Friday, October 28, 2011

Chương 8 / Ra khỏi trại tập trung

- tám -

Ra khỏi trại tập trung

Ánh sáng ngoài đường hầm.

Từ lúc ở trại tập trung Yên Bái, cứ vài ba ngày thì bộ chỉ huy trại cho mượn vài tờ báo Nhân Dân để đọc, và các bạn trong lán giao tôi trách nhiệm điểm và đọc báo cho anh em trong lán nghe sau cơm chiều. Khi chuyển đến trại tập trung Nam Hà này, các bạn trong buồng giam số 1 cũng giao tôi trách nhiệm điểm và đọc báo. Hằng tuần có được ba hay bốn ngày có báo, mỗi lần có ba bốn số báo thì anh Nguyễn Hữu Vị với anh Bửu Uy cùng đọc với tôi sau khi cửa buồng giam đóng lại. Khi điểm bài báo nên đọc, tôi đánh số thứ tự để luân phiên giữa ba anh em chúng tôi lần lượt đọc.
Hôm ấy là ngày 5 tháng 8 năm 1987, trên tờ Nhân Dân của đảng cộng sản Việt Nam có mẫu tin mà sau khi đọc xong chúng tôi phải ngưng lại vì các bạn bàn luận rất sống động. Mẫu tin có nội dung thế này:
“Ngày 2 và 3 tháng 8 năm 1987, Tướng hồi hưu Vessey, với tư cách Đặc Sứ của Tổng Thống Hoa Kỳ sang Việt Nam, gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch. Hai bên thỏa thuận đầu tiên về hợp tác đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, và vấn đề trả tự do cho những người học tập cải tạo để cùng gia đình được xuất ngoại sang Hoa Kỳ theo nguyện vọng”..        
Đại để mẫu tin chỉ có thế, nhưng quá đủ để anh em chúng tôi bàn luận đến nửa đêm mới dừng lại để ngủ. Cho dẫu mức độ lạc quan như thế nào đi nữa, rõ ràng là hình ảnh những đoàn tù chính trị ra khỏi nhà tù có cơ đang thành tựu. Tôi nói “có cơ thành tựu” vì tuần vừa qua, có một toán Công An nghe nói thuộc cơ quan A16 từ Bộ Công An đến trại này và đang công tác ở đây. Toán này đã gọi một số bạn ra ngoài trại “làm việc”, tức là hỏi mỗi người chúng tôi một số vấn đề theo nhu cầu của họ. Những năm trước đây đã có những lần Công An từ Hà Nội đến đây gọi “làm việc”, nhưng lần này đang trong thời gian gọi “làm việc” cùng lúc có bài báo nói trên nên anh em chúng tôi có lòng tin “cơ hựu thành tựu”.  Hôm qua, họ cũng gọi tôi, và nội dung “làm việc” như thế này:
“Chào anh. Anh có phải là Phạm Bá Hoa không?”
“Đúng, tôi là Phạm Bá Hoa”.
“Anh mạnh khỏe chứ?”
“Cám ơn cán bộ, tôi vẫn khỏe”.
“Tôi hỏi anh: Nếu như nhà nước cho anh về, anh có đi nước ngoài không?”
“Tôi đi nếu nhà nước cho phép, vì tất cả các con tôi đều ở Mỹ”.
“Nếu anh đoàn tụ với các con anh ở Mỹ, anh có chống lại nhà nước Việt Nam không?”  
“Khi tôi ở ngoại quốc làm sao chống lại nhà nước được cán bộ”. 
“Anh có cam kết là anh không chống lại nhà nước Việt Nam  không?”
“Tôi cam kết”.
“Được. Anh mang tờ giấy này vào trại viết tóm tắt lý lịch của anh, tóm tắt hoạt động của anh, và cuối cùng là anh cam kết không tham gia các tổ chức chính trị chống lại nhà nước Việt Nam. Chiều mai đưa lại tôi”.
“Cán bộ vào lấy hay tôi ra đây đưa cán bộ?”
“Sẽ có cán bộ vào trại nhận”.
Tôi nghĩ, chính trị vẫn là chính trị, mà chính trị thì không như khoa học hay toán học, 1 với 1 là 2. Với chính trị, 1 với 1 có thể là 1, cũng có 1 thể là 1 rưởi, cũng có thể là 2. Tại Việt Nam tôi cam kết là một việc, còn làm việc gì khi tôi ở  Hoa Kỳ là việc khác. Với lại họ bảo tôi cam kết không tham gia các tổ chức chính trị chớ đâu có cam kết không tham gia các tổ chức khác.  
Toán Công An đó gọi khoảng 200 anh em tù chính trị chúng tôi ra làm việc, tức khoảng một nửa tù chính trị tại trại Nam Hà A.
Đến trước ngày cuối tháng 08/1987, họ gọi tôi ra hỏi:
“Anh có xác định là anh không vượt biên chứ?”
“Có”.
Chữ có mà tôi dùng ở đây, có thể hiểu theo hai nghĩa: Có xác định, cũng là có vượt biên.
Lần này họ chỉ hỏi câu duy nhất đó. Tôi không biết hắn có hỏi các bạn khác hay không. Tôi lại bàn luận với cụ Hoàng Văn Úy, chẳng lẻ chúng nó lại hỏi một câu gần như vô nghĩa như vậy. Phải chăng chúng nó hình dung đến lúc nào đó bỗng dưng tôi biến mất ở Sài Gòn chăng? Tôi với Cụ Úy và anh Đinh Tiến Dũng, ăn cơm chung từ năm 1985.       
“Có vẻ chúng nó nghi ngờ ông điều gì đó. Cẩn thận nghe”.
Sau khi toán Công An đó về Hà Nội, trong anh em chúng tôi có biết bao đồn đoán nhưng không phải là hoàn toàn vô căn cứ, chẳng hạn như:
“Tụi hậu cần mới chở về kho 246 bộ quần áo mà nguồn tin nói rõ là áo chemise trắng, và quần áo này sẽ phát cho những anh được trả tự do”.
“Nói nghe như thiệt vậy mấy cha”.
“Nghe sao thì thuật lại các anh cùng nghe để xem có những nguồn tin khác nữa không, có gì đâu mà nói như móc họng vậy”. 
“Tôi nghe nói có nhóm quay phim của Bộ Công An xuống đến trại rồi, và họ sẽ vào trại thu hình anh em chúng mình đó”.
“Bạn nào có được gọi làm việc kỳ này đều có hi vọng được về thôi”.
“Các anh bệnh hoạn già yếu chắc về nhiều, vì vài hôm nay tụi y tế lập hồ sơ và tái khám hầu hết số anh đau yếu đấy”.
“Và vân vân”.
Trên đây là tóm tắt rất nhiều đồn đoán trong buồng giam số 1 chúng tôi.
Và rồi nhóm quay phim từ Hà Nội xuống thiệt. Họ xuống khu trồng rau thu hình một vài Đội Rau Xanh. Còn trong trại thì họ thu hình một số sinh hoạt trong buồng giam số 1 và số 2. Thu hình ở chỗ đọc sách bên Tổ Văn Hoá. Họ bảo chúng tôi đá banh cho họ thu hình nữa.
Chiều ngày 1 tháng 9 năm 1987, tên Sáng, cán bộ giáo dục:
“Anh Hoa, phái đoàn Bộ Công An mang lệnh tha đến trại rồi, nhưng các phong bì còn niêm kín nên Ban Giám Thị cũng như các cán bộ chưa ai biết gì cả. Tối nay, anh sẳn sàng với các anh trong tổ văn hoá, khi có lệnh thì sang hội trường cắt dán khẩu hiệu biểu ngữ và các công tác cần thiết khác”.
Đêm đó, tôi, anh Đinh Tiến Dũng, anh Đặng Hoàng Long, anh Phan Văn Đệ, và vài anh nữa, uống cà phê, hết cà phê đến uống trà, chờ lệnh. Nhưng mãi đến nửa đêm, chẳng thấy gọi gì hết nên chúng tôi dẹp và chui vô mùng.
Sáng hôm sau, 2 tháng 9, anh Dũng và hai bạn của tổ văn nghệ, được lệnh lên nhà tên Hán trại trưởng để trang trí. Trong lúc đó, tên Dục -phụ tá giáo dục- cầm danh sách vào trại đưa tôi:
“Anh Hoa, anh đi gọi các anh có tên trong danh sách này, bảo ăn mặc tươm tất, phải nhanh tay càng sớm càng tốt sang tập trung tại hội trường để lên nhà ông trại trưởng nghe đọc lệnh tha”.
Vừa nhanh chân vừa lẹ mắt lướt nhanh trên danh sách, tôi vui sướng khi thấy tên mình trên trang cuối cùng. Lần lượt tôi đi gần như chạy đến các buồng giam, đọc tên xong là lặp lại câu của tên Dục bảo chuẩn bị nhanh để sang hội trường rồi lên nhà trại trưởng. Riêng danh sách có 9 vị Tướng được ra trại thì tên quản giáo buồng giam số 3 mang vào đọc. Tổng số là 92 người được trả tự do chớ không phải hơn 200 như đồn đoán căn cứ theo số người mà toán Công An đã gọi làm việc, cũng như số lượng bộ quần áo nghe nói tụi hậu cần mang về trại.
Tất cả rời hội trường trong trại lên nhà trại trưởng. Lưu Văn Hán cầm danh sách đọc tên  cùng vài nét lý lịch của từng người. Đọc xong, tên Niệm -cán bộ giáo dục trại- gọi anh Hoàng Thọ Nhu (Đại Tá Biệt Động Quân, Tỉnh Trưởng cuối cùng của Plei Ku) thay mặt những người được trả tự do, phát biểu cảm tưởng. Thật ra anh Nhu đã được chỉ định trước chớ không phải tự nhiên mà họ gọi anh phát biểu. Rất có thể vì anh Hoàng Thọ Nhu là bà con với tên Hoàng Thọ Đan, Giám Đốc Công An Nam Định nên được họ chỉ định thay mặt chúng tôi chăng, dù rằng trong bao năm qua tại trại này chúng tôi thấy anh Nhu chẳng hưởng ưu tiên gì cả. Khoảng năm 1981 hay 1982, trong đoàn quay phim của Bộ Công An đến trại Nam Hà quay cuốn phim “Tình Và Tội”, có cô Hoàng Thọ Thanh Mai, con của Hoàng Thọ Đan thăm anh Nhu. Còn thay mặt cho các vị Tướng được trả tự do thì Trung Tướng Nguyễn Hữu Có được họ chỉ định phát biểu.
Xong. Chúng tôi vào trại làm thủ tục ra trại vì toán Công An làm thủ tục đang chờ tại hội trường của trại. Tôi bị chỉ định trách nhiệm liên lạc giữa anh em chúng tôi với toán Công An áp tải chúng tôi trên chuyến xe lửa về Sài Gòn. 
Ngày hôm sau, chúng tôi nhận lại đồ vật ký gởi, kể cả tiền. Tôi còn lại được 15.000 đồng. 
Theo ý kiến của một số anh đau yếu, tôi gặp cán bộ Quí, tên này phụ trách mua vé xe lửa cho chúng tôi:
“Cán bộ có thể mua giúp anh em chúng tôi càng nhiều càng tốt số vé có giường nằm, giúp các anh già yếu bệnh hoạn, chúng tôi sẽ hoàn lại phần tiền sai biệt cho cán bộ, được không?”
“Được. Để tôi lên Hà Nội mới rõ”.         
Kết quả là 2/3 số người rời trại ngày 09/09, và số anh em còn lại rời trại ngày 10/09 (1987). Số vé nằm dành cho chuyến đầu 15 vé, chuyến sau 5 vé. Vậy là trong chuyến rời trại ngày 9, tất cả 9 vị Tướng đều có vé nằm và 6 vé còn lại dành cho các anh già yếu bệnh hoạn như anh Đàm Quang yêu, anh Hồ Tiêu, Thượng Tọa Thích Thanh Long, …
Chiều hôm ấy -02/09- nhân có vợ và con trai của anh Nguyễn Viết Tân (Đại Tá Hải Quân) đang thăm anh ấy, giúp tôi gởi điện tín về Sài Gòn cho vợ tôi biết là chiều ngày 12 tháng 9 tôi sẽ về đến Sài Gòn bằng xe lửa tốc hành. Anh Tân vẫn trong tình trạng bại liệt. Khi anh được ra trại với chúng tôi, cũng là lúc vợ và con trai của anh đến thăm, thế là anh được gia đình đón ra trại và chăm sóc trên đường về Sài Gòn.   
Sau khi bàn giao Tổ Văn Hoá cho anh Nguyễn Hữu Vị (Trung Tá Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo), tôi dọn sang buồng giam số 4. Tất cả anh em được ra trại đều dọn sang buồng 4 chờ ngày rời trại. Tin đồn đoán về mấy trăm bộ quần áo nói là phát cho những người ra trại, thật ra không có gì hết. Còn đến mấy ngày nữa mới rời trại nên xem như rảnh, tôi thử kiểm lại đôi nét đặc biệt của một số bạn cùng bị giam trong trại Nam Hà A này:
Về tuổi tác. Cụ Nguyễn Chấn Á 84 tuổi là tuổi cao nhất, nguyên là Thiếu Tướng trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Cụ về Việt Nam giữ chức Cố Vấn ngành Chiến Tranh Chính Trị. Suốt thời gian trong tù, sáng nào cũng vây, mùa đông cũng như mùa hè, Cụ đều tắm nước lạnh sau bài tập thể dục. Cụ được sự kính nễ của các vị Tướng trong cùng buồng giam, và hầu hết anh em trong trại này. Cụ nói tiếng Việt không rành, nhưng vui tính và tốt bụng.
Nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Minh Chí, vừa tròn 30 tuổi tính đến năm 1987. Bị bắt năm 1976 khi tham gia tổ chức Phục Quốc do Công An trá hình tổ chức. Sau thời gian bị biệt giam ở trại Mễ (Phủ Lý) trở về, vì cô đơn nên bất mãn quậy phá anh em. Khi trại trưởng Bùi Dênh hỏi tôi có nhận anh bạn trẻ này vào Tổ Văn Hoá không vì không Đội nào chịu nhận cả. Tôi bằng lòng nhận, vì tôi quan niệm ai cũng có cái hay lẫn cái dở, và tôi cố gắng sử dụng cái hay của anh bạn trẻ này. Thế là Nguyễn Minh Chí thay chỗ cho anh bạn trẻ Đinh Vượng đã ra trại hồi tháng 4 năm 1985. Nguyễn Minh Chí học không nhiều nhưng thông minh. Thật ra sự thông minh này một phần do bẩm sinh, và phần khác là do thời gian bụi đời trước năm 1975 mà có. Minh Chí tựa vào tên Vượng -cán bộ an ninh- nhờ vào vật chất do Chí vào trong trại xin cho hắn, nhất là xin anh Phạm Kim Qui nên bạn trẻ này được xem là “có thế lực” trong sự liên lạc giữa anh em trong trại với cán bộ an ninh. Những anh em nào giúp cho Chí món gì để cung phụng cho tên Vượng, ít nhiều cũng được tên Vượng đền bù qua những “ưu tiên” gì đó từ quyền hạn của hắn.
Về sức khỏe. Anh Lâm Minh Chánh (Phủ Đặc Ủy Tình báo), ít tuổi mà bệnh hoạn nặng nhất và lâu nhất. Anh bị suyển rất nặng, gần như cấp cứu thường xuyên ở trạm xá. Anh chưa được ra trại trong đợt này. Người nhiều tuổi mà tưởng chừng tắt thở đôi ba lần là anh Hồ Tiêu (Đại Tá Nhẩy Dù). Anh tròm trèm 70 (1987) nhưng vẫn tập tạ, sau lần thăm gặp gia đình thì sức khỏe suy kém nhanh không thể tưởng, giờ thì suy nhược hẳn rồi. Anh cùng ra trại trong đợt này với chúng tôi. Cụ Hoàng Văn Úy bị bệnh phổi, cứ mùa đông đến Cụ cũng khốn khổ như các anh bệnh bao tử. Rất nhiều anh bị những bệnh khó trị, như bệnh trỉ, bệnh gan, bệnh bao tử, bệnh suyển, thậm chí có cả bệnh ung thư nữa. Vào mùa đông, những anh bệnh bao tử với bệnh suyển là khốn khổ nhất. Bệnh bao tử thường phải cúi gập người xuống cho giảm cơn đau, còn bệnh suyển thì lúc nào cũng như người ngộp thở vậy. Hầu hết những anh bị bệnh khó trị đều ở buồng giam số 7.
Nhớ đến cái chết của cựu Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng, một thời ông là cấp chỉ huy trực tiếp của tôi khi ông là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Đang lúc rửa vài cái  chén sau bữa ăn chiều, ông cảm thấy mệt và vào chỗ nằm trong buồng giam số 3. Một lúc thì ông chết. Đến cái chết của anh Trần Hữu Dụng (Đại Tá, bị cộng sản bắt khi Ban Mê Thuột thất thủ). Một buổi sáng khi điểm danh ra cửa, tên Lực trực trại nói với anh trực buồng:
“Còn thiếu một anh. Anh vào xem lại ngay”.
Anh trực buồng vào buồng giam thấy anh Dụng còn nằm trong mùng, đến lay anh dậy thì người anh lạnh ngắt. Hoảng quá:
“Báo cáo cán bộ, anh Dụng chết rồi”.
Tên Lực vào xem. Quả thật anh Dụng đã tắt thở. Hắn bảo anh trực buồng:
“Anh cho anh nào xuống trạm xá kêu anh Quýnh lên xem”.
Bác sĩ Quýnh được dẫn vào vì đôi mắt bác sĩ Quýnh rất mờ. Anh Quýnh nói:
“Anh nào vô buồng sờ dưới đít anh Dụng xem có ướt không?”
Chỗ đít anh Dụng trên sàn xi măng ướt nhẹp, bác sĩ Quýnh kết luận:
“Báo cáo cán bộ, vậy là anh Dụng chết vì trúng gió”. 
 Thế là anh em khiêng xác anh Dụng xuống trạm xá lo chôn cất trong khi anh Trần Hữu Pháp (em ruột) và anh Trần Hữu Từ (em bà con) được lệnh kiểm lại đồ đạc của anh Dụng để sau này trao lại gia đình. Phải công nhận rằng, trong số hằng mấy chục anh em tù chính trị chúng tôi chết tại trại Nam Hà A này, cho đến lúc ấy, duy nhất chỉ có anh Dụng được trại cho phép chúng tôi tẩn liệm mai táng và chôn cất rất chu đáo. Lúc tẩn liệm, khiêng xác anh cho vào quan tài không lọt vì cái quan tài nhỏ quá, phải để xác anh nghiêng một bên, Thượng Tọa Thích Thanh Long nói như đang thật sự nói với anh Dụng:
“Thôi, làm khó anh em chi vậy, ráng thu nhỏ bề ngang một chút để nằm ngửa ra cho anh em còn lo tiếp nữa chứ”.
Anh em, nhất là anh Tạ Đình Siêu (Đại Tá Thiết Giáp) sốt sắng lắm. Anh Siêu lắc lắc mãi, cuối cùng thì thi hài anh Dụng cũng nằm ngửa được. Hương linh anh Dụng được nghe lời kinh cầu nguyện của Thượng Tọa Thích Thanh Long. Khi chôn, đám Công An trực trại cho 11 anh em chúng tôi khiêng quan tài anh đến bên kia triền núi, nơi có đào huyệt cũng do anh em chúng tôi đào. Khi chuyển quan tài, tôi cầm bình hương, thầy Thanh Long theo đọc kinh. Anh Siêu trách nhiệm điều hợp anh em từ lúc rời trại đến lúc chôn cất xong. Có cắm miếng ván nhỏ viết mấy dòng chữ thay mộ bia cho anh.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến anh Đỗ Xuân Sinh (Đại Tá Quân Nhu) lúc ở trại tập trung trên Yên Bái. Anh bị suyển nặng lắm. Vợ anh từ bên Pháp gởi thuốc cho anh thật nhiều. Anh biết bệnh trạng của anh, nên những thuốc anh thường dùng đều ngay trên đầu nằm để khi cần là lấy cho kịp. Nhưng rồi anh chết ngay trên cái vạt giường bằng cây chổm chỉ vì anh không lấy kịp thuốc. Đến anh Lê Minh Luân (Đại Tá Không Quân) cũng chết trên Yên Bái. Trước ngày chết, anh vẫn kêu gào ly cà phê mà lúc ấy làm sao có cà phê. Với lại anh nằm ở trạm xá thuộc Liên Trại 1 trong khi chúng tôi ở trại 2 (thuộc Liên Trại 1), nhưng đâu có cách nào tìm cho anh được ly cà phê! Lại nhớ đến anh Nguyễn Bá Thình tự Long, có lẽ anh là người tù chính trị cấp Đại Tá chết đầu tiên tại trạm xá của Đoàn 776 tại thị xã Yên Bái, sau khi từ trại Tam Hiệp (Biên Hòa) chuyển ra đây. Khi ở trại Tam Hiệp, xương chân phải của anh bị thúi, có thể là anh bị ung thư xương nhưng họ có đưa đi khám nghiệm gì đâu mà biết. Người chết sau đó cũng tại trạm xá Đoàn 776 là anh Huỳnh Hữu Ban (Đại Tá, Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu). Các anh chết trong trại 2 và trại 3, nghe nói chôn ở đồi “Cây Khế”, thật ra chúng tôi không ai biết vị trí chính xác đồi Cây Khế ở đâu, cón những anh chết ờ bệnh xá Đoán 776 tại Yên Bái thì tôi không rõ chôn ở đâu. 
Người mà tôi xem như đặc biệt nhất là bác sĩ Trương Văn Quýnh. Ông gần như bị mù nhưng chẩn đoán bệnh đến mức bác sĩ cộng sản ở bệnh viện Phủ Lý cũng nễ ông. Bác sĩ Quýnh chẩn đoán bằng đôi tay, bằng cách hỏi bệnh nhân, và bằng sự mô tả của anh phụ tá là Trần Xuân Đức (Đại Tá, Sở Kỹ Thuật/Bộ Tổng Tham Mưu). Chính ông đã kết luận đầu tiên Tiến Sĩ Nguyễn Duy Xuân bị ung thư di căn, anh Nguyễn Lương Bằng (Phủ Đặc Ủy Tình Báo) bị ung thư lưỡi (chết trước ông Xuân), và anh Nguyễn Phát Lộc bị ung thư máu. 
Kể chuyện giải sầu. Rất nhiều anh có tài này. Anh Nguyễn Phát Lộc (Phủ Đặc Ủy Tình Báo) có tài kể truyện chưởng, truyện phim ngoại quốc, truyện trinh thám qua sách báo. Anh rất nghiêm chỉnh khi kể, trong khi anh Nguyễn Kim Tây (Đại Tá Biệt Động Quân) là cây kể truyện chưởng mà chúng tôi gọi là “chưởng thời đại” rất ư là tiếu lâm. Khi anh Tây kể chuyện làm cho người nghe đôi khi cười đến ôm bụng, cười ra nước mắt, có anh cười đến té đ…, chẳng hạn như truyện chưởng mà có bắn súng thay vì đánh võ đánh kiếm, đi xe du lịch thay vì cưỡi ngựa. “Máu tiếu lâm” của anh Tây thường giúp người nghe giải sầu tức khắc, tuy có lúc nghe “hơi tục mà thanh” cứ như nghe thơ của bà Hồ Xuân Hương vậy. Anh Lê Minh Chúc (Đại Tá) kể truyện dưới dạng vừa dịch vừa kể truyện ngoại quốc cho anh em trong buồng giam nghe, chẳng hạn như quyển “Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn” của tác giả người Anh, viết về một chuyện tình giữa người thanh niên da trắng với người phụ nữ da đen, sinh ra đứa con “trắng nhiều hơn đen”. Chuyện xảy ra trên đất nước Nam Phi dưới thời Anh Quốc cai trị. Thời ấy “kỳ thị chủng tộc” là chính sách rất tồi tệ. Thật ra không phải cứ ai kể chuyện vui mà mọi người cười hết đâu, cần có chút “khoa ăn nói” nữa. Anh Tây kể chuyện thì y như rằng, anh em trong buồng giam đều cười vui vẻ.
Nguồn chuyện kể giải sầu riết rồi cũng cạn, lúc ấy đến lượt tôi, nhưng chuyện mà tôi kể không phải chuyện vui mà là chuyện để suy ngẫm. Chuyện bắt đầu khi tôi lên tiếng:
“Các bạn ơi! Tôi thử kể chuyện này, nếu các bạn nghe được thì tôi kể tiếp. Nếu không thì tôi chấm dứt ở đó”.
“Anh kể đi. Chưa kể thì biết đâu mà nghe được với không được”. Một bạn lên tiếng.
Tôi bắt đầu kể về những lệnh mà tôi nhận, những việc mà tôi làm, và những nhận xét của tôi từ những lệnh và những việc làm đó trong cuộc Đảo Chánh ngày 01/11/ 1963. Lúc ấy khuya lắm rồi, tôi kể chưa hết nhưng chừng như chẳng còn ai thức, nên tôi lặng lẽ chui vào mùng. Hai ba anh cùng lên tiếng một lúc:
“Trời ơi! Sao đến đó rồi ngưng ngang vậy anh?”
“Ô! Tôi tưởng các anh ngủ hết rồi nên tôi ngưng. Nếu chưa ngủ thì tôi kể tiếp”.
“Chuyện hấp dẫn như vậy mà ngủ sao được. Mai là chủ nhật, kể nữa đi”.
Thế là từ đêm đó, cứ sau khi cửa buồng giam khóa “crắc” một cái là tôi bắt đầu kể chuyện. Lần lượt đến cuộc Đảo Chánh ngày 30/01/1964, cuộc Biểu Dương Lực Lượng ngày 13/09/1964, cuộc Đảo Chánh ngày 19/02/1965, quân đội lãnh đạo quốc gia từ ngày 19/06/1965, cuộc Khủng Hoảng miền Trung từ ngày 09/03/1966, Phước Long vào tay cộng sản ngày 07/01/1975, Ban Mê Thuột mất ngày 13/03/1975, rút bỏ các tỉnh Cao Nguyên ngày 17/03/1975, và Giờ Thứ 25 của cuộc chiến tranh bảo vệ tự do dân chủ. Tôi kể liên tục trong 9 đêm thì hết chuyện. 
Khi kể lại, tôi có hai điều lợi: Thứ nhất là nhân vật trong chuyện kể có cựu Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao và cựu Đại Tá Đàm Quang Yêu. Cả hai vị này cùng trong cuộc khủng hoảng miền Trung. Kể xong chuyện đó, tôi hỏi hai vị thấy tôi có điều gì sai sót xin vui lòng cho biết. Anh Yêu nói “thế là đủ rồi”, trong khi ông Cao chỉ cười cười mà không nói gì hết. Điều lợi thứ hai là khi tôi kể, cùng lúc ký ức tôi nhận lại. Như vậy, xem như tôi cập nhật hóa những gì mà ký ức tôi lưu giữ. Cũng nhờ vậy mà tôi lén lút viết lại và “gởi chui” về Sài Gòn vợ tôi cất giấu.
Về đàn hát. Anh Đào văn Ba và anh Nguyễn Văn Quí, được anh em xếp vào “bậc  thầy” về guitare với những bài tân nhạc, nhưng về nhạc cổ điển có lẽ không ai hơn anh Phạm Kim Qui, kế đó là anh Đặng Hoàng Long. Hát nhạc ngoại quốc, khó anh nào đương nỗi với anh Phạm Gia Đại với anh Bửu Uy. Anh Phạm Kim Tấn cũng là “cây hát” nhạc tây nhưng giọng anh “rè quá” nên khó xếp hạng được. Hát nhạc Việt Nam, phải công nhận là giọng của anh Đinh Tiến Dũng với anh Nguyễn Dũng là hấp dẫn nhất. Nét đặc biệt của anh Nguyễn Dũng là chui vào mùng hát. Trong số các anh hát hay, phải kể đến anh Phạm Văn Hòa (Trung Tá Không Quân) là ca sĩ số một với giọng “người Mỹ hát nhạc Việt”.
Về đá banh. Anh Phạm Kim Tấn và anh Chu Mạnh Bích (Đại Úy Không Quân) là đá có kỹ thuật nhất. Anh Vũ Quang Tỉnh mà chúng tôi thường gọi là “Quách Tỉnh” một nhân vật trong truyện chưởng Trung Hoa thời phong kiến, thì đá theo sức mạnh. Anh Nguyễn Văn Hóa (Đại Úy Không Quân) di tản tháng 4 năm 1975, nhưng lại theo tàu Việt Nam Thương Tín trở về nên bị bắt nhốt chung với chúng tôi. Anh cùng ra trại trong đợt này. Anh đứng hàng hậu vệ là số một. Anh Cao Văn Ủy (Đại Tá Biệt Động Quân) thủ môn thuộc hạng khá của đội “lão tướng” nhưng phải tùy hứng. Anh bạn trẻ Đinh Vượng cũng là thủ môn có hạng. Khi vào sân là anh bạn trẻ này liều mạng lắm. Anh bạn trẻ khác là Nguyễn Minh Chí, khắp sân chỗ nào cũng có mặt, cứ có banh là đá còn trái banh muốn đi đâu thì đi. 
Về tướng số tử vi. Anh Nguyễn Phát Lộc, trước năm 1975 đã xuất bản hai quyển sách về loại này. Có lần anh nói với tôi và các bạn:
“Tôi không thể giải đáp cho lá số của chính tôi. Theo lá số, tôi không chết trong trại tù, cũng không chết ở nhà”.
Sau khi tôi ra trại khoảng 6 tháng thì trại Nam Hà có đợt tha, và trong số đó có anh Lộc. Điều mà anh Lộc không có giải đáp cho lá số của anh, thì ngay trong đợt tha dường như là tháng 04/1988 có giải đáp, nhưng tiếc là tự anh không xác định được. Theo thư của anh Nguyễn Hữu Vị gởi cho tôi, khi anh Lộc nhận được lệnh tha ra trại cùng lúc có cô em gái út đến thăm. Vì sức khỏe quá kém, nên trực trại cho anh em khiêng anh ra nhà thăm nuôi để gặp gia đình, và rồi anh Lộc chết tại đây. Vậy là lá số của anh rất đúng, vì  anh không chết tại nhà cũng không chết tại trại, cầm giấy ra trại trong tay để rồi chết tại nhà thăm  nuôi (Khi về Sài Gòn, tôi thường gởi thư chui cho anh Vị kể những chuyện của anh em chúng tôi, và những oái oăm trong xã hội xã hội chủ nghĩa).     
Anh Đoàn Túc (cựu Trung Tá) cũng là một “nhà bói toán” có hạng. Anh bói  cho một số anh liên quan đến chuyện nhà, ngay cả chuyện các anh ấy được về trong khoảng thời gian nào, đa số đều đúng.
Trở lại chuyện tôi ra trại. Trong những ngày chờ lên xe lửa, anh em chúng tôi chung góp được 23.000 đồng để giúp hai bạn tù cùng về:
- Anh thứ nhất được 13.000 đồng là anh Lê Văn Khương (Phó Quản Đốc Nhà Lao Côn Sơn). Trong thời gian bị giam ở trại “Cổng Trời” sát biên giới với Trung Hoa cộng sản, đã bị chúng nó hành hạ đến mức không đi được nữa nên không thể cùng đi xe lửa với chúng tôi, mà trại chờ người nhà đến đón mới cho ra trại. Anh Huỳnh Kim Bình (Đại Úy) và vợ, nhận trách nhiệm mang tiền đến trao cho gia đình anh Khương, đồng thời chị Bình sẽ hướng dẫn gia đình này ra trại Nam Hà đón anh ấy về, vì nhà anh chị Bình cùng ở Long Xuyên. Cũng may là chị Bình khi đến trại thăm thì biết tin anh Bình được ra trại, nên chúng tôi nhờ tên Quí (Công An, phụ trách vận chuyển của trại) mua vé để anh chị được về cùng chuyến xe lửa. Về đến Sài Gòn, gia đình anh Trang Văn Ngọ (Trung Tá Không Quân) gởi cho gia đình anh Khương thêm 11.000 đồng nữa để đủ cho hai người ra đón anh Khương.  
- Anh thứ hai là anh Huệ được 10.000 đồng. Anh Huệ lúc bị giam ở trại Tam Hiệp tự xưng là “Thiếu Tướng Nguyễn Huệ, Tư Lệnh Sự Đoàn 23B”, vì anh bị thần kinh nên Đại Đức Thích Minh Tâm (cùng ra trại) nhận anh ấy về chùa ở Hóc Môn tạm trú, sau đó sẽ hướng dẫn về quê dường như cũng ở Long Xuyên thì phải.
Ngày 09/09/1987, trại cho chúng tôi bữa cơm trưa, có thịt có rau, nhưng ai cũng nôn nóng ra khỏi cái trại hắc ám này nên có ăn được bao nhiêu đâu. 11 giờ trưa bắt đầu ra cổng. Tôi đi sau cùng, nhưng không dám quay lại nhìn các bạn đứng bên trong cổng. Nếu tôi nhìn vào trại, rất có thể tôi không cầm được nước mắt! Sau 3 tiếng đồng hồ, ba chiếc xe già cỗi cà rịch cà tang trên con đường đá từ trại ra Phủ Lý, quẹo phải sang quốc lộ 1 để xuống ga Nam Định. Tại đây có tổ quay phim thu hình chúng tôi, và nghe nói nhóm quay phim này sẽ theo chúng tôi vào Sài Gòn tiếp tục thu hình nữa. Chắc chắn là những thước phim đó, họ sẽ sử dụng để “quảng cáo” trong quốc nội lẫn quốc tế về điều mà bọn họ gọi là khoan hồng nhân đạo với thành phần mà họ gọi là ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn.
4 giờ 30 chiều ngày 9 tháng 9 năm 1987, chuyến xe lửa tốc hành Hà Nội-Sài Gòn rời ga Nam Định. Chúng tôi ngồi chung trong một toa. Sau khi rời Nam Định một lúc, hai anh mặc đồng phục công nhân xe lửa đến đứng giữa toa, một anh giới thiệu:
“Đây là anh Trưởng Tàu” (người miền Bắc gọi là tàu lửa, người miền Nam gọi là xe lửa).
Vừa nói anh ta vừa chỉ anh đứng cạnh. Và anh “trưởng tàu” bắt đầu:
“Mấy chú được dành toa đặc biệt này trên đường về nhà…”  
Một bạn ngắt ngang: “Thế nào là đặc biệt vậy anh?”
“Đặc biệt vì toa này có đèn điện, với lại tương đối sạch so với các toa kia”.
“Vậy hành khách trên các toa kia tối đen à?”
“Các toa kia dùng đèn dầu xách tay”.
“Sao các băng ngồi chỉ trơ gỗ mà không có nệm vậy anh?”
“Mấy chú đi cải tạo lâu quá nên không hiểu gì về những sinh hoạt trong xã hội bây giờ. Tôi nói cho mấy chú biết là khi về nhà, mấy chú không nên thắc mắc bất cứ điều gì với địa phương, vì không có lợi cho mấy chú đâu?”
 “Sao kỳ vậy?”
“Mấy chú nên nghe tôi. Còn muốn biết tại sao thì về nhà một thời gian mấy chú sẽ hiểu. Những toa này do Ấn Độ viện trợ, nhưng chỉ 24 tiếng đồng hồ sau thì tất cả những gì tháo gỡ được đều mất hết, ngay cả thắng xe cũng bị mất cắp nữa, chỉ còn trơ lại toa tàu thôi. Nếu họ đem toa tàu đi được thì chẳng còn toa nào đâu”. 
“Sao tệ quá vậy?”
“Tôi nhắc lại. Khi về địa phương, mấy chú đừng nên thắc mắc gì cả, mọi việc rồi mấy chú cũng quen như mọi người thôi. Tôi nói thêm: Khi tàu gần đến Quảng Trị, mấy chú phải đóng cửa sổ lại, vì có những đám thanh niên ném đá hoặc bắn đá vào xe đó. Đã có những hành khách bị thương rồi”.
“Xã hội chủ nghĩa ghê thiệt!”
Anh trưởng tàu nhìn về hướng phát ra âm thanh đó, chừng như anh ta không có ý tìm ai nói mà chỉ quay về hướng đó để nhắc lại lời khuyên của anh ta:
“Một lần nữa tôi nhắc mấy chú, về địa phương đừng bao giờ thắc mắc gì hết, thấy vậy hay vậy là tốt. Chẳng hạn như thắc mắc vừa rồi, mấy chú sẽ bị ghép vào tội chống đối nhà nước đấy. Mấy chú ráng nhớ giùm tôi”.       
Nói xong là anh ta xoay lưng đi ngay, chừng như sợ phải nghe tiếp những thắc mắc tương tự.
Thật lòng mà nói, sau hơn 12 năm trong các trại tập trung từ trong Nam ra đất Bắc, ngay ngày đầu tiên bước vào xã hội xã hội chủ nghĩa, chỉ với những sinh hoạt ngay trên chuyến xe lửa thuộc loại “tốc hành” này, đã trở nên lạ lẫm với tôi rồi. Lúc chiều, anh trưởng tàu nói đây là toa xe đặc biệt mà lại nệm ngồi không có, nệm tựa lưng cũng không có, cầu tiêu thì dơ ơi là dơ! Đêm đầu tiên, tôi lần qua các toa tìm đến toa hàng ăn để uống ly cà phê, mới nhận ra nỗi khổ của hành khách đi xe lửa dù là xe lửa tốc hành, tức là chỉ dừng lại những ga chính thôi. Dưới ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn dầu leo lét, thật khó mà tưởng tượng! Hai băng ngồi đối diện, một băng 3 người. Hai băng phía bên kia lối đi, mỗi băng 2 người ngồi. Hai đầu trên của hai băng 6 người ngồi, máng được 3 cái võng cho 3 người nằm, 1 người nằm co quắp trên sàn xe đen đúa nhầy nhụa giữa 2 băng đối diện, và 2 người còn lại cũng nằm co quắp trên 2 băng ngồi.
Nếu nhìn toàn cảnh của toa xe sẽ thấy, băng ngồi đầy người nằm, những chiếc võng bé xíu che kín trên đầu băng, cả lối đi vốn dĩ đã nhỏ hẹp cũng đầy người nằm chen lẫn trong đống hành lý thật hổn độn. Những bà vợ thăm chồng, mang theo hằng trăm kí lô, biết bao là nhọc nhằn gian khổ! Cứ mỗi bước đi phải chen từng bước chân giữa người với hành lý, vì ngay cửa vào cầu tiêu cũng chật kín người. Vậy mà, không đụng chân cũng chạm tay, có lúc lại đạp nhầm lên gói hành lý nữa, trong khi hai tay phải khép sát vào ngực mới mong tránh va chạm vào những người nằm trên cái võng bé xíu từ đầu băng bên này sang đầu băng bên kia. Đến cuối toa xe đứng nhìn lại, cái cảnh tượng thật là buồn cho đất nước Việt Nam mình bất hạnh quá!
Giả thử, nếu những ông chồng như anh em chúng tôi chứng kiến những hành khách nằm cong queo trong cái gọi là chiếc võng kia, hay co quắp giữa những gói quà đầy ấp tình thương trên sàn xe nhớp nhúa đó, là những bà vợ của mình, liệu có cầm được nước mắt không? Tôi nghĩ, nghe nói lại, nghe thuật lại, ông chồng nào cũng đớn đau thương cảm cho tình cảnh những bà vợ quanh năm gánh gạo nuôi chồng! Nhưng không có đớn đau thương cảm nào có thể đem cân bằng nỗi đớn đau thương cảm của những bà vợ trọn tình vẹn nghĩa như vậy được cả!
Từ hình ảnh này tôi chợt nghĩ đến những chuyến vợ tôi cùng những chị bạn, lăn lốc trên những toa xe như thế này trong khi mang theo hằng trăm kí lô hành lý thức ăn thuốc uống, vất vả biết ngần nào! Đâu đã hết, theo lời vợ tôi kể lại, vì muốn rút ngắn thời gian khỏi phải lên Hà Nội rồi quay trở xuống, nên “hối lộ” 200 đồng cho anh trưởng tàu khi ngang Phủ Lý xe chạy chậm lại, lúc ấy vợ tôi nhảy xuống cùng với vài thùng hàng, phần còn lại trên xe nhờ các chị bạn đẩy xuống giùm. Vợ tôi lần lượt gom lại, chờ xe trại đi công tác về ngang chở vào trại với một số tiền nhất định chớ không phải họ chở giùm đâu. Cái giá để gọi là sòng phẳng, là từ 50 đến 100 hay 200 tùy lượng hàng nhiều hay ít. Thuật lại quí vị quí bạn nghe đơn giản lắm, nhưng thật ra rất gian nan khi đi dọc theo đường xe lửa, bưng từng gói từng thùng gom lại. Có một lần vì trời chưa sáng hẳn, có những bóng đen lấy những gói hàng chạy mất vào bóng tối. Đành chịu thôi! Với những gian truân nguy hiểm như vậy mà vợ tôi đã lặn lội từ Sài Gòn ra trại tập trung Nam Hà thăm nuôi tôi từ giữa năm 1979 đến đầu năm 1987 là 17 lần! Tình yêu chồng và tình thương con đã cho vợ tôi một nghị lực mà tôi đánh giá là phi thường!          
Đó là nỗi khổ trên xe lửa, bây giờ mới quí vị quí bạn theo chân tôi đi tắm, mới cảm nhận được nỗi khổ của phụ nữ nói chung, và các bà vợ của tù chính trị chúng tôi nói riêng, khi đi tắm. Trước khi rời trại, tôi chuẩn 3 bộ đồ lót loại có thể cho “về hưu” mà không thương tiếc để mỗi khi tắm xong là bỏ lại tại chỗ. Xe ngừng, tôi vừa đi vừa chạy tìm chỗ tắm. Mua thùng nước 200 đồng, xách vội vào khu vực tắm tìm chỗ trống. Vừa máng cái khăn và áo quần lót lên vách thì tiếng phụ nữ bên ngoài ơi ới:
“Lẹ lẹ lên các anh chị ơi, cho tôi tắm với”. 
Nhìn thấy một bà sồn sồn và hai cô gái, tôi xách thùng nước với áo quần trở ra:
“Chị vào đây tắm đi, tôi tắm bên ngoài”.
“Cám ơn anh quá”. Cả ba phụ nữ cùng tắm.
Tắm xong, tôi bỏ áo quần ướt lại đó như dự tính, có điều là lúc dự tính tôi không nghĩ  “chúng nó về hưu” trong tình cảnh ướt nhẹp như vậy. Tôi mua thùng nước khác xách lại xe lửa để anh Trà tắm trên xe. Chuyện là tôi với anh Nguyễn Đình Trà ngồi cạnh nhau, và chúng tôi phân công mỗi khi đến ga Huế, Qui Nhơn, Nha Trang, tôi đưa tiền anh Trà chạy mua thức ăn, tôi tắm xong đem về anh thùng nước. Khi xe chạy, anh tắm. Xong, hai chúng tôi cùng ăn.      
Trở lại với chuyến về của anh em chúng tôi. Có hai Công An -một nam một nữ-theo áp giải chúng tôi về Sài Gòn. Nam tên Đính và nữ tên Ngân, cô ta là y tá. Tại nhà ga Nam Định, tên Đính bảo tôi:
“Anh Hoa. Anh thu lại tất cả Giấy Ra Trại đưa tôi. Khi hoàn tất thủ tục tại Chí Hòa xong tôi sẽ trao lại các anh”.
“Thủ tục gì mà phải làm ở khám Chí Hòa cán bộ?”
“Về đến thành phố, các anh còn phải vào Chí Hòa, sau đó mới tự do. Anh biết vậy là được rồi, đừng có hỏi nữa”.
“Vì cán bộ nói lững lờ như vậy làm tôi thêm thắc mắc. Cán bộ có thế cho tôi biết sự thể như thế nào không?”
“Anh đừng hỏi nữa. Tôi chỉ được lệnh của trên như vậy thôi”. 
Trong số anh em chúng tôi có một số bạn có gia đình ở Huế, Đà Nẳng, Nha Trang muốn ghé nhà trước khi vào Sài Gòn trình diện, vì theo trong giấy đến hết tháng 9 mới hết hạn trình diện, nhưng nói cách gì hắn cũng không chịu. Vì vậy mà anh em chúng tôi đồng ý với nhau, không mời hai đứa nó ăn uống gì hết mà khi rời trại, tôi và vài anh có ý định mời họ ăn uống với chúng tôi trên hành trình Nam Định-Sài Gòn.
Từ Biên Hòa về đến Sài Gòn, tôi lấy làm lạ là trên quảng đường này, từng bao hàng loại 50 kí lô được thả xuống vệ đường, có thể nói giống như trường hợp vợ tôi đẩy những gói những thùng xuống Phủ Lý vậy. Có điều là những bao hàng này khi xuống đường là có người đến nhận bỏ lên xe hai bánh chở đi ngay.   
Trước khi đến Hòa Hưng (Sài Gòn), Công An Đính bảo tôi khi xe vào nhà ga, tất cả anh em chúng tôi phải tập trung một chỗ để xe đưa vào nhà giam Chí Hòa làm thủ tục trước khi ra về.
6 giờ chiều 12 tháng 9 năm 1987, chuyến “xe lửa tốc hành” sau 70 giờ 30 phút chạy tà tà trên quảng đường dài 1.736 cây số, cuối cùng cũng vào nhà ga Hòa Hưng. Rất đông thân nhân chúng tôi đứng đầy bên ngoài nhà ga. Khi xe lửa dừng hẳn, bà con ra sát bên hông xe mong gặp người thân. Đón tôi có vợ tôi và vợ chồng đứa em thứ tư của vợ tôi là Triệu Văn Lễ từ Vĩnh Long lên. Tôi đưa vợ tôi cái túi xách đựng đồ lặt vặt, trong khi cái “ba lô” với tất cả áo quần và đồ dùng thường ngày vẫn trên lưng, vì tôi phải đề phòng không biết bọn họ nói chúng tôi vào nhà giam Chí Hòa làm thủ tục hay lại nhốt chúng tôi nữa, lúc ấy có mà dùng. Tôi nói:
“Em ơi! Bây giờ tụi Anh còn phải vào làm thủ tục gì đó ở nhà giam Chí Hòa mới về được. Em đem cái túi xách về nhà trước, còn Lễ đến chờ Anh ở cổng nhà giam Chí Hòa”.
Vợ tôi với chút sợ hãi:
“Liệu họ có nói đúng không Anh?”
“Biết làm sao được Em. Cứ tạm tin là họ chỉ làm thủ tục thôi. Nếu có gì khác thì mọi người đứng chờ bên ngoài sẽ biết được mà. Em với Nhung (vợ của Lễ) về trước nhé!”



















Thế rồi xe của nhà giam đưa chúng tôi vào Chí Hòa. Tên Công An nào đó giảng giải về chính sách nhân đạo, về thủ tục xin thẻ “chứng minh nhân dân”, phải thi hành tốt những lệnh của địa phương, ..v..v… Điều mà họ nói làm thủ tục là như vậy, lúc ấy  tên Đính trả Giấy Ra Trại cho chúng tôi. Và chúng tôi thật sự ra về.
Ra đến cổng, em tôi đang chờ ở đó, đưa tôi về nhà bằng xe Honda. “Giấy ra Trại” của tôi số 122 với mã số hồ sơ là “00087801342” do tên Thượng Tá Công An Lưu Văn Hán, trưởng trại Nam Hà ký ngày 09/09/1987, do căn cứ Quyết Định tha số 18 ngày 31/08/1987 của Bộ Công An. Trong giấy này ghi tôi can tội “Đại Tá, Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận Bộ Tổng Tham Mưu”. Xã hội xã hội chủ nghĩa có những cái tội nghe quá  ư là “kỳ cục”! Bị bắt ngày 24/10/1975 theo án lệnh “tập trung cải tạo”. Sau án 3 năm đầu, tôi bị tăng án đến 3 lần, mỗi lần 3 năm. Cũng trong Giấy Ra Trại ghi họ bắt tôi ngày 24/10/1975 mà thật ra là ngày 14/6/1975. Số tù của tôi là 968 mà họ gọi là số danh bạ. 
Vậy là, khi vào trại tập trung, con tôi đưa tôi bằng xe Honda 2 bánh từ nhà đến trình diện cộng sản tại khu đại học xá Minh Mạng. Khi từ trại tập trung trở về, em tôi đón cũng bằng xe Honda 2 bánh từ nhà tù Chí Hòa về nhà. Chuyện ngẫu nhiên lại có vẻ như “đâu vào đó” vậy!
Tính đến lúc ấy, tôi là tù chính trị 12 năm 2 tháng 27 ngày và 6 tiếng đồng hồ! Nếu số ngày tính tròn là 28 ngày!      
Vào nhà rất đông đủ người thân: Ngoài vợ tôi, có Ba Má tôi, Dượng tôi (Dì tôi đã chết), vợ chồng của em vợ tôi (Lễ & Nhung), một bà Cô (Cô Bảy), và một số bạn bè hàng xóm. Tôi rất vui mừng khi thấy Má tôi đứng và đi được từng bước. Mừng, vì Má tôi bị đứt mạch máu và liệt nửa người bên trái từ năm 1985. Vợ tôi đưa Má tôi về Sài Gòn, và theo chỉ dẫn của chị Nhan Minh Trang -cũng bị liệt nửa người- hằng ngày vợ tôi đưa Má tôi đến nhà một người ở gần trường đua Phú Thọ mà hàng xóm gọi là “Thầy Năm” để bấm huyệt. Chỉ một tuần sau đó Má tôi đứng được, và xem là tốt như tình trạng hiện giờ.
Ngay sau đó, vợ chồng tôi sang nhà cái bà có cái chức “Tổ Trưởng Tổ Dân Phố” để trình diện. Ngày hôm sau, vợ chồng tôi đến trình diện Công An “khu vực”, tiếp đó Công An Phường 25, Quận 10, ở ngay trong cư xá Bắc Hải. Tại đây, tôi phải chờ tên Phó Công An Phường phụ trách chính trị ký xác nhận trên giấy ra trại, mới được x em là hợp lệ. Vài hôm sau tôi mới nhận ra quyền lực của “Công An khu vực” gần như “Công An trực trại” trong trại tập trung. Bà Tổ trưởng tổ dân phố là vợ của đại tá cộng sản cùng với tên Công An khu vực, là “hai tên cộng sản quyền lực” đối với gia đình cựu tù chính trị chúng tôi trong khu vực này. Riêng với gia đình tôi, từ sau khi các con chúng tôi vượt biển đến Hoa Kỳ an toàn, bà ta trở nên thù hằn nhất mà bằng chứng là thường xuyên gây khó khăn đến mức không cho Ba Má tôi từ Sa Đéc lên ở trị bệnh. Nhưng vợ tôi cứ liều mạng rồi mọi việc vẫn êm xuôi.
Làm thủ tục tại địa phương xong, vợ chồng tôi đến bưu điện gởi điện tín cho các con chúng tôi ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, rằng tôi thật sự về đến nhà. Thật ra khi vợ tôi nhận được điện tín khi tôi chưa rời trại Nam Hà, đã gởi điện tín sang các con chúng tôi rồi, nhưng các con chúng tôi cần cái điện tín xác nhận. Các con chúng tôi vượt biển sáu bảy năm trước đó, nhưng có lẽ vẫn còn nhớ câu nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hồi đầu năm 1968: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”, vì vậy khi nhận điện tín báo tin tôi về nhưng vẫn không tin, nên cần được xác nhận để biết là thật.
Đâu đã xong quí vị quí bạn ơi! Tôi và các bạn phải đến Sở Công An để làm thủ tục “nhập hộ khẩu”. Thủ tục này nhiêu khê lắm, vì đây là loại giấy tờ thuộc vào hàng “sinh tử” trong xã hội xã hội chủ nghĩa, vì bất cứ có việc gì cần đến cơ quan hành chánh hay Công An đều phải mang theo cái giấy này. Hồ sơ xin nhập cái gọi là  “hộ khẩu” gồm: Đơn của tôi + bản tóm tắt lý lịch 3 đời + giấy ra trại + tờ hộ khẩu + đơn của vợ tôi đồng ý cho nhập hộ khẩu + và hôn thú của vợ chồng tôi. Một tháng sau mới nhận được tờ giấy nhỏ xíu xác nhận hợp lệ, lại mang đến Phòng Quản Lý Hành Chánh & Trật Tự Xã Hội Quận 10, mua một lô các mẫu đơn xin nhập hộ khẩu tại Quận 10. Chưa hết, khi nộp đống hồ sơ này tôi phải viết “bản kiểm điểm” với đại ý là tôi chưa có hành vi nào chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa. Một tuần sau nữa, tôi nhận được tờ hộ khẩu có tên tôi.   
Thế là xong một loại “giấy hộ mạng” thứ nhất, đến “giấy hộ mạng thứ hai là “chứng minh nhân dân”. Lại phải đến Sở Công An, lại phải làm thủ tục với một đống hồ sơ nữa để xin cái giấy ấy. Mãi đến cuối năm 1987, tôi có trong tay hai cái “giấy hộ mạng”. Công An tại Sở này cho biết, anh em chúng tôi mà họ gọi là ngụy quân nguỵ quyền cao cấp do trung ương của họ quản trị mà họ gọi là quản lý. Với chính sách đó, cho thấy là họ vẫn sợ chúng tôi nên nắm chắc phần theo dõi, thay vì địa phương. Ấy vậy mà lúc học tập chính trị tại trại tập trung Long Giao hồi tháng 09/1975, tên Công An gọi là giáo viên nói như con vẹt, rằng:
“…Đội ngũ sĩ quan các anh là cái đám người nắng không ưa mưa không chịu, nhát gió kỵ mù sương, nắng ngủ mưa nghỉ, mát trời đi chơi ….” 
Khoảng 2.000 anh em chúng tôi ngồi bệt trên sàn xi măng dơ dáy, có tiếng nói khơi khơi:
“Phải rồi. Chúng tôi chỉ có ăn chơi mà hai chục năm mới chiếm được đất đai của chúng tôi”.
“Anh nào phát biếu đó?”
Anh em chúng tôi êm re, dại gì làm “anh hùng rơm” mà lên tiếng. Hắn tức lắm, nhưng làm gì được ai. 

No comments: