Friday, October 28, 2011

Chương 9 / Xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (1988-1990)

- chín-
*****                       
Từ nhà tù nhỏ là các trại tập trung, tôi bước vào nhà tù lớn là xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi có giấy “chứng minh nhân dân”, còn thật sự tôi có phải là “công dân xã hội chủ nghĩa” hay không, lại là việc khác.
Đằng sau cánh cửa sắt trại tập trung, tôi chỉ vươn tầm nhìn vào xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhìn ra thế giới, ngang qua đài phát thanh Hà Nội ngày được nghe năm bảy ngày không, và tờ báo Nhân Dân. Cả hai phương tiện truyền thông này cũng như tất cả những gì gọi là truyền thông báo chí đều của đảng với nhà nước cộng sản. Hoàn toàn không có bất cứ một phương tiện truyền thông nào của tư nhân cả. Vì vậy mà lượng thông tin vừa ít ỏi vừa nặng về tuyên truyền, mà tuyên truyền thì không đúng sự thật. Ngoài nguồn tin tức đó, thỉnh thoảng anh em chúng tôi nhận tin từ thân nhân hoặc từ các bạn ở ngoại quốc gởi về, bằng cách chọn lọc những trang báo có bài cần cho chúng tôi trong tù đọc, dùng gói quà gởi về Việt Nam. Đám Công An đâu biết những bài báo đó nói gì, vì có những bài bằng Anh ngữ, cũng có những bài bằng Việt ngữ, nhưng những trang báo sau hành trình nửa vòng trái đất, trang báo đã bèo nhèo hết trơn nên họ cho vào trại.           
Giờ đây, sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa hay là nhà tù lớn, đang trong thời kỳ gọi là cởi trói báo chí, tôi hy vọng có thể nhận ra nền giáo dục Việt Nam cộng sản, vì tôi hiểu rằng, giáo dục là nền tảng đào tạo con người, từ đó dẫn đến xây dựng và phát triển quốc gia.

Chuyện nhà đất.

Nhà và đất, là một trong những mục tiêu trước mắt của các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ trung ương đến tận các địa phương, tranh đoạt từ bất cứ ai là công dân Việt Nam Cộng Hòa cũ mà họ dùng những gian trá mánh khóe như nhà rộng, nhà vắng chủ, nhà nước mượn, nhà nước quản lý, ..v..v.., để cướp đoạt làm tài sản riêng, dù rằng không ít trường hợp họ ẩn dưới danh nghĩa như là lợi ích xã hội chủ nghĩa, mà lợi ích xã hội chủ nghĩa là gì thì họ cũng chẳng giải thích được.
Trước hết là một số sự kiện gian trá cướp đoạt đó ngay trong cư xá Bắc Hải chúng tôi. Nhớ lại những ngày giữa tháng 05/1975, Công An Phường 15 với Công An Quận 10, đã chiếm đoạt 174 căn nhà của các vị Tướng Lãnh và sĩ quan di tản, mặc dầu trong những nhà đó vẫn còn thân nhân của những người di tản. Sau khi tất cả sĩ quan cư ngụ trong cư xá đều vào trại tập trung, Công An Phường 15, Công An Quận 10 và cơ quan nhà đất  Quận 10, hợp nhau hết đuổi đi mà họ gọi là vận động, đến đe dọa chiếm đoạt tịch thu bất cứ nhà nào họ muốn. Đợt chiếm đoạt đó không được bao nhiêu nhà vì các chị chống đối dữ dội, nói cho đúng là liều mạng mà chống lại lệnh của họ rồi ra sao thì ra, cho nên họ quay sang cách khác cũng gọi là “vận động” bằng cách dụ dỗ hiến nhà cho nhà nước thì chồng trong trại tập trung được về sớm. Cách này xem chừng họ thành công hơn đợt trấn lột trong những tháng cuối năm 1975. 
Ở những khu khác như thế nào không rõ, chớ trong cư xá Bắc Hải chúng tôi phải công nhận cái “tinh thần trấn lột của cộng sản rất kiên trì”. Nhiều gia đình của các bạn tôi thật sự “trúng kế dụ dỗ” của họ, nên đã đổi nhà lớn trong cư xá nhận nhà nhỏ ở nơi nào đó hoặc hiến nhà cho chúng nó, như gia đình cựu Đại Tá Phan Xuân Nhuận, cựu Đại Tá Đinh Xuân Kế, cựu Đại Tá Nguyễn Văn Huấn, cựu Trung Tá Giang Văn Trọng, ..v..v.. Có trường hợp bi thảm hơn nữa như gia đình cựu Trung Tá Trần Chí Thẩm. Chị Thẩm cũng là người rất cương quyết giữ lại căn nhà để ở, vì vậy mà bị Công An khu vực và Công An Phường 15 Quận 10 bắt chị hằng ngày phải đến văn phòng họ ngồi đó, từ đầu giờ đến cuối giờ làm việc, và liên tục như vậy suốt mấy tháng liền. Một hôm chị đến thăm tôi, nhân đó chị kể cho tôi nghe nỗi đau của chị khi bị chúng nó gạt:
“Anh nghĩ coi. Suốt mấy tháng đó tôi nhất quyết không đưa hồ sơ nhà cho họ, nhưng một hôm họ nói với tôi là đưa giấy tờ nhà cho họ coi để họ giải quyết dứt khoát. Tôi cứ tưởng họ thay đổi ý kiến. Tôi lấy hồ sơ từ trong túi xách ra đưa cho họ. Xem xong, lập tức họ bỏ vào tủ khóa lại, rồi ra một cáilệnh mà khi nghe xong tôi cứ tưởng họ nói với ai vậy anh. Tên Công An Phường gần như hét::
“Ngày mai chị phải dọn ra khỏi nhà”.  Nói xong là nó đuổi tôi ra và đóng cửa văn phòng”.
Đến đây chị ngưng lại vì xúc động! Một lúc sau:
“Tôi kể tiếp anh nghe. Khi tôi bị họ gạt lấy hồ sơ chủ quyền nhà, uất ức quá, tôi lảo đảo về nhà và gần như gục ngã trước cửa! Khi tỉnh lại, mẹ con tôi mua cây mua lá che cái mái ngay trong sân tầng trệt chắn một phần lối lên tầng trên mà ở. Nấu nướng tạm bợ cũng được, nhưng tắm giặt phải nhờ nhà chị bạn ở đầu dãy. Khổ lắm anh ơi! Lát nữa anh theo tôi đến xem cái gọi là cái nhà mà mẹ con tôi ở sau khi dọn ra khỏi nhà tôi.”
“Vâng. Tôi theo chị đến “cái nhà” mà chị và các cháu đang ở”.
Quí vị quí bạn có thể nhớ lại đoạn tôi kể cái lán trại của trại tập trung Yên Bái lợp bằng cây chổm, nằm trên vạt giường cũng bằng cây chổm nhìn lên trần nhà thấy cả bầu trời đầy sao và cả mây bay gió thổi nữa, nhưng giọt mưa không rơi xuống. Còn “cái gọi là nhà” của chị Thẩm mà tôi đang đứng xem, mái nhà trống trải nên nhìn rõ gió thổi mây bay, và có bao nhiêu giọt mưa rơi trên cái mái nhà thì ngần ấy giọt mưa xuống hẳn bên trong nhà chị. Tất cả đều ướt! Đầu năm 1988, anh Thẩm ra trại và cùng ở nơi đây!
Khi vào trại tập trung, trong thời gian đầu cứ như “điếc không sợ súng” nên tôi đối đầu với những toán thẩm vấn, dần dần đối đầu với đám Công An cai tù. Thật lòng mà nói, nếu như từ đầu tôi “không điếc nên biết sợ súng” thì chưa chắc tôi có chút kinh nghiệm đối đầu với cộng sản lúc còn trong trại tập trung cũng như bây giờ đã ra khỏi nó, dù rằng bây giờ tôi đang ở trong xã hội xã hội chủ nghĩa mà bất cứ ai từng là nạn nhân cộng sản, đều gọi là “trại tập trung lớn”.
Nhân lúc anh chị tôi từ Sa Đéc lên Sài Gòn làm hồ sơ để lấy lại căn nhà số X12bis cũng trong cư xá Bắc Hải, mà anh chị tôi theo lời dụ dỗ gian trá mà họ gọi là “vận động” đã gởi căn nhà cho họ để về quê hồi năm 1976, nay chuẩn bị dọn trở về đây. Chỉ riêng cái sự kiện “gởi nhà cho nhà nước” cũng là cái chính sách lạ kỳ của nhà nước cộng sản.
Vì anh chị tôi bận nên tôi giúp lo giấy tờ. Khi trong nhà tù nhỏ, đối đầu với nhóm sĩ quan quân đội và công an cộng sản cấp trung ương “do điếc không sợ súng” mới có được bài học kinh nghiệm, bây giờ tôi muốn thử xem mức độ gian trá trấn lột trong nhà tù lớn này ra sao. Tôi đến cái cơ quan có tên là “Quản Lý Nhà Đất Quận 10. Trong góc phòng, một nhóm “viên chức nhà nước cộng sản” đang kể chuyện đêm qua xem phim dù lúc ấy đã hơn 10 giờ sáng, một cô nhỏ nhắn trong số đó bước đến hỏi tôi trong khi gở tay anh chàng có nét mặt hơi thô đang quàng lên vai cô ta:
“Anh có việc gì?”
Con gái Sài Gòn xã hội chủ nghĩa bây giờ ăn nói cụt ngủn, với lại cái giọng nói sao mà khó ưa quá.
“Tôi nộp hồ sơ giùm anh chị tôi xin lấy lại căn nhà đã gởi cho nhà nước”.
Cô ta ỏng ẹo:
“Đâu có nhà nào gởi mà lấy với không lấy. Chúng tôi chỉ nhận nhà hiến thôi. Đưa hồ sơ coi”.
Cô ta lật qua lật lại mà tôi nghĩ là cô ta chẳng hiểu nội dung gì cả, rồi vào phòng trong đưa cho anh chàng có lẽ là trưởng phòng. Cửa phòng không đóng, tôi thấy hắn cũng  lật qua lật lại đọc tới đọc lui, hắn đưa tay ngoắc tôi vào:
“Đã hiến rồi, không xét”.
Tôi đáp: “Anh xem biên bản đi, anh chị tôi gởi chớ đâu có hiến”.
“Gởi hay hiến cũng vậy thôi”.
“Anh nói vậy mà anh nghe được à! Trong tự điển Việt Nam mình chữ gởi với chữ hiến hoàn toàn khác nghĩa. Gởi có nghĩa là sẽ lấy lại, còn hiến là không lấy lại. Chữ với nghĩa rất rõ ràng, sao anh nói vậy?”
Hắn lườm tôi một lúc, tương tự như Công An Thịnh “khuỳnh” trại tập trung Nam Hà A lườm tôi lúc xét quà của tôi vậy:
“Tôi nói rồi. Không xét là không xét. Chừng nào anh chị của anh có hộ khẩu  ở đây tôi mới xét”.
“Gì kỳ vậy. Anh không trả nhà làm sao về đây ở được mà anh đòi hộ khẩu. Anh đại diện cho nhà nước về nhà đất ở Quận mà anh trả lời như vậy dân làm sao nghe cho thông”.
Tôi với hắn có hơi lớn tiếng làm cho những người bên ngoài vẫn còn kể chuyện phim, có lúc cười lớn tiếng, vài người trong số họ bước đến cửa, nhìn tôi. Tôi nhìn họ một lượt, rồi quay ra. Hắn phán một câu cộc lốc:
“Anh để đơn đó. Về đi. Xét sau”   
“Chừng nào anh trả lời cho người đứng đơn?”
“Khi nào xét xong sẽ trả lời”.
“Anh cho tôi biên nhận để anh chị tôi hoặc tôi mang đến làm bằng chứng nói chuyện mới được chớ”.
“Sợ mất thì mang về mà giữ”.
“Tôi không sợ mất, nhưng thông cáo trên báo là các cơ quan nhà nước mỗi khi nhận đơn đều có biên nhận để dân tiện liên lạc khi cần. Tôi chỉ làm theo hướng dẫn của nhà nước thôi”.
Cô bé lúc nảy: “Viết cho ổng đi, ở đó mà đôi co cho lắm chuyện ”.
Khi ra đến cửa, tôi nghe tiếng con bé nào đó:
“Ông già này hổng phải thứ vừa đâu nghe. Lần sau phải để ý ổng”.
Qua lần đó, chỉ mới đụng chạm sơ sơ thôi, tôi thấy nền giáo dục xã hội chủ nghĩa 20 năm trên đất Bắc và 15 năm trên toàn cõi Việt Nam, đã tạo nên những con người không một chút tử tế nào cả. Họ ăn nói theo cái tư tưởng dối trá trấn lột mà không cần cái lý cái lẽ trong văn chương chữ nghĩa Việt Nam. Nói càn nói đại miễn là đạt được mục đích cho họ, trường hợp bị chất vấn đến mức không tìm được cách tránh né, lúc ấy họ liền nhân danh đảng với nhà nước cộng sản của họ để “áp đảo” người đối diện. Từ Bắc vào Nam, bài bản của họ y chang như vậy. 
Dự định của tôi là thông qua báo chí và từ các bạn ra trại tập trung trước tôi, để tìm hiểu về các lãnh vực trong xã hội mà trọng tâm là lãnh vực giáo dục, kinh tế, và tư pháp. Nhớ lại ngay sau đại hội của đảng cộng sản hồi cuối 1986, ông Nguyễn Văn Linh nhân danh Tổng Bí Thư tuyên bố cởi trói cho báo chí nói thật về những chuyện trong xã hội mà trước đây bị cấm, cho nên có những bài báo phải công nhận là “bạo” với những bài viết thẳng thừng. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông ta ra lệnh ngăn cấm gay gắt hơn trước nữa. Nhờ vào thời gian cởi trói báo chí mà tôi thu thập được một số bài báo về các lãnh vực mà tôi đặt trọng tâm tìm hiểu, nhất là lãnh vực giáo dục. 

Giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Thưa quí vị quí bạn, trong bối cảnh xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một xã hội mà toàn bộ các sinh hoạt trong tình trạng suy sụp, ngay cả đạo đức cũng vậy. Ngành giáo dục, một ngành mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam trao trách nhiệm trăm năm trồng người lại là tệ hại hơn tất cả! Lỗi của học sinh sinh viên chăng? Tôi nghĩ, một phần nhỏ. Lỗi của phụ huynh chăng? Tôi nghĩ, một phần nhỏ. Lỗi của xã hội chăng? Tôi nghĩ, một phần nhỏ. Nguồn gốc tội ác này là nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong bộ chính trị, cái cơ quan có toàn quyền hoạch định mọi đường lối chính sách và thúc đẩy thực hiện những hoạch định đó. Chính họ đưa ra chính sách giáo dục, chính họ chỉ thị soạn sách giáo khoa, cũng chính họ duyệt nội dung sách giáo khoa và đưa vào học đường. Và khi họ đã quyết định thì không một ai có quyền đề nghị thay đổi, ngay cả sai lầm cũng không được phủ nhận.
Đi trước một khoảng thời gian. Tôi đến Houston đầu tháng 04/1991 trong đợt HO 5. Tháng 06/1991, tôi sang Westminster (Nam California) làm trong  tiệm “Hang Nga Beauty Supply” cùng với anh Võ Hồng Lạc. Theo lời anh Lạc, anh là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Mạc Đỉnh Chi (Phú Lâm, Sài Gòn) đến cuối cùng. Ngay sau ngày 30/04/1975, một phụ nữ cộng sản từ ngoài rừng vào đô thị ngồi vào ghế Hiệu Trưởng thay anh, và anh trở về vị trị “giáo sư sử địa”. Câu chuyện khá dài, như lời tâm sự của người giáo sư sử địa bị bắt buộc phải dạy những điều hoàn toàn trái ngược với môn sử địa Việt Nam. Tôi tóm tắt như sau:
Bài viết về sông Cửu Long trong sách giáo khoa như thế này: “Sông Cửu Long có đoạn chảy ngang Sài Gòn …” Anh cứ tưởng mình sẽ được khen tặng vì chứng minh sự sai lầm khi anh cầm cuốn sử địa xin gặp “bà Hiệu Trưởng”. Anh Lạc nói với bà ta là sách giáo khoa này viết không đúng, vì sông Cửu Long không có đoạn nào chảy ngang Sài Gòn cả. Nói xong, anh lấy làm lạ về sự kinh hãi của bà cộng sản hiệu trưởng khi nghe anh phê bình sách giáo khoa. Bà ta dẫn anh vào gặp người cộng sản đàn ông mà anh nghe xưng hô là Bí Thư chi bộ đảng của trường. Cái anh bí thư này cũng kinh hãi, rồi ú ớ hẹn 3 giờ chiều anh Lạc đến trình diện.
Đúng giờ, anh Lạc đến., bị bí thư quát cho một trận:
“Anh dám phê bình lãnh đạo đảng?”
“Không. Tôi chỉ nói sự thật. Sông Cửu Long đâu có đoạn nào chảy ngang Sài Gòn. Nếu tôi dạy không đúng thì học sinh sẽ hiểu không đúng, rất là hại”.
“Sách giáo khoa này đảng đã duyệt, mà khi đảng đã duyệt thì không có gì sai cả”.
“Trên địa thế không phải như viết trong sách, làm sao tôi dạy học sinh được. Nếu vậy, tôi xin nghỉ dạy”.
“Anh chống đối đảng hả? Anh viết kiểm điểm rồi trình tôi”.
Anh Lạc lặng lẽ ra về mà lòng ấm ức. Chỉ xin nghỉ việc cũng bị ghép vào tội chống đối. Cảm thấy nguy hiểm, khi nộp bản kiểm điểm, anh xuống nước giải bày sự kiện. Và cuối cùng anh cũng được yên thân và nghỉ việc.
Đến đây là hết phần tóm tắt câu chuyện của giáo sư Võ Hồng Lạc. Nhưng sự kiện này góp phần chứng minh về sự ngu muội của các tầng lớp cán bộ đảng viên. Sự kiện này làm tôi nhớ lại lúc bị giam trong trại tập trung trong rừng già quận Trấn Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn những năm 1976-1978. Tên Trung Uý Khảm, quản giáo Tổ có tôi trong đó, với vẻ mặt kiêu hãnh khi hắn nói:
“Năm 1964, khi đế quốc Mỹ dùng Hạm Đội 7 tấn công các hải đảo của ta, phi công cách mạng rất linh hoạt sáng tạo, đã bay thấp xuống và chui dưới đáy tàu Mỹ qua bên kia trồi lên bay tiếp, nên súng đạn Mỹ không làm gì được”.
