Friday, October 28, 2011

Chương 3 / Đường vào trại tập trung.

- ba -

Đường vào trại tập trung.

******
Thưa quí vị quí bạn, thỉnh thoảng vợ tôi chọc quê:

“Nghĩ mà tức cười, bỗng dưng anh với bè bạn thất nghiệp hết trơn. Đã vậy mà có anh bị bắt vào tù nữa chớ!”

Nói là tức cười chớ thật ra vợ tôi rất lo nhưng tìm cách an ủi tôi, mà vợ tôi cũng tự an ủi nữa. Con nhỏ giúp việc nhà cho chúng tôi nhiều năm qua, đã về quê ở Cái Tàu Hạ (Sa Đéc). Lý do mà con bé (20 tuổi) nói với vợ tôi rằng:

“Cô ơi! Giải phóng vô rồi, mọi người đều làm chủ nên không ai đi làm hết.”

Hẳn quí vị quí bạn cũng đồng ý cái lối tuyên truyền lừa dối của cộng sản như vậy dễ lừa người dân ít hiểu biết, nên chúng đã thành công bước đầu khi chiếm được Việt Nam Cộng Hòa. Từ điểm này mà suy ngẫm, trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh 1945-1954, với chính sách lừa dối đó, họ đã thu hút đông đảo thanh thiếu niên và cả trí thức tham gia hàng ngũ của chúng cũng phải thôi. Không thể trách thành phần không cộng sản đã tham gia vào tổ chức Việt Minh, võ bọc của đảng cộng sản lúc ấy. Vì hơn nửa thế kỷ bị thực dân Pháp cai trị, bấy giờ người Việt Nam đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp nên mọi thành phần trong xã hội dễ dàng chấp nhận những gì mà tổ chức đó tuyên truyền.
Những ngày đầu tháng 06/1975, một thông cáo của Ủy ban Quân Quản Sài Gòn-Gia Định, ra lệnh cho tất cả sĩ quan, viên chức, cán bộ, và đảng phái chính trị trong chế độ cũ, phải trình diện trong các ngày 13, 14, và 15 tháng 6 (1975) mà họ gọi là “học tập cải tạo”. Thông cáo cũng cho biết các địa điểm trình diện dành cho các thành phần khác nhau. Mỗi người phải mang theo quần áo kể cả áo ấm, mùng mền, và tiền đủ cho 30 ngày ăn do nhà hàng Đồng Khánh cung cấp. Cấp Tướng và cấp Đại Tá trình diện tại khu đại học xá Minh Mạng ở ngã sáu Chợ Lớn.
Xem xong thông cáo, anh em chúng tôi trong cư xá bàn tán nhau rất ư là linh tinh, để rồi tựu trung mọi người đều thở phào nhẹ nhỏm, vì theo cách hiểu chân phương của chúng tôi, những người chưa thấu hiểu sự gian trá trong cái ngôn ngữ “học tập cải tạo” của cộng sản, nên chấp nhận mình đi học tập chớ không bị tù đày, lại ăn cơm do nhà Đồng Khánh cung cấp nữa chớ. Thế là trút hết nỗi lo ra phía sau để chuẩn bị đi về phía trước, mà thật ra chẳng một ai trong số chúng tôi hình dung được phía trước là cái gì ngoài cái thời hạn 30 ngày gọi là “học tập cải tạo”.              
Tôi đem cái võng nylon màu xanh ô liu ra cắt may, chầm qua đấp lại cũng thành cái túi đeo lưng. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi có ý nghĩ “nếu có di chuyển đi đâu thì tốt hơn là mọi thứ cho vào túi đeo lưng để di chuyển được gọn gàng giống như đi hành quân vậy”. Tôi sử dụng một nửa cái võng quân đội, một nửa còn lại tặng anh cựu Đại Tá Nguyễn Thành Chí và chị Chí cũng may cho ảnh cái túi đeo lưng.
Như những ngày trước đó, cựu Đại Tá Đặng Đình Đán đến chơi. Chúng tôi vẫn ngồi trên xích đu trong góc sân. Anh hỏi:

“Nè. Bác có đọc thông cáo của Ủy Ban Quân Quản chưa?”

“Đã xem rồi. Mà anh thấy gì trong nội dung đó?”

“Phải bác muốn nói đến thời gian 30 ngày không?”

“Đúng. Nhưng nếu 30 ngày sao họ bảo bọn mình đem theo áo ấm? Phải chăng địa điểm học tập ở vùng lạnh?”

  Anh Đán có vẻ kinh nghiệm và tin tưởng:

“Theo kinh nghiệm của tôi thì thời gian đó hợp lý. Có thể bọn mình sẽ trải qua 4 tuần lễ như thế này: 2 tuần học tập, 1 tuần kiểm thảo, tuần còn lại là chuẩn bị và làm lễ chấm dứt. Cách của họ bao giờ cũng vậy. Bác yên chí đi.”

“Anh còn có kinh nghiệm của họ chớ tôi có vốn liếng kinh nghiệm gì đâu. Cứ mong là diễn tiến như anh nghĩ.”

“Đừng có bi quan. Tôi trông bác thọ lắm. Hai trái tai của bác đầy đặn và rất dài. Tốt tướng lắm.”

“Bi quan thì không, nhưng lạc quan thì chưa có anh ơi! Dù sao thì bọn mình cũng ưu tư là sau 30 ngày đó sẽ làm gì? Và liệu còn chuyện gì xảy ra cho chúng mình nữa không?”

“Tôi chắc là họ sẽ sử dụng chúng mình để xây dựng đất nước thôi bác à!”

Anh Đặng Đình Đán có vẻ tự tin lắm. 

Ngay tối hôm đó có hai người mặc thường phục gõ cửa nhà tôi.

“Xin hỏi hai anh là ai?” Tôi hỏi.

Họ chẳng tự giới thiệu, chỉ cười cười và cứ như bè bạn từ lúc nào ấy, tự nhiên vào nhà. Tôi lặp lại:

“Xin lỗi, hai anh là ai? Đến đây có chuyện gì?”

Tuy hỏi nhưng tôi nghĩ họ là cộng sản, chớ không người miền Nam nào lại chẳng biết lịch sự tối thiểu khi đến nhà người chưa quen. Nghĩ vậy nên tôi đành phải mời chúng nó ngồi. Ngồi xong. Một trong hai đứa hỏi tôi toàn những chuyện linh tinh, nhưng tôi càng đề phòng vì nghĩ rằng chúng nó dẫn chuyện vòng vo để bất chợt vào chuyện làm cho mình bất ngờ cũng nên. Và rồi một tên ra cái vẻ nghiêm chỉnh:

“Anh có biết là anh học tập ở đâu không?”

“Không”. Tôi trả lời.

“Ở quanh đây thôi. Có thể là Hóc Môn hay vùng lân cận.”

“Nếu ở vùng đó thì có Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nhưng sao bảo chúng tôi mang theo áo ấm?”

“Có thể lắm. Áo ấm là phòng khi các anh bị ốm thôi. Các anh nên an tâm và tin tưởng vào cách mạng. Cách mạng đã nói là làm.”

Đến trước khi tiễn chúng nó ra cửa, chúng nó mới tự giới thiệu, một tên là cán bộ chính trị và tên kia là nhân viên của Phường. Tôi cảm thấy thắc mắc: “Tại sao họ tung người đến từng nhà trấn an người thua trận? Bởi vì từ khi có cái thông cáo gọi trình diện đã có điều gì xảy ra làm cho họ sợ đâu?”
Tại Sài Gòn đã có một vài bạn cùng nhiệm sở với tôi đã bị bắt, nhưng có tính cách lẻ tẻ. Trong khi tại các tỉnh vùng đồng bằng Cửu Long, theo những tin loan truyền từ bên ngoài vào cư xá, đã có nhiều sĩ quan bị bắt ngay khi chúng tràn vào thị trấn, tỉnh lỵ. Trường hợp điển hình là các bạn tôi ở Long Xuyên như anh chị Lê Hồng Danh, anh chị  Nguyễn Ngọc Chươu, …. chúng không cho mang bất cứ vật dụng gì ra khỏi nhà, chỉ mỗi bộ quần áo trên người khi bị đẩy ra khỏi cửa mà không một lời giải thích. Một bức thư viết vội của chị Nguyễn Ngọc Điệp chuyển vào cho tôi biết, anh Điệp -Đại Tá, Tỉnh Trưởng Bạc Liêu sau khi bàn giao xong -thật là mỉa mai- cho một tên cộng sản, anh Điệp mời hắn ra nhà hàng ăn cơm. Thế nhưng ngay khi ăn xong, hắn bắt anh Điệp đẩy vào nhà giam tại Bạc Liêu kèm theo câu ngắn ngủn của hắn: “Anh ở đó chờ đi học tập”.

Trong khi thu xếp vài món hành trang vào túi đeo lưng, vợ tôi để vào cái bóp 100.000 đồng Việt Nam Cộng Hòa và 10 đồng của cộng sản. Sau khi miền Nam sụp đổ, họ đem tiền miền Bắc gạ đổi 1 đồng miền Bắc bằng 1.000 đồng miền Nam. Tôi nói:

“50.000 đồng quá đủ rồi Em vì tiền ăn trong 30 ngày chỉ 15.000 thôi mà. Còn tiền miền Bắc đem theo làm chi Em.”

“Thì anh cứ giữ số tiền đó cho Em. Xài không hết thì mang về chớ có sao đâu. Còn 10 đồng kia (tiền miền Bắc) Anh cứ giữ, nhỡ họ có đưa Anh ra ngoài Bắc thì có mà xài. Sau đó Em sẽ liệu cách.”

“Có thể họ đưa tụi Anh lên rừng núi chớ ra Bắc chắc không có đâu Em.”

“Thì Anh cứ giữ đi mà. Tiền giấy có nặng nề gì mà mình tranh luận. Cất đi Anh.” 

(Giữa năm 1976, tôi bị chuyển ra Bắc. Có lúc ngồi nghĩ lại câu trên đây của vợ tôi mà tự hỏi: Không biết đó có phải là “linh tính” trong tình yêu hay không mà sự thể xảy ra đúng như vậy?)

Khu đại học xá Minh Mạng.

Ngày 14 tháng 6 năm 1975, tức Mùng Năm tháng Năm âm lịch, một ngày mà tôi không thể nào quên được. Hôm đó sau giấc ngủ trưa, nói vậy chớ làm gì ngủ được, tôi quàng vợ con tôi vào vòng tay và hôn qua một lượt, lúc ấy con út chúng tôi mới 4  tuổi. Vợ tôi buột miệng:

“Liệu họ có kéo dài hơn 30 ngày không Anh?”

Tôi đáp thật nhỏ:

“Trong tình cảnh mình làm sao đoán được gì Em. Thôi thì mình cứ tin là sau 30 ngày mình lại sống bên nhau. Nhớ nhau nhiều nghe Em.”

Vợ tôi gật đầu mà đôi mắt đỏ hoe!

Tôi mang túi đeo lưng lên ngồi Honda của con trai lớn tôi, Phạm Bá Trung. Rời nhà… Đang trên đường Nguyễn Tri Phương, chợt nhớ đứa con trai thứ ba của chúng tôi -Phạm Bá Tín- đang bị nóng, tôi tạt vào nhà thuốc tây mua cho con tôi ống thuốc Tifomycine đưa con tôi mang về. Tại cổng đại học xá Minh Mạng, xéo nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn, bên cạnh là trường trung học Chu Văn An cũng là địa điểm mà họ qui định các sĩ quan trình diện. Trên đoạn đường này lúc ấy đông nghẹt người và xe hai bánh, đậu cả trong khuôn viên nhà thờ nữa. Xuống xe, con tôi vẫn đứng yên. Vào cổng đại học xá có hai lính cộng sản đứng gác nhưng không hỏi giấy tờ gì cả. Tôi nhìn ra, con tôi vẫn đứng đó nhìn tôi đến khi tôi khoác tay con tôi mới quay về! Bước vào vài bước nữa, hai tên lính cộng sản khác chỉ lối vào trong. Qua khỏi cửa, cái bàn vừa lớn vừa dài đặt ở giữa phòng, có mấy người mặc đồ lính cộng sản mà họ gọi là “bộ đội”. Một người trong số đó hỏi tôi:

“Anh tên gì?”

“Phạm Bá Hoa”. Tôi trả lời.

“Cấp chức?” (tức là cấp bậc chức vụ)

“Đại Tá, Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”.

Hắn ngưng viết, nhìn tôi, có vẻ như cho là tôi có ý trêu chọc hắn thì phải. Nếu hắn nghĩ vậy là đúng thôi.

“Anh nộp phiếu trình diện chưa?”

“Có đây”. Tôi để lên bàn, và đẩy nhẹ sang hắn trong khi hắn lườm tôi.

Hắn gằn giọng:

“Từ ngày giải phóng đến giờ, anh đã nộp vũ khí khí tài gì cho bộ đội cách mạng tại địa phương chưa?” 

“Tôi đã nộp 1 khẩu M16, 1 khẩu Carbine, 2 máy điện thoại. Còn chiếc xe Jeep thì anh tài xế mang nộp rồi”.

Hắn vẫn cắm cúi viết và đưa tay về phía nhiều hàng ghế:

“Sang đó ngồi chờ”. 

Đã có nhiều bạn tôi ngồi đây. Trong khi chờ đợi chuyện gì đó sẽ xảy ra cho mình nhưng không bạn nào dự đoán được gì cả, nên anh em nói với nhau về những tin tức liên quan đến những ai di tản, những ai còn kẹt lại. Dĩ nhiên là không thể nào có đầy đủ tin tức của anh em đồng đội, ai biết đến đâu thì nói đến đó.
Một lúc sau họ đọc danh sách mà họ gọi là “biên chế tổ chức”. Danh sách đang đọc là Trung Đội 5 mà họ gọi là B5. Mỗi B có 3 A tức Tiểu Đội, và một A có 10 người. Vị chi mỗi Trung Đội nói chung và Trung Đội 5 nói riêng có 30 cựu Đại Tá. Anh Nguyễn Hữu Phụng -Truyền Tin- đứng đầu danh sách là B Trưởng, tức Trung Đội Trưởng Trung Đội 5. Sau khi kiểm soát đủ 30 người, hắn chỉ sang bàn bên cạnh đóng tiền ăn 3 ngày. Đóng tiền xong, mỗi người lãnh 1 chiếc chiếu nhỏ. Công tác này do sinh viên đại học Sài Gòn phụ trách. Tôi không rõ số sinh viên này thuộc thành phần trước đây thường chống đối chánh phủ hay bị cộng sản bắt buộc tham gia công tác hôm nay. Lãnh chiếu xong, lần lượt lên lầu. Cứ mỗi bốn người trong một phòng nhỏ, mà bình thường chỉ hai sinh viên ở. Vì vậy mà chỉ vừa vặn 4 manh chiếu cho bốn cựu Đại Tá “nghỉ tạm chờ học tập cải tạo!”
Chung phòng với tôi có Anh Nguyễn Ấm, tôi quen với anh khi anh là Đại Tá Tỉnh Tưởng Quảng Trị. Anh Trần Văn Hào, Đại Tá Pháo Binh tôi quen trong lớp học Quân Chánh năm 1968. Anh Phạm Hà Thanh, Chuẩn Tướng Cục Trưởng Cục Quân Y, cùng trong ngành Tiếp Vận nên quen từ lâu. Nhưng đến tối thì anh Thanh được lệnh dọn sang ở chung với quí vị cựu Tướng Lãnh. Đóng tiền ăn 3 ngày x 500 đồng (tiền Việt Nam Cộng Hòa) nhưng ngày mai mới được ăn. Thế là mất toi 500 đồng vì hôm nay đâu có ăn, nên phải nhai ngấu nghiến mẫu bánh mì mang theo phòng hờ. Nước thì uống từ vòi nước trong phòng tắm của sinh viên.
Thế là từ ngày giờ ấy, chúng tôi, những người thua trận chắng khác những con chim gãy cánh bị nhốt trong lồng, nhưng chưa biết cái lồng như thế nào! Nói là “học tập cải tạo” nhưng sao họ không cho liên lạc với bên ngoài? Và liệu có phải thời gian là 30 ngày hay không? Vậy là vài câu hỏi bắt đầu xuất hiện trong sự suy nghĩ của tôi, bởi vài sự kiện hôm nay là sự thật chớ không phải trong tưởng tượng hay bị ám ảnh gì cả!    
Đêm xuống. Đèn đường lên. Tôi đứng tựa khung cửa sổ nhìn xuống đường chập choạng vừa tối vừa sáng bởi những tán cây che từng mảng ánh sáng đèn đường. Dòng người qua lại khá đông, đa số đi chầm chậm nhìn lên dãy phòng bên trên, chừng như muốn tìm hình bóng người thân yêu trong ngày đầu “trình diện học tập!” Quay vào trong, hai ông bạn già của tôi đã chui vào mùng nhưng vẫn thì thào tâm sự, đôi lúc ôn lại chút gì trong quảng đời binh nghiệp. Lại nhìn xuống dòng người ngược xuôi, tôi cảm thấy có cái gì đó lờ mờ đang ám ảnh tôi. Phải chăng là “bước ngoặc của cuộc đời?” Có lẽ đúng, vì rõ ràng là gia đình chúng tôi và gia đình các bạn đồng đội bị kẹt lại hay ở lại, đang vào bước ngoặc đó! Có điều là chúng tôi chưa thể hình dung được bước ngoặc đó sẽ như thế nào, mà chỉ biết rằng cuộc sống trở nên khốn khổ và đầy hiểm nguy bất trắc chực chờ phía trước! 
Ngày 15/06/1975. Điểm tâm với khúc bánh mì + một miếng phó mát + một trái chuối + ly cà phê đen pha sẳn trong cái thùng nhôm lớn. Cơm chiều giống cơm trưa = Cơm trắng + món canh + món mặn + và trái chuối. Cả ba bữa ăn đều do nhà hàng Đồng Khánh mang đến. Hôm nay cũng là hạn định cuối cùng phải trình diện mà họ qui định trong thông cáo.
Rồi đêm lại xuống. Đèn đường lại lên. Tôi vẫn tựa cửa sổ nhìn dòng người qua lại một cách chậm rãi, không phải cái dáng vẻ nhàn hạ mà như tìm ẩn những ưu tư qua nét nhìn xa xôi hướng lên những dãy phòng trên lầu! Lại quay nhìn hai anh bạn già vẫn thì thào ôn chuyện ngày qua. Không biết là hai anh bạn già của tôi làm như vậy để cố tình tránh né chuyện hôm nay, hay hoàn toàn tin tưởng vào điều mà cộng sản gọi là “chính sách khoan hồng nhân đạo”, hay là phó mặc cho dòng đời? Nhưng dòng đời quá mênh mông trong khi ngay trước mặt phải đối diện với cộng sản, một chế độ đã quẳng không biết bao nhiêu con người vào cuộc chiến xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa! Tôi lại nhìn xuống dòng người trên đoạn đường nhiều bóng tối do mấy cái bóng đèn đường không hắt ra ánh sáng. Bỗng tôi bị cuốn trở lại thực tế khi anh Nguyễn Thành Chí (cựu Đại Tá, Bộ Quốc Phòng) bước vào:
“Anh Hoa. Ở phòng mấy ông Tướng, có một anh cán bộ (cộng sản) đến nói là các anh chuẩn bị tư tưởng để học tập dài dài đó!”.
 Ngưng một chút, anh tiếp:
“Theo như anh đó nói thì hổng phải 30 ngày như trong thông cáo gọi mình trình diện đâu, mà là không biết chừng nào tụi mình mới được về nghe anh.”
“Dám lắm à anh. Tôi không giải thích được với anh cũng như với chính tôi, nhưng tôi có cảm giác là tụi mình long đong lắm. Điều này tôi vừa nhận ra khi nghe anh nói, kết hợp với điều gì đó ám ảnh tôi từ chiều qua.”
“Hổng lẽ họ nói 30 ngày là gạt tụi mình?”
“Tôi cũng cảm thấy bị kẹt trong cái lẩn quẩn đó như anh. Muốn tin, nhưng nỗi ngờ vực bắt đầu từ trưa hôm qua và mỗi lúc mỗi cao thêm trong ý nghĩ.”
Câu chuyện đến đây có tiếng la ơi ới ngoài hành lang:
“Mấy anh ơi! Anh Liệu đập ót xuống sàn gạch nằm ngay đoong rồi. Tiếp cứu tiếp cứu”.
Anh Trương Đình Liệu là Đại Tá, Chỉ Huy Trưởng Tổng Kho Long Bình. Thế là hầu như tất cả “các ông Đại Tá” từ các phòng lân cận đều chạy tới, tôi thấy anh Liệu nằm thẳng cẳng, mặt mày xanh lè:
“Để tôi chạy cầu cứu anh Thanh (bác sĩ Thanh) đến xem sao.”
Vừa nói tôi vừa chen các bạn để chạy lại phòng anh Thanh, một anh kéo tay tôi lại và cười hề hề:
“Chạy làm chi cho mệt. Hắn say thuốc lào lăn quay cu-đơ một lúc là tỉnh lại thôi,  có gì đâu mà kêu bác sĩ.”
Và sự thể đúng như vậy quí vị quí bạn à. Một lúc sau, anh Liệu ngồi dậy và tấm tắc khen thuốc lào ngon hết biết nữa chớ. Tôi vỗ vai anh:
“Tôi chạy tới thấy anh nằm bất động, tưởng anh trúng gió hay đứt gân máu tiêu tùng rồi, nên chạy cầu cứu anh Thanh. Say thuốc lào sao ghê vậy?”
Anh Liệu tỉnh bơ:
“Anh không hút nên không biết thưởng thức. Sướng bỏ xừ chứ ghê nỗi gì.”
Mọi người trở về phòng, nhưng chưa ngủ được bao lâu thì toán quân cộng sản đến từng phòng gọi dậy:
“Tất cả các anh thu dọn tư trang và đồ dùng, tập kết (có nghĩa như chữ tập trung) tại phòng lớn chuẩn bị hành quân.”
“Chúng tôi mà hành quân gì anh?”
Tôi hỏi, vì từ ngữ hành quân của mình có nghĩa là mang theo vũ khí đạn dược sẳn sàng đánh nhau với quân địch.
Hắn trả lời với giọng hằn học dường như hắn cho là chọc hắn:
“Hành quân là hành quân. Không được dài dòng. Tiến hành nhanh lên.”  
Lúc đó là 10 giờ đêm. Mọi người đều nhanh tay lẹ chân. Sẳn sàng. Chờ đợi. Trong khi chờ đợi, hầu như tất cả các bạn đều thì thầm nhỏ to, tuy nghe không rõ nhưng chắc là dự đoán việc gì sắp xảy ra thôi. 
Cách chuẩn bị của quân cộng sản rất là chậm, hoặc họ chuẩn bị sớm quá nên chờ đến giờ giới nghiêm (12 giờ khuya) cũng nên. Cho dù là lý do gì thì rõ ràng là gần 300  cựu Đại Tá ngồi chờ đến 2 tiếng đồng hồ, họ mới đến gọi từng B (Trung Đội) theo thứ tự 1, 2, 3, ..v..v… Mỗi B lên một xe vận tải Molotova do Nga sản xuất. Tuy đang giữa đêm nhưng cũng nhận ra được mức già cỗi ọp ẹp của đoàn xe chẳng khác những con trâu già kiệt sức khi đứng trước cái cày vậy. Mỗi B 30 chục người phải ngồi lên mớ hành lý nhỏ bé ít ỏi của mình vì chật lắm. Mỗi xe có 2 lính cộng sản ngồi trên thành tấm bửng sau, tay cầm súng quay vào trong xe như sẳn sàng bắn xả vào các sĩ quan thua trận trong lòng xe! Xe được phủ “tấm bạt” kín mít hai bên hông và phía trước. Mọi người ngồi trong “cái hộp đen” đó cả tiếng đồng hồ ngộp quá trời, vì họ cho lên từng xe để kiểm soát chặt chẽ nên rất chậm.
Trong bóng tối của chiếc xe bít bùng, giọng nói của anh nào đó từ trong góc xe phía trước:
“Tôi nghe mấy anh trình diện hồi trưa cũng đóng tiền 3 ngày ăn, nhưng có ăn được bữa nào đâu, cũng không nghe nói đến cái vụ hoàn lại tiền nữa. Tại sao?”
“Tụi mình đóng tiền 3 ngày mà chỉ ăn có ngày hôm nay, đã có ai nói gì hoàn lại đâu. Chắc là xong rồi đó.” Tiếng của một anh khác cũng từ góc phía trước xe.

1 comment:

Unknown said...

Bác Làm ơn cho hỏi tỉnh trưởng Bạc Liêu giai đoạn 1958_1965 có ai tên Tô Văn Hoan không ạ? Cám ơn nhiều.