lời nói đầu
*****
Thưa quí vị, quí bạn,
Trong quyển “Đôi Dòng Ghi Nhớ”, hồi ký chính trị từ năm 1963 đến trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, trình bày dưới dạng “chuyện kể” về những lệnh mà tôi nhận, những việc mà tôi làm, và những gì mà tôi nghĩ từ cuộc Đảo Chánh ngày 1/11/1963, cuộc Chỉnh Lý ngày 30/1/1964, cuộc Biểu Dương Lực Lượng ngày 13/9/1964, cuộc Đảo Chánh ngày 19/2/1965, quân đội nhận trách nhiệm Lãnh Đạo Quốc Gia từ ngày 19/6/1965, cuộc Khủng Hoảng Chính Trị từ ngày 9/3/1966, đến Những Tháng Cuối Cùng, Những Ngày Cuối Cùng, và Giờ Thứ 25 của cuộc chiến tranh bảo vệ tự do dân chủ. Nhà xuất bản Ngày Nay tại Houston đã ấn hành 4 lần: Năm 1994, 1995, 1998, và năm 2007. Tôi không vượt thoát được vì ước tính tình hình sai, nên bị cộng sản giam giữ trong các trại tập trung cùng với ít nhất là 222.809 bạn đồng đội mà họ gọi là “học tập cải tạo”.
Với quyển “Ký Sự Trong Tù” này, trong một góc độ nào đó, tôi cố gắng ghi lại nét nhìn của tôi khi quân cộng sản từ ngoài rừng tràn vào thủ đô Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, với nội dung chính được dựng lại một số góc cạnh xã hội của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 20 năm ngang qua những lần tiếp xúc với người dân và người lính cộng sản trong thời gian tôi bị giam tại các trại tập trung, đến vấn đề giáo dục trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một xã hội mà mọi người bị chế độ độc tài cộng sản bịt mắt bịt tai bịt miệng, riêng hằng nửa triệu gia đình công dân Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi mà cộng sản gọi là “ngụy quân ngụy quyền” càng bị đối xử hà khắc nghiệt ngã trong xã hội đó.
Biết rằng, đã có một số quyển hồi ký dựng lại nhiều góc cạnh khác nhau trong các trại tập trung và trong xã hội bị cộng sản cai trị, hiển nhiên là mỗi tác giả có hoàn cảnh khác nhau, nét nhìn khác nhau, nét nghĩ khác nhau, nhưng cho dù có khác nhau thế nào đi nữa, mọi hoàn cảnh đều bắt nguồn từ bản chất của lãnh đạo cộng sản Việt Nam độc đảng, độc tài, độc quyền, và độc ác. Rất mong những nhà viết sử sẽ gom góp được nhiều loại hồi ký phổ biến qua nhiều dạng khác nhau, để tạo nên dòng sử trung thực, đặc biệt là giai đoạn 1945 về sau.
Dòng lịch sử Việt Nam từ xa xưa đến nay, cho dù chế độ phong kiến hay thực dân, chưa bao giờ người dân bị cai trị khắc nghiệt cho bằng chế độ cộng sản Việt Nam. Họ luôn miệng tự xưng là cách mạng, nhưng thực chất sinh hoạt trong xã hội xã hội chủ nghĩa, chẳng những không có gì khác với bản chất những triều đại vua quan phong kiến Trung Hoa cai trị đất nước ta xấp xỉ một ngàn năm, mà bản chất đó còn cộng thêm tính gian manh xảo trá và cướp đoạt rất tinh vi. Cộng sản Việt Nam với bản chất không phục vụ người dân mà họ sử dụng người dân như một loại phương tiện đa dụng để phục vụ đảng, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một nền giáo dục chỉ đào tạo những tầng lớp thần dân để tuân phục họ, và họ luôn trưng dẫn đảng cộng sản như tấm bình phong che chắn bản chất của chúng. Cộng sản cưỡng bách người dân phải trả cái giá ngoài sức tưởng tượng của những con người tử tế trong xã hội!
Với lịch sử, đây là tội ác ghê tởm nhất của các nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam mà trong thời kỳ hậu cộng sản ít nhất phải hai thế hệ sau đó, giáo dục mới đào tạo được những thế hệ tử tế để cùng nhau khôi phục một xã hội nhân bản phục vụ người dân, trên nền tảng văn hoá Việt Nam kết hợp hài hòa với khoa học kỹ thuật thế giới thích ứng để xây dựng và phát triển đất nước.
“Ký Sự Trong Tù” kết thúc khi vợ chồng tôi rời Việt Nam ngày 29 tháng 3 năm 1991 trong đợt HO5, tị nạn chính trị trên đất nước Hoa Kỳ ngày 5/4/1991.
Thưa quí Anh mà tôi nêu tên trong quyển Ký Sự này, vì tôi trình bày dưới dạng chuyện kể, sự thật mà tôi ghi chép cũng như còn nhớ như thế nào tôi kể lại như thế ấy, nên tôi đã dùng tên thật của quí Anh như là nhân chứng của từng sự kiện. Đáng lẽ phải xin phép quí Anh trước, nhưng vì không có địa chỉ cũng như điện thoại của quí Anh nên tôi không thể thực hiện, rất mong được quí Anh vui lòng thứ lỗi. Chân thành cảm tạ quí Anh.
Bây giờ mời độc giả vui lòng theo tôi vào chuyện …
Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Bắt đầu viết ngày 02/01/2006.
Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa.
Cựu tù nhân chính trị.
HO 5
No comments:
Post a Comment