Quí vị quí bạn nghe có được không? Chiếc phi cơ khu trục được sản xuất cho dù từ nước Nga cộng sản hay nước nào trên thế giới, đâu có khả năng lặn dưới nước mà vẫn bay như bay trong không gian vậy. Thế mà hắn vênh mặt lên như thế anh em chúng tôi từ hành tinh khác mới đến địa cầu vậy.
Chưa hết. Đến chuyện phi cơ tắt máy phục kích trên tầng mây. Cũng tên Khảm, quản giáo Tổ chúng tôi. Tối hôm ấy, hắn vào “lán” chúng tôi kể chuyện về Đại Hội 4 đảng cộng sản của hắn với tổng kết sơ khởi có 4.000.000 (4 triệu) thanh niên miền bắc chết trong chiến tranh. Ý của hắn cho là tại chúng tôi chống cái chế độ độc tài của hắn nên nhiều triệu thanh niên xã hội chủ nghĩa mới chết như vậy. Xong hắn lại khoe khoang cũng xoay quanh cái việc phi công của hắn linh hoạt sáng tạo, nhưng lần này không phải lặn xuống biển mà là phục kính trên trời. Hắn có vẻ sung sướng khi nói với chúng tôi:
“Trong thời gian B52 đế quốc Mỹ thả bom rải thảm miền Bắc, phi công anh hùng Phạm Tuân đã vọt lên không trung, chui vô mây, tắt máy phục kích. Chờ B52 bay phía dưới, anh hung Phạm Tuân rồ máy tấn công B52 từ trên cao”.
Hắn là Trung Úy chớ có phải là lính dốt nát ngu đần đâu, mà hắn nói như thiệt vậy quí vị quí bạn à! Trên tầng mây cao, phi cơ tắt máy phục kích …Trời ơi! Sao người cộng sản lại ngu muội đến như vậy!              
Thời phong kiến xa xưa được học qua sử sách, các quan trong triều từ nhỏ đến lớn khiếp sợ vua đến nhũn người, nhất cử nhất động đều phải vái lạy vua tạ ơn vua, kể cả lúc vua trừng phạt cũng vậy. Bây giờ, nền giáo dục của cộng sản Việt Nam từ năm 1954 trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và từ năm 1975 trên toàn cõi Việt Nam, chỉ đào tạo những thế hệ thần dân để tuân phục đảng, tuân phục đến nhũn người như thời phong kiến hằng trăm hằng ngàn năm trước! Tuân phục đến mức đảng của họ nói sông Cửu Long có đoạn chảy ngang Sài Gòn, máy bay lặn xuống biển chui dưới đáy chiến hạm, máy bay chui vô mây tắt máy phục kích … mà họ vẫn cúi đầu chấp nhận! Quả thật ông Hồ và đàn em đàn cháu của ông, đã “thành công trong nỗi đớn đau của lịch sử” về cái chính sách trăm năm trồng người của họ, và vẫn tiếp tục thực hiện công cuộc “trồng” nên những lớp người ngu muội, dẫn đến một xã hội suy tàn đạo đức!                 
Chung qui từ giáo dục mà ra. Mời quí vị quí bạn theo dõi cuộc hội thảo về giáo dục, trong giai đoạn ngắn ngủi gọi là “cởi trói” cho báo chí phản ảnh sinh hoạt xã hội. Đây là tóm lược bài viết của Vũ Hạnh đăng trong báo Công An ngày 31/05/1989 tại Sài Gòn.
Trung tuần tháng 05/1989, Viện Nghiên Cứu Giáo Dục phía Nam và Ban Khoa Giáo thành ủy Sài Gòn mà họ gắn cái tên ông Hồ vào đó, phối hợp tổ chức cuộc hội thảo tại số 36 đường Lê Thánh Tôn, với sự tham dự của giáo viên giáo sư từ các trường học và từ các cơ quan nghiên cứu giáo dục. Mục đích, tìm hiểu sự suy đồi đạo đức học đường. Bà Tôn Thuyết Dung, được đánh giá là nhà giáo dũng cảm khi nhận trách nhiệm nghiên cứu và trình bày đề tài “Tìm hiểu nhược điểm và khuyết điểm của sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy đạo đức cho học sinh”.   
Bà Dung nhận định:
 “Sách giáo khoa đang sử dụng đã lỗi thời vì nó được soạn ra trong thời kỳ chiến tranh, và chỉ nhắm vào lớp trẻ sống ở nông thôn miền Bắc. Tất cả chỉ phục vụ mà không quan tâm đến đạo đức, chuyên chở những chủ đề mà tầng lớp thanh thiếu niên không dễ gì cảm nhận được chứ nói gì đến học hỏi. Chẳng hạn như “cá thể với tập thể, đả đảo với ủng hộ, ngụy quyền với chánh quyền, đế quốc với cách mạng, phản động với trung thành, ..v..v..”. Sách giáo khoa lại tham lam khi đề cập nhiều vấn đề, nội dung phản lại giáo dục ở điểm trưng dẫn những sự kiện xấu mà không chỉ dạy cách sửa đổi. Sách không đào tạo con người trước khi nói đến chủ nghĩa cộng sản. Về các câu hỏi để học sinh trả lời không nhắm vào chủ đề rõ rệt, không giúp học sinh phát huy nhận thức, trái lại gò ép học sinh trả lời một cách dối trá”.
Cũng trong hội thảo này, ông Xuân Diệu (không biết có phải là nhà thơ Xuân Diệu hay không) nhận xét thật ngắn nhưng rất sâu sắc:
“Một trong những thiếu sót quan trọng là giáo dục không đào tạo con người, nên rốt cuộc xã hội chúng ta chỉ có thần dân mà không có công dân”.     
Lại một nhận thức sâu sắc khác:
“Giáo dục phải nhắm mục đích tạo nên con người dân chủ từ bé, phải chống lại sự tha hóa lớn nhất hiện nay là sự quanh co dối trá, sự thiếu thành thật giữa con người với nhau…”.
Tiếp đây là bài viết trên báo Tuổi Trẻ: Tại buổi lễ cuối năm học 1988-1989 tổ chức vào ngày cuối tháng 05/1989 tại một trường trung học phổ thông Quận 1, khi một nữ sinh lớp 9 đang phát biểu một cách trôi chảy rằng:
“Nhờ ơn bác dẫn dắt, nhờ ơn đảng soi đường, nhờ ơn đoàn chắp cánh cho em bay lên, ….”
Nghe đến đây ông đại diện Quận 1 hỏi Bí thư đoàn thanh niên của trường đang ngồi bên cạnh:
“Con bé rất tiến bộ. Vậy nó đã vào Đoàn chưa?  
Anh bí thư đáp:
“Nó không chịu vào đoàn. Môn văn của nó khá lắm nên nó trình bày rất hay, nhưng cứ mỗi lần vận động vào đoàn thì nó trả lời, vào đoàn chỉ mất thì giờ chớ chẳng có lợi gì hết. Thành ra nó nói vậy chớ không phải vậy”.
Cũng trong tờ báo này, có mẫu tin liên quan đến câu “nói vậy nhưng không phải vậy” trên đây. Trong buổi thi cuối lục cá nguyệt, thầy giáo chấm bài đã hết lời khen ngợi bài luận về “Gia đình em trong cuộc sống hôm nay” của một nữ sinh lớp 8, vì bài viết rất thực, rất sống động về cuộc sống nghèo nàn gian khổ. Nhưng thầy rất đau lòng khi nói với học sinh của mình rằng:
“Em viết rất hay, rất thật, nhưng thầy khuyên em, nếu như em muốn tiếp tục học nữa, em phải viết theo bài học, vì bài luận này trình lên Sở thì em không thể học nữa đâu. Thầy thật lòng khuyên em như vậy”.
Tác giả bài báo thêm một câu vắn tắt rằng:
“Từ lâu lắm rồi, dốí trá là nấc thang trong học đường, và liệu bao giờ giáo dục mới thoát khỏi cái văn hoá dối trá đó?”
Và đây là tóm tắt báo cáo của Sở Giáo Dục ngày 7/10/1989 đăng trong báo Tuổi Trẻ ngày 10/10/1989:
“Tình hình giáo dục vẫn trong tình trạng yếu kém trên toàn quốc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất nhiều, nhưng có thể qui vào các điểm:
Thứ  nhất,  ngân sách giáo dục toàn quốc chỉ 4 đến 4.5%, riêng tại thành phố đạt đến 10% nhưng không thỏa mãn tối thiếu về nhu cầu lương cho thầy giáo cô giáo, cho nên giáo viên không thể tập trung vào dạy và học, vì phải đi làm thêm để kiếm sống. Tệ hơn nữa, các Quận ven thành phố thường là nợ lương giáo viên từ 3 đến 4 tháng. Cũng vì vậy mà Sở Giáo Dục hằng năm chỉ tuyển được 50% giáo viên trong tổng số nhu cầu.
Thứ hai, “chất lượng” giáo dục rất tệ. Chỉ có 5% học sinh được xếp vào hạng giỏi. Số học sinh từ lớp 1 đến lớp 12  bỏ học đến 80%”. Về lương giáo viên, nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/1988, lãnh đạo của thành phố chỉ thị Quận/Huyện trực thuộc phải trích ngân sách để tăng lương cho giáo viên từ 40.000 đồng/tháng lên 80.000 đồng/tháng. Quận/Huyện la lên ngân sách không gánh vác nỗi, và quay sang bắt dân gánh chịu bằng cách đóng tiền học hằng tháng mà nguyên tắc trường công là không học phí. Quận/Huyện qui định mỗi học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 đóng 1.000 đồng. Lớp 4 lớp 5 đóng 2 kí lô gạo, mỗi học sinh cấp 2 (tức trung học đệ nhất cấp) đóng 3 kí lô gạo, và học sinh cấp 3 (tức trung học đệ nhị cấp) đóng 4 kí lô gạo. Tất cả những kí lô gạo đó đều qui ra tiền khi nộp cho nhà trường.
Thứ ba, trường học ngày càng cũ kỹ mà không được tu bổ đúng mức. Trong đài truyền hình Cần Thơ có tiết mục “Chuyện Xã Tôi” từ năm 1988 mà báo chí Sài Gòn lẫn Hà Nội đều khâm phục là rất can đảm, đã dám đưa lên màn ảnh nhỏ một sự thật ở cấp xã thuộc tỉnh Hậu Giang, đó là ngôi trường học xiêu vẹo, dột nát, chỉ có mái lợp mà không có tấm vách nào bao bọc chung quanh che gió chắn mưa. Thê thảm hơn nữa là không có cái bàn học nào cả, ngoại trừ cái bàn và cái ghế duy nhất của giáo viên. Học sinh phải đem theo manh chiếu để ngồi và mảnh ván nhỏ để trên nền đất, học sinh trong thế nửa ngồi nửa nằm mà viết”.
Thưa quí vị quí bạn, tôi xin tách ra chữ “can đảm” ở đoạn trên đây để giải bày cho rõ thêm. Thuở ấy là “thời cởi trói” cho truyền thông nhà nước do ông Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đưa ra, nên ông phóng viên nào đó của nhà nước Cần Thơ mới dám đưa cái hoạt cảnh giáo dục xã hội chủ nghĩa lên truyền hình. Tôi thường xem tiết mục “mỗi tuần một chuyện” trên đài truyền hình Cần Thơ. Nhiều chuyện khác nhau trong sinh hoạt nông thôn nhưng tôi chỉ chú trọng những chuyện liên quan đến giáo dục. Nhưng rồi cái thời cởi trói ấy chỉ “tự do” được trong thời gian ngắn ngủi, tất cả bị trói lại và trói chặt hơn trước, chỉ vì trong thời gian cởi trói mà nhiều tệ trạng trong xã hội xã hội chủ nghĩa phơi bày ra ánh sáng. Chưa phải là tất cả, nhưng quá đủ để lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong bộ chính trị kinh hãi rồi!
Cũng trong giáo dục. Trên màn ảnh đài truyền hình Sài Gòn tối 20/07/1989, có bài tường thuật hội nghị tổng kết năm học 1988-1989 riêng cho các tỉnh phía Nam, từ Thừa Thiên/Huế xuống đến Cà Mau, như sau:
“Hội nghị nhận định học sinh tiểu học là đầu mối quan trọng của hệ thống giáo dục, có trình độ rất kém. Kém đến mức học sinh lớp 1 chỉ có 20% biết đọc bập bẹ, còn lại 80% chẳng biết gì cả. Hội nghị đã gióng nhiều hồi chuông báo động trong toàn diện hệ thống giáo dục, ít nhất là giáo dục tại các tỉnh miền Nam. Đặc biệt là hồi chuông báo động về sự suy đồi đạo đức”. 
Trong bài tường thuật, tôi không thấy hội nghị đưa ra biện pháp nào để chỉnh đốn những hồi chuông báo động đó, mà là kết thúc theo kiểu bỏ ngõ như vậy.
Thưa quí vị quí bạn, theo tôi, giáo dục là lãnh vực quan trọng bậc nhất trong xây dựng con người, từ đó dẫn đến phát triển đất nước. Vì vậy mà tôi chỉ ghi lại đây một vài góc cạnh về giáo dục trong 14 năm xã hội chủ nghĩa, 1975-1989 .
Đến nay là năm 2007, giáo dục trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không có gì khá hơn suốt chiều dài 32 năm qua. Bằng chứng là ông Bộ Trưởng Giáo Dục & Đào Tạo, trong buổi điều trần tại cơ quan gọi là Quốc Hội cộng sản Việt Nam hồi cuối năm 2006, ông cho rằng:
“… Có 7 vấn đề cấp bách trong hệ thống giáo dục Việt Nam tồn tại từ lâu nay, là: (1) Bệnh thành tích. (2) Tiêu cực trong thi cử. (3) Bằng cấp giả mạo. (4) Cần cải tổ chương trình cấp phổ thông. (5) Biên soạn và ấn hành sách giáo khoa. (6) Phẩm chất giáo dục mà ông gọi là “chất lượng giáo dục”. (7) Giúp sinh viên tìm việc làm…. “
Ông nêu 7 vấn đề như là cấp bách của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, nhưng không thấy ông cho biết đã thực hiện chưa, nếu đang thực hiện thì diễn tiến ra sao, mà ông chỉ nói suông thôi.
Ông cũng cho biết là Thủ Tướng của ông đã chấp thuận thành lập thêm 5 trường đại học công và 15 trường đại học tư. Số lượng 20 trường đại học này sẽ thành lập tại: Tỉnh Hòa Bình 1 trường + đồng bằng Sông Hồng 7 trường + Miền Trung 4 trường + 8 trường còn lại  thành lập tại đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn.
Tôi vào trang Web về giáo dục của cộng sản Việt Nam, có rất nhiều lãnh vực, nhưng thực chất đó chỉ là hình thức, còn nội dung bên trong không giúp gì cho sự nghiên cứu, chẳng hạn như: 
- Có những ô những cột mà bên trong hoàn toàn trống rỗng.
- Có những bài viết chung chung, không nói lên được góc cạnh nào rõ nét cả.
- Có bài viết nhưng lỗi thời, vì những dữ kiện của sáu bảy năm về trước. Điển hình bây giờ là năm 2007 mà trang Web <Vietnam Education> của họ chỉ có tài liệu năm 1997. Theo đó, năm học 1996-1997, toàn cõi Việt Nam có 22.000.000 học sinh tiểu học, 17.500.000 học sinh trung học, 26.000 sinh viên cao đẳng và đại học.
Với con số học sinh sinh viên ghi nhận trên đây, nếu nhìn theo khía cạnh dân số thì Việt Nam là một dân số trẻ, nếu nhìn theo khía cạnh giáo dục thì những thế hệ này tiếp tục bị chế độ nhận chìm trong chính sách giáo dục một chiều đào tạo “những thế hệ thần dân”, và đây là mối quan tâm bậc nhất của những vị lãnh đạo Việt Nam thời hậu cộng sản trong mục đích đào tạo những thế hệ công dân trong xã hội dân chủ pháp trị trong tương lai.  
Cũng trong trang Web <Vietnam Education> đảng và chánh phủ Việt Nam cộng sản, đặt giáo dục và phát triển khoa học kỹ thuật lên hàng chiến lược nhưng không thấy nói cách thực hiện chiến lược giáo dục như thế nào, mà họ chỉ cho biết hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay trong tình trạng rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như nhiều trường học không được bảo trì đúng mức, dụng cụ trang bị học đường lỗi thời, sách giáo khoa chỉ cải tiến ở trên ngọn chớ chưa cải tiến nền tảng, giáo viên không đủ phẩm chất mà họ gọi là chất lượng giảng dạy, và hằng triệu học sinh bỏ học, và ..v..v...         
Theo giáo sư tiến sĩ Trần Văn Hiến, giảng dạy tại đại học Houston ở thành phố Clear Lake, ông thường được trường đề cử sang Việt Nam giảng dạy bộ môn kinh tế tài chánh, và phụ trách các chương trình giúp sinh viên Việt Nam sang du học Hoa Kỳ. Ông trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do, khi được hỏi về sự đánh giá của thế giới về nền giáo dục Việt Nam hiện nay, ông nói:
“Năm 2006, giáo dục Việt Nam ở thứ hạng 90/135 quốc gia. Nếu Việt Nam không nhanh chóng cải tổ giáo dục thích nghi với sức phát triển chung của thế giới, thì kinh tế Việt Nam chỉ làm gia công cho các nhà đầu tư ngoại quốc”.                 
Thưa quí vị quí bạn, xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau 15 năm 1975-1990, tất cả lãnh vực sinh hoạt quốc gia đều suy đồi thảm hại, nhất là giáo dục, trong khi giáo dục là nền tảng xây dựng con người để từ đó xây dựng quê hương đất nước. Thế nhưng, từ năm 1990 cho mãi đến bây giờ là năm 2010, bộ máy điều hành xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vẫn là lớp “thần dân” chỉ biết tuân phục đảng và nhà nước cộng sản của họ. Trong khi một lớp người có tư cách công dân, đứng lên đòi hỏi quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc cho xã hội mà Hiến Pháp năm 1992 của họ thừa nhận, thì họ nhân danh đảng nhân danh nhà nước đàn áp trừng phạt. Hiến Pháp do chính cộng sản soạn thảo ban hành, nhưng nó chỉ được sử dụng để che chắn cái bản chất độc tài gian manh dối trá của họ chớ không bảo vệ người dân. Vậy mà, họ thường huênh hoang con người là vốn quí, được sống trong chế độ ưu việt, chế độ không có người bóc lột người, họ là đại diện của giai cấp công nhân nông dân, ..v..v...”
Suy cho cùng, lãnh đạo cộng sản Việt Nam nói đúng. Đúng ở chỗ, “không có người bóc lột người, mà chỉ có đảng cộng sản bóc lột dân thôi, vì giữa dân với nhau có ai bóc lột ai đâu, phải không quí vị quí bạn?
                                           
********

No comments: