Friday, October 28, 2011

Chương 4 / Trại tập trung Long Giao

- bốn-

Trại tập trung Long Giao

                               *****
Sài Gòn đến Long Giao.
Cuối cùng đoàn xe Molotova già nua cũng lăn bánh. Lúc ấy là giờ đầu tiên của ngày 16/06/1975. Tôi phải ghi rõ như vậy, vì tôi muốn lưu vào ký ức tất cả những sự kiện cũng như những thời điểm diễn tiến trong cuộc sống trước mắt của “những người thua trận,” để có thể tìm hiểu bản chất cộng sản Việt Nam như thế nào.
Cho dù có bí mật cách mấy đi nữa họ cũng hiểu rằng thời hạn ấn định phải trình diện trong các ngày 13, 14, và 15 tháng 6 năm 1975, mà ngày đầu tiên họ bảo phải mang theo thức ăn, như vậy người trình diện ngày 14 chỉ ăn có 1 ngày, người trình diện ngày 15 thì chẳng ăn bữa nào hết. Khi di chuyển thì tất cả cùng đi một lượt, mà tiền ăn vẫn phải đóng y chang nhau. Chỉ với sự kiện nho nhỏ của vài ngày đầu tiên “học tập cải tạo” đã là không đúng với bản thông cáo rồi. Phải chăng đây là hành động gian trá cướp đoạt dù trị giá chưa bao nhiêu? Cướp nhà cướp của, nói chung là cướp tài sản ngay sau khi chiếm Việt Nam Cộng Hòa nói chung và thủ đô Sài Gòn nói riêng, bây giờ đến cái nhỏ nhoi chỉ mấy đồng tiền ăn cũng gian trá để ăn cướp! 
Đoàn xe lớn bé khoảng 15 chiếc, từ từ ra cổng đại học xá, quẹo trái theo đường Minh Mạng đến Ngã Bảy. Rồi quẹo phải sang đường Lý Thái Tổ. Đến Công Trường Cộng Hòa quẹo trái sang đường Hồng Thập Tự. Lại quẹo phải sang đường Công Lý, khi đến đại lộ Thống Nhất quẹo trái. Đến sát Thảo Cầm Viên, quẹo trái sang đường Cường Để. Đến đường Phan Thanh Giản, quẹo phải thẳng ra xa lộ Biên Hòa. Chẳng hiểu sao họ lại chạy quanh co vòng vèo như vậy, vì muốn ra xa lộ cứ đường Minh Mạng đến Ngã Bảy, vẫn con đường đó trở thành đường Phan Thanh Giản, và ra xa lộ. Đơn giản quá.
Đó là cách nghĩ của tôi, nhưng có thể quân cộng sản muốn đánh lạc hướng với “đoàn người trong những cái hộp đen” không biết họ chở đi đâu chăng? Thật sự thì “đoàn người đó” quá quen thuộc mọi hang cùng ngõ hẻm của thủ đô Sài Gòn thì sá gì cái mẹo vặt ấy che mắt được. Hoặc vì từ trong rừng mới vào thủ đô Sài Gòn nên chưa thạo đường đi chăng? Điều này nghe không ổn, vì cho dù đoàn quân từ rừng rú vào Sài Gòn nhưng còn thành phần cộng sản nằm vùng dẫn đường chớ. Tôi nói đoàn quân cộng sản từ rừng rú vào thủ đô Sài Gòn, là bao gồm cả thành phần đảng viên cán bộ cộng sản từ Hà Nội nữa, bởi sinh hoạt ở thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng không khác bao nhiêu với sinh hoạt của họ trong rừng rú.

Với vài mẫu chuyện về tiện nghi sinh hoạt thông thường của người Việt Nam Cộng Hòa, mà người cộng sản từ người lính trong quân đội cho đến người bác sĩ trong xã hội chủ nghĩa 20 năm trên đất Bắc, thật sự là họ quê mùa không thể tưởng tượng được. Nói cho đúng là họ quá lạc hậu. Do vậy mà tôi nhận xét về cái câu “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, mà họ nhai đi nhai lại không mệt mỏi không ngượng ngùng trên các phương tiện truyền thông của họ, nên hiểu như thế này: “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc xuống đáy của chủ nghĩa phong kiến” mới đúng. Thật sự xã hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau 20 năm (từ năm 1955) là tiến xuống chớ không phải tiến lên theo cách nhìn của tôi, và tôi nghĩ cũng là nét nhìn của người Việt Nam Cộng Hòa chúng ta nữa.

Phong kiến là một chủ nghĩa mà người đứng đầu quốc gia được xem là Vua mà Trung Hoa gọi là Con Trời với quyền lực tuyệt đối, muốn giết bất cứ thần dân nào thì giết, thậm chí đến các quan trong triều cũng vậy. Dưới chế độ phong kiến, người dân chỉ biết vâng lời vua. Dưới triều đại cộng sản, nhóm lãnh đạo cộng sản nắm quyền cai trị, chẳng những rập khuôn các triều đại vua quan phong kiến mà còn lồng trong những thủ đoạn gian trá tinh vi hơn nhiều, bao gồm gian trá tinh vi trong những cách giết người dưới quyền cai trị của họ, như Liên Bang Sô Viết đã giết hằng 70 triệu dân của họ, Trung Hoa cộng sản đã giết hằng 50 triệu dân, các quốc gia Đông Âu dưới chế độ cộng sản cũng thế, và nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng tàn bạo như vậy. Ít nhất trong 20 năm xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc, cộng sản đã giết nhiều trăm ngàn dân bằng những cách thật là man rợ, khi bị họ ghép vào thành phần “trí, phú, địa, hào” từ đầu năm 1954 đến tháng 9 năm 1956! Họ đã tiêu diệt hàng ngũ nhà văn nhà báo trong vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm” hồi năm 1957 theo chính sách “trăm hoa đua nở” của Trung Hoa cộng sản! Và họ đã thiêu đốt hằng chục triệu thanh niên vào cuộc chiến xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa! Trong trận chiến Tết Mậu Thân đầu năm 1968, cái đám cháu ngoan của ông Hồ đã giết hằng mấy ngàn người tại Huế một cách dã man kể cả chôn trong những ngôi mộ tập thể! 

Đoàn xe lầm lủi một cách chậm chạp. Chốc chốc chúng tôi luân phiên nhau len lén hé một khoảng nhỏ tấm bạt phía trước để quan sát những nơi đi qua. Mờ sáng, qua khỏi Biên Hòa và đang trên quốc lộ số 1 về phía bắc. Đoàn xe dừng lại Xuân Lộc một lúc chắc là chờ cả đoàn tập trung đầy đủ chăng? Tôi dùng lưỡi lam rạch một lằn ngắn trên tấm bạt phía bên hông, trông thấy nhiều người dân cố gắng áp sát xe nhưng bị lính cộng sản chận lại. Rất có thể người dân nghi ngờ xe chở quân nhân viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ đem đi đâu đó nên họ tìm cách đến sát hông xe để xem, nhưng không được.
Khoảng 7 giờ 30 phút sáng, đoàn xe chở gần 300 Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thua trận, từ từ vào một doanh trại. Xe ngừng hẳn. Hai lính cộng sản mà họ gọi là “bộ đội” cầm súng nhảy xuống, hạ tấm bửng và lớn giọng:
“Các anh mang tư trang xuống xe. Không một ai được quan sát địa hình.”
Chữ nghĩa của cộng sản sử dụng không cùng chữ nghĩa mà người tự do chúng ta sử dụng. Câu vừa rồi có nghĩa là các anh mang đồ đạc xuống xe và không một ai được tìm hiểu nơi đây là đâu.
Nhìn cổng trại, tôi nhận ra nơi đây là doanh trại cũ của Trung Đoàn 48 Bộ Binh mà có lần tôi tháp tùng Trung Tướng Nguyễn Văn Là đến thăm. Lúc ấy Trung Đoàn Trưởng là Đại Tá Trần Bá Thành. Bây giờ anh Thành cũng đang trong đoàn xe này. Doanh trại này trước kia do một Trung Đoàn Kỵ Binh Hoa Kỳ trú đóng, là một trong những căn cứ tạo thành vòng đai bảo vệ an ninh cho căn cứ Long Bình. Tên địa phương nơi đây là Long Giao, trên đường liên tỉnh nối liền Xuân Lộc với Bà Rịa, Vũng Tàu.
Một tên lính cộng sản hướng dẫn B5 chúng tôi ngang qua các căn trại đã có các B đến trước từ hôm nào rồi. Cứ mỗi lần ngang một căn trại thì từ bên trong có tiếng:
“Bò tứ đây nghe. Bò ngũ đây nghe. Bò tam đây nghe. Xin lỗi bò mấy đó?”
Một anh đi phía trước trả lời: “Bò lục đây nghe.”
“Xin lỗi có bò thất đó không?” Các anh từ bên trong hỏi vọng ra.
“Không có bò thất. Có ở chung nhưng không rõ bị chuyển đi đâu.” Một anh trong số bò lục đáp lời.
Chữ “bò” dùng trong tiếng lóng này là dựa theo con bài domino để chỉ cấp bậc. Theo đó thì “bò tam” là Đại Úy, “bò tứ” là Thiếu Tá, “bò ngũ” là Trung Tá, “bò lục” là Đại Tá, và “bò thất” là cấp Tướng. Trong quân đội, tôi không rõ ở đơn vị tác chiến có dùng tiếng lóng này hay không chớ ở trung ương tôi chưa hề nghe. Khi trình diện có gặp nhau đâu mà qui ước, thế nhưng khi gặp nhau trong cùng cảnh ngộ, một bên lên tiếng thì bên kia đáp lại là hiểu được nhau cứ như đã qui ước với nhau từ lâu vậy.

Tổ chức và sinh hoạt.

“Đây là nơi ở của B5. Các anh phải dọn dẹp sạch sẽ mà ở. Chốc nữa sẽ có anh nuôi (tức lính nhà bếp) đến hướng dẫn các anh xuống bếp nấu ăn.”
Lúc mở cửa còn kêu trời, nhưng bây giờ đâu thể đứng đó mà kêu trời nữa. Vấn đề trước mắt mà anh Phụng -B Trưởng- phải làm là phân chia chỗ nằm. Anh Phụng nằm sát vách đầu nhà, tôi với anh Nguyễn Hữu Có (cựu Đại Tá, Phụ Tá Võ Phòng Phủ Thủ Tướng) nằm cạnh nhau và đối chân với anh Phụng. Tôi nói đối chân, vì đầu hướng vào vách và lối đi ở giữa căn trại rộng khoảng một thước. Anh Có nhanh tay lẹ chân mà mau miệng nữa:
“Anh Hoa, anh tạm thời dọn dẹp, tôi đi  kiếm miếng ván hay thứ gì đó lót cho đỡ lạnh lưng. Quay về, tôi dọn tiếp với anh.”
Nói xong là anh chạy ngay. Một lúc sau, anh mang về tấm ván ép bể đầu này tét đầu kia, ấy thế mà rất hữu ích, vì nhờ có nó mới tránh được cái lạnh của nền xi măng ẩm ướt. Ngoài ra anh còn mang về 2 cái thùng đạn rỗng để đựng những thứ lặt vặt nữa:
“Anh tìm đâu ra cái thứ này vậy anh Có?”
“Tôi chui xuống hầm đạn đó.”
Tôi hết hồn:
“Sao anh liều mạng quá vậy. Nó nổ là hổng kịp phủi chân lên bàn thờ nghe anh”.
Anh Có tỉnh queo, còn cười nữa chớ:
“Đông nghẹt người trong hầm đạn chớ đâu phải mình tôi. Thùng đạn còn nguyên xi, tôi phải cạy cục một lúc mới tháo ra được đó. Bao nhiêu thùng đạn các loại đều bị tháo tung hết, đạn súng cối có, đạn đại bác có, đạn M79 có, mà chất nổ cũng có nữa. Đạn dược chất nổ văng tung tóe hết trơn. Ghê thì ghê thiệt, nhưng ai sao mình vậy mà anh.”
“Phải cẩn thận chớ anh, giỡn mặt với đạn dược chất nổ là nguy hiểm vô cùng. Thôi, từ nay có cần đến mấy cũng không xuống hầm đó nữa nghe anh. Nhỡ có tai nạn gì tôi ăn nói làm sao với chị.”
“Hổng sao đâu anh. Trời độ tụi mình mà.”
“Độ thì độ, nhưng mình hổng độ mình trước thì trời cũng hổng độ nỗi mình đâu anh!”
Tôi trải 2/3 chiếc chiếu vì bề ngang không đủ cho cả chiếc. Chiếu này gồm 3 miếng xếp lại theo bề ngang mà tôi mua tại Singapore hồi tháng 06/1973, khi tôi là thành viên trong phái đoàn chánh phủ sang đó nghiên cứu về xây dựng chiều cao và hải cảng dành riêng cho loại tàu hàng chở container. Tôi moi từ trong cái ba-lô ra miếng mousse nhỏ dùng tựa lưng khi lái xe để làm gối, nhưng thấp quá phải ghép thêm hai bộ đồ bà-ba đen mới may, quấn lại trong cái khăn nhỏ mới vừa độ cao cái gối.  
Về bếp, họ chia bếp A cho các B1, B2, B3, và B4. Bếp B do các B5, B6, B7, và B8 sử dụng. Bữa ăn đầu tiên cho mỗi bếp, tức phần ăn của hơn 120 người mà họ nói có 45 kí lô gạo + 100 gram bột ngọt + 1 tô muối + 2 kí lô rau muống. Trên bếp B của chúng tôi có sẳn cái chảo nấu cơm và cái chảo nấu canh. Đây là bữa ăn đầu tiên trong “trại tập trung cải tạo” Long Giao do “cải tạo viên” tự nấu dưới sự hướng dẫn của lính nhà bếp cộng sản mà họ gọi là “anh nuôi”.Chữ “trại tập trung cải tạo với nhóm chữ cải tạo viên” do anh lính nhà bếp này nói. Anh ta dùng cái xẻng lớn bằng xẻng xúc đất, vừa ngoáy vào chảo cơm vừa nói:
 “Hôm nay mấy anh ăn cơm với canh, chưa có món mặn.”
Ngoáy cơm xong, hắn cho rổ rau muống áng chừng hơn 1 kí lô (chớ không phải 2 kí như hắn nói) vào cái chảo chứa 3 thùng nước (60 lít) đang sôi. Kế tiếp, hắn cho vào 10 bịt mì gói, một tô muối, và cái bịt 100 gram bột ngọt mà hắn gọi là “mì chính”. Không biết có cái gì thần kỳ trong đó mà anh ta dùng cái xẻng ngoáy lia ngoáy lịa vào cái gọi là chảo canh.  Thế là có chảo canh rau muống với mì gói cho hơn 120 cựu Đại Tá Việt Nam Cộng Hòa ăn bữa đầu tiên tại “trại tập trung Long Giao!” Tôi không nhớ anh bạn nào đó trong B5 chúng tôi đã đặt tên cho chảo canh rất ngộ nghỉnh là “canh đại dương”. Nhưng nghĩ cho cùng, cái tên đó rất đúng, vì một bó rau muống với 10 bịt mì gói trong 60 lít nước, quí vị quí bạn nghĩ xem có cái tên gọi nào đúng hơn cái tên “canh đại dương”!
Sau vài ngày hướng dẫn của anh ta, từ đó các B tự nấu ăn. Vài tuần đầu họ cung cấp gạo Mỹ do họ lấy trong các kho tồn trữ ở Sài Gòn, nhưng sau đó là ăn toàn gạo “đại mễ” do Trung Hoa cộng sản viện trợ. Chẳng biết họ cất giữ bao lâu trong các hầm hố mà gạo vừa ẩm vừa mục rất ư là khó nuốt, nhưng cũng phải nuốt vì không nuốt thì chết là cái chắc!
Về phân chia nấu ăn. Mỗi B phụ trách một ngày. Trong mỗi B có 30 người phân công theo từng toán trong bếp. Nặng nhất là toán phụ trách nước nên cần 10 anh Đại Tá tương đối lực lưỡng để kéo nước. Cái giếng nước thật sâu, sâu đến mức chỉ khi ánh nắng mặt trời chiếu thẳng đứng trên miệng giếng mới trông thấy mực nước lấp lánh dưới đáy giếng. Trên miệng giếng có cái rỏ rẻ với sợi giây thật dài, một anh đứng tại rỏ rẻ hạ cái thùng xuống và nắm đầu sợi giây, khi cảm thấy nặng tay có nghĩa là nước đã vào đầy thùng, ra hiệu cho năm anh ở đầu giây ra sức kéo thùng nước lên, bốn anh còn lại phụ trách khiêng về nhà bếp. Toán nào xong phần việc của mình thì nghỉ ”chờ ăn”.     
Gần như 12 ngày đầu tiên mọi người đều cắn răng nhăn mặt mà ăn cơm vừa sống vừa khét vừa nhão, vì mỗi toán nấu bếp phải đến lần nấu thứ nhì mới có kinh nghiệm. Phần ăn chỉ có bữa trưa và bữa chiều chớ không có ăn sáng. Cứ mỗi khẩu phần là hai chén cơm ngang mặt chén. Anh nào muốn có chút ăn sáng thì dành lại vài muỗng cơm.
Một hôm, anh lính cộng sản phụ trách liên lạc với nhà bếp chúng tôi mang đến hai con gà trống làm sẳn cho hai bếp, nhưng gà này thuộc loại không có bộ lòng (cộng sản ăn rồi) và ra cái điều vui vẻ:
“Hôm nay các anh ăn thịt gà kho, với canh rau muống. Các anh làm mà ăn.”
Thưa quí vị quí bạn, canh đại dương thì ngày nào cũng giống ngày nào, cứ 60 lít nước + khoảng hơn một kí lô rau muống + một tô muối + 100 gram bột ngọt. Hôm nay có món gà quả là đặc biệt. Nó càng đặc biệt vì 120 Đại Tá thua trận mà chỉ có một con gà trống nhẵn nhụi khoảng hơn 1 kí lô. Không thể nào chặt được 120 miếng cho mỗi bếp, mà không chặt được ngần đó miếng thì làm sao chia cho 120 phần ăn. Trong cái đặc biệt đó, anh Cao Văn Phước có sáng kiến cũng không kém phần đặc biệt là băm nhỏ con gà ra, có thể gọi là băm nát như tương rồi cho vào nhiều nước nhiều muối mà kho. Nếu gọi “thịt gà kho” thì tội nghiệp cho văn chương chữ nghĩa nhà bếp quá! Nấu xong, một anh bèn đặt tên thức ăn trong cái nồi đó là “xác gà kho” và được các anh có mặt vui vẻ chấp nhận món ăn mới trong thực đơn trại tập trung của xã hội chủ nghĩa. Kể ra tên gọi này có phần sát thực tế, vì đâu thể gọi là thịt gà kho được. Thế là mỗi anh được chia một muỗng bầy nhầy xác gà kho.
Tôi với anh Có ăn chung. Cứ mỗi chiều dành lại 1/3 chén gọi là phần điểm tâm sáng mai. Chỉ sau vài tuần là tôi thèm chất béo và chất ngọt vô cùng. Chất béo thì không đào đâu ra, nhưng chất ngọt thì anh Nguyễn Gia Ngọc (Đại Tá Quân Nhu) làm quen với nhà thầu cung cấp thực phẩm cho khu C2, nhờ họ mua giúp từng kí lô đậu nành hột và đường tán để làm sữa uống mỗi sáng. Đậu nành hột đem phơi thật khô, cứ mỗi chiều tôi cho một nắm vào cái nón sắt lượm ở đường mương cạn, dùng khúc củi đâm hột đậu giập giập chớ đâu thể nát  như bột được, cho vào cái ca nhựa cùng với nửa tán đường. Sáng hôm sau, nấu nước sôi bằng cái nón sắt kê trên ba cục gạch, là có ca sữa đậu nành ngon lắm quí vị quí bạn à!
Thỉnh thoảng anh Ngọc nhờ mua giúp được vài gói mì ăn liền, tôi chế biến thành chè bằng cách dùng mì cho vào cái nón sắt vừa nấu nước đường tán, hòa cho đều rồi cho vào cái ca nhựa là có “ca chè mì” ngay. Thật lòng mà nói, “ca chè mì” không giống bất cứ loại chè nào có tên gọi, nhưng phải công nhận là rất hữu ích cho nhu cầu bổ sung chất ngọt cho cơ thể.
Về tắm giặt rất ư là khó. Khó vì nước rất hiếm, phải vất vả lắm mới kéo được một thùng nước nhỏ từ cái giếng sâu lên. Đem được nước về đựng trong cái thùng sắt mà mục đích của nó khi được nhà sản xuất chế tạo là đựng đạn, nay thì nó thuộc loại đa dụng đối với chúng tôi. Lượng nước đó dùng rửa chén rửa mặt rửa tay và tắm giặt. Nếu như nước Cam Lồ có tác dụng đem đến sự khoan khoái và tươi tỉnh cho con người, thì quả thật chỉ vài lít nước đó dội lên người, chúng tôi cảm nhận tức thì tác dụng của nó chẳng khác nước Cam Lồ.
Thế nhưng” trong cái khó nó ló ra cái khôn”. Anh Nguyễn Văn Nhu (Đại Tá Quân Y) “phát minh” cách tắm giặt đáng xếp vào loại “thần kỳ” trong thế giới trại tập trung. Anh Nhu dùng cái lon guigoze bằng nhôm cứng mà Hòa Lan sản xuất dùng đựng sữa bột, đục hai cái lỗ bằng đầu cây tăm xỉa răng, nghĩa là nhỏ xíu xìu xiu. Cho nước vào đầy lon guigoze, để lên cái bệ cũng bé tí tương đương trên vách, rồi thong thả đứng tắm. Lúc đầu tôi thấy hơi kỳ kỳ, nhưng sau mấy lần nhìn anh ấy đứng tắm tôi thấy có lý. Có lý ở chỗ là chưa có cách nào giải quyết vấn đề nước “thần kỳ” hơn “phát minh” của anh Nhu cả. Rồi từ có lý đến bắt chước anh chỉ một buổi chiều.
Hôm ấy tôi hy sinh cái lon guigoze, cũng đục lỗ, cũng để lên bệ, và tắm. Quí vị thử tưởng tượng như đang nóng nực, mồ hôi nhuễ nhoại sau khi kéo được thùng nước nhỏ từ dưới giếng sâu lên, phải xách nó trên đoạn đường vài trăm thước dưới cái nắng gay gắt về căn trại, cho vào cái “vòi nước bông sen thần kỳ” do anh Nhu phát minh, rồi từ từ xoay người cho nước ngấm dần từ trên đầu xuống mặt, ưỡn ngực, khom lưng, đến thẳng người cho nước ngấm xuống chân. Trong lúc đó, xát xà bông lên đầu, lên toàn thân, và cả chiếc quần đùi đang mặc nữa. Tắm và giặt đúng nghĩa mà.
Bây giờ bắt đầu gội sạch trên đầu, hai giọt nước bé tí lần lượt trôi xuống toàn thân trong khi vẫn chầm chậm xoay người trên “cái trục tưởng tượng”, để dòng nước nhỏ nhoi đó ướt khắp châu thân mà không một giọt nước nào rơi ra ngoài. Mỗi giọt nước, sau khi gội sạch đầu, lần lượt trôi xuống làm sạch xà bông trên toàn thân. Xong, lau mình và thay áo quần. Ngay tức khắc phải giặt chiếc quần đùi, vì nếu chậm sẽ mất lượng nước quí báu còn lại trong cái “hồ nước guigoze” có một không hai trên thế giới. Tắm giặt xong là vừa hết nước trong cái “hồ guigoze bé xíu”. Nói là bé xíu nhưng về ý nghĩa thì  “cái hồ guigoze” đó rất lớn và rất hữu dụng với chúng tôi. Dần dần nhiều anh cũng áp dụng cách tắm giặt rất ư kỳ diệu này.
Tôi nghĩ, tuy không biết vào thời gian nào, nhưng thể nào cũng có lễ vinh danh những “phát minh kỳ diệu” của các “cải tạo viên” vốn dĩ là quân nhân viên chức Việt Nam Cộng Hòa trong các trại tập trung của cộng sản Việt Nam giai đoạn 1975-1992. Với “phát minh” của anh Bác sĩ Nguyễn Văn Nhu, chẳng những vinh danh anh mà còn vinh danh nhà phát minh nào đã sản xuất cái lon guigoze nữa. Trong những năm sau đó, quả thật cái lon guigoze đã giúp chúng tôi về nhiều công dụng khác nhau trong các trại tập trung trên đất nước Việt Nam. Chẳng hạn như:
- Chỉ một cái lon guigoze cắt làm hai, phần trên làm cái bếp với năng lượng là cây đèn cầy (đèn sáp) và phần dưới làm cái nồi nấu.
- Cái lo guigoze làm bình đựng cơm, đựng canh, đựng nước lạnh, nước nóng, nước trà, cà phê, nói chung là dùng đựng bất cứ thứ gì đựng được.
- Cái lon guigoze làm quai móc hai bên, cho chút gạo và nước vào, đem máng bên cạnh cái thùng nấu nước của mỗi B tại chỗ lao động (đốn cây trong rừng, cuốc đất trồng lúa, trồng khoai, trồng bắp, trồng rau, ..v..v.. ). Đến trưa là có lon cơm hoặc lon cháo đỡ lòng, vì cái loại chất bột “bo bo” dành cho ngựa ăn nhưng cộng sản đem nuôi chúng tôi trong các trại tập trung của họ, không ăn nỗi nhất là các anh bị đau bao tử (dạ dày)!               

Lao động.

Trở lại sinh hoạt trại Long Giao. Họ chỉ định anh Cao Văn Phước (Đại Tá Quân Vận) là C Trưởng C2. Bên khu Trung Tá họ gọi là C1. Kế bên C1 là C3. Trách nhiệm của C Trưởng C2 là điều hợp các B Trưởng. Cứ mỗi chiều, anh Phước đến văn phòng trại để nhận lệnh. Trở về khu C2, anh chuyển các lệnh đó cho các B Trưởng thi hành. Anh Cao Văn Phước, một thời là Tổng Cuộc Bóng Tròn Quân Đội, và anh đã từng là Trưởng Phái Đoàn bóng tròn Việt Nam Cộng Hòa tham dự nhiều giải bóng tròn quốc tế.
Hằng ngày, họ bắt chúng tôi ra những mảnh đất trống ở bìa rừng làm cỏ đánh vồng trồng khoai mì mà họ nói “lao động là vinh quang”. Một hôm, anh lính cộng sản gốc miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, hướng dẫn đến cuốc nền bãi đáp trực thăng trồng khoai mì mà họ gọi là “sắn”. Bãi đáp này tráng nhựa mà hắn bảo chúng tôi cuốc từng hộc nhỏ mỗi cạnh khoảng một gang tay là mồ hôi ướt cả người, mà nghe hắn giảng giải kỹ thuật mồ hôi càng nhỏ giọt nhanh hơn. Hắn nói:
“Đất của ta ưu việt lắm. Các anh chưa từng lao động nên không biết gì hết. Các anh cứ cho một cọng hom xuống là các anh sẽ nhận được một chùm củ”.
Tôi hỏi:
“Anh bộ đội ơi! Đá cứng như thế này làm sao nó ra rễ được mà có chùm củ?”
 “Đảng đã nói đất của ta ưu việt lắm, anh đừng có hỏi dài dòng.”
Hắn nói tỉnh bơ, cứ như thiệt vậy quí vị quí bạn à!
Anh em chúng tôi mỉm cười. Có vẻ như hắn tưởng chúng tôi vừa từ mặt trăng xuống địa cầu nên chẳng hiểu gì ở cái cõi nhân gian này hay sao ấy. Toàn đá với nhựa đường và xi măng, làm sao cọng hom khoai mì sống được mà ưu việt với không ưu việt. Có vẻ như não bộ của quân lính cộng sản đặc sệt do bị nhồi nhét những cái thứ mà lãnh đạo của họ gọi là ưu việt, và họ không được phép hiểu khác hơn những gì họ được nhồi nhét cái thứ ưu việt ấy. 
Ngày cuối cùng trồng khoai mì trên mảnh đất mà  lính cộng sản gọi là  ưu việt đó, hắn cho biết “quân hàm” (cấp bậc) của hắn là Thượng Sĩ, hắn bưng cho một nồi khoai mì vừa nấu xong:
“Các anh ăn đi, khoai này là thủ trưởng tôi mới đem về đó”.
Tôi hỏi: “Thủ trưởng của anh là ai vậy?”  
“Là đồng chí Đại úy Xê mà lúc nảy đứng đây nói chuyện với mấy anh đó.”
“Đại Úy Xê vô quân đội mấy anh bao lâu rồi?” Anh Nguyễn Thành Chí hỏi.
“Tôi nghe thủ trưởng tôi nói có tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Như vậy là đi lâu lắm rồi.” 
Chỉ một lúc là nồi khoai mì hết trơn. Có lẽ lúc nào cũng đói, cộng thêm khoai mì là món mà mấy tháng nay mới được ăn nên rất ngon.
Sau đó, rẫy khoai mì trên bãi đáp trực thăng, những mầm cũng vươn lên nhưng èo uột, vàng úa, rồi tắt lịm. Cuối cùng không còn một dấu vết gì của “rẫy khoai mì ưu việt” cả. Không thể hiểu được là tại sao hắn nghe theo lời đảng của hắn dạy đến mức không cần suy nghĩ xem lời dạy đó như thế nào trong thực tế cuộc sống. Sao người cộng sản lại ngu muội đến như vậy?

“Học tập cải tạo”.

Căn cứ theo thông báo của Ủy Ban Quân Quản thì thời gian học tập 30 ngày. Tuần lễ thứ nhất chưa thấy nói gì đến hai chữ học tập, cũng có thể chấp nhận được vì phải lo ổn định sinh hoạt hằng ngày. Tuần lễ thứ hai cũng chưa có dấu hiệu gì, thôi thì cũng chấp nhận được vì có thể chỉ cần một tuần học tập chăng? Đến tuần lễ thứ ba vẫn chưa nghe họ nói gì về học tập, và từ lúc này anh em chúng tôi bàn ra tán vào biết bao nhiêu là chuyện, chẳng hạn như:
“Có thể họ thấy mình chẳng những không chống đối họ mà còn ra sức lao động như vậy là tốt rồi”.
“Có lẽ khỏi học tập chính trị, vì hòa bình rồi họ đâu còn sợ mình chống đối như khi họ chiếm được miền Bắc”.
“Có thể họ chỉ trừng phạt mình tí thôi chớ thật sự là họ cần mình để khôi phục đất nước, vì họ chỉ biết đánh nhau chớ có học hành như anh em chúng mình đâu”.
“Vân vân và ..v.. v… “
Đến đây bỗng dưng tôi nhớ đến tập sách mỏng do Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa phiên dịch sang Việt ngữ và ấn hành khoảng năm 1965 hay 1966 gì đó, với tựa “Bạn Có Thể Tin Người Cộng Sản, Nếu ...” Đến ấn bản lần hai thì tựa dài thêm một chút “Bạn Có Thể Nghe Cộng Sản Nói Nhưng Đừng Bao giờ Tin Cộng Sản”. Nguyên tác bằng Anh ngữ của Bác Sĩ Fred C. Schwarz (có thể tên lót tôi nhớ không chính xác).
 Tác giả sinh ra và lớn lên ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, Australia. Ông đã dành ra khoảng 20 năm để nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản về lý thuyết lẫn thực tế trong cuộc sống. Toàn bộ tập sách, tác giả dẫn chứng rõ ràng giúp người đọc nhận ra người cộng sản bày tỏ tư tưởng của họ chẳng khác tư tưởng của người tự do nhưng hoàn toàn khác nghĩa. Chẳng hạn như họ nói “chúng tôi tha thiết với hòa bình”, đó là họ nói thật nhưng nghĩa của nó thì không thật. Với người tự do, khi quốc gia mình không có chiến tranh thì đó là hòa bình, nhưng với người cộng sản thì khi nào toàn thế giới dưới quyền thống trị của họ mới là hòa bình. Khi họ nói đến dân chủ có nghĩa là người dân được phép nói xuôi theo đường lối của đảng cộng sản, đó là dân chủ. Nếu nói ngược với đường lối của đảng lập tức bị ghép vào tội phản động, và những biện pháp trừng trị xảy ra sau đó.                  
Theo cách nói và hiểu như vậy, liệu một tháng học tập nêu trong thông cáo của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định phải hiểu như thế nào đây? Tuần lễ thứ ba trôi qua gần hết mà học tập cải tạo vẫn trong sự yên ắng một cách mệt mỏi!
Ngày qua ngày, chúng tôi càng có chung thắc mắc: Họ nói tụi mình đi “học tập cải tạo” mà sao họ canh giữ mình kỷ quá. Ra bãi trồng khoai mì mà có lính mang súng theo gác, và có cả máy vô tuyến nữa? Họ sợ mình hay sợ ai bên ngoài mình? Rồi cấm liên lạc nhau giữa các khu trại Trung Tá với Đại Tá? Thắc mắc nhưng đâu có ai giải đáp cho mình đâu. Anh Nguyễn Thành Chí:
“Trước khi trình diện, tôi nghe tin các sĩ quan bị kẹt lại Huế với Đà Nẳng hồi cuối tháng 3 (1975) đều bị tước quyền công dân, mà mất quyền công dân là ở tù rồi còn gì”.
Hầu hết các anh trong B5 đều nghe đến tin đó, nhưng không một ai -kể cả tôi- chấp nhận mình là tù cả, dù tất cả giấy tờ tùy thân bị họ bắt giao nộp. Rõ ràng là đến lúc này (cuối tuần lễ thứ ba của 30 ngày), sự suy nghĩ của anh em chúng tôi trong các B đều dừng lại ở “vấn đề thời gian học tập 30 ngày nhưng sao lại bị canh giữ chặt chẻ quá”.
Đầu tuần lễ thứ tư, không chỉ B5 chúng tôi mà các bạn trong các B khác vẫn bàn ra tán vào, nhưng nội dung chuyển sang hướng khác. Vì đề tài “học tập và ra về” bàn mãi rồi cũng cạn, nên chuyển sang đề tài “quần vợt”. Hăng say với đề tài này là anh Nguyễn Thành Chí (Đại Tá Pháo Binh), anh Trần Văn Hào (Đại Tá Pháo Binh), anh Võ Thành Phú (Đại Tá Công Binh), anh Nguyễn Hữu Có (Đại Tá Bộ Binh), liên tục cáp độ và cùng hẹn một ngày ngay sau khi về đến Sài Gòn là vào sân tranh tài. Người thua (đánh đơn) hay cặp thua (đánh đôi), sẽ đãi bên thắng một chầu không giới hạn.
Những mẫu chuyện như vậy, cho thấy một số trong số anh em chúng tôi trong B5 có vẻ như không một chút ngờ vực về thời hạn 30 ngày “học tập cải tạo” sắp hết. Trong bầu không khí ngờ vực thì ít mà tin tưởng thì nhiều ấy, anh Trần Thanh Liêm (Đại Tá Quân Tiếp Vụ) trồng được một dây dưa leo nhỏ nhắn đang có một trái đầu tiên, và hai vồng khoai lang dài độ 3 thước đang xanh tươi. Khoai lang giống là tôi với anh Liêm lượm từng cọng rễ khi chúng tôi làm cỏ gần giếng nước đem về trồng. Việc làm âm thầm của anh Liêm, không hiểu có phải do anh không tin ngày về trong cái hạn 30 ngày hay do tính cần cù kiên nhẫn vốn có của anh, nhưng nhiều anh trong B5 tuy nói vui nhưng cũng pha chút giễu cợt:
“Ông Liêm ơi! Ông ráng ở đó mà ăn  khoai lang với dưa leo nghe”.
Anh Liêm cười cười:
“Biết đâu được. Còn ở thì ăn, về thì thôi chớ có sao đâu. Làm cho đỡ buồn mà”.
Thưa quí Anh cùng trong B5 trại tập trung Long Giao năm 1975, thuật lại đoạn trên đây tôi có ý nhấn mạnh đến sự hiểu biết của chúng ta lúc ấy về chủ nghĩa cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng, là quá kém! Nhận thức này càng minh chứng thêm rằng: “Nếu chúng ta hiểu được bản chất cộng sản thì chẳng bao nhiêu người trong số chúng ta lại vác ba-lô vào các trại tập trung của cộng sản”. Cũng xin thêm lời cho rõ nghĩa, chữ “chúng ta” mà tôi dùng ở đây bao gồm cả tôi trong đó.

Thế nào là cơ động?

Và rồi như thường lệ, một buổi chiều sau khi anh Cao Văn Phước -C Trưởng- đi họp ở bộ chỉ huy trại về, liền gọi các tất cả 8 anh B Trưởng đến họp gấp. Họp xong, B Trưởng chúng tôi là anh Nguyễn Hữu Phụng thông báo cho cả B rằng:
“Sáng sớm mai, trừ những anh đau yếu, các anh khác đều sẳn sàng cơ động ”.
Chỉ ngắn gọn thế thôi mà gần như cả 30 anh em chúng tôi có quá nhiều suy đoán, mà lời suy đoán nào cũng quan trọng cũng tròn trịa như vừa xem xong trên giấy trắng mực đen vậy. Sau đây là một số suy đoán chỉ xoay quanh hai chữ cơ động mà ra:
“Cơ động tức di chuyển, mà di chuyển bằng xe chớ không phải đi bộ, và như vậy là tụi mình về Sài Gòn chớ còn đi đâu nữa, vì chúng ta đag ở tuần lễ cuối cùng của 30 ngày mà.”
“Nếu vậy thì tụi mình về lại đại học xá Minh Mạng là cái chắc, không chừng làm lễ ở đó cũng nên, vì đó là địa điểm mình tập trung đi học tập.”
“Không đâu, tôi nghe loáng thoáng là xe đưa mình về căn cứ Sóng Thần cũ (ở Dĩ An, Biên Hòa) chớ hổng phải Sài Gòn đâu, vì nơi đây rộng lớn mới chứa được nhiều ngàn người. Còn đại học xá bằng bụm tay mà tổ chức lễ với lạc gì.”
“Thôi các anh ơi! Chỉ cần tụi mình được di chuyển bằng xe là chỉ dấu tốt rồi, chớ suy đoán xa xôi tôi ngại lắm. Còn nữa, tại sao cơ động đi về mà ngoại trừ những anh đau yếu là thế nào?”
“Mấy anh ngại cái gì nào? Anh B Trưởng thông báo chánh thức như vậy mà ngại với không ngại. Hay là xin ở lại học thêm cho có bằng cấp rồi về sau nhé! Còn mấy anh bệnh chắc là có xe đón tại chỗ, mạnh như mình thì đi bộ đến chỗ xe đậu chớ có gì đâu mà thắc mắc”.
“Nghe cứ như thiệt vậy mấy cha”.  
Chúng tôi suy đoán lung tung như vậy đó quí vị quí bạn à! Trúng trật chẳng ai biết, nhưng gop1 phần giảm bớt mức căng thẳng trong sự suy nghĩ của chúng tôi.  
Thế rồi đêm đó trôi qua như muôn thuở đã trôi qua mà tôi nghĩ không ai trọn giấc. Từ mờ sáng, mạnh ai nấy lo thu vén chuẩn bị cơ động. Đến khi gọi tập họp ra sân, tất cả chúng tôi mới vở lẽ rằng, chữ của người cộng sản mà hiểu theo nghĩa của người tự do là sai hoàn toàn. Bởi vì sĩ quan của họ dõng dạc đọc bản qui định cho đoàn quân cơ động” như thế này:
“Sáng hôm nay, các anh cơ động đi lấy củi ở một nơi cách đây 5 kí lô mét. Tất cả phải đi hai hàng, không một ai tự ý ra khỏi hàng khi chưa được phép. Cũng không được liên hệ với nhân dân (cấm nói chuyện với dân). Khi đến khu vực chỉ định, mỗi người phải tự kiếm và vác về một bó củi, hoặc hai người cột củi chung một bó khiêng về”.
Quí vị quí bạn có tưởng tượng nỗi sự thất vọng của anh em chúng tôi như thế nào không? Tuy chưa phải là ghê gớm lắm, nhưng rõ ràng đủ để thay đổi hẳn nét mặt tươi tắn với thái độ hăng hái lúc ra sân như thế nào! Trông thảm hại lắm quí vị quí bạn à! Thế nhưng vẫn phải cố gắng để “cơ động bằng chân”, vì nếu không sẽ rắc rối chớ đâu phải chuyện đùa.
Nửa giờ sau đó. Trên dưới 300 Đại Tá thua trận chúng tôi -kể cả số anh từ các tỉnh miền Tây đến đây- ra khỏi cổng, quay lại nhìn thấy hàng chữ “quân đội nhân dân Việt Nam” mà muốn ói. Rẽ phải theo đường liên tỉnh hướng xuống Bà Rịa. Nhìn bên kia cổng trại, người dân buôn gánh bán bưng từ trong những dãy nhà lụp xụp ùa ra, đứng nhìn đoàn người ăn mặc khá tươm tất, đang lặng lẽ đếm bước giữa những tên lính cộng sản súng cầm tay chỉa vào đoàn người. Vài đứa trẻ ngập ngừng: “Mấy ông ngụy đó”.
Cũng may là đám trẻ này gọi “ngụy” bằng ông! Người lớn thì đăm chiêu, im lặng. Tôi không rõ những người dân nghĩ gì đằng sau thái độ của họ, nhưng hiển nhiên không phải là hình ảnh của niềm vui. Tôi nhìn người dân, nhìn vài chiếc xe đò nhỏ thoáng qua, chính tôi cũng không rõ mình đang nghĩ gì, vì sự suy nghĩ dường như quá mong manh. Có thể sau 2 tháng mất tự do, đây là lần đầu tiên trông thấy người dân và xe cộ qua lại, nên cách nhìn và cách nghĩ chưa gom góp đủ yếu tố để định rõ được điều gì cả! Phải chăng những suy nghĩ trên đây là lúc tôi đang đứng một khoảng cách bên trên mặt đất?
Nơi tìm củi là khu rừng cạnh đường liên tỉnh. Mạnh ai người ấy sục sạo tìm kiếm. May quá, tôi gặp được cành cây khô khá lớn. Anh Có (Nguyễn Hữu) cũng vậy. Chúng tôi đang đứng nói chuyện thì một cậu bé chui ra từ trong bụi rậm, mang theo một cái “gùi” nặng trỉu. Cậu ta nhìn quanh không thấy tên lính cộng sản nào, bèn moi ra một nải chuối xiêm (hay là chuối sứ) tròn trịa vừa chín. Tôi mua ngay nải chuối đó và chỉ mấy phút sau tôi với anh Có ăn hết trơn. Mỗi đứa ăn 7 trái. Bây giờ viết lại cảm thấy ngượng ngùng!

Tẩy não là đây.

Lên lớp. Sau ngày cơ động lấy củi là lệnh chuẩn bị “học chính trị”. Mỗi người phải sẳn sàng giấy viết, và cái gì đó để lót mà ngồi. Các khu “bò tam, bò tứ, bò ngũ, bò lục”, nói rõ là từ cấp Đại Úy đến Đại Tá đều tập trung vào một khu căn trại liền nhau không vách ngăn tạm gọi là hội trường mà họ gọi là “lên lớp”. Chỗ ngồi là nền xi măng, ai có gì thì lót thứ ấy mà ngồi đỡ lạnh đít. Ngồi thật sát nhau vì mỗi lớp học có đến hơn ngàn người lận. Bài số 1 là “Đế quốc Mỹ, kẻ thù số một của nhân dân Việt Nam”. Tên cộng sản đứng trên bục giảng gọi là “giáo viên”, và cách gọi là “học chính trị”  như thế này: “Giáo viên nhìn vào tài liệu viết sẳn mà đọc. Không một ai được quyền thắc mắc hay nêu câu hỏi gì cả mà chỉ lo ghi chép, còn ghi chép gì thì tùy mỗi anh. Nghe xong phần đọc tài liệu, giải tán về căn trại của mình.
Từ buổi kế tiếp, mỗi B ngồi tại chỗ nằm để vào phần gọi là “thảo luận”. Với bài số 1 này họ qui định thời gian là 2 ngày rưỡi. Trong suốt thời gian đó, sĩ quan của họ ngồi bên cạnh theo dõi thảo luận.
Thế nào là thảo luận? Mỗi người phải theo câu hỏi của giáo viên đưa ra, và thảo luận là mỗi người phải lặp đi lặp lại nội dung đã được giáo viên đọc trong tài liệu, đồng thời nói thêm những gì mình biết hoặc mình nghĩ, nhưng nhất thiết phải biết phải nghĩ theo tài liệu chớ không được nói bất cứ những gì mà tài liệu không nói đến. Điều quan trọng mà họ bắt mọi người khi gọi là “thảo luận” phải khẳng định những gì “giáo viên” đã giảng là hoàn toàn đúng, tuyệt đối không được phủ nhận hay sửa đổi ý nào lời nào. Họ nói rằng tài liệu đã được trung ương đảng của họ duyệt, mà khi trung ương đảng của họ duyệt thì tuyệt đối đúng. Cũng vì họ hướng dẫn như vậy nên anh Bùi Quang Định (Đại Tá bộ binh) phát biểu như để bớt cơn tức giận:
“Vậy thì thảo luận gì nữa mấy anh.” 
Anh Phụng -B Trưởng- nhỏ nhẹ:
“Xin anh cẩn thận, cách mạng hướng dẫn như vậy thì mình phải thi hành, không nên thắc mắc ngoài hướng dẫn đó.”
Có vẻ như anh Phụng muốn ngăn chận những ý kiến tương tự vì tên cán bộ cộng sản ngồi cạnh đang cau mày tỏ vẻ khó chịu. Đa số anh em thông cảm với anh Phụng, vì khi B5 bị mắng thì anh Phụng bị mắng trước nếu như điều hợp thảo luận “không đạt yêu cầu”.
Vậy, đạt yêu cầu là gì? Xin thưa rằng, khi mục đích của họ muốn những người thua trận phải nói đúng như họ muốn. Nếu như mình nói đúng sự thật mà sự thật đó không đúng theo mục đích của họ, họ bảo là “chưa đạt yêu cầu”. Thế là họ bắt phải thảo luận lại, cho đến khi họ nghe mình nói đúng theo bài học.
Tại sao mỗi người phải lặp lại nội dung mà “giáo viên” đã đọc trong tài liệu? Tôi nghĩ, họ bắt buộc như vậy cho thâm nhập vào não bộ của người học tựa như thu vào băng từ, thậm chí giống như con két nghe mãi nó sẽ thuộc lòng rồi phát ra vậy. Từ đó, tôi khẳng định rằng: Người cộng sản nói theo tiếng nói của người lãnh đạo họ chớ không phải họ nói từ cái đầu của chính họ, và họ buộc mọi người khác cũng phải hiểu và nói như họ. Chữ “tẩy não” hay “nhồi sọ” là đây rồi”.
Mỗi buổi thảo luận, B Trưởng phải lập biên bản những ai nói gì hay có những thắc mắc nào, đem nộp cho C Trưởng -tức anh Cao Văn Phước- để anh C Trưởng gộp chung lại mang nộp cho Ban Chỉ Huy. Sau đó, tất cả sẽ tập trung trở lại hội trường để nghe “giáo viên giải đáp” thắc mắc. 
Thế nào là giải đáp thắc mắc? Chẳng qua là giáo viên đọc tiếp phần kết luận mà hắn đã viết sẳn cho phần này, để khẳng định đề tài học tập là đúng (theo cách hiểu của người cộng sản). Cho nên có nêu thắc mắc hay không nêu thắc mắc, giáo viên cứ bình thản đọc phần mà hắn gọi là giải đáp thắc mắc. Nói cách khác, họ chỉ chấp nhận thắc mắc xuôi tức là vuốt đuôi theo nội dung bài học, chớ họ không chấp nhận thắc mắc ngược tức là không có trong bài học, thậm chí họ hiểu những thắc mắc ngược như là chống đối họ nữa.
Cứ trung bình một bài học là 5 ngày, cộng 1 ngày cuốc đất, và 1 ngày nghỉ là hết một tuần. Trong thời gian học chính trị, căn-tin của họ mua về một số mặt hàng như đường cát, sữa hộp, mì gói ăn liền, ..v..v.. để bán lại cho anh em chúng tôi mà họ gọi là “bồi dưỡng trí óc”(!) Đợt học tập kéo dài gần hai tháng, qui vào 3 nội dung: “Chủ nghĩa tư bản là xấu xa, chủ nghĩa cộng sản là ưu việt, Việt Nam dưới tài lãnh đạo của đảng cộng sản là vĩnh viễn độc lập, vĩnh viễn hòa bình, và tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Trong bài học “chủ nghĩa cộng sản là ưu việt”, tên Bình (Thượng tá Công An) nói rằng:
“ … Rồi đây, các anh sẽ được đảng với nhà nước sử dụng lại để sang giúp đỡ cách mạng Thái Lan giải phóng xứ sở họ…”.
Sau buổi “lên lớp” đó, anh em chúng tôi có đề tài bàn luận sôi nổi. Không phải bàn luận về sử dụng lại hay không sử dụng lại, mà vì từ trong câu nói đó bao hàm một chiến lược xâm lăng toàn cõi Đông Nam Á Châu của cộng sản quốc tế sau khi chiếm được Việt Nam Cộng Hòa chúng ta. Trên bản đồ xâm lăng của cộng sản Nga với cộng sản Trung Hoa, thì cộng sản Việt Nam là cánh tay nối dài của chúng trong khu vực Đông Nam Á Châu. Tôi nghĩ:
“Phải chăng chủ thuyết Domino của Hoa Kỳ hồi những năm 50-60 trong mục đích ngăn chận chiến lược xâm lăng của cộng sản quốc tế, giờ đây chúng sắp thực hiện sau khi chủ thuyết này bị đứt mắt xích Việt Nam Cộng Hòa?”
Rồi ý nghĩ khác chợt đến: “Phải chăng khi Hoa Kỳ bắt tay với cộng sản Trung Hoa thì xóa bỏ mắt xích Việt Nam Cộng Hòa chăng?”
Chính trị mà! Nay là thù, mai là bạn, cũng có thể vừa bạn lại vừa thù. 
Cuối loạt học chính trị gồm 10 bài, họ bắt mỗi người chúng tôi phải viết bản tự khai. Họ nói rằng:
“Các anh đã hiểu đường lối chính sách của đảng với nhà nước, các anh phải tự liên hệ với những lỗi lầm của bản thân và khai báo thành thật với cách mạng. Cách mạng biết rõ những việc làm của các anh, nhưng cách mạng muốn chính các anh tự mình khai báo, vì cách mạng khoan hồng cho các anh là có điều kiện chớ không phải khoan hồng chung chung…” 
Theo hướng dẫn của họ, bản tự khai gồm 3 đời lý lịch: Đời thứ nhất là Ông Bà Nội với tất cả Bác Chú Cô. Đời thứ hai là Cha Mẹ với anh chị em ruột. Và đời thứ ba là bản thân với vợ con. Về bản thân -tức là chính mình- phải khai từ lúc cha mẹ sinh ra, làm gì, ở đâu. Vào quân đội phải khai cấp bậc chức vụ, đơn vị, nơi đóng quân, làm những công việc gì, đã bắt hay giết bao nhiêu người cộng sản của họ, đã học những trường nào, ở đâu, học về gì, đã có những huy chương nào và tại sao có, … tất cả phải khai theo từng năm một. Sơ khởi họ phát mỗi người 2 tờ giấy đôi, nếu thiếu thì xin thêm.
Quí vị quí bạn biết không, nghe họ hướng dẫn mà phát mệt rồi vì làm sao nhớ nỗi tên tuổi của cả dòng họ được. Nhưng khi ngồi trên chỗ nằm hay dựa vào gốc cây, bất cứ thứ gì miễn tạo được cái chỗ nho nhỏ tương đối bằng phẳng để giấy lên viết, đều được gắn cho cái tên là bàn viết. Còn nội dung cứ ngắn gọn trong 4 trang giấy là xong. Có điều là tên tuổi của đời thứ nhất đều do tưởng tượng rồi viết vào chớ làm sao biết được. Thế là xong phần học chính trị, các Đại Tá thua trận quay sang bàn luận trong khi tự gắn cho mình cái thời gian chờ đợi về nhà. Chữ chờ đợi mà tôi dùng ở đây là tự mình chờ đợi chớ họ có nói gì liên quan đến chờ đợi đâu. Mọi bàn luận vẫn xoay quanh ngày về với vợ con. Tuy mỗi anh mỗi bạn có cách nhìn cách nghĩ không hoàn toàn giống nhau, nhưng có điều giống nhau là đồng ý đã lao động rồi, đã học chính trị xong rồi, chỉ chờ về thôi. Đơn giản quá. Bây giờ nghĩ lại mới nhận ra mình không hiểu được chiều sâu nham hiểm thâm độc của cộng sản nên đặt vấn đề quá ư đơn giản. Tuy luận bàn không ồn ào như hồi cuối tháng thứ nhất nhưng cũng sôi nổi đáng kể.  
Nhân lúc thưởng thức những củ khoai lang bé bỏng do vồng khoai cũng bé bỏng của anh Trần Thanh Liêm đào được một thùng, tôi nhớ lại câu nói của anh Hào có ý giễu cợt khi thấy anh Liêm chăm bón vồng khoai lang và dây dưa leo:
“Anh Liêm ơi! Anh ráng ở lại mà ăn dưa leo với khoai lang nghe.”
 Thế nhưng sau 3 tháng, dường như anh Hào không nhớ câu mà anh giễu cợt pha chút mỉa mai anh Liêm, nên anh cùng các bạn ăn những củ khoai nhỏ nhắn một cách ngon lành. Thật sự là khoai lang rất ngon, có điều là phẩm chất của nó chẳng phải là do giống khoai hảo hạng gì cả, chỉ vì trong cái xã hội chật hẹp lại bị cấm mọi thứ, nên những củ khoai lang cở ngón tay ngón chân trở thành món ăn tuyệt diệu đó thôi.
Đang ngồi ăn khoai, một trong số các anh đến sau là anh Nguyễn Ngọc Điệp (Đại Tá, Tỉnh Trưởng Bạc Liêu) bị bắt từ các tỉnh đồng bằng Cửu Long chuyển đến Long Giao nhập vào “học chính trị”. Anh kể chuyện về bản thân anh trong ngày “gọi là bàn giao” tỉnh Bạc Liêu. Thi hành lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh, anh ngồi chờ bàn giao. Khi gọi là “bàn giao” xong, anh mời tên cộng sản vừa “nhận bàn giao” ra chợ ăn trưa. Vừa trả tiền xong thì tên “tân Tỉnh Trưởng cộng sản” đưa anh Điệp vào nhà giam Bạc Liêu luôn. Hắn nói:
“Anh ngồi đó chờ ngày đi học tập cải tạo để thông suốt đường lối của đảng theo chính sách khoan hồng.”
 Nói xong, hắn ra lệnh khóa cửa đánh rầm một cái. Anh Điệp nói sự kiện diễn biến nhanh đến mức anh không kịp suy nghĩ gì hết. Anh ngồi bó gối trong nhà tù cho đến chiều mới tỉnh hồn lại để biết là anh đang trong nhà tù. Cùng lúc anh nhận ra “cái đểu” lồng trong cái gọi là chính sách “khoan hồng nhân đạo” của cộng sản Việt Nam! 
Anh Điệp cùng với hơn chục bạn Đại Tá bị bắt hoặc trình diện ở các tỉnh đồng bằng Cửu Long, chuyển đến trại Long Giao nhập vào đúng lúc chuẩn bị “học chính trị”. Cũng vào thời gian này, mọi người thua trận được phép viết thư về gia gia đình theo hướng dẫn của họ:
“Đây là chính sách nhân đạo của đảng và nhà nước cho các anh đi học tập cải tạo để các anh trở thành người dân lương thiện, và cũng giúp các anh tránh sự trả thù của nhân dân. Nhưng đảng với nhà nước vẫn cho các anh liên hệ với gia đình. Nội dung thư, các anh chỉ được nói về sức khỏe tốt và tình cảm gia đình mà thôi. Hoàn toàn không được nói mấy anh đang ở đâu, làm gì. Nói chung là các anh không được nói những gì không được phép. Thư viết xong, nộp cho cán bộ duyệt, còn có chuyển đi hay không là tùy nội dung các anh viết trong thư”.
Với đoạn ngắn trên đây có 3 vế: (1) Họ nói là học tập cải tạo để trở thành người dân lương thiện. (2) Họ bắt nhốt để tránh bị dân giết. (3) Họ dạy cách viết thư.
Tôi thấy cần giải thích theo cách hiểu của tôi: (1) Ngay sau khiếm chiếm Việt Nam Cộng Hòa, cộng sản chứng tỏ chúng là chế độ cướp công khai, cướp nhà cửa cướp cơ sở kinh doanh thương mại, nói chung là cướp mọi thứ tài sản của người dân Việt Nam Cộng Hòa cũ, nhưng họ gắn cho sĩ quan viên chức Việt Nam Cộng Hòa cái tội trấn lột tài sản của dân rồi họ giành quyền dạy dỗ để thành người lương thiện. (2) Do lòng thù hận, họ không cần đến luật pháp mà ngang nhiên bắt nhốt hằng trăm ngàn công dân Việt Nam Cộng Hòa cũ (năm 2004 mới biết được con số bị chúng bắt giam là 222.809 người) mà họ nói là giúp chúng tôi không bị dân giết. (3) Họ nói xã hội chủ nghĩa của họ là dân chủ gấp ngàn lần dân chủ phương Tây, mà đến viết thư họ cũng bắt buộc phải viết theo ý họ, kể cả đói sắp chết vẫn phải nói với gia đình là ấm no mạnh khỏe.
Rõ ràng và chắc chắn là ngay bước đầu, bản chất dối trá của chế độ đã phủ trùm lên sự suy nghĩ của mọi người trong các trại tập trung. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến sự kiện vào một tối, Đại Úy cộng sản tên Xê, trại trưởng, bất chợt đến nhà B5 của 30 Đại Tá thua trận. Anh ta tự ngồi xuống và vào chuyện có vẻ như  tâm tình, nhưng không hiểu anh ta đến tìm hiểu hay theo dõi điều gì thì không anh nào trong B5 chúng tôi đoán được. Anh ta lên tiếng khi mọi người ngồi dậy -vì chuẩn bị ngủ mà- để nói chuyện. Anh ta nói:
“Tôi đến để nói chuyện chơi với các anh.”
“Xin lỗi anh. Anh vào bộ đội bao lâu rồi?” Một anh hỏi.
Thật ra mình gọi là quân đội, nhưng nếu nói như vậy e là anh ta không hiểu nghĩa, rồi có thể tưởng là mình ám chỉ điều gì chỉ thêm rắc rối. Đành phải dùng chữ mà anh ta sử dụng. Lần lượt các bạn luân phiên nêu câu hỏi với hắn.
“Tôi đi từ trước khi có trận Điện Biên Phủ, và tôi đã tham gia chiến trường đó từ đầu”.             
“Trong bộ đội, mấy anh liên lạc thư tín về gia đình như thế nào?”
“Đối với chúng tôi không có vấn đề gì cả, vì vào bộ đội chỉ biết có cách mạng và chiến đấu thôi, còn gia đình thì có nhà nước lo. Trường hợp có thư gia đình báo tin buồn cũng không đến tay chúng tôi đâu, vì “chính ủy” (ủy viên chính trị của đơn vị) cho là thư đó chỉ làm yếu tinh thần chiến đấu chớ không có lợi trong khi thân nhân cũng chết rồi. Hồi tiếp quản Hà Nội, tôi về thăm nhà thấy bàn thờ tôi ở giữa nhà, có tấm ảnh thuở tôi còn thanh niên trên đó. Lúc ấy cả nhà nhìn tôi như muốn bỏ chạy vì không thể tin tôi còn sống. Tính ra đến lúc ấy  tôi vào bộ đội gần 9 năm nhưng hoàn toàn không có tin tức gì giữa tôi với gia đình hết. Rồi lần chiến đấu này lâu hơn, vì tôi vào chiến trường miền Nam đã hơn chục năm cũng không một tin tức gia đình. Đó là chính sách của đảng với nhà nước, không có vấn đề thắc mắc gì cả vì có thắc mắc (cấp) trên cũng chẳng giải quyết”.
“Vậy mấy tháng nay anh cũng không liên lạc về gia đình à?”
“Tôi thì không liên lạc, nhưng vừa rồi có người đồng hương  thăm quê trở vô cho biết có tìm được gia đình tôi, nhờ đó tôi mới biết có vài thân nhân đã chết, con tôi đang học lớp 8. Nói chung thì chuyện chiến đấu với chuyện gia đình của anh em chúng tôi ngoài Bắc không như các anh, mà cũng chẳng có gì vui cả.”
“Xin lỗi anh nghe. Theo anh thì lý tưởng mà anh chiến đấu không bao gồm gia đình trong đó sao?”       
“Có chứ. Nhưng nhà nước lo rồi.”
“Nhà nước là dĩ nhiên, vì đó là trách nhiệm của nhà nước phải lo cho dân. Thế nhưng sự trao đổi tin tức giữa mấy anh với gia đình là phần riêng tư của mình chớ. Cái ý nghĩa cao quí của cuộc sống gia đình chính là đấy, và cái ý nghĩa đó càng được trân trọng trong thời chiến tranh mới phải chớ anh.”
“Anh em chúng tôi đi chiến đấu không có tin tức gia đình và ngược lại là chuyện bình thường, trong khi các anh trong Nam lại cho là quan trọng. Mới vắng nhà mấy tháng mà anh nào anh nấy cũng kêu nhớ. Lâu dần các anh phải quen như chúng tôi thôi.”
“Nói thiệt với anh nghe, riêng cái khoản ấy thì anh em chúng tôi không thể xem thường như các anh đâu. Chúng tôi quí trọng tình cảm gia đình lắm, nó là cốt lõi của cuộc sống mà. Gia đình là tế bào của xã hội, xã hội mà không gồm gia đình thì nó có nghĩa gì đâu, phải không anh?”
“Thôi, tôi vắn tắt để các anh hiểu: Với cách mạng, các anh không nên thắc mắc bất cứ điều gì. Bây giờ khuya rồi, tôi về.”
Nói xong, anh ta đứng dậy ra cửa luôn, chừng như có vẻ khó chịu với những câu hỏi tới tấp của chúng tôi thì phải. Sở dĩ tôi với các bạn dám hỏi anh ta và là hỏi có phần hóc búa nữa, vì cho đến lúc này chưa ai nghĩ rằng mình là tù của cộng sản cả, dù rằng giấy tờ tùy thân bị họ tịch thu hết trơn, nên mới vặn vẹo anh ta cũng là cách bày tỏ quan điểm của mình một cách tự nhiên, giống như “người điếc không sợ súng” vậy. 
Nhưng sau cuộc nói chuyện khá dài với con người cộng sản có tên là Xê, đang là Trưởng Trại chúng tôi, anh em chúng tôi rút ra vài điểm căn bản sau đây: (1)  Cái chính sách cắt đứt liên lạc giữa người lính của họ với gia đình, là một thứ chính sách hoàn toàn vì đảng cộng sản của họ mà không hề có tình người trong đó. Đây là biểu hiện rõ nét về bản chất vô gia đình của lãnh đạo cộng sản Việt Nam. (2) Tình cảm gia đình bị thui chột đến mức người lính cộng sản không còn ý thức gia đình nữa mà chỉ biết có đảng với nhà nước. Đây là chính sách thâm độc của nhóm lãnh đạo, khi sử dụng con người như một loại phương tiện để phục vụ tham vọng của họ. Vì vậy mà “con người” trong xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ là một thứ phương tiện đa dụng được lồng trong chính sách giáo dục trăm năm trồng người mà ông Hồ và “cái đám cháu ngoan” của ông luôn miệng rêu rao. (3) Lãnh đạo của họ nói như thế nào thì người lính chỉ được hiểu như thế đó mà không có quyền thắc mắc. Sự ngu muội của người cộng sản dù là đảng viên hay chưa là đảng viên, còn tệ hơn người dân và quan chức thời phong kiến hằng trăm hằng ngàn năm trước. 
Sau tuần lễ gởi thư đi, chúng tôi nhận được thư nhà. Tuy nội dung thư viết theo bắt buộc, nhưng cũng có một số bạn nhờ “méo mó chữ nghĩa” nên thân nhân cũng đoán được chỗ ở. Đây là đoạn thư méo mó đó: “… Trước khi đi học tập, vì buồn quá nên Anh đi đánh bài. Thua và thiếu nợ chút ít. Cũng may có tía thằng Long, Ông Nội thằng Long là anh Giao già lọm khọm đó, hai người cho Anh mượn trả cho chủ sòng bài. Nếu Em có tiền, ráng mang trả hai ảnh giùm Anh 100 đồng nghe Em. Anh hứa khi học tập về sẽ không bao giờ đánh bài nữa …”
Thế là cấp Đại Tá “học tập” ở Long Giao được loan truyền từ gia đình này sang gia đình khác trong vùng Sài Gòn Gia Định. Vài tuần sau đó, anh Nguyễn Văn Đương (Đại Tá Biệt Động Quân) được vợ đến thăm nhưng không được gặp, mà cộng sản bằng lòng nhận giỏ thức ăn đưa vào trại cho anh Đương.
Được thư vợ tôi. Nhìn dòng chữ thân thương trên bao thư, tôi xúc động vô cùng! Tôi biết là vợ tôi và các con chúng tôi mong tin lắm. Thông thường chỉ một ngày vắng nhau về tin tức đã đủ tạo nên không khí lo âu trong gia đình, huống hồ từ hôm tôi rời nhà đến nay đã hơn 3 tháng rồi! Thời gian đó đối với cuộc sống chẳng có nghĩa gì hết, nhưng với vợ chồng tôi trong tình cảnh này quả là nỗi lo nặng trỉu biết bao! Cũng vì sợ cách biệt nhau mà vợ tôi đã khước từ di tản trong đêm 24 tháng 4 năm 1975, sẳn sàng chấp nhận hiểm nguy miễn được sống bên nhau. Do đó, tôi mới xoay sang giải pháp đi Australia ngang qua Singapore ngay sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố trung lập. Vậy mà…, chúng tôi vẫn xa nhau trong mịt mù tin tức!
Xem xong thư, tất cả anh em chúng tôi hiểu ngay rằng, các bà vợ chúng tôi cũng phải “học tập” cách viết thư cho những ông chồng trong trại tập trung, vì nội dung thư chúng tôi gởi về với thư nhận được từ gia đình, y chang nhau. Xã hội xã hội chủ nghĩa có vẻ như “một cái nhà tù lớn” và mọi người từ trong cái nhà tù lớn đó bị buộc phải suy nghĩ và hành động y chang theo lời dạy của cộng sản vậy đó!
Cơm trưa hôm ấy, trong khi trao đổi những mẫu chuyện ngăn ngắn xoay quanh đợt thư đầu tiên, những tiếng nói vội vã từ ngoài cửa:
“Có tin vui. Có tin vui.”
“Tin gì mà vui?”
“Anh C Trưởng hội ý bất thường -tức nhận lệnh của Trại- về đến, anh ấy đang gọi các anh B Trưởng họp gấp. Chốc lát sẽ rõ. Đừng hỏi  nữa được không?”
Mỗi lần có bất cứ tin tức gì miễn là cứ ởm ờ làm cho mọi người xôn xao, thì mạnh ai người ấy tự hỏi hoặc nêu câu hỏi bâng quơ, cho nên không thể nào nhớ nỗi ai hỏi câu gì mặc dù nhiều người hỏi nhưng chẳng ai trả lời.
Một lúc sau, anh B Trưởng về đến căn trại mà không cần gọi tập họp gì cả, vì mọi người trong B bao quanh anh rồi. Anh Phụng vẫn từ tốn như thuở nào:
“Lệnh cho anh em mình chuẩn bị “cơ động”. Lát nữa có Trại Trưởng xuống nói chuyện với anh em mình.”
Thế là quá đủ để mọi người nhao nhao lên với những âm thanh rất ư là lộn xộn. Có tiếng anh Bùi Quang Định càu nhàu:
“Lại cơ động! Một lần cơ động lấy củi gần ẹo xương sống rồi, bây giờ cơ động gì nữa đây mấy cha?”
Anh Phụng kéo tôi ra bên ngoài:
“Anh Phước cho biết là mình chuẩn bị “go home”. Anh phải giữ kín nghe chưa vì anh em đồn ầm lên là phiền lắm.”
“Mong là vậy.” Tôi đáp, nhưng vẫn có chút e dè ..
Toàn bộ khu C2 cấp Đại Tá tập họp nghe Trại Trưởng -Đại Úy Xê- thuộc Đoàn 263 đến. Anh ta nói đại ý rằng:
“Các anh sẽ cơ động ngay tối nay đến một trại khác có tiện nghi hơn, vì về lâu về dài thì trại này không đủ điều kiện sinh hoạt cho các anh. Chúc các anh có sức khỏe để học tập tốt mà sớm về với gia đình.”    
Thôi thì mọi người vừa thu dọn vừa mạnh ai người ấy nói, nói cho mình và nói cho cả những anh im lặng suy nghĩ. Một số câu nói kiểu ấy tôi ghi lại sau đây: “Chắc chắn là tụi mình về rồi.”
“Nếu về, sao họ nói là trại kia có tiện nghi hơn?”
“Thì họ sợ mình xôn xao nên họ nói vậy chớ có gì đâu.”
“Chính họ nói vậy mới làm mình xôn xao đó mấy anh ơi!”
“Việt cộng nói hơi nào mà nghe. Ba chục ngày mà bây giờ mấy lần ba chục rồi, vậy mà các cha  cứ nghe chúng nó hoài, có mà chết đó.”
“Nó còn nhốt mình dài dài cho coi. Tôi “đếch” tin tụi nó nữa.”
“Thôi các bạn ơi! Mệt lắm! Chắng ai xác nhận lời nào đúng lời nào sai. Cứ mặc kệ, tới đâu thì tới!”
“Nói vậy thì còn gì nói nữa. Chuyện có ảnh hưởng đến mình thì mình phải nói phải bàn, may ra có câu trả lời hợp lý chớ. Mà nói cho cùng, bàn chuyện với nhau dù trúng hay không trúng cũng góp phần nâng đỡ tinh thần anh em chớ bạn.”
“Nghĩ gì thì nghĩ, nói gì thì nói, nhưng đừng cãi cọ nhau chẳng đẹp đẽ gì đâu.”
“Ai cãi ai mà ông nói?”
“Không cãi thì thôi”.
“Thực tế chút đi các bạn ơi! Thu dọn mọi thứ cần thiết để có mà dùng nếu như cái số của tụi mình vẫn long đong!”
“Cha nào nói nghe xui xẻo không hà!”
Đại loại những câu chuyện râm ran như vậy, tuy có vẻ bâng quơ nhưng tự nó đã biểu lộ tâm trạng của những người vừa hụt hẫng với thời gian 30 ngày nêu trong cái thông cáo của “Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn - Gia Định”.
Một đêm hạ tuần tháng 10 năm 1975, hoàng hôn phủ xuống, đoàn xe Molotova già nua cũ kỹ từ từ vào cổng trại. Anh em chúng tôi dưới sự hướng dẫn lẫn thúc giục của quân cộng sản, lần lượt lên xe với mớ hành trang lỉnh kỉnh. Lên xong, chung quanh bị phủ kín như lần “cơ động” từ đại học xá Minh Mạng Sài Gòn đến Long Giao này vậy. Khoảng 8 giờ đêm, đoàn xe chầm chậm ra cổng. Vào quốc lộ 1, hướng về Sài Gòn. Sự kiện nhỏ nhoi này làm tăng thêm niềm hi vọng “go home” của anh em chúng tôi. Nhưng …. …

No comments: