Friday, October 28, 2011

Chương 2 / Trước ngày vào trại tập trung.

- hai -

Trước ngày vào trại tập trung.

******
Những ngày đầu tiên trong bước ngoặc của xã hội Miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, trong tình trạng hỗn loạn! Đường phố Sài Gòn vẫn ngổn ngang các loại quân trang quân dụng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Với hình ảnh tang thương bi đát đó, hầu như mọi người dân Sài Gòn đều có nỗi sợ hãi riêng theo cách nhìn cách nghĩ của mỗi người. 
Trên đường phố, từng toán thanh niên mặc đủ thứ áo quần, tay cầm súng AK47 của cộng sản hoặc M16 lấy của quân đội chúng ta, trên cánh tay họ có đeo băng đỏ, ngồi ngông nghênh trên những chiếc xe Jeep chạy khắp phố phường, thỉnh thoảng bắn từng viên từng tràng lên khoảng không, càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi của mọi người, vì trong thời gian hỗn loạn này có luật pháp gì đâu. Trường hợp như con trai anh Trung Tá hành chánh quân y Giang Văn Trọng trong cư xá Bắc Hải, gần góc đường Lê Văn Duyệt với Tô Hiến Thành, thuộc Quận 10, bị một phát đạn chết tại chỗ. Anh Trọng, tôi với các bạn trợ giúp mang xác con anh về chôn.
Những người cộng sản sống trà trộn và hoạt động trong lòng Sài Gòn từ lúc nào đó mà danh từ quân sự gọi là “cộng sản nằm vùng”, cộng với những toán thanh niên nói trên mà lúc ấy người dân gọi là “cộng sản 30 tháng 4”. Có nghĩa là họ làm như họ là cộng sản từ rừng sâu hay từ đồng ruộng vào Sài Gòn vậy. Thật ra họ chỉ là những kẻ lợi dụng tình trạng hỗn loạn của xã hội, để hùa với bọn cộng sản nằm vùng lẫn cộng sản từ các cánh quân vào chiếm thủ đô, rồi tranh nhau vào những căn nhà trước đây cho người ngoại quốc mướn, những nhà mà gia đình đã di tản ra ngoại quốc, các cơ sở của chánh phủ, của quân đội, của ngoại giao đoàn, để tranh đoạt tài sản bên trong. Họ tự tay khuân vác, họ dùng cả xe để chở bất cứ thứ gì họ giành được. Những hồ sơ giấy tờ họ vứt đầy đường, vì những thứ đó không phải là những thứ mà họ cần tranh đoạt.
Theo lệnh của “Ủy Ban Quân Quản”, cơ quan của cộng sản điều hành Sài Gòn-Gia Định lúc bấy giờ, cờ đỏ sao vàng và hình ông Hồ bày bán khắp đường phố. Trong tinh thần hoang mang sợ hãi, người dân Sài Gòn treo đủ thứ cờ, cờ cộng sản miền Bắc, cờ cộng sản miền Nam, người Việt gốc Hoa treo thêm cờ cộng sản Trung Hoa nữa. Người Việt gốc Hoa có lý khi làm như vậy vì Trung Hoa cộng sản là đàn anh của Việt Nam cộng sản mà.
Sáng ngày 03/05/1975, vợ chồng tôi đi chợ An Đông, nghe được mẫu đối thoại giữa người mua tạm gọi là ông A (người miền Nam), và người bán tạm gọi là bà B (người miền Bắc), như thế này:

Ông A: “Tấm hình ông Hồ bao nhiêu vậy bà?”

Bà B: “Hai chục”.

Ông A: “Mắc vậy. Miếng giấy nhỏ xíu có tấm hình lão già râu mà hai chục. Mười đồng được hông?”

Bà B: “Mười thì mười. Ông lấy đi. Tại thằng già này mà tôi bỏ làng bỏ xóm  ngoài Bắc chạy vào đây, bây giờ gặp lại thằng chả. Chán mớ đời”.

Hai ông bà này vừa liếc nhìn chung quanh, vừa mua vừa bán.
Thôi thì tối ngày đài phát thanh ra rả điều mà họ gọi là “bách chiến bách thắng”, là “cả nước tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, là “chính sách khoan hồng nhân đạo” đối với quân nhân viên chức cán bộ của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũ mà họ gọi là “ngụy quân ngụy quyền”. Trong khi họ ra rả những điều nói trên thì lác đác họ đã lùng bắt một số sĩ quan, như Đại Tá Hồ Văn Hiền thuộc ngành Quân Cụ ở đường Tô Hiến Thành (Quận 10, Sài Gòn), bị bắt vào khám Chí Hòa vì trong nhà có vài người bạn đến dùng cơm. Như Đại Tá Nguyễn Văn Phiên thuộc Bộ Quốc Phòng, trên đường từ Sài Gòn về Châu Đốc thăm nhà đã bị bắt giam tại Long Xuyên. Như Thiếu Uý Triệu Văn Lễ thuộc ngành Quân Nhu, bị bắt đưa vào giam tại Vĩnh Long…v..v..
Trong những tuần lễ kế tiếp, hằng trăm quân nhân viên chức -kể cả viên chức cấp Xã- đã bị những tổ chức địa phương gọi là “Ủy Ban Quân Quản” bắt đưa ra tòa án, mà hầu hết là bị những tên “răng đen mã tấu” xử tử hình. Những buổi nhóm họp mà cộng sản gọi là những phiên tòa, không giống bất cứ phiên tòa nào tại các quốc gia văn minh trên thế giới, vì chỗ nào ngồi được là mang bàn ghế đến đó ngồi xử án, và bất cứ tên cộng sản nào cũng có thể ngồi vào chiếc ghế chánh án mà không cần kiến thức tư pháp gì cả. Những phiên tòa của năm 1975 không có gì khác những phiên tòa thời “cải cách ruộng đất” những năm 50 trên đất Bắc. Tuy không có hình thức đấu tố, nhưng cách buộc tội dẫn đến bản án tử hình, về căn bản vẫn thế. Những phiên tòa diễn ra ở hai khoảng không gian cách nhau hằng ngàn dặm, với hai thời gian cách nhau trên dưới 20 năm, nhưng man rợ thì giống nhau.
Những nạn nhân mà họ gọi là “tội nhân” không được quyền biện minh cho mình, cũng không ai được phép biện minh cho họ. Điển hình cho những nạn nhân nói trên là Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện, một tỉnh lọt thỏm giữa ranh các tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ), Kiên Giang (Rạch Giá), Bạc Liêu, An Xuyên (Cà Mau), và Ba Xuyên (Sóc Trăng). Đại Tá Cẩn cùng lực lượng dưới quyền, đã chống trả quân cộng sản đến khi bị chúng bắt chớ không đầu hàng theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh. 
Chỉ đôi nét về cảnh tượng nói trên, cho phép chúng tôi nhận định hành động của quân cộng sản là hành động của kẻ cai trị tàn bạo, chẳng khác thời thực dân Pháp cai trị, nếu không nói là tệ hơn. “Tệ hơn” vì thực dân Pháp là kẻ ngoại xâm, trong khi quân cộng sản là kẻ nội xâm. Cả hai cùng là kẻ tàn bạo, nhưng cộng sản là kẻ tàn bạo kiểu man rợ rừng sâu trong khi thực dân Pháp là kẻ tàn bạo kiểu thị thành. Mới thoáng qua thời gian ngắn ngủi với một số trường hợp xảy ra, đã làm cho hằng triệu quân nhân viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ thường xuyên trong tình trạng sợ hãi. Không biết rồi đây cộng sản sẽ áp dụng biện pháp nào, nặng nhẹ ra sao, dù rằng hằng ngày trên làn sóng phát thanh trên màn ảnh phát hình của chúng tại Sài Gòn, cứ mang cái mảnh giấy “chính sách 10 điểm” mà chúng gọi là “chính sách khoan hồng nhân đạo” ra rao giảng.
Tôi nghĩ, câu nói đủ nghĩa nhất trong thời gian này là “nước mất nhà tan, người loạn lạc!”.
Thưa quí vị quí bạn, cư xá Bắc Hải, nơi có khoảng 750 gia đình sĩ quan cư trú mà hầu hết đều phục vụ tại các cơ quan đơn vị trong phạm vi Quân Trấn Sài Gòn. Trong những ngày đầu, hai cổng ra vào chưa bị đóng nên anh em chúng tôi trong và ngoài cư xá thường gặp nhau, hỏi thăm những tin tức trước mắt về nơi trình diện. Trong khi chờ đợi lệnh rõ ràng của chúng, cứ chỗ nào có thông cáo gọi trình diện là chúng tôi kéo nhau tới đó. Đến ngày 09/05/1975, thông cáo chánh thức gọi tất cả quân nhân viên chức cán bộ trình diện tại khu dự bị đại học, số 91 đường Trần Hoàng Quân (gần ngã sáu Chợ Lớn). Vợ tôi sợ lắm:
“Anh chở con gái (Tuyết Vân, 14 tuổi) theo, nếu có gì xảy ra Em còn biết tin tức của Anh mà lo liệu”.
“Anh nghĩ là tụi nó chưa bắt tụi Anh một cách ồ ạt đâu, nhưng Anh chưa ước tính được tụi nó áp dụng biện pháp trừng phạt như thế nào. Theo anh Đặng Đình Đán -Đại Tá ngành Chiến Tranh Chính Trị- cầm chắc là tụi nó bắt tụi Anh đi cải tạo. Đó mới chỉ là ước tính trước mắt thôi Em”.
Ngay sau ngày quân đội tan rã, chúng tôi ra chợ mua 2 chiếc xe đạp người lớn và 2 chiếc xe đạp nhỏ cho hai con lớn. Thường ngày chúng tôi đi chợ An Đông, trong khi vợ tôi vào chợ thì tôi mua gói khoai mì sượng (loại này ăn giòn giòn) ngồi trên yên xe dựa gốc cây mà ăn. Đúng là  hình ảnh “người thất nghiệp!”
Đến địa điểm trình diện, con gái tôi đứng cạnh gốc cây bên ngoài rào coi chừng xe. Tôi vào trong. Cái quang cảnh lúc ấy cho đến bây giờ vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ. Rất đông sĩ quan cấp Tá, mới ngày nào quân phục thẳng nếp mà giờ đây mặc thường phục nhăn nheo, đủ màu sắc, mặt mũi vóc dáng trông mất hẳn phong độ quân nhân. Tuy vẫn trao nhau những nụ cười nhưng rõ ràng là không thể che giấu những lo âu đằng sau những nụ cười đó! Đông đảo gặp nhau tuy không hẹn, nhưng nhờ đông như vậy nên ai nấy có vẻ vững dạ hơn, dù biết rằng nó bắt là nó bắt chớ không phải đông mà chúng nó không bắt. Mỗi sĩ quan trước khi ra khỏi nơi đây, phải nộp tất cả giấy tờ tùy thân quân sự lẫn dân sự, rồi nhận lại tờ giấy bé xíu có dòng chữ “Giấy Chứng Nhận Trình Diện”. Giấy trình diện của tôi số 116/13/AN, có chữ ký của tên Cao Đăng Chiếm, Ban An Ninh Nội Chính/Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định. 

Bị thẩm vấn tại Sài Gòn.

Lần thứ nhất.

Vài ngày sau đó, một người mặc quân phục cộng sản có vẻ là sĩ quan, dừng xe Vespa trước nhà tôi: “Tôi muốn gặp Phạm Bá Hoa”.

“Tôi đây. Xin lỗi, anh là ai?” Tôi vừa đáp vừa hỏi.

Anh ta không trả lời, mà nói:

“Tôi đến đưa anh thư mời. Thủ trưởng của tôi mời anh đến cơ quan ở số 26 đường Lê Văn Hưu, để trao đổi một số vấn đề công tác của anh trong quân ngụy”.

Nghe giọng anh ta nhấn mạnh âm thanh “quân ngụy” tôi cảm thấy nóng mặt. Nhìn hắn một lúc, tôi hỏi: Đường Lê Văn Hưu ở đâu?”

“Là con đường nhỏ, ngắn, gần Sở Thú. Anh biết Sở Thú không?”

“Biết”.

Không biết anh ta thấy gì trong câu  trả lời cộc lốc của tôi, anh ta nói:

“Cơ quan chúng tôi chỉ mời anh đến trao đổi công tác chứ không gì đâu”.

“Anh thấy tôi thế nào mà anh cho là tôi sợ?”

“Không. Tôi nghĩ thế thôi”.

“Anh không phải nghĩ gì cả. Tôi đang đứng trước mặt anh có nghĩa là tôi chẳng sợ gì cả, với lại có sợ cũng chẳng giải quyết được gì”.

Lúc ấy, vợ tôi từ trên lầu xuống, anh ta đon đả:

“Chị an tâm. Chúng tôi chỉ mời anh đến làm việc một lúc vào sáng mai thôi. Không việc gì đâu chị”. 

Anh ta có vẻ tâm lý chớ lúc đó vợ tôi chẳng có vẻ gì lo âu, nhưng khi anh ta đi rồi thì vợ tôi lo thật sự:

“Mai Anh nên cho con Trung (16 tuổi) theo Anh nghe?”

 “Nếu tụi nó có làm gì Anh thì Em cũng chẳng kêu ca với ai được đâu, trong khi nó thấy Anh đem người theo có thể tụi nó cho rằng Anh sợ chúng nó bắt. Sợ thì sợ nhưng đừng lộ ra cho tụi nó biết Em à. Từ nay mình qui ước với nhau, nếu Anh đi đâu hết buổi mà không về thì coi như Anh bị tụi nó bắt. Em cho các bạn biết mà đề phòng. Đến lúc nào đó thì Em cũng biết tin Anh bị giam ở đâu thôi. Ngày mai, Anh sẽ đi một mình hà Em”.

“Dù sao Anh cũng không nên liều lỉnh”.

“Họ có kiêu hãnh của họ, mình cũng có kiêu hãnh của mình cho dù mình thua trận”.  
      
Ngày hôm sau. Đây là lần đầu tiên tôi đến cơ quan của cộng sản mà không một bạn đồng đội nào của tôi có mặt. Khóa xe đạp xong, vừa lúc một lính cộng sản bước đến, lớn giọng:

“Anh là ai? Đến đây làm gì?”

Tôi im lặng trong khi đưa hắn tờ giấy. Lật qua lật lại, hắn nhìn tôi:

“Anh theo tôi.”

Đây là ngôi biệt thự nhỏ, xinh xắn. Vào gian phòng bên trong. Chiếc bàn con giữa bộ ghế mới toanh, một bình trà, 4 cái tách, và gói thuốc lá đen sản xuất ngoài Bắc. Khoảng 5 phút sau, một anh chàng khá cao, mặc quân phục bộ đội cộng sản nhưng không đeo cấp bậc, bước vào, ngồi xuống. Hắn mở gói thuốc đưa về phía tôi:

“Mời anh.”

“Cám ơn. Tôi không biết hút.”

Anh ta vừa rót trà vừa hỏi:

“Có phải anh là Phạm Bá Hoa không?”  

“Phải. Tôi là Phạm Bá Hoa. Anh có bắt buộc cách xưng hô không?”

“Không. Trước hết tôi muốn biết trong gia đình anh có ai chạy ra nước ngoài không?”

“Em tôi thì có, vợ con tôi thì không.”

Hắn bắt đầu lên giọng:

“Anh chạy không được hay không muốn chạy?”

“Tôi tính sai nên không chạy được.”

Hắn nhìn thẳng vào tôi: “Nghĩa là anh có tìm cách chạy?”

“Đúng.”

Đôi mắt hắn cho tôi suy đoán hắn đang bực tôi với những câu trả lời khô khan gần như thách thức, hay ít ra cũng không kiên nễ hắn. Bỗng hắn dịu giọng cùng lúc với nét mặt trở nên nhẹ nhàng:

“Thôi được. Bây giờ tôi có một số vấn đề trao đổi với anh.”

“Trong thư mời có nói mục đích. Bây giờ tôi sẳn sàng.”

“Ông Khuyên của anh còn ở Sài Gòn không?” 

“Tôi không biết.”

Nét mặt hắn đanh lại:

“Tại sao anh không biết, ông Khuyên là Thủ Trưởng của anh mà?”

“Đúng. Trung Tướng Khuyên là cấp chỉ huy của tôi, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi biết mọi hành động của ông ấy. Tôi chỉ biết Trung Tướng Khuyên rời văn phòng trưa ngày 29 tháng 4 (1975), sau đó tôi hoàn toàn không biết gì thêm.”

Hắn lại dịu xuống và mời tôi tách trà, nhưng hắn uống trà đắng quá nên tôi chỉ hớp một hớp là để xuống. Hắn lại hỏi:

“Tướng Viên của anh chạy hồi nào?”

“Tôi không biết.”

“Tôi có vào bàn giấy của anh. Bản tên của anh vẫn còn đó. Với cấp chức của anh như vậy tại sao anh không biết gì hết.”

Có vẻ như hắn nghĩ rằng trong chức vụ Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận là tôi phải biết nhiều việc trong Bộ Tổng Tham Mưu nên hắn có ý cho là tôi không nói sự thật. Nếu hắn nghĩ như vậy là đúng. Thấy tôi im lặng, hắn tiếp:

“Tôi muốn anh cho biết trong khu vực Bộ Tổng (Tham Mưu) của anh có hầm chứa vũ khí khí tài gì không?”

“Trước khi trả lời anh, xin anh giải thích khí tài là gì?”

“Nó có nghĩa như từ Quân Cụ của anh vậy.”
“Vậy là tôi hiểu. Trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu chúng tôi rộng lắm, với nhiều cơ quan khác nhau đồn trú trong đó. Riêng phạm vi Tổng Cục Tiếp Vận chúng tôi  không có hầm hố gì cả, còn các cơ quan khác thì tôi không biết.”

“Các anh có hầm bí mật nào trong căn cứ Long Bình?”

“Chắc anh cũng biết căn cứ Long Bình rộng hằng mấy chục lần diện tích Bộ Tổng Tham Mưu, trong đó rất nhiều đơn vị quân đội, rất nhiều cơ quan kinh tế. Tại đó, chúng tôi có Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận và một Tổng Kho. Cả hai cơ quan này không có hầm bí mật nào cả, mà chỉ có hầm nửa nổi nửa chìm để tồn trữ hàng cần nhiệt độ lạnh của máy vô tuyến thôi. Bản thân tôi cũng chưa biết hết hai khu vực của cơ quan Tiếp Vận thì những cơ quan khác làm sao tôi biết. Với lại trong tồn trữ, quân đội chúng tôi không có khái niệm về hầm bí mật chôn giấu bất cứ loại trang cụ nào cả.”

“Tôi sang vấn đề khác. Anh suy tư gì khi quân đội cách mạng chúng tôi vào giải phóng hoàn toàn miền Nam?”

Tôi cầm tách trà và nhích từng nhích một để có thời gian tập trung những điều mà tôi ước tính khi bị chúng nó hỏi đến, và câu hỏi này nằm trong ước tính đó. Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn và chậm rãi:

“Bây giờ nói gì thì nói, chúng tôi đã thua các anh rồi, nhưng có điều tôi không hiểu là tại sao chúng tôi thua và thua các anh như trong cơn ác mộng vậy.”

Hắn có vẻ bực: “Đây chính là câu tôi hỏi anh.”

“Vậy thì anh xem như tôi vừa trả lời anh.”

“Ngắn gọn quá. Anh có thể phát biểu cụ thể được không?”

“Như anh đã biết. Các đại đơn vị của chúng tôi từ Quảng Trị, Tây Nguyên, vào đến Biên Hòa, và thậm chí cả Sài Gòn nữa, xem như rút lui trước khi các anh đến, gọi là thua cũng được. Nhưng toàn bộ lực lượng Quân Đoàn 4 vùng đồng bằng Cửu Long sẳn sàng tác chiến mà vẫn thua. Và rất có thể vì chúng tôi thua một cách khó hiểu như vậy mà quân đội chúng tôi có đến 5 vị Tướng cùng nhiều sĩ quan đã tự sát tại đơn vị. Chắc anh có nghe tin này chớ? Tôi có giả thuyết rằng, phải chăng chúng tôi thua vì vấn đề chiến lược của các nước lớn là Hoa Kỳ, Nga Sô, và Trung Cộng chăng? Xin anh hiểu rằng, câu trả lời của tôi chẳng qua là do câu tự hỏi của tôi thôi.”
Hắn nhìn ra ngoài cửa, im lặng một lúc, hắn nhìn tôi với cái vẻ tâm lý:

“Được. Bây giờ cũng đến giờ ăn trưa, anh về kẻo chị và mấy cháu trông.”

Sau khi chào nhau, hắn tiễn tôi ra  … tận gốc cây vì xe đạp của tôi khóa ở đó. Anh ta nói:

 “Có thể một đồng chí nữa của tôi sẽ mời anh sau.”

“Tôi sẳn sàng.”

Về nhà, tôi thuật lại cho cựu Đại Tá Nguyễn Thành Chí (Bộ Quốc Phòng), cựu Đại Tá Lại Đức Chuẩn (Bộ Tổng Tham Mưu), và cựu Đại Tá Phạm Văn Thường (Tổng Cục Tiếp Vận) nghe. Lúc ấy tôi mới biết cơ quan đó (chẳng biết cơ quan gì) đã mời một số các bạn cấp Đại Tá thua trận đến thẩm vấn trước tôi.

Lần thứ hai.

Mấy hôm sau, vẫn anh chàng đi xe Vespa lần trước, đến đưa thư mời và anh ta rời ngay chớ không ra cái điều kiêu hãnh như trước. Vẫn tại số 26 đường Lê Văn Hưu. Qua lần trước, vợ con tôi có vẻ an tâm phần nào nên chỉ nhắc tôi cẩn thận khi gặp họ thôi.
Vừa khóa xong chiếc xe đạp vào gốc cây, vẫn anh lính gác nhỏ nhắn quê mùa hôm trước đến cạnh tôi. Sau khi xem thư mời, anh ta đưa tôi vào phòng làm việc. Đó là gian phòng nhỏ, không phải gian phòng lần trước. Một bàn viết, một ghế bành ngay sau bàn dành cho người “thắng trận”, và hai ghế nhỏ trước bàn chắc là dành cho người “thua trận”. Ngồi một lúc, anh lính có lẽ là lính tùy phái, cho tôi biết:

“Anh sẳn sàng. Thủ trưởng tôi sắp gặp anh”.

Danh từ “thủ trưởng” của cộng sản được hiểu là cấp chỉ huy đứng đầu cơ quan hay đơn vị. Và xem chừng cái anh chàng thủ trưởng nào đó có chức vụ cao hơn cái anh chàng lần trước chăng? “Chào anh”. 

Anh chàng này có vóc dáng cao lớn, mặt mũi có phần thô kệch, vừa  bước ra lên tiếng như vậy. Trước khi ngồi vào ghế, anh ta chìa tay ra bắt tay tôi.

“Chào anh”. Tôi nhớm dậy bắt tay anh ta.

Hắn rót nước trà vào hai cái tách. Từ chiếc bình cao bên trên, dòng trà đậm tuôn vào tách tạo nên âm thanh róc rách, bỗng dưng tôi liên tưởng đến âm thanh của dòng suối Yaly trong vùng rừng núi Kon Tum, nơi mà 20 năm trước tôi phụ trách theo dõi các đơn vị của Trung Đoàn 35 Bộ Binh huấn luyện. Chẳng hiểu sao trong tình cảnh ấy mà tôi chợt có một thoáng lãng mạn như vậy nữa.

“Anh xơi nước”. Lời của hắn kéo tôi trở lại thực tế.

“Mời anh”.

Tôi hớp vài ngụm trà, đắng ơi là đắng. Tôi thầm nghĩ: “Vậy là họ uống trà thật đặc. Rất có thể họ quen dùng trà đặc để chống đỡ khí lạnh khi họ lầm lũi trong rừng núi dọc con đường sinh bắc tử nam mà họ gọi là đi “giải phóng” đó chăng?”
 Hắn bắt đầu với cái vẻ chậm rãi:
“Tuần trước tôi bận công tác nên một đồng chí của tôi tiếp anh. Tôi có biết qua những trao đổi đó. Hôm nay tôi mời anh đến đây trao đổi tiếp vài vấn đề”.

“Tôi sẳn sàng”. Tôi đáp.

“Anh có chắc là ông Tướng Khuyên của anh đã chạy sang Mỹ không?”

Hắn hơi nhấn mạnh mấy chữ cuối câu.

“Tôi chỉ biết là ông ấy rời khỏi văn phòng trưa ngày 29 tháng 4 (1975), còn sau đó tôi không biết gì thêm.”

“Có một Đại Tá của mấy anh nói với chúng tôi là ông ta  đi không được. Anh nghĩ sao?”

“Tôi biết chắc chắn là Trung Tướng Khuyên đã vào Tân Sơn Nhất để di tản bằng trực thăng, còn thật sự có đi được hay không thì tôi không thể trả lời anh được. Với lại tôi nghĩ, anh nên hỏi thêm tin tức ở anh nào đó đã nói với anh cho rõ. Phần tôi, tôi chưa biết số phận của tôi và gia đình tôi ra sao, còn lòng dạ nào nghĩ đến cấp chỉ huy cũng như những đồng đội của tôi đi được hay không đi được”.

Hắn nhìn thẳng vào mặt tôi: “Sao anh bi quan quá vậy?”

Không kém. Tôi cũng nhìn thẳng vào hắn:

“Tôi không cho là bi quan. Nhìn nhận một sự thật không phải là bi quan.”

Hắn dịu giọng với cái vẻ tình cảm: “Bây giờ mình sang vấn đề khác.” 

“Tôi sẳn sàng”.

Tôi hay dùng câu này để hắn hiểu là tôi chấp nhận đối phó với hắn.

“Cái hầm bí mật trong Bộ Tổng (Tham Mưu) của mấy anh ở chỗ nào?”

“Lần trước tôi đã trả lời rồi. Tôi xin lặp lại với anh, trong phạm vi cơ quan tôi làm việc không có hầm hố gì cả, còn trong phạm vi các cơ quan khác thì tôi không biết.”

Thật ra trong Bộ Tổng Tham Mưu có một cái hầm bí mật mà Trung Tướng Nguyễn Khánh cho Công Binh xây cất năm 1964 để các cấp lãnh đạo tránh bom trong khi vẫn chỉ huy chiến đấu trong trường hợp quân cộng sản nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sử dụng đến Không Quân. Hầm này có cầu thang xoáy ốc từ cuối phòng trước mặt của vị Tổng Tham Mưu Trưởng đi xuống. Cầu thang xuyên qua phòng họp ở tầng trệt, nhưng nếu không để ý cũng không dễ gì nhận ra tác dụng của cầu thang xoáy ốc này.

Hắn ra chiều tức tối và bắt đầu gay gắt:

“Anh có biết  quân ngụy của anh thua trận không?”

“Dĩ nhiên là tôi biết, nhưng  tôi không biết tại sao chúng tôi lại thua các anh, và vì thua trận nên giờ này tôi ngồi trước mặt anh đây.” 
 
“Thua trận, lại được đảng với nhà nước khoan hồng nhân đạo. Tại sao anh vẫn ngoan cố không chịu hợp tác khai báo với chúng tôi?”

“Tại các cơ quan mà tôi đã trình diện cũng như bây giờ, các anh hỏi điều gì tôi khai báo điều đó. Vậy mà anh cho là tôi ngoan cố trong khi tôi tự thấy tôi rất thành thật khi trả lời câu hỏi của anh. Tôi biết phải trả lời như thế nào anh mới cho là không ngoan cố?”

Hắn lại dịu giọng nhưng không còn chút lịch sự như lúc bắt đầu nữa:

“Tại Long Bình, các anh chôn giấu vũ khí khí tài trong hầm bí mật rất lớn. Hầm đó ở chỗ nào?”

“Anh hỏi những câu mà tôi không biết, rồi anh nói tôi ngoan cố. Tôi không biết phải trả lời anh như thế nào vì lần trước tôi đã trả lời rồi. Riêng những cơ quan Tiếp Vận của chúng tôi trong căn cứ Long Bình, không có hầm bí mật nào cả. Đơn giản vì trong tồn trữ, chúng tôi không có khái niệm về hầm bí mật như các anh.”
Im lặng một lúc, hắn lại rót trà, nhưng là rót cho hắn chớ không mời tôi nữa. Hắn nhìn ra sân, nốc một hơi hết chun trà chắc là cho hạ cơn giận, rồi quay sang tôi:
“Anh cứ ngồi đây, trong chốc lát trao đổi tiếp.”
Hắn đứng lên, bước vội vào phòng bên cạnh. Tôi nghĩ: Dường như hắn tự hưu chiến để cơn giận hạ xuống rồi “oánh” tiếp, hoặc lục lọi tài liệu gì đó để nghiên cứu thêm, hoặc cũng có thể tạo không khí im lặng khó thở để thần kinh tôi căng thẳng dễ bị hắn “oánh” chăng?
Áng chừng 10 phút sau, hắn ngồi vào ghế, giọng hắn mềm mại như lúc bắt đầu:

 “Gia đình ta có mấy người làm tay sai cho chế độ Thiệu? Và có ai theo cách mạng không?”

Chừng như hắn cho tôi là con nít không bằng, khi hắn hỏi “gia đình ta có mấy người làm tay sai cho chế độ Thiệu”, nghe mà dễ giận:

“Trừ tôi ra, không một ai trong thân quyến tôi làm việc trong chế độ của chúng tôi vừa sụp đổ, và cũng không có người nào tham gia hoạt động trong hàng ngũ các anh.”

“Gia đình anh có cơ xưởng hay nhà máy sản xuất gì?”

“Không có gì cả.”

Hắn ghìm đôi mắt vào trang giấy xếp đôi nhưng tôi không rõ có chữ nghĩa gì trong đó. Đoạn, hắn nhìn tôi:

Anh trong sạch quá hả?”

“Không. Tôi biết  tôi chẳng trong sạch gì, vì nhiều lần tôi đã dùng xăng của quân đội đổ vào xe riêng.”

“Anh có tin vào chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng với nhà nước đối với sĩ quan ngụy các anh không?”

“Nói thiệt với anh, cho đến lúc nào tôi còn sống bên cạnh vợ con tôi thì tôi biết là tôi chưa chết.”

Hắn xuống giọng:

“Sao anh bi quan vậy? Thời gian học tập cải tạo là cần thiết để các anh có điều kiện tiếp thu tư tưởng cách mạng.”

“Tôi nghĩ lời anh nói không đúng. Tôi không bi quan, nhưng chỉ riêng một số trường hợp mà các anh áp dụng trong cư xá chúng tôi, đã không cho chúng tôi điều gì để gọi là lạc quan cả. Với lại tôi nghĩ là tôi thực tế chớ không phải là bi quan. Nói cho cùng, anh em chúng tôi trong tay các anh, hà tất phải bi quan.”

Giọng hắn trở nên gắt gỏng:

“Anh làm tay sai trong quân đội ngụy bao lâu?”

“Hơn 20 năm, hay nói 21 năm cũng được.”

“Trong cơ quan anh có bao nhiêu Đại Tá bỏ chạy?”

“Tôi không rõ, vì mạnh ai nấy tìm đường thoát thân, và tàn cuộc chiến chưa ai liên lạc với ai nên tôi chưa biết trong số bạn tôi, ai đi ai còn.”

“Chức vụ Tướng Khuyên là gì?”

“Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu, kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận.”

“Dưới ông Khuyên là ai?”

“Đại Tá Phạm Kỳ Loan.”

“Dưới ông Loan là ai?”

“Là tôi.”

“Anh vẽ cho tôi tổ chức của anh được không?”

“Được.”
Tôi ngồi vẽ tại chỗ về tổ chức tổng quát của bộ tham mưu Tổng Cục Tiếp Vận. Tôi nghĩ, không chắc hắn cần sơ đồ này mà có thể hắn dò xem tôi có khai thật với hắn không, vì tất cả tài liệu về tổ chức lẫn hoạt động của Tổng Cục Tiếp Vận còn nguyên trong các tủ, thể nào hắn cũng có trong tay. Cho nên có giấu cũng chẳng lợi gì mà có khai cũng chẳng có gì hại. Nghĩ vậy, tôi vẽ đúng sự thật.   
Hắn xem một lúc rồi lật qua lật lại, cuối cùng hắn để sang một bên, hỏi tiếp:
“Anh có thể vẽ lại tổ chức Bộ Tổng (Tham Mưu) của mấy anh được không?”

“Không. Vì tôi không biết hết các cơ quan của Tổng Tham Mưu.”

Hắn nhìn tôi một lúc, chừng như hắn quan sát xem tôi có thành thật hay không thì phải. Hết nhìn tôi lại nhìn ra cửa, tôi tưởng là hết chuyện. Nhưng không, hắn lại hỏi:

“Tôi trở lại câu mà đồng chí của tôi đã hỏi anh hôm trước. Anh có biết tại sao các anh thua nhanh như vậy không?”

Hóa ra là hắn suy nghĩ tìm cách kéo tôi trở lại câu hỏi và có lẽ đó là câu hỏi chánh thì phải. Tôi đáp:

“Vẫn là câu trả lời lần trước vì tôi không thể có câu nào khác, nhưng tôi nói thêm với anh rằng, nhiều anh em chúng tôi nhìn nhận sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi như cơn ác mộng mà trong thực tại không thể chối bỏ, và thực tại đó chắc sẽ còn dài lâu trong anh em chúng tôi.”

“Anh có cho rằng, quân đội mấy anh thua trận là do tan rã hàng ngũ không?”

Tôi hơi ngạc nhiên khi hắn đặt câu hỏi như vậy, vì tôi cứ nghĩ là hắn sẽ huênh hoang đề cao cái quân đội của hắn:

“Tôi chưa hiểu rõ chữ tan rã mà anh vừa nói.”

Hắn gằn giọng: “Anh hiểu thế nào?”

“Có phải anh cho là chúng tôi tan rã hàng ngũ mà thua các anh phải không?”

“Đồng chí của tôi nói đúng. Anh rất ngoan cố.”

Tôi cố gắng giữ bình tỉnh và thầm nghĩ, đã vào hang cọp thì nó muốn ăn thịt mình lúc nào chẳng được, có sợ hãi cũng không giải quyết được gì, cho nên cần giữ phong cách vững vàng cho hắn thấy tư cách và nhận thức của người thua trận. Tôi từ tốn:

“Theo tôi, suy cho cùng, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi vẫn là một vấn đề chiến lược từ bên ngoài.”  
    
“Anh ám chỉ Hoa Kỳ phải không?”

“Tôi không có ý như vậy.”

“Anh ngoan cố. Anh đã nói như vậy với đồng chí của tôi trong lần trước.”

“Chắc là do hiểu lầm thôi, vì đó chính là câu mà tôi tự đặt ra cho tôi để thay câu trả lời chớ không phải câu xác định. Sự nhầm lẫn trong ngôn ngữ chính trị cho dẫu là vô tình, thường khi rất nguy hại.” 
  
“Tôi trông đợi ở anh vì các bạn anh đều khai rằng, anh là người ở Bộ Tổng (Tham Mưu) lâu năm, nhưng sau hai lần trao đổi, anh chẳng nói lên được điều gì. Anh có thấy thế không?”

Bỗng dưng hắn dịu giọng đến mức như tâm tình, ra cái điều như bè bạn vậy. Nếu tôi thiếu thận trọng là dễ rơi vào bẫy của hắn. Tôi đáp:

“Biết làm sao hơn khi mà tôi chỉ biết có bấy nhiêu đối với những câu hỏi của anh. Chúng tôi đã thua các anh rồi, còn gì mà giấu nữa. Với lại nói là làm Chánh Văn Phòng cho ông này ông kia, nhưng tôi chỉ lo những việc lặt vặt của các vị ấy, còn việc quan trọng thì có các cơ quan phòng sở nhận lệnh và trực tiếp thi hành rồi.”

Hắn đưa tay lên xem đồng hồ, chắc mới chia chác đâu đó nên có cái đồng hồ mới toanh, màu vàng óng ánh. Bỗng dưng hắn mỉm cười:

“Anh có thể về dùng cơm. Chúng tôi sẽ mời anh sau.”

“Chào anh.” 

Tôi không quên lời của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu tại Quốc Hội iưỡng viện trong trận chiến Tết Mậu Thân đầu năm 1968: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”, nên tôi ứng dụng ngay trong lần thẩm vấn trước và rút ra chút kinh nghiệm, giúp tôi thêm tự tin khi vào “hang cọp”. Với chút kinh nghiệm khi đối diện với kẻ thắng trận, suy nghĩ của tôi vừa giữ những bí mật cần thiết dù chưa biết lợi ích ra sao, vừa giữ phong cách của người sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Và lần thứ hai này tôi đã “xung trận” với họ trong sự suy nghĩ đó. 
Từ sau ngày có lệnh trình diện chánh thức (9/5/1975) cổng ra vào cư xá Bắc Hải bị khép chặt, các anh em sĩ quan chúng tôi không một ai được ra khỏi cổng, cũng không một ai từ bên ngoài được vào. Chúng tôi thường gặp nhau bên trong cư xá để bàn những chuyện xoay quanh những biện pháp mà chúng nó có thể áp dụng với mình mà chúng nó gọi là “quân ngụy”. Thật ra chỉ là bàn chuyện theo cách suy nghĩ của người tự do chớ có ai hiểu gì về phía cộng sản đâu, ngoại trừ anh Đặng Đình Đán (Tổng Cục Chiến Thanh Chính trị) là có chút kinh nghiệm. Một buổi sáng, hai chúng tôi ngồi trên xích đu trong sân nhà tôi, anh nói:

“… Bác Hoa này, bác nhớ là khi bị chúng nó thẩm vấn chỉ trả lời càng ngắn càng tốt, không nên giải thích dài dòng, vì càng dài dòng chúng càng moi được những sơ hở rất thành thật của mình để rồi chúng nó qui trách tội này tội khác…”

Anh Đán giải thích thêm rằng:

“… Khi cộng sản muốn kết tội thì chúng hỏi mình thật nhiều lần về một nội dung, dĩ nhiên là cách hỏi có thể khác nhau đôi chút. Phương cách đó dễ làm cho người bị tra hỏi trở nên bực mình, để rồi rơi vào áp lực tâm lý càng lúc càng nặng mà trả lời bừa bãi. Hoặc nếu mình nói dối, thì trong nhiều lần trả lời thể nào cũng có những điểm không giống nhau, thế là chúng nó căn cứ vào đó để kết tội, một cái tội nghe rất kỳ cục là “phản cách mạng”. Kỳ cục ở chỗ là người bị kết tội có bao giờ tham gia hàng ngũ của chúng đâu mà chúng gọi là “phản cách mạng.”  

Phỏng vấn thu hình.

Một  buổi sáng, anh Nguyễn Kim Sơn dẫn một nhóm người đến gõ cửa. Thấy anh kỹ sư Sơn trong cùng cư xá nên tôi mở cửa:

“Chào anh Sơn. Có việc gì vậy?”

“Đây là các anh ở đài truyền hình đến xin phỏng vấn anh.”

Rồi anh giới thiệu:

“Đâ là Cán bộ. Đây là anh Tổ trưởng. Và đây là chuyên viên quay phim.” 

Sau khi ngồi vào ghế, anh chàng được giới thiệu là Tổ Trưởng tự giới thiệu:

“Tôi là bác sĩ, nhưng tôi không thích nghề đó mà lâu nay tôi theo ngành truyền hình.”

Trời đất! Nghe hắn tự giới thiệu là tôi mỉm cười vì tôi tin là hắn “xạo”. Bởi vì cái  xã hội xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trên đất Bắc, làm quái gì có hệ thống truyền hình mà hắn theo từ lâu. Từ cái xạo đó, tôi nghĩ, không chừng cái danh xưng “bác sĩ” cũng là “xạo” luôn nữa chăng? Chẳng qua là mới tập tễnh trong ngành này từ khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ chớ bao lâu đâu. Trong khi “Tổ trưởng truyền hình xạo” tự giới thiệu, anh chuyên viên chuẩn bị thu hình, còn anh chàng được giới thiệu là cán bộ thì ngồi viết lia lịa, chẳng hiểu là anh ta viết cái thứ gì trong ấy.

Trước khi thu hình, “Tổ Trưởng xạo” hỏi tôi:

 “Anh có cần viết trước không?”

“Không.”

“Khi chúng tôi mở đèn anh cố giữ tự nhiên nhé!”

Có lẽ hắn nhà quê nên tưởng ai cũng quê như hắn?”

“Anh không cần nhắc điều này.” Tôi bắt đầu tưng tức.

“Vậy thì thuận lợi đấy.”

Tôi hỏi: “Tại sao là thuận lợi?”

Với một thoáng nhìn biểu lộ vẻ ngạc nhiên: “Anh hiểu sao cũng được.”

Bắt đầu phỏng vấn. Lúc ấy có cả vợ và các con tôi ngồi cạnh. Anh ta hỏi:  “Trong gia đình anh có ai chạy ra nước ngoài không?”

“Không.”

“Những ngày cuối cùng, gia đình anh có ai thiệt hại gì không?”

“Không.”

Hắn mở tờ thông cáo ra và hướng sang tôi:

“Anh suy nghĩ gì về chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng đối với ngụy quân ngụy quyền?”

“Tôi có đọc thông cáo đó và anh bộ đội gác cổng cư xá chúng tôi cũng đã xé bỏ nó khi tôi đưa anh ta xem để xin ra cổng, đưa con tôi đi băng bó cánh tay bị sai khớp xương do trượt chân trên nền gạch. Anh ta nhất định không cho, và nói rằng tờ giấy đó có giá trị gì mà đưa anh ta. Hành động đó làm tôi cảm thấy nóng mặt và tôi quay vào. Vậy là giữa lời nói với việc làm của Ủy Ban Quân Quản không đúng, nhưng tôi nhìn nhận cho đến bây giờ, tôi và gia đình tôi vẫn an toàn, còn từ bây giờ về sau tôi chưa rõ.”

Hắn khựng một lúc:

 “Cách mạng nói là làm, anh hãy tin vào cách mạng.”

Tôi chờ hắn hỏi thêm để trả lời nhưng hắn nói đến đây là hết phần thu hình. Bấy giờ anh chàng “cán bộ” hỏi tôi:

“Anh là Đại Tá, chắc anh giết nhiều con nít lắm mới được quân hàm đó phải không?”

Có thể lúc ấy mặt tôi đỏ lên, và tôi phải trấn tĩnh lại mới trả lời hắn:

“Quân đội nhân dân của anh thăng cấp như vậy sao?”

“Tôi hỏi anh sao anh hỏi lại tôi?”

“Vì đây là lần đầu tiên tôi nghe câu hỏi như vậy. Tôi nghĩ là anh nên hỏi bất cứ người dân nào ở Sài Gòn này và cả miền Nam chúng tôi nữa, anh sẽ có câu trả lời, vì câu trả lời của tôi có chắc gì anh tin”.
Nhóm thu hình ra về. Tôi trở lại chuyện anh Nguyễn Kim Sơn, đang là “Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng” cư xá Bắc Hải. Năm 1973, bà con trong cư xá bầu ra một Ủy Ban Xây Dựng ngôi chùa An Quốc trong khuôn viên cư xá. Bác sĩ Hoàng Gia Hợp trách nhiệm Trưởng Ban, tôi trách nhiệm Tổng Thư Ký, anh Nguyễn Kim Sơn -kỹ sư điện- trách nhiệm kỹ thuật, dường như anh Lê Kim Ngô -Đại Tá Công Binh- trách nhiệm xây dựng thì phải, và một số vị khác nữa. Ngôi chùa đã cử hành lễ an vị Tượng Phật ngày 8 tháng chạp âm lịch (đầu năm 1975).
Ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh Sơn tự thành lập Ủy Ban nói trên trước sự ngỡ ngàng của bà con trong cư xá, nhất là tôi và các vị trong Ủy Ban Xây Dựng chùa An Quốc. Lúc bấy giờ anh Sơn cho tôi biết, anh thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và “nằm vùng” từ khi anh là nhân viên của hãng thầu Hoa Kỳ RMK-BRJ ở Qui Nhơn.
Trong những ngày đầu tiên này phải công nhận anh Nguyễn Kim Sơn rất sốt sắng giúp đỡ các sĩ quan trong cư xá, nhất là khi hai cửa ra vào cư xá bị đóng lại dưới sự canh gác của lính cộng sản, anh Sơn đã vào nhà tướng cộng sản Trần Văn Danh -chiếm nhà của Trung Tướng Phạm Quốc Thuần- ngay sau lưng nhà tôi, để can thiệp cho các sĩ quan được tự do ra vào cư xá trong khi chờ ngày học tập cải tạo. Tướng cộng sản đã mắng chửi anh Sơn là nuông chiều chúng tôi trong khi anh Sơn quì dưới chân ông ta.
Anh Sơn nói với tôi:

“Anh Hoa ơi! Dường như lý tưởng của tôi đặt không đúng chỗ.”

Tôi im lặng. Suy nghĩ… , vì điều mà anh gọi là lý tưởng đối nghịch với lý tưởng mà tôi phụng sự.

Nhưng rồi anh được lệnh (chẳng biết từ đâu) tịch thu tất cả nhà không có chủ hợp pháp để giao cho cán bộ chúng nó vào ở. Anh Sơn nhờ cựu Đại Tá Đàm Quang Yêu làm Trưởng Toán Kiểm Kê, một nhân viên của Phường xuống làm Phó Toán. Anh Đàm Quang Yêu nhờ tôi tiếp tay làm Thư Ký. Tôi với anh Yêu -cùng trong cư xá- bàn với nhau là hãy làm hết sức mình để thân nhân của những bạn đã di tản, đem ra khỏi nhà những gì có thể đem ra được mà không bị tên Phó Toán ngăn chận, vì hắn là cộng sản của Phường. Có tất cả 174 nhà trong danh sách kiểm kê có lẽ do anh Sơn thiết lập. Sau cuộc gọi là kiểm kê này, hầu như những đồ dùng như: tủ lạnh, tivi, đàn piano, xe xấu để lại xe còn tốt đem ra, đến bàn ghế cũng vậy, cái nào bán được giá thì đem ra. Không phải dễ dàng nhưng vì Phó Toán là tên cộng sản từ rừng núi vào thành phố nên hắn không hiểu hết giá trị của những đồ dùng trong nhà, nhờ vậy mà mạnh dạn cãi lý với hắn là hắn làm thinh. Hễ hắn làm thinh thì người trong nhà dọn ra ngay, sau đó đem gởi hàng xóm để khi nào cho đem ra khỏi cổng thì đem. Công việc cũng kịp lúc, vì tuần lễ sau đó là cái bọn rừng rú thắng trận ào ào vào chia nhau chiếm nhà.
Nói cho thật đúng, anh Nguyễn Kim Sơn cũng đồng ý với anh Đàm Quang Yêu và tôi cố gắng giải quyết vấn đề như vậy.
Khi tôi vào trại tập trung, cựu Thiếu Tá Trương Nguyên Thảo (anh vợ của anh Sơn) cho biết anh Nguyễn Kim Sơn bị bắt vào tù với tội “dùng vũ khí bất hợp pháp”. Bị ngồi tù ở khám Chí Hòa, tôi nghĩ, đó là chính sách “vắt chanh bỏ võ” như chúng đã bỏ hẳn cái võ “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” sau khi chiếm được Việt Nam Cộng Hòa vậy. Sau khi ra tù, anh Nguyễn Kim Sơn và gia đình vượt biển sang định cư ở Cộng Hòa Liên Bang Đức. (Mùa hè năm 2003, khi hay tin vợ chồng tôi du lịch Âu Châu, vợ chồng anh có đến thăm tại nhà thông gia chúng tôi ở thành phố Langen, ngoại ô thành phố Frankfurt)

 Đôi nét phản ảnh sinh hoạt miền Bắc.           

Tôi không chứng kiến những gì xảy ra ngoài phố, vì từ giữa tháng 5 (1975) họ đã quản thúc tất cả sĩ quan trong cư xá, tuy không có lệnh nào tống đạt đến chúng tôi như vậy nhưng đóng chặt hai cổng ra vào thì có khác gì quản thúc đâu. Cũng vì quanh quẩn trong cư xá nên thu nhặt được vài mẫu tin vặt đã xảy ra trong cư xá hoặc do các bà từ bên ngoài cư xá vào thuật lại, nhưng từ đó cho phép suy đoán sinh hoạt của người dân xã hội chủ nghĩa nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc).
Mẫu chuyện thứ nhất. Toán quân cộng sản vào chiếm căn nhà X10 (cách nhà tôi một căn) của Trung Tá Lương Phúc Xinh, Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn 25 Bộ Binh đã bị bắt trong khi gia đình anh đã di tản. Trong toán này có một đứa thỉnh thoảng lén sang nhà tôi xem tivi. Anh ta sinh ra và lớn lên trên đất Bắc. Một hôm, anh ta thuật chuyện ra cơ quan lãnh gạo (trước đó là cơ sở Cục Quân Tiếp Vụ, đường Tô Hiến Thành), thấy nhiều người đang nhốn nháo chỗ phòng vệ sinh. Và chuyện như thế này: “Toán nấu ăn mà anh ta gọi là anh nuôi thả vô cái chậu 2 con cá lóc để chiều ăn, nhưng phút chốc 2 con cá biến mất. Trong toán nghi ngờ lẫn nhau, vì thế mà cãi nhau to tiếng nặng lời. Cũng may lúc ấy có người nhà là dân Sài Gòn (di cư năm 1954), đến tìm bà con trong toán lính cộng sản này. Sau khi thuật chuyện và dẫn bà ta vào xem cái chậu, bà cười lớn và giải thích:

“Cái mà mấy anh gọi là “cái chậu” là cái cầu tiêu đó. Vậy là 2 con cá lóc xuống hầm cầu tiêu mất rồi”.

Câu chuyện chấm dứt ở đó, và anh ta nêu thắc mắc:

“Chúng tôi thấy trong (Nam) này làm cầu ỉa trong nhà, lượng phân thải ra không thu lại để chăm bón rau xanh, thật là phí. Còn chỗ ngồi ỉa cần gì phải làm đẹp như đồ sành đồ sứ trang trí trong nhà, phí phạm tài sản nhà nước quá”.

Người cộng sản xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc không dùng chữ  “đi cầu” hay “đại tiện” mà họ dùng chữ “ỉa”. (Năm 1979 tôi bị giam tại trại tập trung Nam Hà A, khi họ bắt chúng tôi quét dọn nhà của tên Trung Tá Trại Trưởng, thấy ghi chữ “ỉa nam” “ỉa nữ”. Điều này xác nhận nền giáo dục nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đào tạo nên những thế hệ với ngôn ngữ như vậy đó).    
Anh ta nêu thắc mắc một cách tỉnh bơ làm tôi liên tưởng như suốt ngần ấy tuổi đầu, anh ta chỉ sống trong rừng sâu mới vào thành phố, hoặc anh ta ở thành phố nhưng sinh hoạt trong thành phố xã hội chủ nghĩa miền Bắc chẳng khác người sống trong rừng sâu bao nhiêu.

Tôi hỏi: “Vậy ngoài Bắc các anh làm cầu tiêu ở đâu?”

“Nhà nước hướng dẫn làm cầu 2 hầm và làm bên ngoài nhà. Khi hầm bên này  đầy thì đậy nắp lại rồi dùng hầm bên kia. Độ 3 tháng thì phân hoai (được hiểu là khô lại và ít mùi hôi), lúc đó xúc vào thùng làm phân bón rau xanh hoặc đem bán cho những hợp tác xã.”   

Tôi thấy hứng thú về tìm hiểu xã hội miền Bắc, nên hỏi tiếp:

“Đó là vùng ngoại ô. Vậy trong thành phố làm sao có đất như ở làng quê mà làm cầu 2 hầm?”  

Anh ta đáp:

“Ở nội thành thì làm trong nhà, mỗi sáng có xe thùng đến từng nhà lấy phân ngay dưới chỗ cầu ỉa đổ vào xe, đem bán cho các hợp tác xã nông nghiệp ngoại thành. Tôi thấy trong Nam mấy anh phí phạm nguồn phân này quá. Nhà nước nói bỏ như vậy là phí phạm tài sản xã hội chủ nghĩa đấy”.

“Trời đất ơi! Làm cầu trong nhà theo cái kiểu ấy thì tài sản xã hội chủ nghĩa hôi thúi chịu gì nỗi. Rồi ruồi nhặng ô nhiễm nữa. Ghê quá vậy! Tôi chưa biết đất Bắc của anh ra sao, nhưng nghe anh nói tôi có cảm tưởng miền Bắc của mấy anh lạc hậu quá, đi sau xã hội miền Nam chúng tôi ít ra cũng 30 năm hay hơn nữa mặc dù miền Nam chúng tôi bị các anh vào gây chiến.”

Ngồi một lúc, chừng như hiểu được lời mỉa mai của tôi nên anh ta ngượng ngùng và lặng lẽ ra về. Từ đó, anh ta không lén sang nhà tôi xem nhờ tivi nữa.
Mẫu chuyện vặt thứ hai. Chuyện xảy ra ngay trong cư xá chúng tôi trong căn thứ 3 dãy V, đối diện dãy X của tôi. Cũng là nhà đã di tản nên một toán quân cộng sản vào chiếm giữ. Một buổi sáng, một tên cộng sản bé con hối hả vào nhà bên cạnh nhờ sang xem giùm cái máy không biết để làm gì mà phát ra gió lạnh quá, toán anh ta phải ra ngủ ngoài hiên. Khi anh cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa xem sang giùm chúng. Hóa ra chuyện rất đơn giản. Vì họ không biết đó là cái máy điều hòa không khí, tay chân táy máy thế nào lại vặn đúng cái nút ON. Thế là máy chạy, ban đầu thì mát, đến nửa đêm quá lạnh mà họ không có mền.
Mẫu chuyện vặt thứ ba xảy ra ở cư xá Đô Thành, đường Phan Thanh Giản. Một nữ bác sĩ cộng sản từ Bắc trở về Nam sau hơn 20 năm theo cha “tập kết” ra Bắc, cô ta tìm đến gia đình người chú là Trung Tá Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa. Dù mới gặp nhau lần đầu nhưng chú cháu tỏ ra vui vẻ, cho dẫu trong lòng hai chú cháu nghĩ như thế nào thì chỉ có họ mới biết. Sáng dậy. tiếng cô cháu bác sĩ cộng sản ơi ới:

“Thiếm ơi! Đi ỉa ở đâu Thiếm?”

Bà Thiếm là người miền Nam.

“Cháu đẩy cửa đó mà vào.”

“Sao cầu ỉa làm trong nhà, mà lại trên lầu thì làm sao người ta mang đi đổ được?” 

“Cháu nói đổ cái gì?”

“Đổ phân chứ đổ gì.”

“Vậy chớ ngoài Bắc không làm cầu tiêu trong nhà thì làm ở đâu?”
    
“Cầu ỉa phải làm ở ngoài chứ ai làm trong nhà, để xe đến lấy phân bón rau xanh chứ thiếm. Đảng với nhà nước nói bỏ là phí phạm tài sản xã hội chủ nghĩa mà.”  

“Ở Sài Gòn, nói chung là cả miền Nam này đều làm cầu trong nhà, và là loại cầu tự hủy chớ ai mà khiêng đổ. Ghê lắm!”

Cô ta vào phòng vệ sinh, lại thò đầu ra:

 “Cái nào là cầu ỉa hả Thiếm?” 

Báo hại bà Thiếm “ngụy” phải vào phòng vệ sinh chỉ cho cô cháu “bác sĩ cộng sản” biết, cái nào là cầu tiêu, cách ngồi như thế nào, dùng giấy ra sao, dùng rồi phải bỏ vào đâu, cách giật nước, ..v..v.. Bà Thiếm chỉ dẫn rồi, phải nhắc lại cho cô cháu “bác sĩ lạc hậu” biết cách sử dụng loại giấy sản xuất cho nhu cầu này, chớ các thứ giấy khác sẽ làm nghẹt cầu. Bà Thiếm phải giải thích như vậy, vì cô cháu chồng là bác sĩ xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc, một xã hội rất xa lạ với những tiện nghi sinh hoạt của người dân bình thường trong xã hội tự do trên đất Nam. Nghe giải thích đến đâu, cô cháu bác sĩ cộng sản thè lưỡi đến đó.    
Tôi chưa biết miền Bắc mà chỉ biết qua sách báo. Theo đó, Hà Nội trong những năm 40-50 được xem là thanh lịch nhất, nhưng hơn 20 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, người Hà Nội thụt lùi quá xa so với người dân Sài Gòn, xa đến mức không thể tưởng tượng được.
Chỉ vài ba mẫu chuyện vặt về tiện nghi sinh hoạt trong gia đình người dân miền Nam mà họ gọi là “ngụy”, đã vượt quá xa mức sống của người dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa, kể cả tầng lớp bác sĩ kỹ sư của họ. Từ đó tôi suy đoán dưới sự cai trị độc tài của cộng sản, người dân không thể nào tiến lên mức văn minh được. Thế mà họ cứ hô hào tiến lên xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ:

“Vậy là xã hội chủ nghĩa nằm sâu dưới đáy vực của văn minh?”

Thưa quí vị quí bạn, tiếp đây cũng là chuyện vặt nhưng dính dáng tí ti về chính trị. Chuyện xảy ra tại chợ Mỹ Tho sau khi quân cộng sản vào chiếm thành phố này, do cựu Trung Tá Trần Kinh Điển -bạn cùng khóa 5 Thủ Đức với tôi- kể lại khi gặp nhau trước ngày vào trại tập trung. Cũng như những nơi khác, sau ngày vào Mỹ Tho, chúng sử dụng mọi phương tiện kể cả những toán cán bộ đến các đường phố để tuyên truyền về điều mà chúng gọi là bách chiến bách thắng của xã hội chủ nghĩa. Một buổi sáng trong tuần lễ đầu tiên của tháng 5 năm 1975, một cán bộ cộng sản đi phỏng vấn có thu hình một bà trung niên, trang phục của bà cho thấy bà là người thành thị, tay xách giỏ đầy thức ăn. Hắn bước nhanh tới trước mặt bà:

“Chào bà. Tôi là cán bộ đài truyền hình cách mạng. Bà đi chợ xong rồi chứ?”

“Ừa. Tôi chỉ mua vài món thôi, ở nhà có cá rồi.”

Trả lời xong bà ta bước đi. Anh chàng tự xưng cán bộ bước nhanh theo:

“Nhà bà cách đây xa không?”

Bà sồn sồn vừa đi vừa trả lời: “Gần đây nè.”

Vừa trả lời bà ta vừa bước nhanh hơn, cứ như tránh họ thì phải. Một tên vác máy thu hình một tên cầm cái micro chạy theo. Với giọng như đứt quảng: 

“Xin bà cho biết, bà có vui mừng khi thấy cách mạng vào thành phố không?” 

“Có chớ. Vì cách mạng vô mấy ông giải phóng hổng còn bắn hỏa tiễn vô thành phố nữa, chớ trước đây họ bắn chết dân nhiều quá. Ác lắm ông ơi!”

Câu trả lời của bà làm cho họ đứng lại sững sờ như vừa “sụp đường mương” vậy. Anh bạn tôi vui lắm nhưng không dám cười vì sợ hai tên cộng sản này “thua me gở bài cào” thì phiền lắm.
Đúng là bà sồn sồn được phỏng vấn đó không biết cách mạng hay giải phóng là gì cả, mà chỉ biết rằng giải phóng thường pháo kích bắn giết đồng bào, cho nên bà nói có cách mạng vào thì hết quân giải phóng. Nhưng suy cho cùng, thế mà hay. Hay ở điểm, bà ấy chửi xéo quân cộng sản mà chính bà không biết, trong khi hai tên cộng sản bị chửi cũng không thể có biện pháp gì vì bà ta nói sự thật theo như hiểu biết của bà.

5 comments:

quang tran said...

trích=> Hơn một tiếng đồng hồ sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, đơn vị Thiết Giáp đầu tiên của quân cộng sản vào dinh Độc Lập. Từ giờ đó, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta bị nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam cai trị!
--------------------------------------------------------
Điều này 0 đúng,CS vào Dinh Độc Lập bắt Ô. DV Minh;chở đến Đài Phát Thanh để tuyên bố!

M.H. said...

Trả lời bạn Quang Tran

trích=> Hơn một tiếng đồng hồ sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, đơn vị Thiết Giáp đầu tiên của quân cộng sản vào dinh Độc Lập. Từ giờ đó, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta bị nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam cai trị!
--------------------------------------------------------
Điều này HOÀN TOÀN ĐÚNG !
Theo lời kể của nhà báo Vũ Ánh làm việc ở đài phát thanh SG ngày 30-4, thì có 2 lời tuyên bố của TT DVM. Lời tuyên bố đầu tiên phát hành vào 10h & 10h30 trong đó ông dùng từ 'BÀN GIAO'; nhưng vào 11h, khi CSBV tiến vào dinh Độc-Lập thì chúng bắt ông phải đổi lại thành 'đầu hàng vô điều kiện'.
Ông Vũ Ánh cắt nghĩa rõ ràng về chuyện này ở đây : https://youtu.be/eJJSv8rwIa0?t=4518 (phút 1:15:20)

Anonymous said...

STD_SOG
Tôi 0 biết Quang Tran nào? fải hiểu trên đời này có nhiều người lợi zụng cái tên (để zựng đứng
câu chuyện, hèn nhát "bán cái cho ngươi khác"?!
Tôi chưa biết Phạm Bá Hoa là ai? và cũng chưa trả lời câu nào về người này cã?!
Tôi chưa bao jờ nói Ô. Dương Văn Minh là TT (Tướng DV Minh và Tướng NC Kỳ, chỉ có Cấp bậc;
trong tháng 4/1975 cã 2 chẳng có => một Chức vụ nào cã?. Đó là lý zo tại sao người VN cứ bị
"lệ thuộc", vì 0 zám nhận những sự việc mình lam ra!!!
B50/BMT/CCS

Anonymous said...

STD_SOG
Nên nhớ từ khi Dinh Độc Lập bị Ng Thành Trung bỏ bom, thì SG bị Thiết Quân Luật 24/24.
Tất cã những Quân nhân đều zi chuyển theo Quân xa hàng đoàn, những cá nhân cho zù Cấp bậc nào
khi đi đến nút chận; đều bị yêu cầu quay trở lại. Nếu kháng cự họ sẽ bắn tại chổ! (nhưng những ai mà ở SG lâu, đều biết đi vào những hẽm nhỏ 'luồn lách' để tránh chốt chặn).
Còn nếu nói => đơn vị Thiết Giáp đầu tiên của quân cộng sản vào dinh Độc Lập. Từ giờ đó, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta bị nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam cai trị!
Đúng là stupid, nên coi lại trận đánh tại Ngã 4 Bảy Hiền - Tân Sơn Nhất (kế bên Bộ TTM), những xe Tank CS vào đầu tiên bị bắn cháy, ngay lúc đó có một chiếc Tank từ hướng cầu Thị Nghè
{zỉ nhiên trên hệ thống l/lạc họ biết cánh Tank ở Bộ TTM bị thiệt hại nặng}. Nên chiếc tăng tốc tối đa (sợ bị M72 như Tank ở TSN), fía trước xe Tank có để nữa thân hình lính VNCH {bên zưới tượng trưng Nam VN!. Nhưng 0 bao jờ CS đưa bức hình này lên {cô nữ Ký jã Pháp lú đó trước Dinh Độc Lập có chụp được, nhưng đã chết từ lâu!}. B50/BMT/CCS
(nếu ai cần biết thêm về những ngày cuối tháng 4/1975, tôi có thể đưa ra thêm, để bổ túc và đối chứng về Lịch sử bi thãm VNCH!!!) B50/BMT/CCS

Anonymous said...

. '''(@_@)''' ;;(@_@);;
. \ o / ( o )
.ki...ki, ki...ki....l'OO'k, l'OO'k !!!
trích => M.H. has left a new comment on the post "Chương 2 / Trước ngày vào trại tập trung.":

Trả lời bạn Quang Tran

trích=> Hơn một tiếng đồng hồ sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh,
đơn vị Thiết Giáp đầu tiên của quân cộng sản vào dinh Độc Lập. Từ giờ đó, Việt Nam Cộng Hòa
chúng ta bị nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam cai trị!
--------------------------------------------------------
Điều này HOÀN TOÀN ĐÚNG !
Theo lời kể của nhà báo Vũ Ánh làm việc ở đài phát thanh SG ngày 30-4, thì có 2 lời tuyên bố của TT DVM.
Lời tuyên bố đầu tiên phát hành vào 10h & 10h30 trong đó ông dùng từ 'BÀN GIAO'; nhưng vào 11h,
khi CSBV tiến vào dinh Độc-Lập thì chúng bắt ông phải đổi lại thành 'đầu hàng vô điều kiện'.
Ông Vũ Ánh cắt nghĩa rõ ràng về chuyện này ở đây : https://youtu.be/eJJSv8rwIa0?t=4518 (phút 1:15:20)

Post a comment.


Unsubscribe to comments on this post.

Posted by M.H. to Ký Sự Trong Tù / Đại Tá Phạm Bá Hoa at May 16, 2023, 12:22 PM
------------------------------------------------------------------
STD_SOG
M.H 30/04/75 ở đâu,làm jì?
Vũ Ánh (đã chết 2014) lúc 30/04/1975 thì chỉ biết về đài phát thanh SG {đường Nguyễn Bỉnh Khiêm}?
(Long Phan: Hơn 2 tháng sau cuộc phỏng vấn này (12-1-2014) thì ông Vũ Ánh qua đời (14-3-2014)).

còn Phạm Bá Hoa thì biết từ trại Lê Văn Duyệt (Biệt Khu Thủ Đô kế bên Quân Vụ Thị Trấn),
hiện nay là Viettel đường Cách mạng Tháng 8, Q10. Sau đó PB Hoa quẹo fải về đường Trần Quốc Toản,để đi vòng về Cư Xá Bắc Hải (Tô Hiến Thành), như vậy 30/04/1975 PB Hoa chỉ biết có một khúc đường.
Sở zỉ PB Hoa lúc ở trại LVD ra quẹo fải, mà 0 quẹo trái về Băc Hải cho gần? Vì lúc đó ở Bảy Hiền lính cã 2 bên đang quần nhau. Lính Nhảy Dù đang rút về theo con đường đó LVD (zân thì ẩn núp trong nhà,ai đi ngoài đường lạng wạng rất zể ăn đạn của cã 2 bên!). Sau buổi trưa thì lại có đám 30-04 mang băng Đỏ lượm súng bỏ ngoài đường, chạy xe bắn lung tung.
Còn miền Tây thì lính VNCH vẫn chiến đấu bình thường cho đến mấy tuần mới đầu hàng, còn đảo Phú Quốc thì cã mấy tuần tính từ 30/04/75 mới zi tản đi Côn Sơn (đến Côn Sơn thì tập trung toàn bộ lính, để way trở lại Phú Quốc tái lập BCH VNCH nhưng 0 thành, đành đi luôn tới SUBIC Bay, Philippine.

Luôn luôn nhà zột từ trên nóc zột xuống.
Thượng bất chánh thì Hạ tất loạn (làm bậy).
Chúng đi buôn

link => https://youtu.be/J8o2UcnoOBU
https://youtu.be/fcG6sAbxgYw


. airborne
. (((((0)))))
. ((((((()))))))
. ((((((((()))))))))
. \\ !\\ ///!/
. \!\\\ / /!
. ! \\\ /// !
. ! \ H / !
. ! \/ !
. l'OO'k => OK ¯\_(ツ)_/¯ OK <= l'OO'k
STD_SOG B50/BMT/CCS