Friday, October 28, 2011

Chương 1 / Việt Nam 1858-1975

 một -

Việt Nam 1858-1975

******

Việt Nam 1858-1954

Năm 1858 là năm thứ 11 của Vua Tự Đức, bị thực dân Pháp dùng Hải Quân tấn công Đà Nẳng. Sau khi thiết lập được bàn đạp trên đất liền, từ đó Pháp  đánh chiếm nhiều nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 1867, sáu tỉnh miền Nam là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, trở thành thuộc địa của Pháp. Lần lượt họ đánh chiếm toàn cõi Việt Nam bằng những phương thức thích hợp. Năm 1883, Việt Nam bị Pháp chia làm 3 Kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ,  Bắc Kỳ, với 3 chế độ cai trị khác nhau về cách dùng chữ nhưng thực chất đều là thuộc địa. 
Tháng 9/1939, Phát xít Đức tấn công chiếm đóng Ba Lan (Poland), mở màn cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai trên vùng đất Châu Âu. Ngày 7/12/1941, Nhật Bản tấn công Hạm Đội 7 Hoa Kỳ tại quần đảo Hawaii, mở màn cuộc chiến tranh vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Cùng lúc, Đức tuyên chuyến với Hoa Kỳ. Ngày hôm sau, Hoa Kỳ chánh thức tuyên chiến. Nhật Bản yêu cầu Pháp cho mượn lãnh thổ Việt Nam để thiết lập những căn cứ quân sự trong chiến lược đánh chiếm các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Do yếu thế, chánh phủ Pháp chấp nhận lời yêu cầu có tính cách cưỡng bách của Nhật Bản. Ngày 9//3/1945, quân Nhật đảo chánh Pháp, chánh phủ Trần Trọng Kim ra đời với mô hình chánh phủ phương Tây.
Ngày 6/6/1944, quân đội Đồng Minh mà Hoa Kỳ là lực lượng chánh, đổ bộ lên bờ biển Normandy phản công chiếm lại nước Pháp. Từ bàn đạp đó, quân đội Đồng Minh tiến đánh quân  phát xít Đức & Ý. Với cuộc tiến quân như vũ bão, quân đội Đồng Minh nhanh chóng chiến thắng khắp nơi, và cuối cùng đánh bại quân phát xít Đức. Ông Hitler, lãnh tụ phát xít Đức, tự sát trong hầm chỉ huy dưới lòng thủ đô Đức quốc ngày 30/4/1945. Chiến tranh vùng Châu Âu chấm dứt.   
Ngày 15/8/1945, Nhật Bản đầu hàng Hoa Kỳ sau khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị bom nguyên tử, và chiến tranh vùng Châu Á-Thái Bình Dương chấm dứt từ đó.
Chánh phủ Trần Trọng Kim với các đảng chính trị khuynh hướng quốc gia, tổ chức mít tinh mừng độc lập, nhưng với bản chất gian trá xảo quyệt của cộng sản, ông Hồ Chí Minh biến cuộc mít tinh đó trở thành của đảng cộng sản tổ chức. Ông Hồ mời gọi các đảng chính trị nói trên tham gia chánh phủ liên hiệp, và uy hiếp vua Bảo Đại thoái vị. Khi đứng vững, ông Hồ đã lần lượt loại trừ các đảng chính trị quốc gia để chỉ còn lại đảng duy nhất cầm quyền là đảng cộng sản Việt Nam.
Đồng Minh cử quân đội Trung Hoa (thời Tổng Thống Tưởng Giới Thạch), cùng với quân đội Anh và Ấn Độ đến Việt Nam thi hành nhiệm vụ giải giới quân Nhật. Quân Trung Hoa phụ trách từ vĩ tuyến 16 trở lên Bắc, quân Anh với Ấn Độ phụ trách từ vĩ tuyến 16 trở xuống Nam. Quân Pháp đã theo chân cánh quân của Anh với Ấn Độ, trở lại chiếm đóng Việt Nam.
Sau những lần thương thuyết thất bại, chiến tranh giữa Việt Minh cộng sản với thực dân Pháp bắt đầu từ 19/12/1946. Việt Minh cộng sản rút vào rừng núi Bắc Việt. 
Năm 1947, khi Pháp bắt đầu sa lầy trong chiến tranh tái chiếm 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Cam Bốt, Lào), chánh phủ Pháp tuyên bố sẳn sàng thương thuyết với các tổ chức chính trị Việt Nam. 
Ngày 09/09/1947, sau khi tiếp 24 nhà chính trị Việt Nam và sau khi thương thảo với chánh phủ Pháp, cựu Hoàng Bảo Đại tuyên bố sẳn sàng đứng ra hòa giải giữa các tổ chức chính trị quốc gia. 
Ngày 05/06/1948, trên chiến hạm Duguay Trouin của Pháp trong Vịnh Hạ Long, Quốc Trưởng Bảo Đại cùng với các nhân sĩ và tổ chức chính trị chứng kiến Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân ký Thỏa Ước với Toàn Quyền Đông Dương Bollaert. Theo đó, Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp.
Ngày 08/03/1949, tại điện Elysée, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol với Quốc Trưởng Bảo Đại ký thỏa ước. Một lần nữa, chánh phủ Pháp công nhận quốc gia Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp và có quân đội riêng.
Ngàỵ 25/04/1949, cựu Hoàng Bảo Đại từ Pháp về Việt Nam.
Ngày 01/0/1949, thành lập chánh phủ quốc gia Việt Nam. Cựu Hoàng Bảo Đại giữ chức Quốc Trưởng.  
Ngày 21/01/1950, Quốc Trưởng cử ông Nguyễn Phan Long thành lập chánh phủ.
Ngày 04/02/1950, chánh phủ Hoa Kỳ công nhận chánh phủ quốc gia Việt Nam.
Ngày 15/05/1950, Quốc Hội Pháp thông qua đạo luật thành lập quân đội Việt Nam với 60.000 quân dưới tên gọi “Quân Đội Quốc Gia Việt Nam”. Dưới nét nhìn chính trị, đạo luật thể hiện chính sách thực dân Pháp sử dụng “người Việt không cộng sản cùng với Pháp đánh người Việt cộng sản” để họ giảm bớt máu xương! Tôi nghĩ, một quân đội ra đời trong bối cảnh như vậy không phải là tốt, nhưng là điều may vì nhờ đó mà Việt Nam chúng ta bắt đầu hình thành một quân đội chống lại cộng sản ngay sau khi thành lập.
Ngày 01/05/1952, Quốc Trưởng bảo Đạo ký văn kiện thành lập Bộ Tổng Tham Mưu và cử Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Đây là vị Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên của quân đội.       
Căn cứ quan trọng bậc nhất của quân Liên Hiệp Pháp tại Điện Biên Phủ với hơn 12.000 quân trú phòng, thất thủ ngày 7/5/1954 dẫn đến Hiệp Định Đình Chiến ký ngày 20/07/1954 tại thành phố Genève, Thụy Sĩ. Theo đó, vĩ tuyến 17 trở lên Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do cộng sản cai trị, vĩ tuyến 17 trở xuống Nam là nước Việt Nam theo chế độ tự do. Biểu thị vĩ tuyến 17 trên thực tế là sông Bến Hải với cầu Hiền Lương. Lúc ấy, Quốc Trưởng Việt Nam vẫn là cựu Hoàng Bảo Đại. Trước đó hai tuần, ngày 07/07/1954, ông Ngô Đình Diệm trình diện nội các với quốc dân đồng bào và ngoại giao đoàn. Cũng theo Hiệp Định Đình Chiến, quân đội và cán bộ cộng sản từ dưới vĩ tuyến 17 chuyển ra Bắc, quân đội Pháp và quân đội Việt Nam từ trên vĩ tuyến 17 chuyển vào Nam. Cùng lúc, gần một triệu đồng bào miền Bắc không chấp nhận chế độ cộng sản, đã bằng mọi cách với biết bao gian khổ và hiểm nguy thoát chạy vào Nam xây dựng cuộc sống mới.

Việt Nam 1955-1975.

Kết quả cuộc “trưng cầu dân ý” ngày 23/10/1955, Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng Thống từ ngày 26/10/1955. Quốc Hội Lập Hiến được bầu ra để soạn thảo Hiến Pháp. Sau khi ban hành Hiến Pháp (26/10/1956) khai sinh nền đệ nhất Cộng Hòa, các cơ cấu bộ máy hành chánh từ trung ương đến địa phương được hình thành. Việt Nam theo chế độ Cộng Hòa, và trên công văn chánh phủ có tiêu đề Việt Nam Cộng Hòa.
Để chuẩn bị chống lại cuộc chiến tranh từ phía cộng sản, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam đã cải tổ quân đội về tổ chức, trang bị, và huấn luyện. Từ cấp Tiểu Đoàn tổ chức thành Trung Đoàn, Sư Đoàn, và Quân Đoàn. Từ trang bị vũ khí cũ kỹ hầu hết do Pháp sản xuất, được trang bị vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất. Từ huấn luyện chiến thuật cấp Tiểu Đoàn, nay huấn luyện tác chiến cấp Trung Đoàn, Sư Đoàn, phối hợp tác chiến với các quân chủng binh chủng. Sau cuộc cải tổ năm 1955-1956, quân đội Việt Nam có hai loại Sư Đoàn: 4 Sư Đoàn Dã Chiến 1, 2, 3, 4, và 6 Sư Đoàn Khinh Chiến 11, 12, 13, 14, 15, 16. Quân số Sư Đoàn Khinh Chiến vừa hơn 6.000 trong khi quân số Sư Đoàn Dã Chiến khoảng 10.000.
Tuyên Cáo của Việt Nam Cộng Hòa với đồng bào và thế giới, nêu rõ, do không ký vào Hiệp Định Đình Chiến Genève, nên không bị ràng buộc cuộc tổng tuyển cử dự liệu trong Hiệp Định vì đó là mưu đồ của cộng sản Việt Nam được cộng sản Nga và cộng sản Trung Hoa hỗ trợ mạnh mẽ tại hội nghị. Bằng chứng rõ rệt là cộng sản Việt Nam, trong khi tập trung mà họ gọi là “tập kết lực lượng” dưới vĩ tuyến 17 chuyển ra Bắc, đã gài lại trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa hằng chục ngàn cán bộ đảng viên. Sự kiện này đủ chứng minh lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa từ trước khi thật sự đình chiến.
Năm 1957, cán bộ đảng viên cộng sản do ông Hồ gài lại miền Nam, bắt đầu  gây chiến với Việt Nam Cộng Hòa sau thời gian xây dựng hạ tầng cơ sở, với những hoạt động thu thuế trong vùng xa xôi hẻo lánh, tổ chức những cuộc biểu tình gây rối trật tự xã hội, bắt giết các viên chức Xã, Ấp. Giết cả những vị lãnh đạo tôn giáo những vùng nông thôn hay rừng núi xa xôi.
Trong những năm 1958-1959, hai loại Sư Đoàn nói trên cải tổ lại thành 7 Sư Đoàn Bộ Binh, tổ chức và trang bị thống nhất: Sư Đoàn 1 Bộ Binh (trước đó là SĐ1DC), Sư Đoàn 2 Bộ Binh (trước đó là SĐ2DC), Sư Đoàn 5 Bộ Binh (trước đó là SĐ3DC), Sư Đoàn 7 Bộ Binh (trước đó là SĐ4DC), Sư Đoàn 21 Bộ Binh (kết hợp SĐKC 11+13), Sư Đoàn 22 Bộ Binh (kết hợp SĐKC 12+14), và Sư Đoàn 23 Bộ Binh (kết hợp SĐKC 15+16). 
Về sau thành lập thêm Sư Đoàn 25 Bộ Binh tại Quảng Ngãi, Sư Đoàn 9 Bộ Binh tại Qui Nhơn, Sư Đoàn 10 Bộ Binh tại Xuân Lộc, sau cùng là Sư Đoàn 3 Bộ Binh tại Quảng Trị. Riêng về Sư Đoàn 10 Bộ Binh, thời Đại Tá Đỗ Kế Giai giữ chức Tư Lệnh (năm 1966), ông đề nghị Bộ Tổng Tham Mưu đổi phiên hiệu là Sư Đoàn 18 Bộ Binh nhưng Trung Tướng Cao Văn Viên Tổng Tham Trưởng không đồng ý. Đại Tá Giai trực tiếp gặp Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng xin đổi phiên hiệu vì con số 10 là con số không hên (!), cuối cùng Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng đồng ý, và Sư Đoàn 10 thành Sư Đoàn 18 Bộ Binh từ đó.
Ngày 11/11/1960, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Nhẩy Dù, đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhưng thất bại. Đại Tá Thi và bộ tham mưu đảo chánh lấy chiếc C47 của Không Quân Việt Nam bay sang Nam Vang, thủ đô Hoàng Gia Cam Bốt xin tị nạn chính trị. 
Ngày 01/11/1963, một số vị Tướng Lãnh Việt Nam do Trung Tướng Dương Văn Minh lãnh đạo đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi cuộc chống đối của Phật Giáo đòi chánh phủ hủy bỏ lệnh cấm treo cờ Phật Giáo lên cao độ. Hoa Kỳ đứng sau lưng cuộc đảo chánh này ngang qua ông Conein, tình báo Hoa Kỳ có mặt trong nhóm quí vị Tướng Lãnh Việt Nam lãnh đạo đảo chánh. Sáng ngày 02/11/1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, bị giết chết trong chiếc Thiết Vận Xa M113, sau khi Tổng Thống yêu cầu Hội Đồng Tướng Lãnh đảo chánh đưa xe đến đón tại nhà thờ Cha Tam ở Quận 5 thủ đô Sài Gòn, đến Bộ Tổng Tham Mưu, nơi đặt bản doanh của Hội Đồng Tướng Lãnh đảo chánh. Sự kiện Tổng Thống điện thoại yêu cầu đưa xe đến đón ông, có thể hiểu là Tổng Thống chấp nhận đầu hàng, cũng có thể hiểu là Tổng Thống hành động như một Tổng Thống đương quyền. Cuộc đảo chánh thành công, Trung Tướng Dương Văn Minh trong chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng với chức năng Quốc Trưởng.
Ngày 30/01/1964, lại một cuộc đảo chánh xảy ra do Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 tại Sài Gòn, Trung Tướng Nguyễn Khánh Tư Lệnh Quân Đoàn 1 tại Đà Nẳng, và Đại Tá Cao Văn Viên Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù tại Sài Gòn thực hiện, nhưng gọi là Chỉnh Lý. Đảo chánh thành công sau khi bắt giữ 5 vị Tướng Lãnh thân cận của Trung Tướng Dương Văn Minh, và Trung Tướng Nguyễn Khánh đương nhiên giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, cũng là Quốc Trưởng. Lúc ấy, Trung Tướng Dương Văn Minh nhận chức Cố Vấn. Trong cuộc đảo chánh này, vẫn là Hoa Kỳ đứng sau lưng ngang qua sự có mặt của một người tình báo Hoa Kỳ trong nhóm quí vị đảo chánh. Trong nét nhìn chính trị, có thể nhìn thấy quí vị Tướng Lãnh thân Mỹ gạt quí vị Tướng Lãnh thân Pháp ra khỏi chính trường Việt Nam chăng?
Một Thông Điệp của Trung Tướng Nguyễn Khánh, kêu gọi các quốc gia Đồng Minh hỗ trợ Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đang ngày càng gia tăng chiến trận khắp nơi cả về mức độ lẫn cường độ. Từ năm 1965, Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam cùng tác chiến chống quân cộng sản. Lần lượt quân đội của Đại Hàn Dân Quốc (South Korea), Thái Lan, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, cũng đưa quân đến hỗ trợ Việt Nam chống lại cộng sản.
 Ngày 15/07/1964, tại Vũng Tàu, Trung Tướng Nguyễn Khánh ban hành bản Hiến Chương, qui định vị đứng đầu quốc gia với chức danh Chủ  Tịch nắm nhiều quyền hành. Ông được Đại Hội Đồng Quân Lực bầu vào chức Chủ Tịch nước. Ngay sau ngày ban hành Hiến Chương mà báo chí gọi là “Hiến Chương Vũng Tàu”, những cuộc mít tinh biểu tình gần như liên tục hằng ngày, đòi Trung Tướng Khánh hủy bỏ bản Hiến Chương độc tài, đồng thời đòi ông từ chức. Trung Tướng Khánh lùi bước dưới hình thức lãnh đạo bởi một “tam đầu chế” gồm Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Nguyễn Khánh, và Trung Tướng Dương Văn Minh.  
Ngày 13/09/1964, Trung Tướng Dương Văn Đức, Tư Lệnh Quân Đoàn 4 tại Cần Thơ, lãnh đạo cuộc “Biểu Dương Lực Lượng”. Mục đích, theo lời ông là cảnh cáo Trung Tướng Nguyễn Khánh đã có hành động độc tài. Cũng có Hoa Kỳ đứng sau lưng ngang qua viên chức tình báo tại tòa đại sứ Hoa Kỳ mà Trung Tá Tạ Thành Long -Tham Mưu Phó Hành Quân/Quân Đoàn 4- tiếp xúc nhận lệnh. Sau khi viên tình báo Hoa Kỳ buộc Trung Tướng Đức rút quân, Trung Tướng Nguyễn Khánh tạm thời không cho Đại Tướng Trần Thiện Khiêm trở về Sài Gòn bởi ông nghi ngờ Đại Tướng Khiêm đứng sau lưng biến động quân sự này. Lúc ấy Đại Tướng Khiêm và gia đình lên Đà Lạt và dự trù trở về Sài Gòn trong ngày. Một tuần sau, Trung Tướng Khánh cho Đại Tướng Khiêm về Sài Gòn, nhưng buộc Đại Tướng Khiêm lưu vong từ ngày 07/10/1964. Tháng 12 cùng năm, đến lượt Trung Tướng Dương Văn Minh, cũng bị Trung Tướng Nguyễn Khánh buộc lưu vong.             
Trung Tướng Nguyễn Khánh bị cáo buộc độc tài vì ông nắm giữ hầu hết các chức vụ lãnh đạo quốc gia: (1) Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng tức Quốc Trưởng và Tổng Tư Lệnh Tối Cao. (2) Thủ Tướng. (3) Tổng Trưởng Quốc Phòng. (4) Và Tổng Tư Lệnh Quân Đội (Chức vụ này thật ra là Tổng Tham Mưu Trưởng).
Ngày Quốc Khánh 01/11/1964, Trung Tướng Khánh cử kỹ sư Phan Khắc Sửu vào chức Quốc Trưởng, giáo sư Trần Văn Hương vào chức Thủ Tướng.
Ngày 15/02/1965, Trung Tướng Khánh lại cử Bác Sĩ Phan Huy Quát giữ chức Thủ Tướng thay thế Giáo Sư Trần Văn Hương. Hành động này cho thấy ông tự xem chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng trên chức Quốc Trưởng.
Ngày 19/02/1965, Thiếu Tướng Lâm Văn Phát sử dụng Sư Đoàn 25 Bộ Binh lãnh đạo cuộc “Đảo Chánh” lật đổ Trung Tướng Nguyễn Khánh nhưng thất bại, vì không được sự ủng hộ của các vị Tư Lệnh Sư Đoàn, Quân Đoàn. Hội Đồng Quân Lực ra lệnh rút quân về căn cứ. Sau đó, Hội Đồng Quân Lực quyết định loại Trung Tướng Nguyễn Khánh ra khỏi Hội Đồng này và buộc ông lưu vong từ ngày 25/02/1965.
Do không đồng quan điểm về thay đổi vài chức vụ trong chánh phủ, Quốc Trưởng  từ chức, Thủ Tướng phải từ chức theo. Thủ Tướng Phan Huy Quát gởi thư yêu cầu Hội Đồng Quân Lực nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia. Sau những lần hội họp và bầu cử nội bộ: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức Thủ Tướng mà lúc ấy gọi là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, và ngày 19/06/1965 Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ra mắt quốc dân đồng bào cùng ngoại giao đoàn. Sau đó, ngày này được chọn là Ngày Quân Lực, và Ngày Quân Lực được tổ chức trọng thể tại thủ đô Sài Gòn vào ngày 19 tháng 06 năm 1966.
Cũng xin nói thêm. Sau cuộc Đảo Chánh ngày 30/01/1964, Trung Tướng Nguyễn Khánh nắm quyền lãnh đạo quốc gia, ông chọn ngày 30 tháng 01 làm Ngày Quân Lực, và Ngày Quân Lực 30 tháng 01 chỉ tổ chức lần duy nhất rất đơn giản trong phạm vi câu lạc bộ Bộ Tổng Tham Mưu vào ngày 30 tháng 01 năm 1965. Hơn 3 tuần sau đó, Trung Tướng Khánh lưu vong. 
Ngày 09/03/1966, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp, cách chức Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 kiêm Đại Biểu Chánh Phủ miền Trung. Hệ lụy sau đó là những cuộc mít tinh biểu tình chống đối chánh phủ diễn ra tại miền Trung và vài tỉnh miền Nam. Bước thứ nhất đòi phục chức cho Trung Tướng Thi. Bước thứ hai đòi Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Tổng Trưởng Quốc Phòng, từ chức. Bước thứ ba đòi thực hiện dân chủ thông qua bầu Quốc Hội Lập Hiến để soạn thảo Hiến Pháp mới. Cuộc khủng hoảng kéo dài đến ngày 15/05/1966 kết thúc. Ủy ban Lãnh Đạo Quốc Gia tổ chức bầu Quốc Hội Lập Hiến vào tháng 09/1966. Và bản Hiến Pháp công bố ngày 01/04/1967. Những tháng còn lại của năm 1967, các cơ cấu dân cử mà Hiến Pháp qui định được thực hiện đầy đủ. Lần đầu tiên, Việt Nam có Quốc Hội lưỡng viện. Liên danh Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đắc cử Tổng Thống với Phó Tổng Thống và tuyên thệ nhận chức ngày cuối tháng 10/1967.
Ngày cuối tháng 01/1968, đêm Giao Thừa Tết Nguyên Đán Mậu Thân, quân cộng sản đồng loạt tấn công nhiều tỉnh lỵ miền Trung, đêm hôm sau tấn công các tỉnh lỵ miền Nam. Tuy bất ngờ, vì hai bên có công bố tự ý “hưu chiến trong 3 ngày Tết” để đồng bào mừng Năm Mới, nhưng quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã phản công chiếm lại tất cả các thành phố thị trấn trong thời gian ngắn nhất, chỉ riêng thành nội Huế phải trải qua 26 ngày chiến đấu mãnh liệt mới đánh bật hoàn toàn quân cộng sản. Trong trận chiến tại Huế, quân cộng sản đã vô cùng man rợ khi chúng bắt 5.327 người gồm Dân lẫn Quân và một số giáo sư giáo sĩ ngoại quốc đem giết bằng mọi cách, kể cả trói chặt và chôn sống! Mãi mấy tháng sau mới khám phá nhiều mồ chôn tập thể với hơn 2.800 bộ xương đếm được!  Các cơ quan truyền thông thế giới ghi nhận những hình ảnh bi thương của Việt Nam nói chung và người dân Huế nói riêng, với nỗi ngậm ngùi của những người từng ghi nhận những cuộc tàn sát trong các cuộc chiến tranh trên thế giới!
Cuối năm đó hội nghị tại Paris Pháp quốc bắt đầu với những bên tham gia gồm: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và một tổ chức có cái tên dài ngoằng là Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam do cộng sản Hà Nội thành lập cuối năm 1960 tại vùng biên giới Việt Nam-Cam Bốt, để làm bình phong cho họ. Trong khi hội nghị diễn tiến rất chậm chạp thì chiến trường trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa càng khốc liệt, và không quân chiến lược lẫn không quân chiến thuật Hoa Kỳ liên tiếp oanh tạc các cơ sở Tiếp Vận trên lãnh thổ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và dọc đường Trường Sơn, nơi mà những đoàn xe chuyển vận quân đội cùng súng đạn của quân cộng sản vào chiến trường Việt Nam Cộng Hòa.
Trận chiến “Mùa Hè năm 1972” do hằng chục Sư Đoàn quân cộng sản từ miền Bắc tràn qua vĩ tuyến 17 tấn công trực diện vào các căn cứ ở tỉnh Quảng Trị, luồn theo đường Trường Sơn trên đất Lào tấn công tỉnh Kon Tum, và từ bên trong biên giới đông bắc Cam Bốt tấn công sang tỉnh Bình Long. Tại mặt trận Quảng Trị, đại đa số đồng bào bồng bế gồng gánh theo quốc lộ 1 chạy về hướng Huế, có đến hằng ngàn người già trẻ lớn bé chết đầy đường do đạn pháo binh và hỏa tiễn của quân cộng sản bắn xối xả! Xác người ngổn ngang đến mức báo chí quốc tế gọi là “đại lộ kinh hoàng”, trong khi đoàn người chạy giặc cộng sản vẫn phải thoát chạy khỏi tầm tay cộng sản! Kết quả, cộng sản Việt Nam bị thất bại như đã thất bại trong cuộc tấn công đầu năm 1968 mà họ gọi là “tổng công kích”.
Do quyền lợi của Hoa Kỳ, nhất là sau khi Hoa Kỳ bắt tay với Trung Hoa cộng sản (năm 1972), “Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh & Tái Lập Hòa Bình Việt Nam” ký ngày 27/01/1973 tại Paris, thủ đô nước Pháp, với những lợi thế về phía cộng sản. Hoa Kỳ và Đồng Minh rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Việt Nam, trong khi cộng sản Việt Nam vẫn được hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng sản Nga và cộng sản Trung Hoa. 
Ngay sau khi Hiệp Định có hiệu lực, quân cộng sản mở cuộc bao vây và tấn công căn cứ Tống Lê Chân ở ranh giới tỉnh Tây Ninh với Bình Dương. Không thấy quân đội Hoa Kỳ can thiệp, cộng sản xem như được khuyến khích tham vọng của chúng. Thế là bọn chúng tung các Sư Đoàn chính qui từ miền Bắc tràn qua vĩ tuyến 17, và luồn theo đường Trường Sơn  tấn công Việt Nam Cộng Hòa khắp mọi nơi như chưa hề biết Hiệp Định Paris là gì cả.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vừa nhanh chóng phát triển lực lượng để lấp vào khoảng trống do quân Đồng Minh rút về nước, vừa quyết liệt chống trả quân cộng sản.
Ngày 07/01/1975, toàn tỉnh Phước Long thất thủ bởi sự bao vây và tấn công của khoảng 2 Sư Đoàn quân cộng sản. Ngày 13/03/1975, tỉnh Darlac (Ban Mê Thuột) lọt vào tay quân cộng sản. Ngày 17/03/1975, theo lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú Tư Lệnh Quân Đoàn 2, rút bỏ Cao Nguyên Miền Trung để đem quân phản công lấy lại Darlac. Nhưng cuộc hành quân lui binh trên đường liên tỉnh số 7 từ Kon Tum-Plei Ku-Phú Bổn xuống Tuy Hòa bị thất bại nặng nề chưa từng thấy trong chiến tranh Việt Nam đến lúc ấy. Đoàn quân bại trận đến mức không thể phản công Ban Mê Thuột như kế hoạch. Từ thất bại kinh hoàng đó, những cuộc lui binh của các đại đơn vị và đơn vị địa phương -nói cho đúng là tháo chạy hỗn loạn- từ Quảng Trị (19/03/1975), Thừa Thiên/Huế (26/03/1975), Quảng Nam/Đà Nẳng (29/03/75), Quảng Tín, Quảng Ngãi (23/03/1975), Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (01/04/1975), Cam Ranh, Phan Thiết (19/04/1975), đến Bình Tuy, rồi Vũng Tàu. Chỉ có Sư Đoàn 18 Bộ Binh chấp nhận đánh với khoảng 2 Sư Đoàn quân cộng sản tại Xuân Lộc (Long Khánh), cho đến khi có lệnh của Quân Đoàn 3 mới rút về căn cứ Long Bình.
Trong khi đó, tình hình chính trị tại thủ đô Sài Gòn rất rối ren. Đêm 21/04/1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Theo Hiến Pháp, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương tuyên thệ nhậm chức. Tôi không rõ tường tận nguyên nhân nhưng rõ ràng là Đại Tướng Dương Văn Minh tạo áp lực buộc Tổng Thống Trần Văn Hương bàn giao chức Tổng Thống cho ông để ông cứu vãn tình hình. Sự bàn giao như vậy là vi phạm Hiến Pháp nên Tổng Thống Hương yêu cầu Quốc Hội lưỡng viện họp khẩn cấp để quyết định và ông thi hành theo quyết định của Quốc Hội. 
Sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức, lần lượt những vị lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo quân đội, đến những vị có quân có quyền cấp Sư Đoàn Quân Đoàn, gần như ào ạt bỏ chạy ra ngoại quốc để lại đằng sau một dân tộc, trong đó có một quân đội hơn một triệu quân! Có vị Tư Lệnh Sư Đoàn ngay sau khi ra lệnh cho Sư Đoàn của mình quyết tâm phòng thủ, lập tức ra cửa sau lên phi cơ bỏ chạy. Với Người Lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn súng trong tay, thử hỏi, còn nỗi đắng cay nào cay đắng hơn tình trạng cấp lãnh đạo bỏ chạy! Và liệu hành động đó có phải là đào ngũ không?  
Đại Tướng Dương Văn Minh ngồi vào ghế Tổng Thống chiều 28/04/1975, sáng hôm sau, 29 tháng 4, Tổng Thống chánh thức yêu cầu Hoa Kỳ rút toàn bộ nhân viên quân sự dân sự ra khỏi Việt Nam trong vòng 48 tiếng đồng hồ.  
Cuộc di tản gia đình quân nhân Việt Nam do Hoa Kỳ thực hiện từ đêm 24/04/1975 với tất cả sự âm thầm lặng lẽ, nhưng khi có lệnh của Tổng Thống đuổi Hoa Kỳ thì cuộc di tản trở nên hỗn loạn chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam cận đại!
Loạn thì lạc! Biết bao cảnh tượng hãi hùng kinh khiếp xảy ra ngay trước mắt!
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc 10 giờ 15 (?) phút sáng, từ máy thu thanh, có tiếng thúc giục: "... ông nói đi...., nhanh lên,.... chờ gì nữa,....". Một giọng nói gần như quát: "Ông tuyên bố nhanh lên..." Và đại ý lời của Tổng Thống Dương Văn Minh như là một mệnh lệnh đối với quân đội ".... các đơn vị không được nổ súng, ở yên tại chỗ và bàn giao cho lực lượng giải phóng...". Đối với phía cộng sản, ông yêu cầu đừng nổ súng và ông hứa sẽ bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự.
Tháng 02/2007, người bạn từ Washington DC, gởi tặng tôi trang giấy có bút tích của Đại Tướng Tổng Thống Dương Văn Minh với nét chữ vội vàng và không mạch lạc như thế này:
“Tôi, Đại Tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống chánh quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố, chánh quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao toàn bộ chánh quyền từ trung ương đến địa phương cho chánh phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Hơn một tiếng đồng hồ sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, đơn vị Thiết Giáp đầu tiên của quân cộng sản vào dinh Độc Lập. Từ giờ đó, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta bị nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam cai trị!
Trước đó, khi cuộc chiến chưa ngừng tiếng súng, có những vị lãnh đạo cũng như những vị Tướng đầy quyền lực đã bỏ Việt Nam chạy ra ngoại quốc! Giờ đây, cuộc chiến thật sự đã tàn trong ý nghĩa thua trận, nhưng trong cảnh thua trận này, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chúng ta xuất hiện Những Vị Sĩ Quan & Tướng Lãnh Thật Sự Là Những Anh Hùng không kém những vị Anh Hùng trong lịch sử “thành mất chết theo thành”, đã can đảm tuẫn tiết khi chế độ tự do sụp đổ:
“Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn 4. (Cần Thơ)
“Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4. Chuẩn Tướng Hưng đã được vinh danh "Anh Hùng An Lộc" trong mùa hè đỏ lửa 1972 ở chiến trường An Lộc, tỉnh Bình Long.
“Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh. (Lai Khê, Bình Dương)
“Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. (Mỹ Tho)
“Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn 2, tự tử tại nhà ở Sài Gòn vì tên tuổi Quân Đoàn 2 đã bị chôn theo những nấm mồ vô danh trên đường liên tỉnh số 7 từ giữa tháng 3 năm 1975.
Ngoài ra, còn biết bao Quân Nhân thuộc các Quân Chủng, Binh Chủng, Binh Sở, Cảnh Sát, Viên Chức Hành Chánh các ngành, đã tuẫn tiết! Đó là "Những Anh Hùng Vô Danh" xứng đáng cho chúng ta trân trọng.
Vào những ngày 30 tháng 4, tôi nghĩ, chúng ta nên dành vài chục giây đồng hồ, đứng hay ngồi ở đâu đó cũng được, cúi đầu, im lặng, để tưởng nhớ những Quân - Dân- Cán - Chánh Việt Nam Cộng Hòa, và những vị Anh Hùng đã cùng chúng ta cầm súng chống quân cộng sản xâm lược, nhưng vào giờ phút cuộc chiến bảo vệ tổ quốc kết thúc bi thảm, đã can đảm thực hiện tròn vẹn lời thề trước bàn thờ Tổ Quốc trong ngày tốt nghiệp các trường võ bị:
"... Quyết hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ Quốc Dân Tộc ..."
Một giai đoạn lịch sử do Tổng Thống Dương Văn Minh -vị Tổng Thống có nhiệm kỳ hơn 40 tiếng đồng hồ- vừa sang trang!
Dân Tộc Việt Nam, từ nay dưới sự thống trị của cộng sản độc tài nghiệt ngã!   
Quê hương Việt Nam chúng ta,
dân tộc Việt Nam chúng ta,
sao mà bi thảm đến như vậy! 
sao mà bất hạnh đến như vậy!

No comments: