình sự lục soát chẳng sót món nào. Anh nào có 3 cái lon guigoze trở lên là nó chỉ để lại 2 cái thôi. Tôi có 6 sợi giây dù khá dài, tên quản giáo lấy luôn. “Cai tù” ở đây nghèo lắm, thấy thứ gì của anh em chúng tôi coi được được là nó lấy với lý do:
“Những thứ này các anh không được giữ vì nội qui cấm”.
“Cán bộ cho tôi lại 2 sợi để đi rừng lấy củi”.
“Không được”.
Vậy là ngay chiều hôm nay, hắn đã trấn lột chúng tôi một số đồ tuy không đáng giá bao nhiêu, nhưng những người tù chúng tôi rất cần, như: cái cắt món tay, lưỡi lam cạo râu, cây đèn bấm nhỏ, ..v..v.. Nhớ lại bọn cán bộ với bộ đội trại Tam Hiệp đã trấn lột  khá nhiều đồ dùng của chúng tôi, trại tập trung Yên Bái lại trấn lột lần hai, bây giờ bọn Công An trấn lột nữa. Một bạn trẻ -tù cũ- nghe tôi nói trỏng với cái giọng căm tức, anh ta nói theo:
“Mấy chú sẽ còn bị trấn lột nhiều lần nữa chớ không phải chỉ có 3 lần đâu. Ở đây thỉnh thoảng bọn họ bảo mình mang ra cho nó xét. Món gì nó vừa ý là không sớm cũng muộn bị chúng nó lấy thôi”.
“Các bạn bị chúng nó xét mấy lần rồi?”
“Cháu ra đây năm 1976, chưa được hai năm mà bị chúng nó lục xét tịch thu 6 lần rồi. Mỗi lần chúng nó tịch thu một ít. Cả bọn họ cùng một phe trấn lột nên chú đừng hòng báo cáo mà mất công, có khi mình còn bị chụp mũ là nói xấu cán bộ thì đủ thứ phiền hà chú ơi”.
Bo-bo tối xong. Vào mùng. Tôi nói khẻ với anh Huỳnh Thanh Sơn:
“Anh Sơn. Hồi sáng tôi trả lời con nhỏ Công An là tôi trình diện chớ không phải bị bắt, nó nói bị bắt hay trình diện cũng vậy thôi. Điều này làm tôi kiểm lại từ ngày đầu: Từ lúc mình được giữ tiền giữ áo quần cũng như đeo đồng hồ đeo nhẫn, đến chỗ phải móc ra trao cho chúng nó giữ. Từ cách xưng hô gọi chúng nó bằng anh đến gọi chúng nó là cán bộ với bộ đội, bây giờ nó bắt mình phải gọi tất cả chúng nó từ sĩ quan xuống đến lính đều là cán bộ. Từ khoảng cách mỗi khi tiếp xúc như thế nào cũng được, bây giờ phải đứng xa 6 thước. Từ chỗ không đóng cửa đến nay thì 3 lần khóa, khóa cổng trại, khóa cửa khuôn viên, khóa cửa buồng giam. Từ 30 ngày đến 3 năm, và bây giờ chẳng biết là mấy lần 3 năm nữa. Rõ ràng là chúng nó càng lúc càng đẩy chúng mình vào ngõ hẹp đường cùn, anh Sơn hả?”
“Tụi này dã man lắm! Không có điều gì tin được tụi nó cả. Ngẫm nghĩ mà ông Thiệu nói một câu để đời: Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”.                          
“Trong thế giới cộng sản, tôi nghĩ, không có cộng sản nào lưu manh hơn cộng sản Việt Nam đâu anh”.
Có tiếng bọn Công An đi tuần bên ngoài, tôi vội chuyển sang chuyện khác:
“Hậu ơi, Hậu. Mình nghe nói trại Nam Hà này có đến 3 hay 4 trại chớ không phải chỉ có trại này không đâu. Bạn có nghe vậy không”.
“Hồi chiều tớ nghe nói phía trong trại này có trại B, ngược ra phía ngoài có hai ba trại nữa, nhưng tớ chẳng biết nó nằm ở đâu nữa. Còn trại nhốt tụi mình đây là trại Nam Hà A”.
Ngày kế tiếp, trong khi đang học nội qui có một tên Công An bước vào, tên quản giáo buồng giam giới thiệu là cán bộ giáo dục của trại. Hắn bảo chúng tôi ghi địa chỉ của trại để viết thư về gia đình: “25A-TD63/NH-Hà Nam Ninh”. Mỗi tháng viết thư một lần, mỗi ba tháng được nhận một gói bưu phẩm tối đa 5 kí lô. Trên bưu phẩm phải dán phiếu do trại phát mới được nhận. Đến chiều, chúng tôi mới biết hắn tên Niệm, dường như là Thiếu Úy. Vợ hắn cũng là Công An trại này, tên là Vường (không phải tôi viết sai đâu).
Tuần sau đó, 27 anh em chúng tôi từ buồng giam số 5 chuyển xuống buồng giam số 15 chung với các bạn từ Yên Bái xuống đây. Tôi nhập vào Đội 30 do anh Trần Công Liễu (Đại Tá Biệt Động Quân) là Đội Trưởng. Sau hai ngày trong toán quét vôi tường buồng giam, tôi nhập vào nhóm “thợ hồ” xây tường rào bằng đá tảng để “rào mình rào bạn”. Tôi có biết thợ hồ là gì đâu, nhưng khi đang quét vôi, tên Ổn -quản giáo buồng giam- ra lệnh cho anh buồng trưởng  Nguyễn Đức Khoái: (Đại Tá Biệt Động Quân)
“Anh chuyển cái anh đội nón trắng (vừa nói hắn vừa chỉ tôi) sang tổ thợ nề từ ngày mai”.    
Thế là tôi thành thợ hồ từ ngày đó. Trong Nam gọi là thợ hồ thì ngoài Bắc gọi là thợ nề. Còn hồ thì họ gọi là vửa. Hồ để xây tường chỉ là “chạc” trộn với vôi thôi. “Chạc” là loại đá xanh còn non, cứ dùng cuốc chim cuốc vào đá non sẽ có chạc giống như loại sạn trong Nam. Vì hồ chỉ có thế, cho nên khi xây vách nhà xong phải để hai ba tháng mới đủ cứng để làm tiếp những công tác khác.  

Học chính trị.

Chỉ mới xây xong nền nhà ăn thì 4 Đội cấp Đại Tá chúng tôi được lệnh chuẩn bị học chính trị do tên Công An nào đó từ Bộ Công An ở Hà Nội xuống dạy.
Tại trại A này rất đông viên chức cao cấp và một số sĩ quan cấp Tá trong ngành Cảnh Sát đã chuyển từ Sài Gòn ra đây năm 1976, tôi chỉ mới tiếp xúc được với cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc, các vị cựu Nghị Sĩ Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Ngọc Mân, Trần Ngọc Oành, Hoàng Xuân Tửu, cùng vài vị cựu Bộ Trưởng, cựu Đại Sứ, ..v..v.. Các vị này khi đến đây đã qua lớp học tập rồi. 
Nơi tập trung những buổi lên lớp là cái hội trường xiêu vẹo ven triền núi, gần nhà tên Trung Tá trại trưởng. Suốt một tháng gọi là học tập tại hội trường và thảo luận tại buồng giam, chẳng qua là toán Công An Hà Nội xuống cũng chỉ những lời lẽ kiêu ngạo, nào là nước nhỏ dám đánh và thắng nước lớn, Việt Nam là đất nước anh hùng, xã hội chủ nghĩa là ưu việt, là vĩnh viễn trên đất Việt Nam, xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa của thời đại, độc lập dân tộc với xã hội chủ nghĩa là hai ngọn cờ mà đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn giương cao, và giữ vững trong cuộc đấu tranh ai thắng ai, ..v..v.. Hết ưu việt, họ quay sang cái gọi là chính sách khoan hồng nhân đạo, chẳng hạn như được tập trung cải tạo là chứng tỏ đảng với nhà nước quan tâm bảo vệ sinh mạng trước sự căm thù của nhân dân. Đến khi phần quảng cáo cạn lời, họ chuyển sang phần dao to búa lớn cái gọi là phát triển đất nước, nào là cả nước sẽ tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, nào là đến năm 2000 thì Việt Nam sẽ ngang hàng với nước Pháp và nhiều quốc gia khác, vì Việt Nam đã có búa đập 1.000 tấn biểu tượng của nền công nghiệp nặng, nào là ..v..v
Nói chung là những ngày lên lớp, tên Công An mà họ gọi là giảng viên luôn luôn bắt đầu bằng một loạt quảng cáo về xã hội chủ nghĩa, như là bức tranh tuyệt mỹ do chế độ độc tài sẽ dựng nên trong vòng 25 năm cuối của thế kỷ 20, đại loại cũng giống như bức tranh mà ông Hồ đã vẽ cho những thế hệ công dân nước Việt Nam Dân Chủ cộng Hòa từ năm 1930 khi thành lập đảng cộng sản vậy, mà rốt cuộc đến năm 1975 thì xã hội dưới quyền cai trị của họ không hơn xã hội đồng bào thiểu số Cao Nguyên Miền Trung bao nhiêu! Bằng chứng là quân lính cũng như hàng trí thức của họ vào Sài Gòn, ngây ngô ngốc ngếch ngờ nghệch ngớ ngẩn chẳng khác những con người từ trong rừng sâu lần đầu tiên vào thành phố. Vậy là bức tranh xã hội ưu việt của ông Hồ vẽ ra để vuốt ve dụ dỗ những thế hệ “cháu ngoan” của ông, để rồi ông đẩy họ lăn xả vào chiến tranh xâm lược Việt Nam Cộng Hòa, với kết quả mà đại hội đảng cộng sản lần thứ 4 của họ hồi năm 1976, đã đưa ra con số thống kê với hằng chục triệu thanh niên đã bỏ xác dọc hành lang Trường Sơn, là bằng chứng mà những nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam không thể phủ nhận trước lịch sử.       
Sau 4 bài học, tên giáo viên đòi hỏi tù chính trị phát biểu cảm nghĩ về các bài học và cả ngoài bài học nữa. Hắn nói rằng:
“… Chúng tôi sẳn sàng nghe các anh và trả lời các anh nếu thấy cần thiết. Muốn được như vậy, các anh phải đưa câu hỏi chúng tôi xem trước…”
Trong câu nói của hắn có hai vế. Vế thứ nhất là hắn “sẳn sàng trả lời”, nhưng vế thứ hai thì hắn nói “nếu thấy cần thiết”. Vừa mở là đóng lại ngay. Điều đó dẫn đến suy đoán, những câu mà tù chính trị đề cao cái chế độ cộng sản độc tài thì hắn sẽ giải thích thêm, bằng ngược lại thì hắn liệng vào sọt rác.
Ngay lúc đó, cựu Đại Tá Phan Xuân Nhuận đưa tay xin phát biểu và tên giảng viên chấp nhận. Cũng cần nói qua một chút về ông Nhuận trước khi nghe ông nói. Ông thăng cấp Chuẩn Tướng ngày 14 tháng 7 năm 1964, và giữ chức Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân. Ngày 10 tháng 3 năm 1966, ông được cử giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh ngay trong ngày Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi  bị cách chức Tư Lệnh Quân Đoàn I. Nhưng sau cuộc khủng khoảng chính trị do cách chức Trung Tướng Thi, ngày 7 & 8 tháng 9 năm 1966, Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt đã giáng cấp ông từ Chuẩn Tướng xuống Đại Tá và giải ngũ bắt buộc vì ông đứng hẳn trong thành phần chống đối trung ương, cùng lúc Hội Đồng nghe phát lại từ băng cassette do tổng đài điện thoại Cộng Hòa thu cuộc nói chuyện giữa ông với Thượng Tọa Thích Trí Quang, trong đó ông Nhuận mạnh mẽ chống chánh phủ.  
Bây giờ mới quí vị quí bạn nghe ông Nhuận phát biểu. Đây là một đoạn lời lẽ của ông Chuẩn Tướng bị giáng cấp:
“Thưa Ban Giám Thị, thưa các cán bộ, thưa các anh em. Trước khi phát biểu cảm nghĩ, tôi xin giới thiệu tôi là ai?”
Đến đây ông phải ngưng lại vì anh em tù chính trị chúng tôi cười ồ lên. Chờ im lặng ông phát biểu tiếp:
“Tôi là Tướng Lãnh của chế độ ngụy, tôi bất mãn chế độ nên tôi chống đối chúng  và chúng đã giáng cấp tôi, rồi buộc tôi về hưu…”
Ông phải ngưng lại lần nữa, bởi tiếng cười tiếng nói của anh em chúng tôi trong hội trường át hẳn âm thanh của ông, đến mức đám Công An bao quanh phải hét lên bảo giữ trật tự. Suốt từ đầu đến cuối phần phát biểu của ông Nhuận, toàn là đề cao chế độ cộng sản mà ông Nhuận gọi là cách mạng. Cuối cùng ông nói:
“Tôi rất an tâm học tập cải tạo để sớm có ngày đoàn tụ với gia đình”.
Không ai đưa tay xin phát biểu, hắn cũng không chỉ định ai nữa, nên hắn nói:
“Chúng tôi nghĩ là các anh, anh nào cũng có phần tâm tư tình cảm riêng, lo nghĩ về vợ con. Điều đó cũng là thông thường. Chỉ những anh nào cho rằng mình an tâm thì tôi cho là không bình thường”.
Anh Đại Tá Nguyễn Kim Tây (Đại Tá Biệt Động Quân) đưa tay xin phát biểu. Hắn chấp nhận:
“Thưa cán bộ. Tôi hoàn toàn an tâm về mặt vợ con. Tôi không lo nghĩ gì cả. Vì vậy mà câu  của cán bộ vừa nói không đúng với trường hợp của tôi”.
Hắn hỏi lại: “Anh không không lo nghĩ gì về gia đình à?”
“Đúng”.
“Tại sao?”  
“Tôi còn độc thân”.
Đúng là anh Tây chưa lập gia đình, nhưng bạn bè vẫn cười râm ran vì thấy anh Tây chọc quê thằng Công An giảng viên.
Hắn hỏi với giọng gay gắt: “Anh bao nhiêu tuổi?”
“Tôi 45 tuổi”.
“Ngần ấy tuổi mà chưa có vợ, chứng tỏ anh rất trung thành với chế độ ngụy, hi sinh cho chế độ ngụy đến mức vẫn độc thân”.
Bị chọc quê, hắn bèn mắng anh Tây một trận. Thế nhưng “bị” mắng mà cả anh Tây lẫn các bạn cùng cười, nhưng lúc ấy cười chúm chím chớ đâu dám cười thành tiếng, hắn mà biết anh em chúng tôi cười vào mặt hắn thì lắm thứ rắc rối xảy ra chớ không yên thân với bọn họ đâu.

Khai báo.

Đến đấy là xong phần học tập chính trị. Nhưng với bọn Công An trại giam chuyên nghiệp này, sau đợt học tập là viết “bản tự khai” để chứng tỏ thông suốt cái gọi là chính sách “khoan hồng nhân đạo” và tin tưởng vào điều mà bọn họ gọi là chủ nghĩa xã hội. Do đó, phần tiếp theo là chúng tôi -tất cả cấp Đại Tá từ trại tập trung Yên Bái chuyển đến- phải khai báo qua những trang giấy. Trước khi họ hướng dẫn khai báo, một tên Công An tầm thước trung bình, mặt rỗ hoa mè, dường như tên là Thịnh (không phải Thịnh khuỳnh của trại Nam Hà) lên bục gỗ:
“… Sau chuyến công tác từ trong Nam về. Tôi thấy rằng, gia đình các anh rất mong đợi ngày về của các anh. Điều đó cũng đúng thôi. Vậy thì các anh nên khai báo cho đầy đủ, cho thật tốt, Tôi hẹn rằng, một ngày gần đây tôi sẽ gặp các anh tại thành phố HCM. Chúc các anh mạnh khỏe và khai báo cho tốt”.
Đánh đúng tâm lý của tù chính trị dù hắn nói rất ngắn, nên chúng tôi đã chào hắn bằng tràng pháo tay khá dài. Khi ra đến cửa, hắn còn quay lại vẫy tay và lặp lại lời hẹn lúc nảy nữa chớ. Trong một chừng mực nào đó, một số anh em chúng tôi có phần tin hắn, một số khác thì dè dặt và cẩn trọng hơn, nghĩa là không tin cũng không bác bỏ hoàn toàn, và một số khác nữa thì bác bỏ ngay lời của hắn. Tôi kề tai anh Lễ:
“Anh thấy sao Lễ?”
“Thằng này khi nó cười trông cái mặt nó đểu hết biết”.
Anh Đặng Văn Hậu chen vào:
“Hắn nói cứ như thật ấy, nhưng cái mặt nó trông khó ưa làm sao á”.
Tôi tiếp lời:
“Tôi thì đơn giản thôi. Đã là cộng sản thì không thằng nào tin được cả. Hai bạn cứ nhớ lại xem, chúng nó tuyên truyền mình học tập 30 ngày, rồi tăng lên 3 năm. Thằng nào cũng nói cách mạng biết hết những việc chúng mình làm, nhưng chúng nó nói muốn thấy mình khai báo thành thật để chúng nó khoan hồng, mà thật ra là để chúng nó buộc tội như trường hợp hai anh Thiếu Tá bị chúng nó bắn ở trại Tam Hiệp (Biên Hòa) đó…. “
Nói đến đây thì tên Công An hướng dẫn khai báo bước vào nên cả hội trường không còn tiếng ồn ào. Theo hướng dẫn, mọi người phải ghi chép cái mẫu khai báo gồm 34 điểm trong ba phần khác nhau:
Phần một là lý lịch bản thân.
Phần hai là dòng họ ông bà nội, dòng họ của hai bên cha mẹ, anh chị em ruột, và vợ con. Những người thân trong dòng họ từ ông bà nội trở xuống dù có chết cũng phải khai trước khi chết, như: Nghề nghiệp, chỗ ở, tại sao chết? Mục đích để chúng nó xem những người chết có phải trong quân đội Pháp hay quân đội Việt Nam Cộng Hòa không, để từ đó chúng nó trừng phạt những con cháu. Lúc ở trại tập trung trên Yên Bái, anh cộng sản từ trong Nam tập kết ra Bắc năm 1954 là Thượng Úy Toản, đã nói đến điều này và dặn đừng bao giờ khai báo sự thật, vì chúng nó sẽ căn cứ vào đó để kết tội người khai báo.
Và phần ba là khai báo bản thân từ lúc sinh ra cho đến lúc ngồi viết khai báo. Phải khai từng năm một bao gồm: Ở đâu? Làm gì? Kết quả của việc làm? Khai cả những cô bạn học, bạn gái bạn trai, và khai về mỗi người cũng đúng theo cái khung khai về bản thân mình. 
Tôi lại kề tai anh Lễ -chúng tôi thân nhau từ lâu- và ngay trong lúc này lại ngồi cạnh nhau:
“Anh thấy chúng nó truy lục toàn bộ gia phả của mình không. Lại còn truy lục mọi góc cạnh tình cảm của mình nữa. Giống y như một đoạn mà tôi đã đọc trong “Bóng Cờ Hồng Trên Đất Trung Hoa” hồi năm 1970 khi học ở Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Cao Cấp ở Đà Lạt vậy. Ruột gan mình nó hổng moi được ngay bây giờ, nếu moi được là chúng nó cũng hổng chừa đâu. Thứ gì chúng nó cũng nắm hết. Độc quá sức!”
Chỗ ngồi viết là buồng giam số 15, số 16, và trong gian nhà xiêu vẹo mà chúng nó gọi là “câu lạc bộ”. Tôi trong Đội 30 viết khai báo tại câu lạc bộ. Mỗi người nhận 20 tờ giấy đôi có gạch ô vuông, viết chấm mực và mực. Hết giấy hết mực thì lãnh tiếp.
Tôi nghe các bạn trẻ kể lại là các viên chức cao cấp trong Chánh Phủ, trong Quốc Hội, và các sĩ quan Cảnh Sát cấp Đại Tá đến trại tập trung Nam Hà này trước chúng tôi, đã viết khai báo rồi. Có người viết đến 500 trang như Thiếu Tướng (Nghị Sĩ) Huỳnh Văn Cao chẳng hạn. Có người còn viết nhiều hơn nữa. Vài anh em chúng tôi thắc mắc: “Không biết các ông ấy khai báo gì mà đến mấy trăm trang giấy”. 
Phần đầu thì viết dễ thôi, vì là lý lịch của bản thân mà chúng nó gọi là “lý lịch trích ngang”. Với lại trong 3 năm qua, mỗi người chúng tôi phải khai đến vài chục lần chớ không ít, vì bất cứ tên nào cũng bắt tù chính trị chúng tôi khai lý lịch cả. Chúng tôi đâu có biết tên nào có quyền tên nào không có quyền mà nghe lời hay phản đối, thôi thì cứ viết cho yên thân.
Phần gia phả là phải vò đầu bóp trán cả ngày để lục lọi trong trí nhớ xem từng ông bà cô bác tên gì, bao nhiêu tuổi, vì trong gia đình cứ gọi Ông Ba Bà Tư ..v...v.. chớ có bao giờ biết tên. Còn tuổi thì áng chừng từ người nhỏ nhất trở lên, từ đó làm chuẩn để “ấn định” tuổi của những ông bà lớn hơn. Cứ mỗi người lớn hơn thì cộng thêm hai hay ba tuổi, và cứ thế mà khai. Chưa hết, nếu như ông bà cô bác đã chết phải khai vì lý do gì mà chết nữa chớ. Chỉ có cách gắn đại cho cái bệnh gì đó như rắn cắn, té sông, sụp hầm, leo cây bị gãy nhánh, bất đắc kỳ tử, ..v..v.., miễn là đừng chết vì tham gia chánh quyền hay quân đội thì tránh được phiền toái. Có đêm nằm nghĩ lại những gì mình khai mà phát cười. Thuở đời nay con cháu mà dám cả gan đặt tên rồi ấn định tuổi cho ông bà cô bác, lại còn gắn cho cái bệnh phải gió gì đó để chết theo ý muốn nữa. Nếu không khai báo theo cách đó thì tên cán bộ tuổi mới 20 nó mắng nghe đến nổ lỗ tai chớ vừa đâu. Chẳng hạn như:
“Anh là cháu mà không biết tên tuổi của ông bà à? Từ nhỏ đến lớn anh cũng không hỏi xem ông bà cô chú của anh chết vì bệnh gì à? Cái thứ con cháu như các anh là cái thứ mất gốc, chỉ biết đế quốc thôi”.
Tức quá, tôi trả lời:
“Ở trong Nam chúng tôi các cơ quan hành chánh hay quân đội chẳng bao giờ đòi hỏi lý lịch như vậy, nên chúng tôi chẳng ai hỏi ông bà cô bác đến những chi tiết ấy cả”.
“Tại anh không dám khai thật đấy”.
“Báo cáo cán bộ, tôi thấy chẳng có gì phải giấu cả. Dường như cán bộ xem đó là điều quan trọng thì phải?”
“Lý lịch mà không quan trọng à!”
“Trong chế độ của chúng tôi thì khác cán bộ à! Các cơ quan chỉ cần biết bản thân chúng tôi là đủ. Vì nền hành chánh của chúng tôi tổ chức dựa trên “quan niêm tin tưởng” nên căn cứ vàolời  khai của mỗi người là đủ. Trường hợp công dân nào lợi dụng lòng tin đó mà vi phạm luật pháp thì luật pháp trừng phạt”.
Hắn im lặng một lúc rồi gằn giọng: “Đừng có lý luận nữa. Tiếp tục đi”.
Đến phần thứ ba mới là phần chánh. Trong phần này phải khai báo từ lúc sinh ra, lớn lên, đi học, làm những việc gì, kết quả của những việc làm đó, ..v..v.. Chỉ trong cái đoạn từ năm 1930 đến năm 1939, mà hắn sỉ vả bảo viết lại đến lần thứ 3 hắn mới chấp nhận. Quí vị quí bạn nghĩ xem, từ lúc chào đời đến khi 9 tuổi thì nhớ được cái gì để viết. Hắn lên giọng:
“Tại anh không đặt mình vào thời điểm ấy mà viết, chẳng lẽ anh không làm gì được cho ba má anh à?”
“Báo cáo cán bộ, tôi đâu phải thần đồng mà khi chào đời đến lúc 9 tuổi, xin lỗi cán bộ nghe, cái tuổi ấy tắm không mặc quần thì làm sao biết mọi việc trên đời cũng như làm được bao nhiêu việc giúp Ba Má tôi để mà viết”.
Cái mặt hắn đỏ lên, hắn quát: “Anh lý luận cái kiểu ấy với tôi à?”
“Không. Tôi chẳng lý luận gì cả, tôi chỉ nói với cán bộ những sự thật trong cuộc sống của tôi thôi”.
Hắn trừng mắt nhìn tôi. Im lặng. Hắn ra ngoài.
Anh Lễ khều tôi:
“Coi chừng nó nhốt anh à. Thôi, đừng có đấu với nó không có lợi đâu”. 
“Tôi biết chớ. Lúc nảy tôi muốn hỏi hắn chớ từ lúc sinh ra đến khi 9 tuổi hắn đã làm được gì cho ba má hắn. Nhưng tôi nén lại được, để chuyển qua câu tôi không phải thần đồng đó”.
Khoảng nửa giờ sau hắn quay lại: “Sao anh không viết?”
Bỗng dưng hắn dịu giọng một cách lạ thường, cứ như không có chuyện gì xảy ra trước đó cả!
“Báo cáo cán bộ, tôi cố nhớ lại những gì xảy ra trong đời tôi thuở ấy, nhưng vẫn chưa nhớ được điều gì nên chưa thể tiếp tục”.
“Tôi cho anh suy nghĩ 30 phút nữa rồi viết tiếp”.
Cuối mỗi ngày, viết được bao nhiêu đưa hắn bấy nhiêu, nếu đoạn nào hắn cho là “không đạt yêu cầu”, sáng mai hắn bảo viết lại sau một hồi sỉ vả. Mỗi lần như vậy, tôi phải vẽ vời để viết theo điều mà hắn gọi là “đạt yêu cầu”, ấy vậy mà hắn chấp nhận. Nghĩa là viết thật thì hắn cho là “không đạt yêu cầu”, còn tưởng tượng ra để viết thì hắn cho là “đạt yêu cầu”. Điển hình khi tôi viết về cô bạn học thời sơ học với cái bằng “Việt Nam Sơ Đẳng Tiểu Học Văn Bằng”, cô tên là Yến, mãi 8 năm sau mới gặp lại trong một dịp tình cờ ở Sài Gòn. Hắn hỏi với chút châm biếm:
“Anh không tình tự gì à?”
“Trời đất ơi! Tám chín tuổi mà tình tự gì cán bộ”.
“Không. Tôi không hỏi anh lúc tám chín tuổi, mà tôi hỏi anh khi gặp lại cô bạn học của anh. Sĩ quan ngụy của anh chỉ biết  tình tự ăn chơi chớ biết làm gì”.
“Lúc ấy tôi vừa đi làm vừa đi học chớ chưa vào quân đội. Mà có vào quân đội đâu phải chỉ có tình tự ăn chơi như cán bộ nói. Chẳng lẽ chúng tôi chỉ ăn chơi mà hơn 20 năm cán bộ mới vào được Sài Gòn sao”. 
Hắn quát:
“Tôi không chấp nhận cái lối lý luận của anh. Viết tiếp đi, đừng có dài dòng mà có chuyện”.
Hắn dọa tôi đó. Và đây là một đoạn vẽ vời của tôi mà hắn chấp nhận:
“… Quê tôi, tên gọi là Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng), gối đầu lên bờ Nam Sông Hậu, duỗi mình trên cánh đồng trỉu hạt vụ mùa. Cạnh đó là dòng sông hai mùa mặn ngọt. Người người rất hiền hòa bên nhau trong nghề hạ bạc (đánh bắt cá) và đồng áng. Tôi được chào đời trên vùng đất xa thành thị nhưng gần gủi tình người ấy….”
Đến đoạn tiếp theo, tôi lại viết theo cách khai báo chớ không viết theo lối viết văn. Hắn lại mắng:
“Anh đùa với tôi hả? Anh viết kiểu gì lạ vậy?”
“Tôi viết theo khai báo như tôi đã khai báo ở các trại trong Nam cũng như các trại trên Hoàng Liên Sơn chớ đâu có kiểu gì lạ cán bộ”.
“Ở đây khác. Anh phải trộn lại và viết theo thời gian. Anh là người sử dụng nhiều giấy nhất mà chẳng viết được gì cả”.
“Cán bộ nói như vậy, có nghĩa là tôi viết như viết văn phải không?”
Hắn im lặng một lúc:
“Không văn vẽ gì hết, anh cứ viết theo lời tôi bảo”.
Thế là tôi dựa theo một số sự kiện có thật rồi tiểu thuyết hóa nó trong khai báo. Chuẩn bị cho bài viết bằng cách mỗi đêm ôn lại những sự kiện, rồi lọc ra một số sự kiện mà tôi cho là có tác dụng chung chung nói lên tinh thần dân tộc để hôm sau viết. Điển hình như sự kiện Tổng Thống Ngô Đình Diệm không chấp nhận sự có mặt các căn cứ quân bộ chiến Hoa Kỳ trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, để giữ uy tín Việt Nam trên chính trường thế giới. Sự kiện Quốc Trưởng Nguyễn Khánh kêu gọi quân viện chỉ để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa, chớ không có kế hoạch đánh ra Bắc. Sự kiện khi quân bộ chiến các quốc gia đồng minh hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, cũng chỉ góp sức bảo vệ lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa trong chiến lược “can gián mực thước” hay “chiến tranh không cần thắng” mà thôi. Cách trình bày của tôi để họ thấy quân đội của họ có mặt trên chiến trường Việt Nam Cộng Hòa trước khi quân đội đồng minh có căn cứ trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Sự kiện những chiếc tàu của họ chở vũ khí đạn dược từ Hải Phòng, men theo hải phận quốc tế rồi xâm nhập vào hải phận Việt Nam Cộng Hòa, đã bị đánh chìm tại cửa sông Bồ Đề (An Xuyên), cửa Ba Động (Vĩnh Bình), Vũng rô (Khánh Hòa-Phú Yên) ..v..v.. Tôi cố tình khen cuốn phim “Lửa Hận Rừng Dừa” của họ (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) sản xuất mà tôi đã xem tại Bộ Tổng Tham Mưu. Ý của tôi là để chứng minh những chiếc tàu của họ thật sự bị đánh chìm, và nhiều tài liệu phim ảnh bị tịch thu đưa về Trung Tâm Hỗn Hợp Việt Mỹ Khai Thác Tài Liệu. Tôi cũng tóm tắt tin tức về mấy ngàn bộ xương của đồng bào Huế/Thừa Thiên đã phát hiện từ nhiều mồ chôn tập thể, sau trận tấn công của họ trong Tết Mậu Thân đầu năm 1968. Nhiều phóng viên cơ quan truyền thông quốc nội quốc tế, đã có nhiều bài viết cùng với những thước phim tài liệu phổ biến đến khán thính giả khắp nơi trên thế giới.

Gặp phái đoàn Pháp.

Tháng 07/1978, một buổi sáng, chúng tôi rất ngạc nhiên là buồng giam 15 và 16 (nhốt tù chính trị cấp Đại Tá) vẫn bị khóa kín mà thường ngày vào khoảng thời gian   này đã được mở để viết khai báo. Nhìn theo ánh mặt trời, tôi áng chừng đã quá 8 giờ (vì đồng hồ của chúng tôi đều do trại giữ), lúc ấy cửa mở nhưng chỉ gọi 16 người ra khỏi buồng, trong số này có tôi. Đang trên lối đi nhỏ hẹp ra sân trại, tên Công An an ninh của trại -Thiếu úy Thung- bảo tôi đứng lại, lúc ấy nét mặt hắn có phần hung tợn trong khi tay hắn chỉ thẳng vào mặt tôi, gằn giọng:
“Tôi nói cho anh biết, chốc nữa có một đoàn khách nước ngoài đến tham quan trại, họ muốn gặp một Đại Tá ngụy từng làm việc ở Bộ Tổng (Tham Mưu). Xem danh sách, họ chọn anh. Ban Giám Thị ra lệnh cho anh, họ hỏi điều gì thì tùy họ, nhưng tuyệt đối anh phải trả lời có lợi cho trại, cho nhà nước. Anh phải biết gia đình anh nằm trong tay chúng tôi. Tôi nhắc lại, gia đình anh trong tay chúng tôi, anh nghe chưa?”
“Báo cáo cán bộ, tôi rất bở ngỡ vì không quen  tiếp xúc báo chí ngoại quốc, xin cán bộ cho tôi miễn công tác này”.
“Anh đùa với tôi hả? Đoàn khách đã chọn anh. Anh không chịu gặp họ, tức là anh chống đối trại và gây nghi ngờ về phía họ đối với trại. Tôi nhắc lại lần nữa,  gia đình anh trong tay chúng tôi. Nghe chưa!”
Tôi ức quá. Lúc ấy hai hàm răng tôi cắn lại, quai hàm bạnh ra, và chắc là mặt tôi  cũng xanh nữa.          
“Anh theo tôi lên lớp học lịch sử, ngồi ở đó như là một học viên, khi nào nghe gọi tên anh thì anh bước ra. Anh coi chừng tôi đó. Tuyệt đối không được nói tiếng nước ngoài dù là lời chào. Anh nghe rõ chưa?”
“Rõ”.
Nơi tôi đang ngồi là chỗ mà chúng tôi thường ngày viết khai báo, nhưng hôm nay cả trại đã xuất trại từ hồi nào nên vắng hoe, trong khi các đội cấp Đại Tá chúng tôi đều bị nhốt trong buồng giam 15 và 16, ngoại trừ một số bạn ngồi đây mà họ gọi là lớp học lịch sử. Trong hội trường được dàn dựng một phòng đọc sách, và khoảng 6 anh -cũng cấp Đại Tá- được chọn ngồi vào đó như là nhàn nhã đọc sách vậy. Tất cả tù chính trị lẫn hình sự đang nằm ở trạm xá cũng đem giấu trong núi sau trại B, và thay vào đó là số người khỏe mạnh để xem như trạm xá điều trị tốt. Màn gian trá chưa hết, tại “mỗi đầu giường bệnh” có một hộp sửa đặc, một nải chuối, với vài cánh hoa dại nữa. Mỗi buồng giam đang từ 50 hay 60 tù, sắp xếp lại để mỗi buồng giam khi nhìn vào mớ áo quần cuộn lại thay gối nằm chỉ còn 25 tù thôi. Riêng buồng giam 15 và 16 chúng tôi nằm sâu trong góc cuối của trại, bị che khuất bởi bức tường đá tảng mà thoạt nhìn cứ tưởng đó là bức tường cuối cùng của trại giam này, nên họ không cần che giấu số người trong buồng giam. Nhà bếp có treo một con heo làm sẳn, để trả lời với phái đoàn -nếu có hỏi- là ăn trong ngày, nhưng thật ra là chia cho 3 trại khoảng 1.000 tù chính trị lẫn hình sự. Tôi mô tả như vậy là vì hồi tháng 4 (1978) có một phái đoàn nào đó đến thăm, lúc ấy tất cả tù cấp Đại Tá chúng tôi đều bị đưa vào kẹt núi sau trại B cất giấu trọn ngày, mãi đến khi phái đoàn rời khỏi trại chúng tôi mới được về. Lần đó phái đoàn có tiếp xúc phỏng vấn một ông cựu Bộ Trưởng của Việt Nam Cộng Hòa.     
Rõ ràng là Ban Giám Thị trại giam này đang che mắt phái đoàn, che mắt thế giới, cứ như tù chính trị trong tay họ chỉ có học về lịch sử chớ không học chính trị, cũng như không làm lụng vất vả gì hết. Đây là màn đầu tiên trong bản chất gian trá của cộng sản quản trị trại giam, và anh em chúng tôi ngồi đây là những thành viên bị bắt buộc diễn cái màn gian trá đó do một nhóm Công An từ Hà Nội xuống đạo diễn màn này.
Tôi nghĩ, sự có mặt của phái đoàn ngoại quốc, nếu không phải là cộng sản cũng là có khuynh hướng cộng sản. Ngay bây giờ, tôi không có cách nào tránh né được vì tên Thụng đánh đúng vào điểm yếu nhất của tôi là gia đình, mà lúc nảy hắn đã luôn miệng đe dọa sự an toàn của gia đình tôi. Vậy là tôi phải tiếp xúc.
Trong một thoáng thật nhanh, tôi có ngay câu giải đáp “phải làm gì” khi tiếp xúc với phái đoàn cho dù phái đoàn đó là cộng sản hay thân cộng sản. Tôi phải tùy cơ ứng biến, trong một tích tắc nào thuận lợi để nói cho phái đoàn đó biết rằng “đây là trại tù chứa 750 tù, và chúng tôi là tù chính trị không hề ra tòa án”. Điều mà tôi rất đắn đo “có nên liều mạng để nói lên sự gian trá của cộng sản cho họ biết không?” Nếu liều mạng như vậy có lợi gì, hại gì? Nhìn lại thân phận người tù chính trị nơi đây nhỏ nhoi quá, trong khi thế giới thì quá ư rộng lớn với biết bao vấn đề phức tạp mà mình thì hoàn toàn không có lãnh đạo. Thôi, đành phải giữ chừng mực khi phát biểu đến mức đủ để chúng nó nạt nộ mắng chửi chớ không biệt giam cùm chân bỏ đói! Đang miên man suy nghĩ, tôi nghe mấy tên Công An đứng bên ngoài nói với nhau:
“Không thằng nào trông chúng nó để chúng nó ngồi đầy trên bệ cửa sổ nhìn sang trạm xá, lại còn la ó nữa. Phái đoàn đã trông thấy và họ chụp một số  hình rồi. Không khéo là mang họa đấy”.
“Thằng Lực coi chớ ai”.
“Không. Thằng Lực chuyển  ra trực trại rồi, thằng Ổn quản giáo buồng đó”.
“Thằng nhóc đó mà cho nó quản giáo mấy thằng già cứng đầu sao được”.
Vừa lúc phái đoàn từ trạm xá lên, đứng bên hông lớp học. Họ nói tiếng Pháp và trong lớp nghe rất rõ:
“Chúng tôi muốn gặp Đại Tá Hoa”.
Trong một thoáng, tôi nghĩ  có thể thực hiện được mục đích mà tôi đã nghĩ lúc nảy.
Tiếng của tên Công An thông dịch:
“Phái đoàn muốn tiếp xúc với Đại Tá Hoa”.       
Tên Thung bước vào gọi tôi. Khi tôi bước đến cửa, hắn đứng sát vào tôi:
“Anh nhớ là gia đình anh trong tay chúng tôi đấy!”
Âm thanh của hắn như dưới sức ép của hai hàm răng nghiến chặt, tôi nghe mà  phát tức! Vừa ra khỏi cửa, một tên Công An có lẽ là từ Hà Nội xuống, hắn đi sau lưng tôi và nói thật khẽ:
“Tôi cấm anh không được nói tiếng nước ngoài, dù một  lời chào”.
Tôi đứng lại nhìn hắn, như thể cho phái đoàn biết là hắn vừa nói vào tai tôi. Dĩ nhiên là phái đoàn chẳng biết hắn nói gì, nhưng ít ra họ cũng nhận thấy điều gì đó không minh bạch. Hắn giục:
“Tại sao anh đứng lại. Hãy đi bình thường”.
Tôi bước thêm mấy bước nữa là đứng cạnh phái đoàn. Nhận xét thật nhanh, các thành viên trong phái đoàn khá trẻ, áng chừng tuổi trên dưới 30. Vui vẻ. Tôi nói tiếng Việt, phái đoàn nói tếng Pháp, qua lời thông dịch của Công An.
Tôi cười nhẹ: “Tôi chào các vị”.
“Chào ông. Có phải tên ông là Phạm Bá Hoa không?”
“Vâng. Tôi tên Phạm Bá Hoa”.
“Ông bao nhiêu tuổi?” 
“Vài tháng nữa tôi tròn 48 tuổi”.
“Chúng tôi chúc mừng ông sinh nhật vui vẻ”. 
“Cám ơn các vị”.
“Trước đây ông là Đại Tá?”
“Vâng. Tôi là Đại Tá”.
“Tháng 4 năm 1975, ông giữ chức vụ gì ở Bộ Tổng Tham Mưu?”
“Tôi là Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu”.
Tên Công An thông dịch moi mãi mới ra chữ “Chef de Bureau” để dịch chữ Tham Mưu Trưởng. Tôi quay sang hắn:
“Xin cán bộ làm ơn dịch  chữ “Chef d’ État Major” để chỉ chức vụ của tôi”.
Một cô trẻ trong phái đoàn bước đến sát mặt tôi:
“Ông biết tiếng Pháp?”
Đúng cái lúc mà tôi nghĩ là thuận tiện để nói thật nhanh điều tôi đã nghĩ, thì tên Thung, an ninh của trại đứng sát lưng tôi. Không biết hắn dùng vật cứng gì mà đầu nhọn ấn nhè nhẹ vào lưng tôi, mỗi lần ấn vào là tôi đau nhói nên tôi nghiêng qua nghiêng lại. Hành động của hắn như uy hiếp tôi không được trực tiếp nói chuyện với phái đoàn. Tôi không trả lời câu hỏi của cô ấy, mà tôi chỉ cười nhẹ nhưng mặt thì nhăn nhó vì lưng bị đâm đau quá!
Tên Công An Hà Nội: “Anh có thái độ gì lạ vậy?”
Tôi nghĩ là hắn thấy tên Thung đứng sát lưng tôi, nhưng không rõ hắn có thấy tên Thung dùng vật nhọn ấn vào lưng tôi hay không, tôi trở lại thế đứng bình thường vì hắn không ấn vào lưng tôi nữa:
“Không. Tôi không biết tiếng Pháp”.
Cô gái trẻ ấy nhìn tôi một lúc, gật đầu tỏ ý cô ta nhận biết tôi hiểu câu hỏi của cô ta. Rồi cô ta nheo mắt kèm theo nụ cười nhẹ, như thể cô ta nhận thấy sự kiện không bình thường vừa rồi.
Một anh trẻ khác hỏi: “Ông ở trong quân đội bao lâu?”
“Vừa tròn 21 năm”.
“Ông vào trại cải tạo mấy năm rồi?”
“Vừa hơn 3 năm”.
“Ông có biết  tại sao ông vào trại cải tạo không?” 
“Tôi là sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày 30/04/1975, tôi ở nhà chờ lệnh. Sau đó Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn ra thông cáo gọi tất cả sĩ quan viên chức chế độ cũ trình diện học tập cải tạo...”
Tên Công An thông dịch chưa kịp dịch cho phái đoàn nghe thì tên Thung quát tôi trước mặt phái đoàn:
“Anh trả lời thẳng là anh có tội với nhân dân, không có quanh co gì hết”.
Tôi cứ như không nghe “lời mớm” của hắn, và thản nhiên tiếp tục:
“Trong đợt học chính trị tại trại Long Giao ở miền Nam, bài học nói chúng tôi là những người có tội với dân, lúc ấy tôi mới biết là tôi có tội. Trước đó nếu  tôi biết như vậy thì tôi trốn rồi, chớ đâu có ai biết mình phạm tội mà đi trình diện vào trại tập trung đâu”.   
Có tiếng xì xầm của mấy tên Công An sau lưng tôi, nhưng tôi không để mình bị chi phối vì còn phải tìm cơ hội nói với phái đoàn về điều tôi muốn nói.
Lúc bấy giờ tên Công An dịch câu trả lời của tôi cho phái đoàn với nội dung “tôi là Đại Tá ngụy, có tội với dân nên nhà nước cho vào học tập”. Một cô trong phái đoàn hỏi tiếp:
“Ông có tin là ông sẽ được về không?” 
“Có chớ. Nếu không tin như vậy thì làm sao tôi có nghị lực để sống!”
“Điều gì làm ông tin?” 
“Dù chưa nhìn thấy điều gì rõ rệt, nhưng tôi vững tin vào thời gian với những biến đổi trên thế giới cũng như tại Việt Nam”.
“Chúng tôi cám ơn ông. Chúc ông giữ vững nghị lực vì chúng tôi tin quảng đường trước mặt của ông còn dài lắm”.
“Cám ơn các vị và chúc các vị sức khỏe”.
Câu cuối cùng của thành viên trẻ trong phái đoàn làm tôi hiểu theo hai nghĩa: Rất có thể là họ biết chúng tôi còn trong trại tập trung dài lâu lắm. Hoặc họ khuyên chúng tôi  là trách nhiệm với quốc gia dân tộc còn dài lâu trước mặt, hãy cố gắng vững nghị lực cho cuộc chiến đó. Cho dẫu hiểu như thế nào đi nữa, tôi tin phái đoàn này không phải là phái đoàn thân cộng sản.
Sau khi phái đoàn rời khỏi trại, cán bộ Lực, Công An trực trại vào gọi tôi lên văn phòng an ninh. Vừa bước vào cửa, tên Thung vỗ bàn hét lớn:
“Anh có biết rằng anh nói như vậy, tức là anh không có tội mà đảng với nhà nước bắt anh không?”   
Tôi chậm rãi và nhẹ nhàng trả lời như để xoa dịu hắn, vì dù sao thì lúc sáng tôi đã “tấn công” hắn bằng “một vài nắm đấm chính trị” rồi:
 “Báo cáo cán bộ, tôi đâu có nói như vậy. Tôi đâu có nói là đảng với nhà nước bắt mà là tôi trình diện theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản. Đó là sự thật mà cán bộ”.
Tôi cố tình nhấn mạnh chữ “sự thật mà cán bộ” để ám chỉ hắn giả dối, trại giả dối, nhà nước giả dối, mà tất cả đều do bản chất giả dối từ trong đảng của hắn tạo nên cả.
Hắn lại quát: “Anh là tên ngoan cố”.
“Cán bộ nói vậy chớ bản thân tôi chưa biết như thế nào gọi là ngoan cố”.
“Anh chống lại cải tạo là anh không có ngày về đâu. Rục xương đấy!”
“Báo cáo cán bộ. Tôi không làm gì trái nội qui mà cán bộ nói tôi chống cải tạo. Tôi nghĩ là cán bộ biết rõ những gì tôi trả lời phái đoàn đều là sự thật mà”.
Có lẽ hắn tức lắm nhưng dường như đuối lý nên hắn quát:
“Vào trại ngay”.
Chỉ chờ có thế là tôi chào hắn và quày quả ra khỏi phòng. Trên đường vào trại, cán bộ Lực hỏi tôi:
“Anh làm gì mà ông Thung quát dữ vậy?”
“Tôi có làm gì đâu cán bộ”.
Vừa đi vừa thuật chuyện giữa tôi với cán bộ an ninh vừa rồi. Cán bộ Lực có ý khuyên tôi nhưng không rõ là hắn có thật lòng hay không:
“Anh không nên đối đầu với ông Thung. Không có lợi cho anh đâu”.
“Vâng. Cám ơn cán bộ. Thật ra tôi không có ý đối đầu gì cả mà chỉ nói sự thật thôi”.

RX là gì?

Chiều ngày 1 tháng 9 năm 1978, trong lúc Đội 29 với 30 chúng tôi ngồi viết khai báo trong câu lạc bộ gần loa phóng thanh. Thường ngày loa này không được mở, nhưng chiều nay bỗng dưng chúng tôi “bị nghe” chương trình truyền thanh chuẩn bị cho ngày mai -2 tháng 9- lễ độc lập của chúng. Trong bài diễn văn dài lê thê của ông Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, có một đoạn ngắn cuốn hút anh em chúng tôi đến mức đều ngưng viết. Đó là vấn đề tù chính trị chúng tôi, ông ta thẳng thừng rằng:
“… Bọn ngụy quân ngụy quyền và đảng phái phản động là bọn đã gây tội ác tầy trời, ta không thể tha thứ cho chúng …” 
Lúc ấy không có tên cán bộ nào có mặt, có lẽ chúng chuẩn bị về nhà sớm. Vì vậy mà điều đầu tiên là chúng tôi xúi hai anh Đội Trưởng xin về sớm với lý do viện dẫn ngày mai nghỉ lễ. Rồi cùng nhau tụm năm tụm ba bàn luận suy đoán với bao nhiêu là hình ảnh được vẽ ra và chồng lên nhau bắt nguồn từ lời tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng, tên cộng sản mà năm 1958 đã chan1h thức công nhận các đảo và quần đảo vùng Biển Đông thuộc về Trung Hoa cộng sản. Chúng tôi trông chờ vào bài diễn văn của ông Thủ Tướng cộng sản hôm nay, vì nghe chừng sẽ có quyết định liên quan đến tù chính trị. Thế nhưng qua lời của ông Đồng vừa rồi, đúng là ông ta có nói đến chúng tôi, nhưng điều mà ông ta nói chắng khác thùng nước lạnh tạt vào anh em chúng tôi choáng váng đến tối tăm mặt mũi!
Sau bữa ăn bo-bo chiều, cửa buồng giam đóng rầm một cái, tiếng click khô khan của cái ống khóa vừa bấm lại, từng nhóm anh em chúng tôi tiếp tục bàn luận chung quanh lời tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng lúc trưa. Một bạn trong nhóm chúng tôi ở cuối góc phòng mở đầu với câu ngắn mà không ai hiểu:  
“Vậy là RX rồi”.
“RX là gì vậy cha nội?”
“RX là rục xương chớ là gì nữa! Rõ vớ vẫn”.
“Đấy. Các anh tin vào cái gọi là khoan hồng nhân đạo của chúng nó nữa đi. Nó lừa được bọn mình vô tù rồi nó nói huỵch toẹt ra đấy”.
“Thôi. Nóng làm chi bạn ơi! Thế bạn có tin cái chính sách 10 điểm của họ hay không mà bạn ngồi đây?”
“Tôi thì khác”.
“Cứ cho là bạn khác với bọn tôi, nhưng nhìn lại thì chúng mình  cũng thế thôi bạn à! Là tù thua trận cả mà. Nặng nhẹ xách mé làm chi cho đau lòng nhau!”
“Tôi xin các anh cứ mặc cha nó! Cái quan trọng là mình phải vững tin rằng, chúng mình sẽ được ra khỏi trại tập trung dù chưa biết là sẽ ra như thế nào. Thế giới, nhất là Hoa Kỳ, vẫn xem Việt Nam là một vấn đề thì ta vẫn còn hy vọng mà. Bây giờ, vấn đề của chúng ta là giữ vững nghị lực để đừng bỏ xác trong nhà tù cộng sản. Thế thôi”.                
“Các anh ơi! Khi bước vào hoạt động chính trị, người ta buộc phải sử dụng ngôn từ của chính trị, cái thứ ngôn ngữ không nhất thiết 1 với 1 là 2 đâu. Nhất là chính trị trong cái quốc gia nghèo giữa một thế giới cạnh tranh nhau vì quyền lợi thì sự ổn định khó mà có được, nếu không nói là ảo tưởng. Trong một quốc gia không có khả năng độc lập kinh tế như Việt Nam thì đừng hòng có độc lập chính trị. Với lại, những nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam, được chọn từ thành phần 3 đời bần cố nông để đại diện công nhân nông dân thì họ có học hành gì đâu. Khi lãnh đạo mà không có kiến thức thì đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa càng ngày càng xuống vực thẳm là điều hiển nhiên. Rõ ràng nhất là cái nhóm lãnh đạo loại ấy lúc nào cũng vỗ ngực lớn tiếng bảo vệ đất nước cả”.
“Thằng cộng sản nó đếch cần đến kiến thức mà chỉ cần lưu manh để nắm quyền cả đời đấy. Cho nên chẳng phải riêng chúng mình, mà là cả dân tộc cứ như bị nhốt trong cái nhà tù bằng cả một quốc gia ấy”.
“Như Trung cộng thôi. Chúng nó định nhốt các Tướng Lãnh của Đài Loan đến rục xương trong tù, thế nhưng mới bước đầu chấp nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ là chúng nó thả các ông ấy về Đài Loan sau 26 năm trong tù đấy”.
“Thôi các bạn ơi! Làm ơn ngưng lại để ngủ cho có sức để mai còn khai báo tiếp. Không xong là chúng nó mắng đến phát tức bạn à!”
Nằm cạnh tôi, bên phải là anh Ngô Văn Huế (Công Binh). Anh nói nho nhỏ:
“Hồi đi trình diện, tôi ước tính ít nhất cũng phải 5 năm chớ tôi không tin là 30 ngày, vì cộng sản từng chà đạp Hiệp Định Genève 1954 và Hiệp Định Paris 1973 thì còn chỗ nào để mà tin nó”.
Tôi tiếp lời cũng nho nhỏ như vậy:
“Thật ra đâu có ai trong chúng ta dám nghĩ là đến một lúc nào, chúng ta sẽ là nguồn lợi cho cộng sản, như sự kiện Cu Ba đã từng thả tù chính trị sang Mỹ để đổi lấy máy cày nông nghiệp đó. Trong chính trị việc gì cũng có thể xảy ra cả. Nói rõ hơn, điều mà tôi hy vọng là chúng mình sẽ ra khỏi nhà tù bắt nguồn từ phía Hoa Kỳ, và biết đâu Hoa Kỳ sẽ đổi chúng ta bằng cách cấp cho chúng nó (cộng sản Việt Nam) những thứ gì đó cũng nên.”     
Anh Nguyễn Xuân Hường (Thiết Giáp) nằm bên trái tôi:
“Bây giờ tôi không còn tin bất cứ điều gì chúng nó nói cả. Tôi đồng ý là mình phải giữ vững nghị lực để sống, còn việc gì sẽ tới phải tới”.

Lại khai báo.

Toàn bộ những bản khai báo của từng người phải đóng lại thành tập. Chúng bảo bên ngoài phải ghi “Cuộc Đời Tôi”. Tập khai báo dày hay mỏng là tùy theo từng người viết, nhưng dưới 200 trang là bị chúng nó mắng nhiếc, hay ít ra cũng lời nặng tiếng nhẹ vì cho rằng chưa thành thật khai báo.
Khai báo bản thân xong tưởng là yên thân, nhưng đâu dễ dàng vậy. Vì đám Công An từ Hà Nội lại xuống hướng dẫn khai báo tập thể. Nói cho đúng là “tập thể khai báo về những Tướng Lãnh của mình”. Nói theo ngôn ngữ giang hồ là chúng nó  bắt chúng tôi “bề hội đồng” Tướng Lãnh của mình đó. Tất cả tù chính trị cấp Đại Tá từ Yên Bái xuống đây, chúng nó bảo chia thành 3 nhóm: Nhóm Quân Khu 1 + 2. Nhóm Quân Khu 3 + Biệt Khu Thủ Đô + Trung Ương. Và nhóm Quân Khu 4. Chúng nó hướng dẫn chọn như thế này: Không căn cứ vào thời gian sau cùng phục vụ ở đâu, mà căn cứ vào những vị Tướng Lãnh từng là cấp chỉ huy của mình để chọn nhóm. Thật ra anh em chúng tôi ráp lại theo nhóm là do ý thích, vì đã là Đại Tá thì không dưới quyền vị này cũng dưới quyền vị khác. Do đó việc tham gia vào nhóm là do chúng tôi thỏa thuận với nhau chớ chúng nó có biết gì đâu.
Tôi chọn vào nhóm Quân Khu 4, dù rằng thời gian tôi phục vụ ở Bộ Tổng Tham Mưu lâu hơn các nơi khác. Mỗi người chọn những vị Tướng mà mình đã phục vụ hoặc mình biết, cuối cùng là trong nhóm Quân Khu 4 chúng tôi lọc ra danh sách 18 vị Tướng. Anh Bùi Văn Sảnh được anh em trong nhóm bầu làm Trưởng Nhóm. Đến phần Thư Ký thì tôi tình nguyện và được tất cả các anh đồng ý. Khi tên cán bộ ra khỏi phòng, tôi trình bày ý kiến:
“Thưa các anh, tôi có quan niệm như thế này . Thư Ký là ghi chép phần nhận xét và thảo luận của các anh, nhưng tôi xin phép tóm tắt theo hướng đưa đến kết luận những vị Tướng Lãnh chúng ta có kiến thức tổng quát, có khả năng lãnh đạo chỉ huy, và có lòng nhân đạo. Cho dẫu mỗi vị đều có những khuyết điểm, mà thật ra đã là con người thì ai cũng có điểm tốt lẫn điểm không tốt, nay có nhìn như thế nào đi nữa thì cuộc chiến cũng tàn rồi, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta nhận chìm các vị mà một thời chúng ta phục vụ dưới quyền, hay ít nhất những vị ấy cũng là Tướng Lãnh của quân đội mà chúng ta từng phục vụ. Nói cho cùng, nếu các vị Tướng lãnh của chúng ta dở thì chúng ta đã không thể chiến thắng trong cuộc phản công Tết Mậu Thân đầu năm 1968 và trận chiến Mùa Hè 1972. Tôi phải trình bày ý kiến với các anh trước và mong được các anh cho biết ý kiến trước khi chúng ta bắt đầu”.
Chẳng những ý kiến của tôi được tất cả anh em đồng ý, mà nhiều anh còn bắt tay tôi như lời khuyến khích ý kiến đó nữa. Tôi mời anh Nguyễn Tài Lâm phụ tôi phần ghi chép ý kiến và thảo luận của các anh.
Anh em đồng ý 9 khung để thể hiện nhận xét của từng vị Tướng Lãnh, như: (1) Kiến thức tổng quát. (2) Kiến thức tham mưu. (3) Kiến thức chỉ huy. (4) Kiến thức huấn luyện. (5) Tính khí. (6) Nhân cách. (7) Phong cách. (8) Uy tín lãnh đạo. (9) Sở thích.
Cứ xong trang giấy nào thì anh Lâm đưa tôi trang ấy để tôi viết sạch lại. Tôi vừa diễn đạt thành văn vừa nghe để bổ túc thêm phần ghi chép của anh Lâm.                  
Sau hai ngày khai báo tập thể, anh Sảnh nhờ hai anh giả vờ sang hai nhóm kia thăm bạn để xem quan niệm khai báo của các anh ấy thế nào, để còn học hỏi nếu cần. Nhóm chúng tôi ghi nhận như sau: Nhóm Quân Khu 1 + 2 có quan niệm như chúng tôi, còn Nhóm Quân Khu 3 + Biệt Khu Thủ Đô + Trung Ương khá nặng lời. Anh Trần Ngọc Thống trong nhóm này nói với tôi rằng:
“… Nhiều anh làm cho tôi có cảm tưởng các anh ấy buộc tội các ông Tướng vậy …” 

Chuyển trại.

Nhưng không phải chúng tôi tại đây chuyển trại mà là các anh từ các trại ở oSơn La, Bắc Thái, và các trại còn lại ở Hoàng Liên Sơn, ào ào chuyển về trại tập trung Nam Hà này quá nhiều. Trại Nam Hà này có 18 buồng giam với gần 1.000 tù chính trị lẫn tù hình sự, nay tăng lên đến hơn 1.500 người. Tất cả các buồng giam từ 60 người, nay dồn ép lại để tăng lên hơn 100 người, như buồng giam chúng tôi đang từ 65 người tăng lên thành 101 người. Sàn gác bên trên được nới thêm đến mức 60 người trên sàn gác chỉ còn hai khoảng trống đủ  cho hai người lên hay xuống cùng một lúc. Mỗi sáng cũng như mỗi tối, chúng tôi phải mất khoảng 10 đến 15 phút mới lên hay xuống xong. Thế là “cái cõi không gian bé tí” của mỗi người chúng tôi, một lần nữa lại thu hẹp từ 70 phân tây (0.7m) xuống còn 50 phân tây (0.5m). Chỗ nằm hiện nay còn chật hơn chỗ nằm ở “ngưu ốc” (chuồng trâu) trên Yên Bái nữa! Nếu như sàn gác này bị hỏa hoạn hay một sự kiện gì đó gây hoảng loạn chẳng hạn, anh em tù chính trị chúng tôi sẽ bị lửa thiêu không phải là ít! Ngay cả lượng dưỡng khí cũng là một vấn đề đối với chúng tôi, vì chỉ còn trông cậy vào lượng dưỡng khí qua các cửa sổ thôi. Nghĩ đến đây là ghê rợn rùng mình! Nhưng mọi người im lặng, và chấp nhận, bởi không có cách nào khác!
Hầu hết chúng tôi không ai giăng mùng. Tuy thời tiết vào thu nhưng “cái nóng nung người nóng nóng ghê” còn đó, bầy muỗi vo ve còn đó, bầy rệp mà con nào con nấy bằng đầu đủa ăn vẫn còn đó. Để chống lại cái nóng khi ngủ, tôi mặc bộ bà ba do trại phát. Chỉ một lúc là bộ đồ đẫm mồ hôi, và từ lúc ấy tôi cảm thấy mát mẽ dẫn vào giấc ngủ nhanh hơn. Muỗi với rệp, vừa là bạn vừa là thù của chúng tôi. Tôi nói “bạn” vì lúc nào chúng nó cũng quanh quẩn với chúng tôi, tôi nói “thù” vì lúc nào chúng nó cũng hút máu chúng tôi. Mỗi sáng phải ra giếng giặt bộ bà ba vừa đẫm mồ hôi vừa đầy máu muỗi máu rệp, nhưng là “giặt chay” tức là giặt áo quần không xà bông.
Dần dần chúng tôi mới hiểu được nguyên nhân chuyển trại ào ạt từ các trại gần biên giới, là do tình hình căng thẳng giữa cộng sản Việt Nam với cộng sản Trung Hoa, sau khi lãnh đạo cộng sản Việt Nam ký hiệp ước hỗ tương với Liên Bang Sô Viết, và cộng sản Việt Nam xua quân đánh chiếm nước Cam Bốt cộng sản, đàn em của Trung Hoa cộng sản.
Tình trạng ngột ngạt đó kéo dài gần hai tháng, họ mới chuyển bớt một số tù chính trị chúng tôi đến các trại khác cũng thuộc trại tập trung Nam Hà. Cũng lúc ấy, anh em chúng tôi trong buồng giam 15 và 16, được chuyển lên buồng giam số 1 và số 2 để chuẩn bị lao động. Hai buồng này thoáng hơn, nói chung là dễ chịu hơn ở buồng 15 với 16 quá ẩm thấp. Đội 29 chúng tôi đổi thành Đội 2     

Trồng nấm mèo.

Sau gần 6 tháng “khai báo”, tất cả chúng tôi bắt đầu đi lao động. Đội 2 chúng tôi phụ trách trồng nấm mèo. Nhà trồng nấm ngay bên ngoài cổng trại do Trung Úy Công An tên Xoa phụ trách. Dưới quyền hắn có hai nữ Công An tên Nga và tên Kim phụ tá. Lúc ấy quản giáo Đội chúng tôi là “Thắng mặt đỏ”, vì mặt của hắn lúc nào cũng đỏ như say rượu. Sau khi tên Thắng giao chúng tôi cho tên Xoa thì tên Xoa mở lớp cấp tốc dạy chúng tôi khoảng một tiếng đồng hồ, đại để như thế này:
“Cây trồng nấm do các Đội khác cung cấp. Các anh  cưa từng khúc dài 1.2 thước, đục lỗ tròn theo kích thước của cái đục, sâu từ một phân tây đến một phân rưởi, cho “meo” vào và dùng nhựa thông bít lỗ tròn lại. Đem vào nhà nấm, gác những đầu cây chụm vào nhau tạo thành hình nón. Mỗi ngày tưới hai lần. Khi nấm đến tuổi thì thu hoạch, đem phơi khô, cho vào bao, vậy là xong một chu kỳ trồng cấy nấm”.
Ngày đầu tiên, sau khi “dự lớp học cấp tốc”, hắn bảo chúng tôi đi làm: Tôi hỏi:
“Báo cáo cán bộ. Căn cứ theo hướng dẫn của cán bộ, tôi đã tổ chức Đội thành các nhóm công tác xong”.
“Xong thì anh lãnh dụng cụ mà làm, chứ đứng đó báo cáo không à?”  Hắn bắt đầu gay gắt với chúng tôi. Tên Xoa này lúc nào cũng cau có.
Tôi hơi tức, vì trông cái mặt của hắn,  cộng với cái kiểu cách nói chuyện, quả là khó ưa:
“Dụng cụ ở đâu cán bộ?”
Hắn gay gắt thật: “Dụng cụ trong túi tôi đây”.
Tôi quay lưng ra ngoài mà không nói gì với hắn.
Hắn tức: “Anh đi đâu đó?” 
“Tôi không biết dụng cụ ở đâu mới hỏi cán bộ, mà cán bộ trả lời như vậy tôi đứng đó làm gì”.
“Anh không lãnh dụng cụ à?”
“Cán bộ không hướng dẫn, tôi biết đâu mà lãnh”. 
“Anh có muốn tôi trả các anh vào trại không?”
“Báo cáo cán bộ. Với chúng tôi, không có vấn đề muốn hay không muốn”.
Hắn lừ lừ nhìn tôi một lúc, rồi gay gắt thêm:
“Cô Nga, cô dắt anh ta lên kho lãnh dụng cụ”.
Con bé công An trả lời nhỏ nhẹ:
“Dạ dụng cụ em còn giữ trong kho nhà nấm anh ạ!”
“Cô cho chúng nó mượn đi”.
Con bé này độ 20 tuổi, vừa đi vừa nói với tôi:
“Anh cãi với ông Xoa chi vậy?”
“Mới vô câu đầu là tôi không có cảm tình rồi cán bộ. Cách nói chuyện của ổng, cán bộ có chấp nhận không?”
“Ông Xoa nóng tính lắm. Anh chống lại ông ấy không có lợi cho anh đâu”.
“Cám ơn cán bộ. Tôi biết tính ông Xoa trong thời gian ổng làm trực trại, nhưng tôi cũng biết sử dụng cái đầu của tôi đến mức cần thiết chớ. Chúng tôi là tù chính trị chớ đâu phải tù hình sự. Thôi, cán bộ đừng nói chuyện đó nữa”.
Lãnh dụng cụ và phân phối cho các Tổ xong, tôi vào phụ với anh Ngô Văn Huế (Đại Tá Công Binh). Anh Huế nói:
“Thằng cha này khó ưa lắm, nhưng anh cũng nên cẩn thận vì thằng nào cũng có quyền phạt giam mình hết”.   
“Cám ơn Anh. Tôi thận trọng trong mọi trường hợp chớ không riêng gì với hắn. Sự thận trọng của tôi có nghĩa là tôi biết chống lại tụi nó đến mức nào phải dừng lại để tránh bị phạt giam”.
“Hồi nảy con Nga nó rù rì với anh cái gì vậy?”
“Nó có ý khuyên tôi không nên cãi với thằng cha Xoa. Cãi với hắn là không có lợi cho tôi. Ở vị trí của con bé đó nó thấy như thế, nhưng tôi thì khác. Tôi cho là có lợi cho mình, vì ít ra mình cũng cho nó thấy anh em mình không phải dễ nạt nộ như tù hình sự đâu anh”.
Ngoại trừ các tổ trong nhà nấm, còn có tổ gồm 6 anh đẩy xe cải tiến lấy phân dê ở chuồng dê trên đường ra chợ Ba Sao, hằng ngày đều đi ngang nhà thăm nuôi do Đội anh em Cảnh Sát phụ trách xây cất. “Cứt dê” đem về đổ xuống hầm nhưng không biết họ sử dụng làm gì. Họ giao chúng tôi buổi sáng hai chuyến và buổi chiều một chuyến. Trong tổ này có anh Nguyễn Kim  Tây và anh Trần Bá Thành (cả hai là Đại Tá) hay tếu lắm, nhất là anh Tây. Cứ mỗi chuyến đẩy xe cải tiến “cứt dê” về, thể nào cũng có chuyện vui gì đó kể lại cho anh em nghe, đôi khi cười bò lăn trong nhà nấm. Anh gọi chuồng dê là “chuồng thầy”, và cứt dê là “cứt thầy”.  
Tôi không rõ công việc sản xuất nấm này từ lúc nào, nhưng kết quả là “nấm không quyết tâm mọc nhiều, mà những cái nấm mọc ra lại không quyết tâm phát triển”, nên những cái nấm vừa ít lại vừa nhỏ. Có thể vì vậy mà nhà nấm này bị dẹp bỏ sau mấy tháng “sản xuất”.

Chuyển lúa.

Sau khi cơ sở sản xuất nấm mèo đóng cửa, Đội chúng tôi phụ trách chuyển lúa từ dưới cánh đồng chiêm lên sân phơi gần khu vực cơ sở chánh của trại. Lúc ấy Công An quản giáo Đội chúng tôi tên Kiện, bảo chúng tôi chia làm hai toán: Một toán chuyển lúa vừa cắt xong từ cánh đồng ngập nước lên lưng chừng triền đồi, và một toán chuyển tiếp từ đó lên đến sân phơi. Đây là núi đá, nên triền dốc toàn là đá tảng rất ư là lổm chổm khó đi. Tôi trong toán thứ nhì. Trong lúc ngồi tại chỗ chờ toán thứ nhất chuyển lên để chúng tôi chuyển tiếp, tên Trung Úy Công An mà anh em chúng tôi gắn cho hắn cái biệt danh “Trung Úy gà” từ trên sân phơi xuống. Vì hắn ăn cắp gà ở khu gia đình của đám Công An cai tù, nên anh em chúng tôi gắn cho hắn cái biệt danh ấy. Hắn đứng trước mặt tôi với giọng kênh kiệu:
 “Tại sao anh ngồi đây?”
“Báo cáo cán bộ, chúng tôi chờ toán dưới đồng mang lúa lên”.
“Tại sao anh không xuống dưới mà mang lên?”
“Chúng tôi đã phân công rồi cán bộ”.
“Ai phân công cho anh?”
“Cán bộ quản giáo Đội tôi”.
Hắn càng gắt giọng: “Cán bộ nào?”   
“Cán bộ Kiện”. Tôi cứ từ từ trả lời.
“Cán bộ Kiện ở đâu?
“Cán bộ Kiện ở dưới đồng”.
“Anh xuống đồng với tôi”.
“Không được cán bộ, tôi phải ở đây vì tôi phụ trách toán chuyển tiếp từ đây lên trên sân phơi”.
Hắn càng thêm tức khi mấy bạn tù trẻ ngồi gần đó cũng chờ chuyển tiếp bên Đội của các bạn ấy, nói bâng quơ:
“Đẹp. Đẹp lắm”.
Hắn ra lệnh như quát: “Đứng lên. Đi với tôi”.
Tôi đứng lên, nhưng không phải đi theo hắn, mà là nhận bó lúa do toán dưới đồng vừa lên đến, và quay lưng đi. Hắn lại quát:
“Anh đi với tôi xuống gặp cán bộ Kiện”.   
Thấy hắn giận dữ, tôi ra vẻ dịu xuống:
“Báo cáo cán bộ, cán bộ Kiện phân công cho tôi, chừng nào cán bộ Kiện bảo tôi đi thì tôi đi”. Nói xong, tôi vác bó lúa cùng các bạn leo dốc.
Buổi chiều, quay về trại và trong khi ngồi chờ “điểm số” vào buồng giam, tôi nghe tiếng một bạn ngồi gần cuối hàng:  
“Hôm nay thằng cha Hoa cho thằng “Trung Úy gà” đo ván quá nặng. Kể ra “chả”  liều mạng thiệt, nó nhốt chả như chơi”.
Sau “trận” đó, Đội 2 chúng tôi “bị” chuyển đến đầu đằng kia vẫn là chuyển lúa, nhưng triền dốc đá ở đây khó đi hơn nhiều vì dốc vừa cao vừa lổm chổm. Cùng là một cánh đồng nhưng có hai lối đi vận chuyển những bó lúa. “Cánh đồng chiêm” khi lúa chín lại là lúc chìm sâu dưới mặt nước mà lần đầu tiên tôi trông thấy. Các bạn cắt lúa phải ngâm mình dưới nước, có nơi phải lặn xuống mới cắt được.
Nhìn chung, Đội “trầm mình” cắt lúa ướt mem, mà Đội vận chuyển lúa cũng ướt mem nếu vác. Vác thì tương đối dễ đi, còn khiêng thì không bị ướt nhưng rất khó đi vì dốc cao. Tôi với anh Nguyễn Kim Tây cùng một khiêng hai bó. Tôi thấp nên đằng trước cái khiêng. Trưa nắng và oi bức, thấm mệt, trong một bước không vững, tôi ngã người tới trước và chân phải vấp vào cạnh tảng đá, ngón chân cái bị tróc móng đến hơn phân nửa khỏi phần thịt. Máu ra nhiều và đau “thấy trời xanh”! Vì đau quá nhưng không khóc cũng không than, chỉ có cách nhìn lên trời mà cắn răng nhăn mặt! Anh Tây dìu tôi lên đầu dốc, lại trở xuống đồng báo cáo với cán bộ Kiện cho tôi về bệnh xá trại.
Trong bệnh xá, ngoại trừ một bác sĩ Công An, còn lại là bác sĩ quân y cùng là tù chính trị. Bác sĩ Diễn, bác sĩ Nhâm, bác sĩ Cảnh, bác sĩ Phong, và bác sĩ Trương Văn Quýnh là trưởng nhóm. Bác sĩ Trương Văn Quýnh có những năm làm Giám Đốc Bệnh Viện Sài Gòn, chuyên về cấp cứu. Bác sĩ Quýnh cho biết phải vài ngày mới rút móng được, vì rút bây giờ tôi sẽ không chịu nỗi. Mỗi ngày tôi phải khai bệnh xin nghỉ. Đêm ngủ phải treo chân lên cao ngang đầu gối mới ngủ được. Hôm rút móng chân, bác sĩ Cảnh (Trung Tá, Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ) vừa cười vừa nói như giúp tôi quên bớt cơn đau nhức:
“Hôm nay có dịp “làm thịt” ông anh đây. Ông anh nằm yên. Vì không có thuốc tê, anh Phong (bác sĩ Mã Thạch Truy Phong) sẽ châm cứu gây tê cho ông anh, rút móng xong vài hôm là xuống đồng vác lúa nữa”.
Bác sĩ Phong châm cứu cả hai chân đến 14 cây kim, tôi nghe như có dòng điện li ti từ đầu cây kim này nối đến đầu cây kim kia, khi bác sĩ Phong và bác sĩ Diễn rung nhè nhẹ những cây kim để kích thích gây tê. Cùng lúc, bác sĩ Cảnh cầm kềm rút móng chân tôi. Sau cái đau thấy mấy chục ông Trời đang lơ lửng trên trần nhà, tôi ngồi dậy nhìn ngón chân. Trời đất ơi! Cái móng còn nguyên.
Bác sĩ Cảnh không đùa như lúc nảy nữa mà nói yếu xìu:
“Cứng quá, rút chưa được. Anh chịu khó nằm xuống đi”.
“Khoan anh Cảnh. Tôi đau lắm. Tôi cần điều hòa nhịp thở một lúc rồi anh tiếp tục. Châm cứu không ăn thua anh ơi!”
Tôi nằm xuống. Anh Trần Xuân Đức đè hai tay tôi xuống giường vì sợ tôi ngồi dậy.
“Anh đừng đè tôi, đau thì đau nhưng tôi chịu được”.
Không thể tưởng tượng nỗi với mức độ đau nhức khi anh Cảnh rút móng chân tôi! Chừng như toàn bộ khả năng chống đỡ của tôi đều tập trung vào sức chịu đựng khi móng chân đi theo cái kềm trong tay bác sĩ Cảnh bức ra khỏi ngón chân. Người tôi yếu hẳn trong những phút sau đó, mãi đến khi điều hòa được hơi thở, tôi mới để bác sĩ Cảnh rửa ngón chân, nơi mà cái móng phủ bên trên không còn nữa. Mỗi khi miếng bông gòn lướt trên lớp thịt bầy nhầy với máu đỏ bùn đen, đau và xót kinh khủng! Sau đó, với dáng đi “chấm phết”, tôi từng bước về buồng giam.
Đi lao động mới có nước sôi ăn mì gói, chớ nằm buồng giam chỉ bẻ từng mẫu mì gói ăn sống, rồi uống nước vào cho nó nở ra thôi. Còn khẩu phần bo-bo chỉ dậm thêm chút ít, chớ ăn hết chén càng khổ khi đi cầu. Hai ngày sau, tôi đến bệnh xá thay băng, và từ đó không được nghỉ nữa mặc dầu vẫn còn đau, và vẫn đi “chấm phết”. Khi nghỉ bệnh, chúng nó căn cứ theo thời gian chớ không căn cứ vào bệnh trạng của tù chính trị. Nhân đạo của cộng sản như vậy đó!                          

Cuốc đất thay trâu cày.

Sau Tết, Đội chúng tôi và 9 Đội nữa được lệnh xuống cánh đồng chiêm cuốc đất làm ruộng. Khi gặt lúa vụ chiêm, anh em chúng tôi trầm mình dưới nước, mấy tháng sau thì mặt đất của cánh đồng ngập nước này trở thành nứt nẻ vì nắng hạn. Những con cá con ếch con nhái “thân tàn ma dại” trong những đường nứt. Hầu hết khi cuốc đất lên, chúng nó chỉ còn là những bộ xương bao bọc lớp da bên ngoài, hoàn toàn không giúp ích gì cho những cái bao tử của chúng tôi. Nếu nhìn cánh đồng như một bức tường đá tảng, thì những đường nứt tựa như những mạch hồ nối những tảng đá liền với nhau mà có thời gian tôi “làm thợ hồ” xây bức tường buồng giam vậy. Trông cũng hay hay. Đó là cách nhìn ít nhiều lãng mạn. Nhưng nếu nhìn theo góc độ dân tộc thì rất tội nghiệp cho người dân xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nơi đây, mấy chục năm qua rất ư là khốn khổ!
Gần 200 tù chính trị chúng tôi toàn sĩ quan viên chức với đảng phái chính trị, khom lưng cuốc ruộng thay trâu cày. Cán bộ Kiện, quản giáo Đội, gọi tôi:
“Anh cử một anh nấu nước, một anh lấy củi, và một anh sửa cuốc cho Đội. Anh cử một anh đến nấu nước cho cán bộ. Mỗi anh còn lại giao chỉ tiêu 100m2 mỗi ngày lao động”.
“Báo cáo cán bộ, chỉ tiêu 100m2 là cao lắm, tôi lo là chúng tôi không thể cuốc nỗi. Tôi đề nghị để chúng tôi cuốc thử vài ngày rồi cán bộ ấn định chỉ tiêu. Về người nấu nước, tôi nghĩ là chúng tôi nấu nước chung rồi pha trà đem đến cán bộ, đỡ tốn một lao động”.
“Anh có biết đề nghị của anh mang tính chống đối không. Đây là chỉ tiêu chung chứ không phải riêng Đội anh. Tôi nói cho anh biết, nếu đề nghị của anh  đến tai ông Huy (Đại Úy Trại Trưởng) là có vấn đề đấy. Còn nấu nước phải nấu tại đây (tại lều của hắn)”.
Tôi trở lại Đội tường thuật cho các bạn. Anh Cao Văn Phước “tình nguyện” sửa cuốc. Về chỉ tiêu cuốc đất và người nấu nước:
“Ý kiến của tôi là tùy theo sức mà cuốc rồi tôi liệu cách đối phó với hắn. Về người nấu nước tại lều của hắn, chúng ta lớn tuổi rồi, tôi không muốn bất cứ anh nào trong số chúng ta đến đó nấu cho hắn uống, nhưng hắn có vẻ gay gắt khi đòi hỏi phải có một người làm công việc đó”.
Anh Phước nói: “Anh Hoa, tụi nó ngoắc anh kìa”.
Tôi chưa đi thì tên võ trang dùng hai bàn tay chụm lại làm loa nói lớn:
“Được rồi, các anh cứ nấu nước pha trà mang đến đây”.
Tôi nói với các bạn:
“Vậy là chúng nó đồng ý đề nghị của tôi rồi. Thà là mình tốn một ít trà để khỏi phải nấu riêng cho chúng nó hơn là để nó sử dụng mình như tù hình sự. Mỗi buổi mình cho chúng nó một “lon guigoze” trà pha đặc một chút. Trà thì tôi cung cấp được, còn cái lon bạn nào có thể cho mượn được?”
Anh Cao Văn Phước đồng ý cho mượn. Đến ngày thứ ba, tên quản giáo Kiện và tên Thắng, lại bắt Đội cử người luân phiên đến lều của nó nấu nước. Cuối cùng, chúng tôi đành phải đồng ý mỗi ngày luân phiên một anh. Đến đây cũng chưa ổn, vì hai ngày sau đó là phiên anh Đặng Văn Hậu, chúng nó bắt buộc anh Hậu hằng ngày đến lều của nó mà nấu chớ không luân phiên nữa. Buổi chiều, anh Hậu thuật lại cả Đội nghe:
“Thằng Thắng với thắng Kiện không chấp nhận luân phiên nữa, chúng nó bảo tớ phải nấu nước cho bọn nó. Nó nói thằng cha Hoa miệng rất ngọt, ăn nói nhẹ nhàng, ra lệnh gì cũng nghe nhưng bụng chứa đầy dao găm. Tớ mà nghe thằng cha Hoa là rục xương trong tù. Thằng Thắng nó ghìm thằng cha Hoa dữ lắm”.
“Thế Hậu trả lời hắn ra sao?” Tôi hỏi.
“Tớ bảo việc này do Đội quyết định. Thằng Thắng nói nếu nó bắt tớ làm thì tớ có làm không? Tớ trả lời: Cán bộ bắt buộc thì tôi phải làm, nhưng tôi buồn lắm!”
Cuối cùng chúng tôi quyết định vẫn cứ luân phiên, nhưng vẫn cung cấp trà với thuốc điếu quấn cho chúng nó mỗi ngày 20 điếu. Nghĩa là thêm một chút “hối lộ”, cũng có thể nhờ đó mà tên quản giáo giảm “chỉ tiêu” cuốc đất mỗi người/ngày 70m2, tức giảm được 30m2. Chúng tôi là tù chính trị chớ không phải tù hình sự mà chúng nó sai khiến quá mức. Chúng tôi luôn tùy cơ ứng biến. Tôi nghĩ, chúng nó không dám mạnh tay vì đây là việc riêng cho chúng nó. Mà nói cho cùng, nếu Ban Giám Thị có gọi tôi sỉ vả mắng chửi, tôi sẽ giải thích được, trừ khi chúng nó cột tôi vào cái tội gì khác để trừng phạt tôi. Nhưng rồi không việc gì xảy ra khi chúng tôi áp dụng luân phiên.  
 Thời tên Phụ làm quản giáo, hắn hỏi tôi:
“Tôi và cán bộ võ trang sẽ lãnh phần ăn trưa còn sống đem xuống đồng, anh cử người nấu cho chúng tôi được không?”
Tôi trả lời:
“Cán bộ ra lệnh cho chúng tôi khiêng phân người hay khiêng nước tiểu, chúng tôi thi hành ngay. Nhưng nấu ăn cho cán bộ thì chúng tôi không thể làm được. Chúng tôi là những người tù chính trị, lại lớn tuổi, thậm chí là già yếu, tôi nghĩ là cán bộ cũng thông cảm với tôi về câu trả lời này”.
Hắn làm thinh. Thật ra trước khi trả lời hắn, tôi nghĩ ngay đến “cái lực” trong tay chúng tôi, nếu như hắn mạnh tay thì chúng tôi “ngưng viện trợ” thuốc hút và thuốc uống, đó là hai thứ mà hắn rất cần chúng tôi.
Hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nước của chúng tôi. Quí vị quí bạn thử hình dung, từ ngoài cổng vào bên trong trại, ngay bên phải có một cái giếng rất lớn nhưng rất cạn. Đường kính khoảng 10 thước, nhưng sâu chỉ hơn 2 thước thôi, vì vậy mà gọi nó là giếng cũng không đúng hẳn. Hằng ngày sau khi lao động về dù mùa hạ oi nồng  hay mùa đông lạnh buốt, chúng tôi đều trần trụi đứng tắm nơi đây. Nhưng bây giờ  đang là  mùa đông, cái gọi là giếng đó hoàn toàn khô cằn, trơ lại cái đáy giếng đất và đá. Một chút may mắn là có bốn cái lỗ mội rỉ ra từng rỉ nước. Chúng tôi khoét bốn lỗ mội đó sâu chừng một gang tay và rộng cũng chừng ấy, để trữ nước. Mỗi sáng dậy, khi cửa buồng giam vừa mở là hầu như mọi người xách cái lon guigoze và cái muỗng ăn cơm chạy ra giếng, tuột xuống ngồi xếp hàng chờ múc nhẹ từng muỗng nước cho vào lon đem về buồng giam rửa mặt. Phải nhẹ nhàng để tránh nước bùn từ bên dưới trồi lên làm đục “ao nước” nhỏ nhất thế giới, nhưng hết sức cần thiết cho anh em chúng tôi trong mấy buồng giam lân cận. Hằng ngày khi lao động bất cứ ở vùng nào, chúng tôi tìm những vũng nước, lạch nước, cho dẫu nước phèn mà vàng cách mấy cũng ráng tắm giặt. Mỗi người chỉ vài lon là xong. Tôi chỉ nói “tắm giặt xong” chớ không dám nói “tắm sạch giặt sạch” nghe quí vị quí bạn. Nếu không tắm giặt ở đây thì không thể nào giải quyết được nhu cầu này ở đâu cả. Điều đặc biệt là không có sự xích mích va chạm nào giữa anh em chúng tôi về vấn đề nước cả.

Vợ tôi đến thăm.

Từ đầu năm 1979, Bộ Công An cho gia đình tù chính trị đến thăm nuôi, kèm theo điều kiện là phải được các cơ quan địa phương cho đi, và tù chính trị không bị những hình thức kỷ luật tại trại. Vậy là cái lệnh này đã dẫn đến việc xây cất nhà thăm nuôi cách cổng trại hơn cây số.
Trung tuần tháng 05/1979, vợ tôi và con trai út chúng tôi 8 tuổi từ Sài Gòn ra thăm tôi. Hôm đó là chiều thứ bảy, anh Phạm Văn Thường (Đại Tá Tiếp Vận) tạt vào buồng giam báo tin cho tôi:
“Hoa ơi! Bà Xã của anh đang ở ngoài nhà thăm nuôi đấy. Ngày mai anh sẽ gặp”.
“Sao anh biết?” Tôi hỏi lại một cách vội vàng.
“Chiều nay tôi ra gặp vợ tôi và vừa vào tới. Bà Xã anh gởi cho anh 10 cái trứng luộc”.
Trao xong là ảnh ra ngoài để mang quà về buồng giam vì sắp đến giờ khóa cửa buồng giam.
Tôi bưng cái thau nhựa có 10 cái trứng bên trong với thái độ có vẻ lúng túng, trong khi các bạn ngồi chờ điểm số vào buồng giam. Anh Trần Văn Lễ nói:
“Thằng cha Hoa mất hồn rồi, giống như tôi hồi đầu năm vậy”.
Đêm đó quả thật  tôi không ngủ được, và tôi tin vợ và con tôi cũng không ngủ được. Vì quá bất ngờ nên các bạn thấy tôi lúng túng, chớ được tin báo trước thì không đến nỗi “mất hồn” như anh Lễ nói đâu quí vị quí bạn à!
Sáng hôm sau, Công An cai tù phụ trách hướng dẫn thăm nuôi tên Quan, vào trại  gọi tôi ra thăm gặp gia đình. Hắn đưa cái chìa khóa cho tôi:
“Anh mở khóa lấy cái xe cải tiến kéo theo chở quà”.
Nếu quí vị quí bạn hình dung được sự hăng hái của người tù chính trị lần đầu tiên được gia đình đến thăm như thế nào, thì tâm trạng của tôi cũng y như vậy. Nhưng mà cái khung xe bằng kim khí nó nặng quá trời, nhất là khi kéo lên cái dốc khá cao và khá dài. Phải qua khỏi đầu dốc mới đến nhà thăm nuôi. Tôi mặc quần áo tù màu xanh do trại phát, kiểu như bộ bà-ba trong Nam nhưng lại có cái cổ cao. Khi đến đầu dốc:
“Báo cáo cán bộ. Ngừng lại nghỉ chân một lúc cán bộ, vì lần đầu gặp gia đình mà mặt mày xanh lè xanh lét thì thất sách lắm cán bộ”.
“Dừng thì dừng. Nhưng anh nói thất sách là thế nào?”
“ Cán bộ nghĩ xem, sau bốn năm vợ chồng mới gặp lại nhau mà tôi cứ đứng thở hì hà hì hục thì vợ tôi xúc động lắm, trong khi tôi không đau yếu bệnh hoạn mà chỉ kéo cái xe vừa nặng vừa lên dốc nữa”.
“Được. Tôi thông cảm rồi. Anh cứ ngồi nghỉ, khỏe lại hãy đi”.
Mùa hè trên đất Bắc, mới sáng sớm mà nóng chẳng khác cái nóng ban trưa ở Sài Gòn, chiếc xe và cái dốc làm cho cái áo tôi đẫm mồ hôi. Tôi vừa quạt vừa đi tới đi lui trong khi hắn ngồi trên mỏm đá nhìn tôi, không hiểu hắn sợ tôi trốn hay hắn thấy dáng điệu của tôi có cái gì khác thường chăng?
Vừa để cái xe ngay bậc thềm, vợ tôi với đứa con trai út chúng tôi bước ra. Chúng tôi nắm tay nhau thật chặt, nhưng tôi không dám hôn, vì tên “Thắng chuột” phụ trách nhà thăm nuôi chầm chập nhìn chúng tôi.
Tôi không dám hôn vì nhớ đến chuyện anh bạn tù trẻ vừa được vợ đến thăm tuần trước. Sau khi chú ấy gặp vợ  một lúc thì “Thắng chuột” bảo chia tay rồi vào trại. Vợ chú ấy tiễn chồng bằng cách cùng chồng đẩy xe cải tiến một đoạn đường. Đến đầu dốc xuống, dừng xe cải tiến lại, anh tù trẻ bước vòng ra sau xe, ôm vợ hôn lia lịa. Tên “Thắng chuột” lúc ấy cùng vào trại, trông thấy, hắn la to:
“Ơ! Ơ! Cái anh này làm gì kỳ thế? Buông ra nhanh”.
“Tôi hôn vợ tôi chớ làm gì mà cán bộ la om sòm”.
“Nắm tay được rồi, ai lại hôn kỳ vậy”.
Anh tù trẻ hơi tức: “Bộ cán bộ chưa từng hôn vợ hả?”
Hắn quát: “Đi vào. Không có lý sự nữa”.
Vì vậy mà tôi chỉ nắm tay và nhìn vào đôi mắt vợ tôi. Buông tay vợ tôi ra, ngồi xuống, ôm chặt con tôi vào lòng. Một lúc, nó từ từ gở tay tôi ra, có vẻ như nó “mắc cở” thì phải. Vì lúc tôi vào tù nó mới 4 tuổi nên không nhớ được nhiều về tôi chăng?
Thắng chuột nói: “Anh chị vào đây”.
Hắn ngồi vào cái bàn sát tường bên kia, vợ chồng tôi và đứa con ngồi trên cái băng sát tường bên này, đối diện nhau trong gian phòng nhỏ xíu. Hắn bắt đầu “giảng bài” y như băng cát xét phát ra vậy :
“Anh chị biết là đảng với nhà nước rất khoan hồng nhân đạo, cho gia đình mấy anh gặp nhau. Vậy, thứ nhất, khi thăm gặp ở đây, anh chị phải chấp hành nội qui cho tốt, nếu vi phạm là bị cắt ngay, và có thể bị cấm thăm trong nhiều lần sau này. Thứ hai, khi về địa phương, chị phải nói cho nhiều người biết về chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng với nhà nước đối với ngụy quân ngụy quyền. Thứ ba, anh phải luôn luôn chấp hành tốt nội qui của trại, và quyết tâm học tập cải tạo tiến bộ để sớm được khoan hồng về với gia đình. Anh chị nghe rõ chưa?”
“Báo cáo cán bộ. Nghe rõ”.
“Anh chị ra ngoài xem bản nội qui dán ở cửa, sau đó vào đây trao đổi chuyện gia đình trong vòng 2 tiếng đồng hồ”.
Tôi ôm con tôi và hôn bé lia lịa, nhưng con tôi “mắc cở” thật. Gian phòng nhỏ xíu chúng tôi ngồi  đang quét dọn nên bụi mịt mù, chúng tôi sang gian phòng nhỏ bên cạnh, chỉ có bộ ván chớ không có bàn ghế gì cả. Chúng tôi ngồi sát vào nhau, và bên cạnh là một gia đình người bạn. Ngay bên ngoài, hai tên Công An đi qua đi lại như để chứng tỏ lúc nào cũng có hắn theo dõi chúng tôi. Tôi nói khẽ:
“Em vẫn đẹp như trước tuy vất vả trong mấy năm trời”.
Lời khen của tôi còn bao hàm lời khen vợ tôi đã vượt biết bao khó khăn gian khổ lo cho các con, và lo cho gia đình chúng tôi.
Vợ tôi ngã đầu vào vai chồng:
“Anh không ốm (gầy) như Em nghĩ nên Em mừng lắm. Em cứ tưởng là Anh ốm lắm. Ráng giữ sức khỏe nghe Anh…”
Lần lượt vợ tôi thuật mọi diễn biến về bà con thân quyến trong thời gian qua, điểm chánh là các con chúng tôi:
“Tuần rồi, bốn con đã đi trên một chuyến tàu dưới dạng người Việt gốc Hoa hồi hương, ra hải phận quốc tế chờ tàu biển chở đến nước thứ ba, nay thì Em nhẹ cả người. Còn Nghĩa, chờ con lớn một chút hãy tính nghe Anh. Con còn nhỏ quá Em hổng dám cho đi. Anh đừng lo chuyện nhà, dẫu sao những năm gian khổ đã qua mà Em cố gắng quán xuyến được, nay Em tin là Em vẫn vượt qua được thôi. Em nhắc lại là Anh phải giữ gìn sức khỏe. Chừng nào Anh về thì chưa biết, nhưng Anh phải hứa với Em là Anh phải giữ sức khỏe nghe Anh”.
“Anh hứa với Em. Em còn tiền để chi dùng ở nhà không?”
“Em còn chút ít Anh à! Lúc Anh bị giam ở Biên Hòa, Em mất mấy lượng (vàng). Khi Anh ra Yên Bái, Em mất mấy lượng nữa vì tin vào chị N. V. M. Chỉ nói có bà con làm tướng  cộng sản sắp trở ra Bắc, nên Em với chị Chí (Nguyễn Thành Chí) gom góp gởi cho Chỉ, nhờ mang ra Bắc đưa lại Anh với anh Chí. Tụi Em có trả tiền công chớ có phải nhờ không đâu. Gởi đi rồi, trông hoài không thấy Anh với anh Chí nói gì trong thư. Cuối cùng, Em với chị Chí tìm hiểu mới biết  chị M. chẳng có tình bè bạn gì cả, mà Chỉ gạt để lấy vàng của tụi Em thôi. Đâu có thưa ai được Anh, chỉ có cách là tụi Em không bao giờ nhìn mặt chị đó nữa”.
Ngưng một lúc, vợ tôi thuật tiếp:
“Miếng vườn thì tụi nó tịch thu sau khi Anh vào tù. Căn nhà Ba Má đang ở (Vĩnh Long) bị chúng nó lấy sau đó với lý do là cha mẹ của Đại Tá ngụy. Ba Má phải về Nha Mân cất căn nhà nhỏ trên đất của Cô Bảy mà Em đâu dám nói trong thư. Sang cái chuyện đi xe bò đến thăm Anh. Anh biết không, chị Thường (Phạm Văn Thường) với chị Lục (Lê Đình Lục) nhờ Cô của anh Thường dẫn từ Sài Gòn ra Nam Định ở nhờ nhà cô anh Thường. Sáng hôm qua, Cô anh Thường mướn xe bò chở người lẫn chở đồ từ Nam Định lên Phủ Lý, rồi vô đây. Trời đất ơi! Những đoạn đường dốc, tụi Em phải xuống đẩy phụ con bò. Nắng nóng quá, con vừa mệt vừa khát nước lại vừa đói mà đâu có cơm nước gì cho con. Mới đi lần đầu nên tụi Em có biết gì đâu mà chuẩn bị. Em cho con ăn mì gói sống. Con muốn uống nước đá mà cái xứ này trông giống nhà quê quá, có ai bán nước đá đâu Anh. Đi từ sáng sớm mà chiều tối mới tới đây. Đêm hôm đông người quá, muỗi thì nhiều mà họ không đủ mùng cho mượn. Cũng may là có ông già người Bắc, thấy con bị muỗi cắn giật mình hoài, ổng mới kêu con vào mùng ngủ chung với ổng. Từ lúc đó con mới ngủ được đến sáng! Em cực đành rồi, thấy con cực quá Em muốn khóc!”
Rồi vợ tôi khóc thật! Tôi cũng ứa nước mắt từ lúc nào ..!
“Em gan lắm, chớ Anh ở nhà chưa chắc Anh dám cho các Con cùng ra biển một lần đâu. Nay thì mọi việc suông sẻ. Tương lai các con bao giờ cũng là hạnh phúc của mình. Đó là quan niệm mà chúng mình xây dựng từ lúc cưới nhau. Giờ thì mình trông tin ngày nào các con đến Mỹ, ngày đó xem như các con chúng mình bắt đầu vào đường xây dựng tương lai rồi Em. Mong là các con bình an đến nơi đến chốn”.
Tôi hôn phớt trên mái tóc vợ tôi, trong khi chúng tôi nắm chặt tay nhau. Tiếng của “Thắng chuột” đứng ở cửa nghe mà phát ghét:
“Anh Hoa mang quà ra xe vào trại. Hết giờ rồi”.
Tôi quẳng bao quà lên xe cải tiến, quay lại vợ tôi rồi cùng nắm chặt tay nhau và cùng nhìn thẳng vào ánh mắt của nhau, như chuyển gởi vào đó tất cả tâm tình giống như  lúc chúng tôi cùng “giở mâm trầu” sau khi làm lễ cưới ngày 5 tháng 3 năm 1958 vậy. Xoay qua ôm con tôi vào lòng, hôn lên má của bé trước khi ra cửa, vào trại.
Đến đầu dốc xuống, tôi dừng lại, quay nhìn vợ con tôi vẫn đứng ở bậc thềm nhìn tôi. Có lẽ thông cảm tôi nên cán bộ Quan không nói năng gì khi tôi dừng lại. Lượt vào trại cứ thong thả ghì xe xuống dốc, nên không mệt như lượt ra mặc dù bao quà cũng đến mấy chục kí lô. Ngay trước cổng là nhà trực trại. Nơi đây có cái bàn dài để Công An trực trại khám xét quà bánh mà tù nhân nhận của gia đình từ nhà thăm nuôi, hoặc những gói bưu kiện nhận từ nhà bưu điện bé xíu ở Ba Sao mang vào. Từng món một, bao, túi, lon, hũ, lần lượt mở toang ra. Chúng nó cho chiếc đủa vào ống  kem đánh răng rồi ngoáy ngoáy tìm cái gì đó hổng biết, hai cục xà bông đều bị cắt làm hai làm ba, đường cát thì chúng nó trút từ túi này sang túi khác, từng gói mì bị cắt ra, từng túi cơm sấy khô bị họ lắc qua lắc lại đến khi trông thấy toàn bộ bên trong, mấy con cá khô cũng được chiếu cố đặc biệt bằng cách cho cái muỗng vào miệng cá khô và nong ra xem có cái gì bên trong không. Không tìm thấy bất cứ thứ gì để chúng nó qui vào tội vi phạm nội qui để tịch thu, lúc đó mới cho vào trại. Anh Ngô Văn Huế vác giùm bao quà trong khi tôi đẩy xe cải tiến đem trả.
Vào buồng giam, việc đầu tiên là tôi bày tất cả mấy chục cái bánh dầy và chả lụa đã được vợ tôi xắc sẳn, mời tất cả các bạn trong Đội 2 chúng tôi cùng ăn, gọi là góp vui với tôi. Anh Trần bá Thành vừa cười vừa hỏi:
“Ê! Tiệc này gọi là gì vậy mấy cha?” 
Một bạn đưa ý kiến: “Thì gọi là “hiền thê tân đáo” được không?”
Thế là một tràng pháo tay thể hiện sự đồng tình với câu gợi ý của anh bạn nào đó. Trong tình trạng thiếu ăn triền miên, bỗng dưng có bữa ăn được xem là thịnh soạn, tất cả chúng tôi rất tự nhiên và vui vẻ. Bữa cơm chiều hôm ấy, tôi + anh Lâm + anh Phước (chúng tôi ăn cơm chung từ lâu), có cơm trắng với con gà luộc, phải công nhận rằng, đây là bữa ăn ngon nhất với tất cả hương vị từ gia đình, cộng với hương vị của thức ăn kể từ ngày vào trại tập trung đến nay. Cái giá trị về tinh thần lẫn vật chất của bữa ăn này đối với tôi, còn cao hơn cái giá trị  của bữa ăn cơm vắt với hai con mắm sặc sống hồi tháng 07/1955 nữa quí vị quí bạn à!
Ngày ấy, tôi là Thiếu Úy, Trung Đội Trưởng/Đại Đội 3/Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân. Tiểu Đoàn chúng tôi đang trong cuộc hành quân vùng giữa Lai Vung với Sa Đéc. Rời Sa Đéc lúc nửa đêm, và xuất phát hành quân khi làng quê còn chìm sâu trong giấc ngủ. Lúc mặt trời lên cao, Đại Đội 3 chúng tôi bị tấn công từ trong bờ vườn. Đại Đội 2 từ cánh phải đánh bên hông của địch, phá tan cuộc phục kích. Nói thì đơn giản như vậy, nhưng thật sự chúng tôi phải quần nhau với địch đến khoảng 5 giờ chiều chiến trường mới kết thúc. Sau khi tản thương xong (bốn quân nhân), cả Tiểu Đoàn đều đói chớ không riêng gì chúng tôi, vì từ giữa đêm đến lúc ấy có ăn uống gì đâu. Với hai con mắm sặc sống và hai vắt cơm bắt đầu nhơn nhớt vì bị bịt kín gần như cả ngày. Thế nhưng tôi ăn ngon như chưa bao giờ ngon đến như vậy. Xét cho cùng, bữa cơm chiều hôm nay ngon hơn nhiều, vì ngoài phẩm chất của thức ăn còn ẩn chứa hương vị thân thương của gia đình nữa.
Trước giờ buồng giam đóng cửa, tôi với anh Trần Văn Lễ -bạn rất thân- ngồi sát góc tường khuôn viên buồng giam tâm sự:
“Cho đến bây giờ là đoạn cuối, chớ đoạn đầu thì vợ con mình gian nan lắm. Vợ tôi kể cho nghe là sau khi tụi mình vô “hộp” (ý nói vào tù), cái đám cộng sản nó thường xuyên hằn học với gia đình sĩ quan tụi mình, nhất là cái đám Công An trong cư xá chúng tôi. Nay đe dọa tịch thu nhà, mai đe dọa đuổi đi khu kinh tế mới, mốt đe dọa về quê sinh sống. Nói chung là bài bản của chúng nó khủng bố tinh thần gia đình mình, để đoạt mục đích là chiếm nhà mình làm tài sản của chúng nó. Thấy đe dọa chưa làm vợ con mình nao núng, thằng Công An khu vực tên Đó mà chúng nó thường gọi là “Tư Đó”, sỉ nhục gia đình sĩ quan mình bằng cách bắt vợ tôi cùng với mấy chị bạn trong cư xá, đến làm cỏ sân nhà của tướng cộng sản Trần Văn Danh ngay sau lưng nhà tôi. Căn nhà này là của cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần đã di tản, hắn vào chiếm ngụ. Trong số các chị có chị Vân là bạo miệng hơn hết. Lần thứ hai đến đây làm cỏ dưới cơn mựa lất phất, đứng trên sân ngập nước, chị Vân lớn tiếng:
“Thiếu Tướng ơi! Ra coi mấy bà vợ sĩ quan ngụy làm cỏ nè Thiếu Tướng”.                                     
“Mãi một lúc sau, mới có người ra cho về. Từ đó, không còn cái cảnh bắt vợ tôi với mấy chị trong cư xá làm cỏ cho các nhà cán bộ của chúng nó nữa”.
Anh Lễ thuật về gia đình ảnh:
“Ở khu tụi tôi không có cái cảnh bắt đi làm cỏ như trong cư xá Bắc Hải của anh, nhưng ngày này sang ngày khác, tụi Công An cứ bắt đến  Phường để nghe chúng nó nhai đi nhai lại cái điều mà chúng nó gọi là khoan hồng nhân đạo, vợ tôi nghe nói riết có hôm “bả” muốn chửi nó luôn nhưng kịp bịt miệng lại, nếu không thì chưa biết chuyện gì xảy ra nữa”.       
Anh Lễ ngưng, tôi thuật tiếp:
“Đầu năm 1978, tụi nó kéo đến nhà tôi 11 đứa mà vợ tôi nói cái đám đó giống như trong rừng mới ra vậy. Trong số đó có hai phụ nữ. Tụi nó chiếm nhà tôi suốt một tuần, nhốt vợ với năm con tôi trong một gian phòng, rồi chúng bới móc lục soát đập phá những chỗ nghi ngờ cất giấu vũ khí tài liệu, và có thể chúng nó tìm kiếm tài sản nữa. Trong tình cảnh đó, bà con lối xóm nấu thức mang đến tiếp tế cho vợ con tôi. Thật là cảm động! Tất cả hồ sơ giấy tờ, nhất là những tập viết tay mà tôi ghi chép những sự kiện xảy ra trong các cuộc đảo chánh còn lại, bị tụi nó xé tung rồi liệng đầy nhà. Cũng may là cái đám cộng sản đần độn này không biết giá trị của những tập đó, nên vợ tôi gom góp lại rồi cho vào bao cất giữ. Còn toàn bộ hơn 1.500 cuốn sách về kinh tế, chính trị, giáo dục, khoa học, và tôn giáo mà tôi đóng bìa cứng hẳn hòi, tụi nó ôm đi bán ngay trong cư xá chúng tôi chớ đâu xa. Rõ ràng là cái tụi trấn lột chớ chính trị chính em gì đâu.
Chuyện kế tiếp là con trai lớn chúng tôi là Phạm Bá Trung. Năm 1975, Trung học lớp 11 (học sớm 1 năm). Với tuổi 16 so với các bạn, Trung rất giỏi về điện tử nhất là sửa máy thu thanh, vì năm 1972 con tôi theo học lớp điện tử trong trường trung học La San tại Cần Thơ. Khi tôi vào trại tập trung, con tôi mua cái máy vô tuyến liên lạc tầm xa do những người lấy trong các đơn vị quân đội đem ra bán, với dự định tháo những cơ phận dùng sửa máy thu thanh, vì bà con hàng xóm  thường nhờ con tôi sửa máy. Chưa kịp tháo tung ra thì một toán Công An đến trước nhà, thật ra vợ tôi không hiểu chúng nó đến vì chuyện gì, nhưng vợ tôi tìm cách giữ chúng nó ở cửa trước để con tôi trên lầu tháo tung cái máy rồi cho vào bao. Khi vợ tôi cho chúng nó vào trong nhà thì không còn gì để gọi là cái máy nữa. Nhưng đó lại là cái tội mà hai con trai chúng tôi Phạm Bá Trung với Phạm Bá Tín bị bắt. Vợ tôi “chạy” đầu trên xóm dưới chỉ đem được con trai nhỏ ra khỏi nhà giam Quận 10, còn con trai lớn chúng tôi (19 tuổi)  bị chúng nó đưa lên trại tù ở  Bà Rá mà chúng nó gọi là “trại lao động”. Bị giam gần một năm trong trại tù đó, vợ tôi chạy tiền và chính chúng nó tổ chức cho con tôi trốn trại, Vợ tôi đón nó ở đoạn đường giữa Bà Rá với Đồng Xoài đưa thẳng về Vĩnh Long “tị nạn” bên Ngoại. Đến khi mua được bốn cái giấy chứng nhận “người Việt gốc Hoa”, cả bốn anh em nó lên tàu rời Việt Nam ngày 14/05/1979) rồi Lễ. Vợ tôi ghi tên (cộng sản gọi là đăng ký) ở Sở Công An tỉnh Vĩnh Long cho tụi nó đi theo diện người Việt gốc Hoa hồi hương. Mỗi đứa phải tốn đến 7 lượng vàng lận. Trước đó, phải tìm mua cái giấy chứng minh người Việt gốc Hoa với giá 300 đồng (Việt Nam) cho mỗi đứa nữa”.
Anh Lễ vừa cười vừa bắt tay tôi:
“Mừng anh nghe. Mấy đứa nhỏ thoát được là tụi mình khỏe rồi. Tương lai của tụi nhỏ chính là cuộc sống của tụi mình bây giờ. Bà Xã anh hay thiệt. Tụi mình tính sai nước cờ mà mấy “Bả”  ở nhà gian khổ quá!
“Tôi nói thiệt anh nghe nhe. Đặt hoàn cảnh ngược lại, nếu tụi mình ở nhà chưa chắc dám cho các con ra biển, vì sống với cộng sản mà tụi mình cứ méo mó cái nghề tham mưu, làm gì cũng tính toán chi li mới bắt tay vào việc, còn mấy “Bả” cứ làm đại vậy mà nhiều cơ hội thành công hơn mình Lễ à! Có thể nói rằng, cộng sản cai trị theo cái luật rừng, nhưng nếu ai xài luật rừng hơn nó thì được việc”.
Tiếng kẻng đóng cửa buồng giam vang lên, cắt ngang dòng tâm sự dài ngoằng của chúng tôi, rồi hai đứa cùng vào chỗ xếp hàng với các bạn.
Đêm hôm trước khó ngủ vì mong đến sáng để gặp vợ con. Gặp xong rồi, đêm nay cũng không dễ gì yên giấc, cứ chập chờn khi hình dung vợ con tôi vất vả trên xe lửa bảy mươi hai (72) tiếng đồng hồ với khoảng cách 1.736 cây số, thêm mười (10) tiếng đồng hồ ngồi xe bò dưới cái nắng của mùa hè oi bức trên đất Bắc. Đêm ngủ không mùng mà muỗi thì nhiều vô kể, để chỉ được gặp chồng gặp cha vỏn vẹn hai (2) tiếng đồng hồ, rồi lại chịu đựng lượt về cũng vất vả tương tự thời gian lượt đi! Điều gì đã giúp vợ tôi vượt lên trên những gian khổ ấy? Đó là tình yêu chồng và tình thương con!
Trở lại chuyện trong trại. Một số Công An bày ra cái vụ bán phở cho tù để có thêm tí tiền bỏ túi. Anh nào có tiền gởi trại, ghi tên mua phở họ sẽ căn cứ vào đó mà trừ dần. Mỗi buồng giam mua bao nhiêu cũng được, cứ 10 tô họ đựng trong một chậu thau bưng vào buồng chia lại. Ngày chủ nhật tuần sau đó, tôi mời các bạn ăn phở vì vợ tôi có gởi cho tôi 200 đồng. Hôm ấy tôi trả tất cả là 82 đồng. Không phải tôi mời đến 82 bạn đâu mà có bạn ăn đến 5 tô lận. Năm tô không có nghĩa là nhiều, vì một tô chỉ bằng cái chén trung bình thôi quí vị quí bạn à! Chỉ riêng nhóm chúng tôi có 3 người mà “tiêu thụ” đến 20 tô một cách nhẹ nhàng. Một phần vì sau bốn năm mới cảm nhận được “chút hương vị phở”, và phần khác là được “no bụng bởi phở”. Tôi nói “chút hương vị phở”, vì nó được gọi là phở chớ thật sự nó có đúng nghĩa là phở đâu. Thôi thì trong hoàn cảnh này, cứ gọi nó là phở để cái bao tử cảm thấy “dễ chịu” trong chút thời gian ngắn ngủi!

Cộng sản nuôi tù.

Trại tập trung này thường xuyên là ăn độn, nhưng độn theo lương thực thì từng đợt vài ba tuần hay vài ba tháng. Chẳng hạn như bo-bo thì thời gian dài hơn, khoai mì xắc từng cọng phơi khô thì vài tuần, khoai tây tươi nguyên củ thì theo mùa, bột mì luộc thì tùy theo viện trợ từ ngoại quốc. Nói là độn nhưng thật sự ăn 100% chớ không phải một phần gạo một phần độn đâu. Bo-bo là thức ăn dành cho ngựa ngoại quốc, cọng khoai mì phơi khô là thức ăn dành cho heo trong nước, nếu nói cho văn chương một chút gọi là thức ăn dành cho gia súc. Vì là thức ăn dành cho những động vật không phải con người, nên người ta không cần giữ vệ sinh từ lúc sản xuất, tồn trữ, chuyển vận, đến cung cấp cho bếp trại. Nghĩa là trong tình trạng không sạch sẽ chút nào, vì khi đổ ra sân người ta dùng bàn cào hay chổi để trải ra phơi hay gom lại cho vào bao. Hãy hình dung bữa ăn với cọng khoai mì khô đã nấu chín. Mỗi khẩu phần từ 10 đến 12 cọng, nhỏ thì bằng ngón tay út còn lớn thì bằng ngón tay cái, và dài nhất cũng khoảng 12 phân tây (0.12 thước). Bên cạnh những cọng khoai mì nhơn nhớt, là muỗng nước muối với khoảng mười cọng rau mùa hè (rau muống) hay rau mùa đông (bắp cải, su hào). Đấy là một phần ăn.
Trong số những thứ lương thực thay gạo đó, bo-bo là tai hại nhất, vì cái võ lụa của nó không tiêu được, nên nó phải “cào” những gì vướng mắc trên đường đi từ cái bao tử ra đến cái thùng gỗ đựng nó, chờ khiêng xuống khu vực trồng rau để “chăm bón”. Cuối cùng, nó lại quay vòng trở vào bao tử chúng tôi dưới dạng rauCó bạn dùng cây tăm xỉa răng, ghim từng hột bo bo cho vào miệng. Cách ăn này vừa nhai thật kỷ, vừa đánh lừa cái bao tử làm cho “nó” tưởng là được ăn nhiều!
Năm 1978-1979, tôi với anh Nguyễn Tài Lâm ăn chung. Tuy bo-bo “nó hung hăng” như vậy, nhưng hai chúng tôi cứ trông đến ngày thứ bảy nhờ anh Sét -em rể anh Lâm- ở buồng giam khác, mua giùm một phần bo-bo với giá một đồng. Hai đứa chia nhau mỗi người một nửa, giúp cái bao tử đỡ phần lỏng lẽo! Theo lời anh Sét thì anh bạn muốn có một phần bo-bo bán cho chúng tôi, mỗi chiều anh ấy để lại một muỗng. Ngày thứ hai để lại hai muỗng từ phần bo-bo mới lãnh và gộp muỗng bo-bo của ngày thứ nhất vào phần ăn lúc ấy. Ngày thứ ba để lại ba muỗng và gộp hai muỗng của ngày thứ hai vào phần ăn lúc ấy. Và cứ như thế cho đến ngày thứ bảy là đủ một phần, anh ấy bán cho chúng tôi lấy tiền lén gởi mua thuốc lào hút.
Bây giờ quí vị quí bạn hãy hình dung thời gian tại trại tập trung Nam Hà vào chiều Ba Mươi Tết Nguyên Đán đầu năm 1979. Nhà bếp phát cho mỗi người tù chúng tôi một cái bánh chưn, mỗi cạnh 15 phân tây kể cả lớp lá dông thật dày bên ngoài. Tôi với anh Lâm phác thảo “kế hoạch” ăn hai cái bánh chưn đó. Chiều Ba Mươi ăn cái bánh của tôi, và sáng Mồng Một ăn cái bánh chưn của anh Lâm. Chúng tôi nhẹ nhàng cắt dây, rồi từ từ gở từng miếng lá nhỏ cứ như sợ nó văng mất từng hột nếp hay miếng thịt nho nhỏ bên trong ấy, và … trời đất ơi, một nửa cái bánh còn nguyên hột nếp! Nếu có bạn nào trông thấy hai cái mặt chúng tôi lúc ấy, cũng không thể nào tưởng tượng cái bao tử của chúng tôi nó thất vọng đến như vậy! Và trong cái hoàn cảnh cần có thức ăn gì đó giúp cái bao tử bớt kêu ca, chúng tôi quyết định sống chín như nhau. Thế là sau khi cắt làm hai, mỗi đứa có một nửa sống với một nửa chín.
Theo “kế hoạch” thì sáng Mồng Một mới ăn cái bánh chưn của anh Lâm, nhưng chúng tôi không thể thực hiện được vì thức đêm chờ Giờ Giao Thừa mà bụng thì đói! Thôi thì mang cái bánh ra, lại từ từ cắt làm hai vẫn là nửa chín nửa sống, nhưng cứ xem như cái bánh có đủ phẩm chất của nó thì y như rằng nó vẫn cứ ngon miệng lúc đêm khuya! Sáng Mồng Một có gì ăn đâu. Bữa ăn trưa, tù chính trị được ăn cơm bằng gạo hẳn hòi, nhưng đây là bữa ăn duy nhất để rồi sau đó vẫn là bo-bo. Chiều Mồng Một Tết, một bạn trẻ ngay trong buồng giam chúng tôi, mang cái bánh duy nhất của anh ta bán cho chúng tôi giá 1 đồng rưỡi. Tôi với anh Lâm, mỗi đứa có thêm nửa cái bánh chưn, trong khi anh bạn trẻ có thêm thuốc lào hút. Không biết có nên nói là “hai bên cùng có lợi” hay không, vì xem ra sự thể chẳng hay ho gì!
Thật lòng mà thưa với quí vị quí bạn rằng, cái bánh chưn thứ 3 này cho tôi cảm nhận chút hạnh phúc! Nếu quí vị hỏi tôi: “Tại sao là một chút hạnh phúc?” Tôi xin trả lời:
“Thứ nhất, vì chiều hôm qua và hôm nay, chúng tôi mới được ăn cơm thật sự cộng với cái bánh chưn cho dẫu là cái bánh chưn vừa sống lại vừa chín. Đó là hạnh phúc của người tù chính trị, vì đã lâu lắm rồi anh em chúng tôi mới trông thấy những hột gạo hột nếp như vậy từ cái bếp của trại tù này. Thứ hai, chỉ một chút thôi, vì từ ngày mai -Mồng Hai Tết- cái hạnh phúc đó sẽ tan biến theo chén bo bo lưng lững mỗi lúc chia khẩu phần! Cái hạnh phúc của chúng tôi nó mong manh như vậy đó!
Đến muối hột ở trại này cũng thuộc vào loại thực phẩm quí nữa! Bởi vì họ chỉ cho ăn toàn nước muối, rất ư là khó nuốt. Trong Đội nhà bếp mà tù chính trị chúng tôi đã thay thế tù hình sự, có anh Mẫn. Trong năm 1962-1963, anh Mẫn cùng làm trong văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân với tôi. Sáng Mồng Một Tết năm 1979, anh Mẫn đến buồng giam khều tôi:
“Anh xuống đây với em một chút”.
Tôi nghĩ có thể anh ấy có tin tức gì liên quan đến tù chính trị nên thận trọng như vậy. Tôi theo sau anh Mẫn vào hành lang nhỏ hẹp của buồng giam 15 và 16. Đến giữa hành lang anh dừng lại, cho tay vào bên trong áo moi ra một gói bằng nắm tay nhét vội vào tay tôi:
“Anh cất gói muối này để dành ăn. Muối hột đó. Em đi nghe”.
“Cám ơn anh rất nhiều nghe Mẫn”.
Tặng xong là Anh nhanh chân về nhà bếp vì sợ có người trông thấy, vì khoảng thời gian ấy nếu bị “cai tù” bắt là họ phạt biệt giam.
Âm thanh ba tiếng “muối hột đó” đủ nói lên “giá trị” của hột muối đối với chúng tôi như thế nào rồi . Bởi, ngoài cái chất mặn của nó ra, tôi nghĩ là quí vị quí bạn không cảm nhận điều gì khác, nhưng với chúng tôi thì âm thanh đó gợi lên sự thèm khát cái chất mặn lạ kỳ của hột muối. Và tôi không thể tưởng tượng được khi cho một hột muối vào miệng tôi cảm nhận nó ngọt vô cùng! Tôi đang mơ màng thưởng thức “chất ngọt của hột muối”, có tiếng anh Lâm:
“Này, ông làm gì mà vui thế?”
Tôi giật mình. Hơi ngượng, vì “bị bắt gặp” thái độ sung sướng một cách kỳ lạ, nhưng tỉnh lại ngay:
“Anh có tin là tôi đang sung sướng vì được ăn một hột muối không”?
“Tôi cũng tù như ông mà”.
Câu trả lời mang theo âm hưởng một lời than ngắn ngủi của anh Lâm. Vậy là quí vị quí bạn cảm nhận được mức độ thèm khát “muối hột” của chúng tôi như thế nào rồi chớ!
Ở những cái “xóm nhà lá” trong xã hội lớn, người ta thường bày tỏ tinh thần tương trợ lẫn nhau khi trái gió trở trời, qua câu nói “hột muối cắn làm hai” được hiểu theo nghĩa bóng hơn là nghĩa đen. Nhưng trong xã hội nhỏ của nhà tù, hột muối không chỉ cắn làm hai mà là làm ba làm bốn hoàn toàn theo nghĩa đen của nó. Sự chia xẻ nhỏ nhoi mà anh Mẫn dành cho tôi là một trong những cách biểu hiện rõ nét về ý nghĩa “hột muối cắn làm hai”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! 
Thưa quí vị quí bạn, bo-bo mà chang nước muối vào thật vô duyên, nhưng ăn với muối hột thì dễ ăn hơn. Tôi nói “dễ ăn” là so sánh khi ăn nó với nước muối, chớ tôi  không nói nó thân thiện với cái bao tử khi nó vào đó.
Sau đợt ăn những cọng khoai mì phơi khô là khoai tây tươi. Cũng là ăn 100% chớ không phải độn với gạo. Từng xe vận tải Molotova chở khoai tây vào trại, thứ khoai tây hạng bét vì củ nào lớn nhất cũng chỉ bằng cườm tay trẻ con vài tuổi là cùng. Mỗi khẩu phần diễn biến từ 12 đến 16 củ còn nguyên võ. Anh nào có bơ thực vật hoặc đường hay sữa do gia đình gởi qua đường bưu điện 3 tháng 1 gói 5 kí lô, sau khi lột võ một cách cẩn thận để tránh chất bột bị mất tí ti vì dính theo võ, rồi cho chút bơ hay sữa hoặc đường vào củ khoai, vừa ăn vừa cảm nhận niềm thương nỗi nhớ mà người Vợ từ ngàn dặm xa xôi đã âm thầm “gói ghém tâm hồn của Nàng chung trong những gói đường, hộp bơ, hộp sữa …” gởi đến người Chồng trong trại tập trung! 
Vì thiếu ăn, một số bạn trong số chúng tôi những khi cuốc đất hay làm gì dưới cánh đồng, bất cứ con gì nhúc nhích cũng ăn được cả. Từ con cua, con cá, con nhái, con luơn, cào cào châu chấu, ..v..v.., cứ bắt bỏ vào bếp lửa, một lúc khều ra phủi tro phủi bụi là cho vào miệng.

No comments: